Đề xuất phương pháp xây dựng biểu giá bán lẻ ​điện sinh hoạt của Việt Nam [Kỳ 2]

17:00 | 08/09/2020

237 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong kỳ này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam đề xuất phương pháp xây dựng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt với một số tính toán minh họa về phân định biểu giá, trên cơ sở số liệu thực tế năm 2019 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN. (Do vấn đề quá phức tạp, nên trong phạm vi bài này chỉ đề cập đến phương pháp xác định biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang, không đề cập giá 2 thành phần, biểu giá điện 1 giá).

KỲ 2: ĐỀ XUẤT PHƯƠNG PHÁP XÂY DỰNG GIÁ BÁN LẺ ĐIỆN SINH HOẠT (CÓ VÍ DỤ TÍNH TOÁN MINH HỌA)

PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM [*]

I. Yêu cầu và nguyên tắc xây dựng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt

a. Yêu cầu:

- Đơn giản, dễ hiểu, minh bạch, rõ ràng, dễ thực hiện.

- Phù hợp với tình hình ngành điện, thị trường điện và tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

- Tách chính sách xã hội ra khỏi giá điện (như đã đề ra tại Quyết định 28/2014/QĐ-TTg). Theo đó, quy định hộ nghèo, hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt, mức hỗ trợ hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành. Giả sử mức hỗ trợ đó còn thấp thì có thể xem xét tăng lên (ví dụ 50 kWh/tháng).

b. Nguyên tắc:

- Đảm bảo bù đắp chi phí và có lãi ở mức hợp lý cho ngành điện và các nhà đầu tư để không ngừng phát triển nguồn điện và lưới điện đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng.

- Đảm bảo sự công bằng cho các khách hàng.

- Phù hợp với quy luật khan hiếm của các nguồn tài nguyên năng lượng. Theo đó, nhu cầu điện càng tăng thì phải huy động các nguồn tài nguyên năng lượng có điều kiện khai thác khó khăn hơn cho phát điện và do vậy giá thành các nguồn điện mới ngày càng cao hơn.

Trong bối cảnh hiện nay, biểu giá điện bậc thang là hợp lý nhất đáp ứng các nguyên tắc nêu trên và phù hợp với đặc điểm của sản xuất, kinh doanh điện, thị trường điện và các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt.

c. Các tiêu chí về biểu giá bán lẻ điện bậc thang:

(i) Tổng sản lượng điện sử dụng của các hộ trong từng bậc thang không được vượt quá sản lượng điện tương ứng với từng mức chi phí biên đã định: Mức cao nhất không quá 50% và thấp nhất không dưới 10% tổng sản lượng điện sinh hoạt trong năm tùy theo từng thời kỳ.

(ii) Cơ số điện trong mỗi bậc thang lấy tròn số và quy mô phù hợp với từng thời kỳ.

(iii) Có tác dụng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm.

(iv) Không quá phức tạp. Ví dụ: không quá nhiều bậc thang.

(v) Phù hợp với chính sách có liên quan của Nhà nước về sử dụng điện.

II. Các số liệu cơ sở làm căn cứ xác định biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt

Bao gồm các số liệu chính sau đây của kỳ xác định giá bán lẻ điện:

1/ Quy mô tổng sản lượng điện thương phẩm, giá thành (giá mua) và sản lượng của từng nguồn điện đang và dự kiến sẽ huy động cho phát điện trong kỳ. Qua đó, có thể xác định các mức sản lượng biên và chi phí biên của từng mức sản lượng biên tương ứng với từng mức sản lượng điện dự tính sử dụng trong từng bậc thang đã định.

2/ Lợi nhuận định mức theo quy định để tính giá bán lẻ điện sinh hoạt.

3/ Sản lượng điện thương phẩm dự kiến sử dụng cho sinh hoạt trong kỳ và tỷ lệ % trên tổng sản lượng điện thương phẩm trong kỳ.

4/ Tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt, trong đó phân ra số hộ theo các mức sử dụng và bình quân lượng điện sử dụng trên 1 hộ trong khung:

- Số hộ sử dụng từ 1- 100 kWh/tháng.

- Số hộ sử dụng từ 101 đến 200 kWh/tháng.

- Số hộ sử dụng từ 201 đến 300 kWh/tháng.

- Số hộ sử dụng từ 301 đến 400 kWh/tháng.

- Số hộ sử dụng từ 501 đến 600 kWh/tháng.

- Số hộ sử dụng từ 601 đến 700 kWh/tháng.

- Số hộ sử dụng từ 701 đến 800 kWh/tháng, và v.v...

III. Trình tự, nội dung các bước và phương pháp xây dựng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt

Bước 1: Xác lập số bậc thang:

Căn cứ vào: (1) Tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt; (2) Quy mô lượng điện sử dụng bình quân hàng tháng của các hộ và mức sản lượng điện sử dụng theo các khung đã định.

Vì rằng, thu nhập của người dân đã được nâng cao đáng kể so với trước, theo đó quy mô lượng điện sử dụng của các hộ gia đình cũng tăng lên. Ví dụ, năm 2019 so với năm 2014 GDP bình quân đầu người đã tăng từ 2052 lên 2715 USD, cao hơn 1,3 lần, số hộ sử dụng lượng điện dưới 50 kWh/tháng là rất ít, chỉ chiếm 1,88% tổng số hộ và lượng điện sử dụng bình quân trên 1 hộ/tháng là 186 kWh, cao gấp gần 4 lần lượng điện bình quân của các hộ sử dụng dưới 50 kWh/tháng. Do đó, các khung sản lượng điện sử dụng được mặc định cho giai đoạn hiện nay như sau: Từ 1 - 100 kWh; Từ 101 - 200 kWh; Từ 201 - 300 kWh; Từ 301 - 400 kWh; Từ 401 - 500 kWh; Từ 501 - 600 kWh; Từ 601 - 700 kWh; v.v...

Trên cơ sở số lượng hộ sử dụng điện trong từng khung, xác định tổng sản lượng điện dự kiến sử dụng trong thực tế trong từng khung nêu trên. Tính toán tỷ trọng (%) sản lượng điện sử dụng trong từng khung trên tổng sản lượng điện sinh hoat. Theo đó, nếu đến khung nào đó mà có tỷ trọng (%) thấp hơn mức quy định (ví dụ quy định 10%, thì dừng lại ở khung đó và số bậc thang sẽ tính từ khung đầu tiên đến khung trước tiên có tỷ trọng sản lượng điện thực tế sử dụng nhỏ hơn 10% tổng sản lượng điện sinh hoạt).

Ví dụ tính toán minh họa: Lấy số liệu thực tế năm 2019 để áp dụng tính toán (các số liệu dưới đây lấy theo báo cáo của EVN, hoặc tính toán từ số liệu của EVN), để sát với thực tế hiện nay và có thể so sánh với biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt trong Quyết định 648/2019/QĐ-BCT ngày 20/3/2019. Trên thực tế, phải lấy bộ số liệu dự tính của kỳ đã định để xác định giá bán lẻ điện.

- Tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt: 26.629.205 hộ và tổng sản lượng điện sinh hoạt là 59.322.837.605 kWh, chiếm 28,28% tổng sản lượng điện thương phẩm, lượng điện sử dụng bình quân 1 hộ/tháng là 186 kWh. Căn cứ vào sản lượng điện sử dụng sinh hoạt của các hộ trong các khung đã định.

- Từ các khung trên 300 kWh sản lượng điện sinh hoạt thực tế sử dụng đều có tỷ trọng nhỏ hơn 10%. Khung từ 1-:-100 kWh có sản lượng lớn nhất là do tất cả các hộ đều có phần dùng điện trong khung này, số bậc thang sẽ là 4 bậc.

