Đề xuất tăng trần khung giá đất

15:02 | 13/11/2019

724 lượt xem
|
(PetroTimes) - Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa gửi UBND TP HCM đề xuất một số kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung khung giá đất (mới) cho giai đoạn 2019-2024.    
de xuat tang tran khung gia datĐấu giá 4 lô đất ở Thủ Thiêm
de xuat tang tran khung gia datGiá đất Nhơn Trạch 'rượt đuổi' Cát Lái
de xuat tang tran khung gia datChính phủ ban hành Nghị định về khung giá đất

Theo HoREA, Bảng giá đất của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hiện chỉ bằng khoảng 30-50% giá đất thực tế trên thị trường. Đây là điểm bất hợp lý vì không đảm bảo được nguyên tắc định giá đất phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường, theo quy định tại Điều 112 Luật Đất đai.

de xuat tang tran khung gia dat
Bảng giá đất của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hiện chỉ bằng khoảng 30-50% giá đất thực tế trên thị trường

Cụ thể như TP HCM, mức giá đất để tính nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước của 3 tuyến đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ hiện nay là 405 triệu đồng/m2; Giá đất của đường Lê Duẩn là 275 triệu đồng/m2, đều thấp hơn rất nhiều so với giá thực tế thị trường. Đơn cử vào năm 2014, đấu giá mặt bằng số 23 Lê Duẩn, quận 1, diện tích 3.000 m2, có giá khởi điểm là 550 tỷ đồng (183,3 triệu đồng/m2), giá trúng đấu giá lên đến 1.430 tỷ đồng (476,6 triệu đồng/m2), gấp 2,6 lần giá khởi điểm.

Do đó, góp ý để xây dựng khung giá đất mới giai đoạn 2019-2024, HoREA đã nghiên cứu và đưa ra 3 phương án. Các phương án là giữ nguyên mức giá tối thiểu và Phương án 1 là tăng gấp đôi mức giá tối đa; Phương án 2 là tăng gấp rưỡi mức giá tối đa; Phương án 3 là tăng khoảng 1/3 mức giá tối đa so với mức giá hiện nay.

Trong các phương án đưa ra, HoREA nhận định rằng, Phương án 1, 2 có mức giá tăng quá cao, sẽ tác động đẩy giá thị trường bất động sản lên cao, đặc biệt là đẩy giá đất của các dự án, tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp, các ngành kinh tế khác và môi trường đầu tư, kể cả trong việc thu hút dòng vốn FDI.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, Khung giá đất, Bảng giá đất là một trong những cơ sở quan trọng để tính toán tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế thu nhập do chuyển nhượng bất động sản, giá khởi điểm đấu giá… sẽ giúp bồi dưỡng nguồn thu ngân sách Nhà nước, nhưng nếu biên độ tăng giá trong Khung giá đất, Bảng giá đất quá lớn thì có thể dẫn đến việc tận thu. Trước mắt, có thể làm cho nguồn thu ngân sách tăng, nhưng về lâu dài có thể lợi bất cập hại, bởi vì có thể dẫn đến doanh nghiệp thu hẹp hơn quy mô sản xuất kinh doanh, người dân không làm được “sổ đỏ” dẫn đến giao dịch ngầm, mà hệ quả là có thể làm sụt giảm nguồn thu của Nhà nước.

Do đó, HoREA cho rằng, mức tăng trần Khung giá đất lên 1/3 so với hiện nay là hợp lý nhất. Cụ thể, theo phương án này với TP HCM, Khung giá đất ở tối thiểu là 1,5 triệu đồng/m2 và tối đa là 215,4 triệu đồng/m2. Khung giá đất thương mại, dịch vụ tối thiểu là 1,2 triệu đồng/m2 và tối đa 172,3 triệu đồng/m2; Khung giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp thì giá tối thiểu là 900 nghìn đồng/m2, tối đa là 129,2 triệu đồng/m2.

Theo phương án này và căn cứ Nghị định 44/2014/NĐ-CP, TP HCM có thể quy định Bảng giá đất với mức giá đất cao hơn nhưng không quá 30% so với Khung giá đất. Như vậy, giá đất tối đa trong Bảng giá đất có thể là: Giá đất ở tối đa 280 triệu đồng/m2; Giá đất thương mại, dịch vụ tối đa 223,9 triệu đồng/m2; Giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tối đa 167,9 triệu đồng/m2. Đồng thời, khi áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm, ví dụ: Hệ số Khu vực 1 năm 2019 là 2,5 lần thì giá đất tương ứng để thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước sẽ là: Giá đất ở tối đa 700 triệu đồng/m2; Giá đất thương mại, dịch vụ tối đa 559,7 triệu đồng/m2; Giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tối đa 419,7 triệu đồng/m2.

Mai Phương