Di chúc của Tôn Trung Sơn được viết như thế nào?

13:47 | 28/03/2019

8,592 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - “Tôi dốc hết sức mình cho cuộc cách mạng của quốc dân trên 40 năm, mục đích là cầu mong cho Trung Quốc được tự do bình đẳng, gom góp kinh nghiệm của 40 năm, thầm biết rằng muốn đạt được mục đích đó, cần phải thức tỉnh dân chúng và liên hiệp thế giới lấy sự bình đẳng để đối xử với dân tộc tôi cùng nhau phấn đấu”.

Trước khi ra đi, Tôn Trung Sơn để lại ba phần di chúc: “Di chúc chính trị”, “Di chúc về việc nhà”, “Di thư gửi Chính phủ Liên Xô”. Đoạn dẫn trên là một phần của “Di chúc chính trị”.

di chuc cua ton trung son duoc viet nhu the nao

Tôn Trung Sơn

Ngày 23/10/1924, Phùng Ngọc Tưởng và những người trong đảng phái phát động cuộc chính biến Bắc Kinh, lật đổ chính phủ hối lộ quân phiệt Tào Côn, phát bức điện giải quyết việc nước bằng phương pháp hòa bình cùng “Đề cương xây dựng đất nước” và mời Tôn Trung Sơn khi ấy đang còn ở phương Nam lên Bắc Kinh để chủ trì kế lớn. Tôn Trung Sơn muốn triệu tập Hội nghị quốc dân ở Bắc Kinh để thủ tiêu điều ước không bình đẳng, nên ngày 27 điện báo cho Phùng Ngọc Tưởng là ông đồng ý vào Bắc Kinh để cùng bàn bạc việc nước. Ngày 10/11, Tôn Trung Sơn đọc “Tuyên ngôn Bắc thượng” nổi tiếng, ông tuyên bố mục đích lên Bắc Kinh lần này, đối nội là “đánh đổ chế độ quân phiệt”, đối ngoại là “lật đổ chủ nghĩa đế quốc mà bọn quân phiệt dựa vào để tồn tại”. Ngày 13, Tôn Trung Sơn cùng với vợ là Tống Khánh Linh và một số người khác chính thức lên đường đến Bắc Kinh, ông đi qua Hồng Kông, Thượng Hải rồi vòng qua Nhật Bản, ngày 4/12 thì đến Thiên Tân. Suốt cuộc hành trình, Tôn Trung Sơn được các giới chức trong xã hội nhiệt liệt hoan nghênh, đi đến đâu ông cũng tranh thủ diễn thuyết, tiếp kiến với đại biểu các giới trong xã hội và giới báo chí để tuyên truyền chủ trương chính trị của mình.

Khi đến Thiên Tân ông cảm thấy khó chịu trong người, ban đầu là bị cảm, sau đó là đau gan và dạ dày nên đành phải nghỉ ngơi hơn 10 ngày. Ngày 18/12, khi ông vừa bình phục thì phải tiếp kiến ngay đoàn đại biểu của phái Đoàn Kỳ Thụy. Vì phản đối họ Đoàn “tôn trọng” điều ước không bình đẳng nên Tôn Trung Sơn quá giận dữ, khiến bệnh gan tái phát, đành phải vào Bắc Kinh điều dưỡng. Ngày 31/12, Tôn Trung Sơn “ôm bệnh” đến Bắc Kinh, ông được các đoàn thể, các giới và toàn thể nhân dân hoan nghênh nhiệt liệt.

Để thuận tiện cho việc điều trị và tránh ưu phiền, Tôn Trung Sơn quyết định ở tại căn phòng 506 nhà hàng ăn uống Bắc Kinh, các nhân viên đi theo thì ở trong dinh của Cố Duy Quân trong ngõ Sư Tử Sắt - một hành dinh do Chính phủ Đoàn Kỳ Thụy chuẩn bị sẵn. Tối hôm đó, Lưu Thụy Hằng, quyền Viện trưởng Bệnh viện Hiệp Hòa, Bắc Kinh được mời đến chẩn bệnh, sau đó lại mời thêm Lude - bác sĩ người Mỹ, Keli, Dipper - bác sĩ người Đức cùng các bác sĩ của Bệnh viện Hiệp Hòa và bác sĩ người Nga, tổng cộng 7 người đến hội chẩn. Cuối cùng bệnh của Tôn Trung Sơn được quyết định điều trị bằng phương pháp nội khoa, do Keli bác sĩ người Đức chịu trách nhiệm. Tôn Trung Sơn trong khi bị bệnh vẫn phải tiếp kiến quá nhiều nhân sĩ khắp nơi đến thăm. Để ông được yên tâm tĩnh dưỡng nhưng không lạnh nhạt với lòng nhiệt tình của mọi người, đành phải phân công Uông Tinh Vệ, Vu Thụ Đức, Hoàng Xương Cốc thay mặt Tôn Trung Sơn đón tiếp các đoàn quân chính, các nhân sĩ xã hội và nhà báo.

Ngày 21/1/1925, bệnh tình của Tôn Trung Sơn càng nặng thêm, ngày 26 đành phải tiến hành phẫu thuật, lúc này mới phát hiện ông bị ung thư gan. Bệnh viện từng dùng tia phóng xạ để điều trị nhưng không có kết quả, tây y đành bó tay. Ngày 18/2, Tôn Trung Sơn từ Bệnh viện Hiệp Hòa được chuyển đến hành quán Sư Tử Sắt để điều trị bằng đông y, nhưng vẫn vô hiệu, đành phải đặt ra việc lập di chúc. Nhưng quá trình lập bản thảo của ba phần di chúc thì theo hồi ức của mọi người không giống nhau.

Căn cứ vào lời nói của Uông Tinh Vệ - người ghi chép di chúc - thì việc đầu tiên là do y tá nêu ra. Ngày 24/2, vì Tôn Trung Sơn bệnh tình nguy cấp, y tá dặn dò những người trong gia đình và cán bộ Quốc dân đảng thỉnh thị Tôn Trung Sơn, trên thực tế là yêu cầu Tôn Trung Sơn lập di chúc. Những người Quốc dân đảng ở Bắc Kinh cùng đề xuất 4 người là Uông Tinh Vệ, Tôn Khoa, Tống Tử Văn, Khổng Tường Hy lo liệu việc này. Ngày hôm đó 4 người trên được sự đồng ý của Tống Khánh Linh, để bà ra khỏi phòng bệnh rồi mới cùng nhau đến bên giường bệnh của Tôn Trung Sơn. Khi Tôn Trung Sơn đang nửa tỉnh nửa mê thì được mọi người đánh thức dậy, họ chưa dám nói thẳng đến chuyện mời Tôn Trung Sơn lập di chúc, đành nói xa xôi rằng: “Sau khi tiên sinh vào viện, các đồng chí đều trách chúng tôi là vì sao không mời tiên sinh lưu lại lời giáo hối”.

di chuc cua ton trung son duoc viet nhu the nao

Tôn Trung Sơn và vợ - Tống Khánh Linh

di chuc cua ton trung son duoc viet nhu the nao

Ban đầu Tôn Trung Sơn không muốn nói gì, mãi sau mới tỏ thái độ rằng, nếu bệnh của ông ngày càng thuyên giảm thì ông muốn nói rất nhiều điều, chỉ cần đến suối nước nóng nghỉ ngơi, suy nghĩ mấy ngày rồi sau đó sẽ nói. Nếu không may qua đời thì nói ra có tác dụng gì? 4 người này nhiều lần thỉnh cầu. Tôn Trung Sơn nhắm mắt suy nghĩ rất lâu, sau đó mới nói: “Tôi muốn để lại vài lời cho các anh nhưng có rất nhiều điều nguy hiểm. Hiện nay có rất nhiều kẻ thù đang vây khốn chúng ta. Sau khi tôi mất đi, kẻ thù càng tiến công các anh dữ dội, thậm chí còn dùng nhiều biện pháp để làm mềm hóa các anh, nếu dùng biện pháp cứng rắn để đối kháng thì thiệt hại càng lớn, vô cùng nguy hiểm. Cho nên không nói có thể là tốt nhất, như vậy thì các anh nên tùy hoàn cảnh mà ứng phó sẽ dễ dàng hơn”.

Nhưng 4 người này cứ một mực cho rằng không sợ kẻ thù vây khốn, lúc đó Tôn Trung Sơn mới nói: “Cần đặc biệt chú ý hai điều. Một là, thức tỉnh dân chúng; hai là, liên hiệp thế giới lấy lại sự bình đẳng để đối xử với dân tộc ta mà cùng nhau phấn đấu”. Uông Tinh Vệ nghe xong liền ghi ghi chép lại những lời nói đó, rồi tổng hợp tất cả các lời nói và những bài viết của Tôn Trung Sơn: “Chúng tôi hiện đã chuẩn bị một bản thảo, chúng tôi xin đọc, mời tiên sinh nghe, nếu tiên sinh tán thành, xin tiên sinh ký tên, coi đấy là lời của tiên sinh. Nếu tiên sinh không tán thành thì xin ban cho mấy lời, tôi sẽ ghi lại”. Tôn Trung Sơn ra vẻ đồng ý. Uông Tinh Vệ cầm bản thảo “Di chúc chính trị” đọc nhỏ cho Tôn Trung Sơn nghe. Tôn Trung Sơn nghe xong gật đầu nói: “Rất tốt, tôi tán thành”. Sau đó là “Di chúc việc nhà”. Tôn Trung Sơn nghe xong cũng rất tán thành. Vậy “Di chúc chính trị”, “Di chúc việc nhà” của Tôn Trung Sơn là do Uông Tinh Vệ thảo và quyết định bản thảo bên giường của Tôn Trung Sơn.

Nhưng Tôn Khoa và Hoàng Xương Cốc làm thư ký khi Tôn Trung Sơn còn sống và là người chứng kiến di chúc, sau này lại nói rằng “Di chúc chính trị” là do Uông Tinh Vệ dự thảo trước rồi mang và trước giường đọc cho Tôn Trung Sơn nghe, sau đó quyết định bản thảo, không đề cập đến nội dung Tôn Trung Sơn kể bằng miệng và việc ông Uông thảo di chúc trước giường bệnh. Trong bài “Quá trình khởi thảo di chúc của Tôn tiên sinh”, Vu Thụ Đức - người của Quốc dân đảng ở Bắc Kinh có thuật lại quá trình khởi thảo di chúc tại bệnh viện của Uông Tinh Vệ. Ông nói: “Uông Tinh vệ nêu vấn đề khởi thảo di chúc của Tôn Trung Sơn, mọi người cùng đề nghị Ngô Trĩ Huy khởi thảo. Hội nghị tiếp sau đó, Ngô Trĩ Huy đọc bản thảo di chúc. Đại ý là khích lệ các đồng chí đảng viên hoàn thành chí nguyện mà mình chưa làm được; lời văn không dài, chưa đến 100 chữ. Câu cuối cùng là “Cố gắng vươn lên!”. Lời văn quá chua xót. Uông Tinh Vệ nói bản thảo này không tốt, không thể hiện được tinh thần cách mạng của Tôn tiên sinh, cũng không thể cổ vũ được ý chí chiến đấu cách mạng của các đồng chí đảng viên, rồi thông báo với mọi người rằng, tự mình sẽ cố gắng khởi thảo di chúc. Kỳ hội nghị sau, Uông Tinh Vệ mang thảo di chúc do mình khởi thảo đọc trước hội nghị, sau nhiều lần thảo luận, mọi người đều nhất trí cho rằng bản thảo này tốt hơn nhiều so với bản thảo của Ngô Trĩ Huy. Hội nghị thông qua bản thảo của Uông Tinh Vệ mà không sửa chữ nào. Từ đó thấy rằng, di chúc không phải khởi thảo trước giường bệnh của Tôn Trung Sơn mà là đã được chuẩn bị trước.

Nhưng Hà Hương Ngưng - một nhân chứng khác - sau này kể lại rằng “Di chúc chính trị” là do Tôn Trung Sơn nói bằng miệng trên giường bệnh và Uông Tinh Vệ ghi chép lại thành bản thảo. Trong bài văn “Hòa bình, phấn đấu của Trung Quốc” Hà Hương Ngưng viết: “Ngày 22/2, họ và Tôn Trung Sơn bàn đến việc lập di chúc, đến ngày 24 thì di chúc được viết xong. Có 3 người dự thảo di chúc: một là người thường hay đọc các văn bản khi Quốc dân đảng triệu tập hội nghị; Tôn Trung Sơn nói miệng; Uông Tinh Vệ ở bên cạnh ghi lại”. Hà Hương Ngưng còn nói, nguyên văn câu nói miệng trong di chúc của Tôn Trung Sơn là “các dân tộc bị áp bức trong liên hiệp thế giới cùng phấn đấu”. Uông Tinh Vệ sửa thành “liên hiệp thế giới lấy sự bình đẳng để đối xử với dân tộc tôi cùng nhau phấn đấu”.

Đối với “Di chúc về việc nhà”, vì quan hệ không rộng lớn nên trong hồi ức không có khác biệt gì nhiều. Nhưng “Di thư gửi Chính phủ Liên Xô” thì không như vậy. Di thư này có quan hệ trực tiếp đến chủ trương chính trị của Tôn Trung Sơn nên trong hồi ức của mọi người có chỗ khác biệt. Căn cứ vào lời nói của Uông Tinh Vệ, di thư này là do Trần Hữu Nhân thảo ra, trong “Quốc phụ niên phả” lại nói Bào La Đình và Trần Hữu Nhân khởi thảo. Nhưng theo hồi ức của Hà Hương Ngưng, ngày hôm đó, Tôn Trung Sơn nói bằng tiếng Anh, do Bào La Đình, Trần Hữu Nhân, Tống Tử Văn, Tôn Khoa ghi lại. Sự thực có thể là Tôn Trung Sơn nói những nội dung chính của di thư, sau đó do Trần Hữu nhân ghi lại, chỉnh lý và được Tôn Trung Sơn đồng ý.

