Dịch bệnh Covid-19 có nguy cơ thổi bay nỗ lực xử lý nợ xấu

11:53 | 24/04/2020

335 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Giám đốc một ngân hàng cho hay, tác động từ dịch Covid-19 có nguy cơ thổi bay nỗ lực xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng trong mấy năm qua.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đề ra mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ xử lý nợ xấu của toàn hệ thống ở mức 3% với điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, gia tăng sức chống chịu cho các tổ chức tín dụng (TCTD) trước các cú va đập, cú sốc từ kinh tế bên ngoài.

Thế nhưng, trong suốt cả quý I/2020, sự bùng phát của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của thế giới, trong đó có Việt Nam. Kinh tế vĩ mô đã phải chịu những tác động tiêu cực, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đình trệ, hàng loạt ngân hàng phải đưa ra phương án để đối phó. Những tác động tiêu cực của dịch bệnh khiến vấn đề xử lý nợ xấu trở nên khó khăn, thậm chí ở nhiều ngân hàng tỷ lệ nợ xấu đang ở nguy cơ tăng cao.

dich benh covid 19 co nguy co thoi bay no luc xu ly no xau
Dịch Covid-19 có nguy cơ thổi bay nỗ lực xử lý nợ xấu

Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu tại các TCTD được ban hành hơn 2 năm qua đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD trước đây. Lũy kế từ 15/8/2017 (thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến 31/8/2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 236,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42.

Tính trung bình từ 15/8/2017 đến 31/8/2019, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 9,6 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 4,7 nghìn tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ 2012-2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.

Số liệu từ NHNN cho hay, kết thúc năm 2019, ngành Ngân hàng đã hoàn thành mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống 1,89%, gộp cả nợ xấu tiềm ẩn, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) khoảng 4,65%.

Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế khiến các ngân hàng phải lên kịch bản đối phó với Covid-19, từ lạc quan đến tiêu cực.

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại thừa nhận, dù trong kịch bản lạc quan nhất tính cả nợ được cơ cấu lại, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN thì nợ xấu của ngân hàng này tăng ít nhất 0,5% trong năm nay. Còn với kịch bản xấu, tỷ lệ nợ xấu có thể tăng cao hơn.

Đồng thời, vị giám đốc này cũng cho rằng, tác động từ dịch Covid-19 có nguy cơ thổi bay nỗ lực xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng trong mấy năm qua.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, khác với trước đây, lần này nợ xấu phát sinh cả từ các khách hàng tốt. Vì rủi ro khách quan với mức độ tác động rất lớn khiến cho cả khách hàng lẫn ngân hàng không thể chống đỡ được. Đây là một loại rủi ro khách quan không chống đỡ được bằng quy trình nghiệp vụ ngân hàng. Dù hệ thống quản lý rủi ro vững vàng, nhưng đây là loại rủi ro đến từ dịch bệnh rất khó tính toán nên ngân hàng không tránh khỏi nợ xấu.

Đánh giá sơ bộ của NHNN cho hay, đến nay dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm 23% dư nợ toàn hệ thống, tiềm ẩn rủi ro với hoạt động ngân hàng.

Hiện các ngân hàng đang chủ động đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp, như giảm lãi suất tối đa 2%/năm, giãn, hoãn nợ, cơ cấu lại nợ… kịp thời cho các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp bị sụt giảm từ 50% doanh thu trở lên để không rơi vào nhóm nợ xấu.

Không chỉ đối với các doanh nghiệp bị tác động mạnh từ dịch Covid-19, những doanh nghiệp dự báo dòng tiền trong tương lai bị sụt giảm, ngân hàng cũng sẽ cùng doanh nghiệp phân tích mức độ ảnh hưởng để đưa ra các biện pháp hỗ trợ kịp thời nhằm giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động, đảm bảo hiệu quả kinh doanh.

Thời gian qua, để có nguồn lực dự phòng xử lý nợ xấu, các ngân hàng đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro. Nhờ đó hiện nhiều ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức rất lớn, thậm chí như Vietcombank, tỷ lệ này lên tới 182%. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng liên tục rao bán nhiều bất động sản có giá trị lớn để nhanh chóng thu hồi nợ.

M.T

dich benh covid 19 co nguy co thoi bay no luc xu ly no xauNhiều ngân hàng sẽ đối mặt với khó khăn lớn trong quý II/2020
dich benh covid 19 co nguy co thoi bay no luc xu ly no xauẢnh hưởng dịch bệnh, tín dụng tiêu dùng có dễ trở thành nợ xấu?
dich benh covid 19 co nguy co thoi bay no luc xu ly no xauXử lý gần 3.000 tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp