Đi tìm con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp

14:49 | 12/10/2013

1,105 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong khi Hà Nội và tỉnh Quảng Bình đang đề xuất, tìm kiếm những con đường đẹp, bề thế để đặt tên đường Võ Nguyên Giáp thì tại TP Đồng Hới, hơn nửa thế kỷ trước đã có một con đường mang tên của Đại tướng.

Con đường đó chính là đường Lý Thường Kiệt, Hùng Vương, Quang Trung ngày nay ở TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Qua tìm hiểu, chúng tôi đã đến nhà ông Nguyễn Hữu Huy, số 16 Nguyễn Phạm Tuân, tổ dân số 1 phường Hải Đình, TP Đồng Hới. Ông Huy là người giữ nguồn thông tin về việc có một người bà con (anh em cô cậu) sở hữu một tấm bản đồ đặc biệt. Ông Huy đang chữa trị bệnh ở cổ nên việc giao tiếp phải qua viết sổ.

Ông Bính bên tấm bản đồ quý sưu tầm được

Ông cho biết, gia đình ông sống ở đây đã ngót 100 năm rồi. Trước kia, ngôi nhà ông đang ở cách chợ Đồng Hới 100m, và cách đường Võ Nguyên Giáp 100m nên mọi chi tiết về con đường mang tên Đại tướng ông rất tường tận. Theo ông Huy thì đường Võ Nguyên Giáp là một đoạn của đường quốc lộ 1 chạy qua phường Hải Đình bây giờ. Khi đặt tên cho đường, một điều đặc biệt là ở Đồng Hới, mặc dù Đại tướng còn sống vẫn đặt tên đường để vinh danh công lao to lớn của Đại tướng.

Ông Huy vừa viết vừa rơm rớm nước mắt: “Đại tướng là vị tướng toàn tài. Trên thế giới này có vị lãnh đạo nào mất mà toàn dân khóc? Chỉ có Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất là toàn dân, toàn quân khóc”.

Mặc dù con đường mang tên Đại tướng đã không còn nhưng trong thâm tâm ông vẫn trọn vẹn một kỷ niệm về con đường ấy.

Đường Võ Nguyên Giáp chạy dọc thị xã Đồng Hới đến Cầu Dài

Trong tiết trời mưa của Đồng Hới, theo chỉ dẫn của ông Huy, chúng tôi vượt 8km theo hướng đường Hồ Chí Minh (nhánh Đông) tìm về nhà ông Hoàng Trọng Bính (tổ dân số 8, phường Đồng Sơn, thành phố Đồng Hới). Ông Bính chính là người lưu giữ tấm bản đồ quý có đường Võ Nguyên Giáp.

Giai đoạn 1954 – 1960, thị xã Đồng Hới chỉ có 4 khu phố và 1 xã bao gồm Đồng Hải, Đồng Phú, Đồng Đình, Đồng Mỹ và xã Bảo Ninh. Hiện nay, thành phố Đồng Hới mở rộng lên 10 phường và 6 xã. Theo tấm bản đồ thị xã Đồng Hới năm 1960 thì đường Võ Nguyên Giáp chạy qua 4 khu phố chính của thị xã. Hiện nay, chính là đoạn đường quốc lộ 1 (đường Lý Thường Kiệt, Hùng Vương, Quang Trung) chạy từ cầu Hải Thành đến Cầu Dài, chiều dài chừng 2,5 km.

Ông Bính kẹp tấm bản đồ vào cuốn sách ông viết

Theo lời kể của ông Bính, năm 1955, tỉnh Quảng Bình đặt tên con đường chạy xuyên qua thị xã Đồng Hới là đường Võ Nguyên Giáp. Con đường tồn tại được 10 năm, đến năm 1965, khi giặc Mỹ mở rộng bắn phá khu vực Vịnh Bắc Bộ, khu IV, trong đó thị xã Đồng Hới bị bom đạn tàn phá nặng nề. Từ đó, mọi công tác tôn tạo, xây mới các con đường đều bị dừng. Người dân vẫn gọi con đường dài 2,5 km ấy là đường Võ Nguyên Giáp. Nhiều lần về thăm quê, Đại tướng có biết và cũng vui vẻ khuyên rằng: “Tôi đã đi đâu mà đặt tên đường” (theo lời kể của ông Bính).

Năm 1977, Nhà nước nhập 3 tỉnh ở khu IV thành tỉnh Bình Trị Thiên, đến năm 1989 thì lại tách ra làm 3 tỉnh. Đến năm 1992, UBND tỉnh Quảng Bình thiết lập lại tên các con đường và đặt lại tên đường. Đường Võ Nguyên Giáp không còn trên bản đồ địa chính của tỉnh nữa; nay đã thành con đường Lý Thường Kiệt, Hùng Vương, Quang Trung.

Thị xã Đồng Hới năm 1960

Ông Bính là người may mắn sở hữu tấm bản đồ quý đó, tuy rằng nó chỉ là phụ bản được phô tô, không phải là bản gốc. Ông từng làm chủ nhiệm hợp tác xã Động Hải suốt 30 năm. Năm 1986, ông về hưu và có ý định sưu tầm tài liệu để viết sách về quê hương Động Hải. Động lực đó đã giúp ông thu thập tài liệu và viết sơ bộ bằng tay quyển “Động Hải – làng phố biển quê ta”. Trong quá trình thu thập tài liệu, ông đã sưu tầm được tấm bản đồ thị xã Đồng Hới năm 1960.

Ngày 19/8/2004, ông xuất bản cuốn sách trên và có kẹp vào sách tấm bản đồ quý đó. Khi viết sách, ông được ông Phạm Y, một người con Đồng Hải, thị xã Đồng Hới cũ giúp đỡ nhiều tài liệu và tài chính in 60 quyển sách. Hiện nay, cuốn sách “Động Hải – làng phố biển quê ta” đã được ông tặng gần hết và gần như chắc chắn có 60 tấm bản đồ thị xã Đồng Hới năm 1960 kèm theo.

Thành cổ Đồng Hới chụp năm 1930; năm 1960, đường Võ Nguyên Giáp chạy qua Thành cổ này.

Đây là một tư liệu quý, là chứng tích lịch sử của nhân dân Đồng Hới đã từng đặt tên đường là đường Võ Nguyên Giáp. Mặc dù tên đường không còn nhưng tình cảm của nhân dân Quảng Bình dành tặng Đại tướng vẫn lưu truyền mãi suốt hơn 50 năm nay.

Đức Chính