Sau khi quyết định bản thảo di chúc và di thư, Uông Tinh Vệ mời Tôn Trung Sơn ký tên ngay, lúc đó Tôn Trung Sơn nghe tiếng khóc quá đau đớn của Tống Khánh Linh ở ngoài cửa nên nói với Uông Tinh Vệ: “Anh hãy tạm cất đi, tôi vẫn còn sống được mấy ngày nữa”. Uông Tinh Vệ nghe thế không dám mời Tôn Trung Sơn ký tên nữa. Nhưng đến ngày 11/3, vào buổi sáng trước một ngày Tôn Trung Sơn tạ thế, lúc Hà Hương Ngưng vào phòng bệnh của Tôn Trung Sơn, thấy mắt của Tôn Trung Sơn bắt đầu hoảng loạn, liền vội vàng lui ra nói với Uông Tinh Vệ: “Bây giờ không thể không mời tiên sinh ký tên, nhưng điều khó nhất là làm sao có thể khiến cho Tôn phu nhân nén chịu được nỗi đau? Tiên sinh là người nhân ái, nếu ông nghe phu nhân khóc lóc bên cạnh thì nhất định không chịu ký tên, vì vậy sẽ càng làm cho phu nhân đau khổ”. Uông Tinh Vệ đồng ý.

Hà Hương Ngưng cùng với Tống Tử Văn đi tìm Tống Khánh Linh, nói rõ việc ký tên vào di chúc. Tống Khánh Linh nghe xong nén chịu nỗi đau thương nói: “Đến lúc này thì tôi không ngăn cản các anh nữa, tôi sẽ giúp đỡ các anh”. Thế là Uông Tinh Vệ tập hợp gia thuộc và những người của Đảng Bắc Kinh lo chạy chữa cho Tôn Trung Sơn là Tống Tử Văn, Tôn Khoa, Trâu Lỗ, Thiệu Nguyên Xung, Khổng Tường Hy, Ngô Trĩ Huy, Hà Hương Ngưng, Đới Thủy Đào, Đới An Sai… và Tống Khánh Linh cùng đến bên giường bệnh của Tôn Trung Sơn. Uông Tinh Vệ rút trong túi áo ra hai phần di chúc trình lên Tôn Trung Sơn, Tôn Khoa rút bút máy ra đưa cho bố.

Lúc đó, tay Tôn Trung Sơn quá yếu, cầm bút hơi run, không tự giữ được bút, Tống Khánh Linh nuốt nước mắt đỡ cổ tay chồng giúp cho chồng ký tên. Dưới hai phần di chúc, Tôn Trung Sơn đều viết: “Tôn Văn, ngày 11/3, ký tên” và dặn sau khi ông mất thì công bố. Tôn Trung Sơn ký tên xong, Uông Tinh Vệ ký tên vào phần dành cho người ghi chép, những người khác đều ký tên vào phần người chứng kiến. Còn “Di thư gửi Chính phủ Liên Xô” thì Tôn Trung Sơn ký vào lúc nào? Lúc đó có những ai chứng kiến, trong di thư không nói rõ, những người có mặt lúc đó cũng không ghi hồi ức gì cả nên không thể biết được.

Ngày 12/3/1925, sau khi Tôn Trung Sơn tạ thế, một số người trong Quốc dân đảng cho rằng, di chúc của Tôn Trung Sơn là do thư ký dự thảo. Về vấn đề này, Hoàng Xương Cốc, thư ký của Tôn Trung Sơn đã viết lời bạt sau bài “Nói rõ tình hình Đại nguyên soái lên Bắc Kinh tạ thế vì bệnh trọng” đã phản bác lại điều trên và nói: “Bất luận là người nào soạn thảo, nếu đã thông qua người chủ và sau đó người chủ đã ký tên thì không còn là ý của người soạn thảo nữa mà chính là ý của người ký tên. Đó là thông lệ trong, ngoài, xưa và nay?”. Trên thực tế, di chúc của Tôn Trung Sơn, đặc biệt là “Di chúc chính trị” và “Di thư gửi Chính phủ Liên Xô” không phải do Uông Tinh Vệ khởi thảo mà làm mất đi hay hạ thấp giá trị, càng không phải vì sau này Uông Tinh Vệ phản bội Tổ quốc, đầu hàng kẻ địch mà mất đi ý nghĩa tích cực của nó. Quá trình viết di chúc hoàn toàn không rõ ràng, điều này cần được nghiên cứu kỹ thêm.

V.H

(Theo Tân hoa văn trích)