- Trong trường hợp quy định tỷ trọng sản lượng của các khung không thấp hơn 8%, thì gộp khung từ 301-400 kWh với khung từ 401-500 kWh sẽ có khung từ 301-500 kWh với sản lượng điện là 5.383.286.292 kWh, chiếm 9,08%; và khung từ 501 kWh trở lên với sản lượng là 5.407.487.375 kWh, chiếm 9,12%, số bậc thang sẽ là 5 bậc.

Biểu giá 4 bậc thang

Biểu giá 5 bậc thang

Khung sử dụng, kWh/tháng

Điện sử dụng, kWh/tháng

Tỷ lệ trong tổng điện sinh hoạt, %

Bậc 1

Bậc 1

1-:-100

27.151.391.700

45,77

Bậc 2

Bậc 2

101-:-200

14.757.691.324

24,88

Bậc 3

Bậc 3

201-:-300

6.622.980.814

11,16

Bậc 4

Bậc 4

301-:-400

3.410.703.108

5,75

401-:-500

1.972.583.284

3,33

Bậc 5

> 500

5.407.487.375

9,12


Dưới đây chỉ tính toán minh họa cho trường hợp 4 bậc thang.

Bước 2: Xác lập cơ số điện và mức giá của từng bậc thang:

1/ Xác định cơ số điện của từng bậc thang:

Từ kết quả Bước 1 trên đây ta có thể xác định cơ số điện của từng bậc thang là: Bậc 1: 100 kWh (từ 1-100 kWh); Bậc 2: 100 kWh (từ 101-200 kWh); Bậc 3: 100 kWh (từ 201-300 kWh); Bậc 4: từ 1 kWh trở lên (từ kWh 301 trở lên).

Tiếp theo, căn cứ vào số bậc thang đã xác định trên đây, tính toán sản lượng điện trong từng bậc thang và tỷ trọng của chúng từ bậc 1 đến bậc cuối cùng đã định.

Ví dụ tinh toán minh họa: Lấy số liệu thực tế năm 2019 để áp dụng tính toán (các số liệu dưới đây tính toán từ số liệu của EVN).

Sản lượng điện trong từng bậc thang và tỷ trọng của chúng như bảng trên là: Bậc 1 chiếm 45,77% tổng sản lượng điện sinh hoạt; Bậc 2 chiếm 24,88%; Bậc 3chiếm 11,16%; Bậc 4: chiếm 18,19%.

2/ Xác định mức giá điện của từng bậc thang:

b.1- Xác định giá thành điện của các phần sản lượng điện trong từng bậc thang:

Ta biết rằng, các nguồn điện huy động phát điện có giá thành cao thấp khác nhau. Nguyên tắc chung huy động nguồn điện là nguồn điện có giá thành thấp huy động trước, nguồn điện có giá thành cao hơn huy động sau. Nhu cầu đến đâu huy động đến đó. Trên thực tế, có thể có các trường hợp cá biệt do các mục tiêu kinh tế - xã hội - môi trường theo quy định của Nhà nước nên một số nguồn điện tuy có giá thành cao nhưng vẫn được huy động trước và coi đó như trường hợp ngoại lệ. Trong phạm vi bài này để đơn giản hóa vấn đề không đề cập đến các ngoại lệ này.

Trước hết, căn cứ vào danh mục các nguồn điện huy động, công suất, sản lượng và giá thành bình quân 1 kWh của từng nguồn điện ta lần lượt huy động từng nguồn điện có giá thành từ thấp đến cao. Theo đó, phân ra 4 nhóm (tương đương với số bậc thang), theo tỷ lệ trong tổng điện sinh hoạt; mỗi nhóm có mức giá thành cung cấp điện từ zi đến zj (đ/kWh), trong đó mức z7 đến z8 là mức có giá thành cao nhất; và có giá thành bình quân của mỗi nhóm (bậc) từ Z1 đến Z4.

Từ đó ta có ví dụ sau:

Ví dụ tinh toán minh họa: Lấy số liệu thực tế năm 2019 để áp dụng tính toán (các số liệu dưới đây lấy từ Báo cáo tổng kết năm 2019 của EVN hoặc được tính toán từ số liệu trong Báo cáo tổng kết năm 2019 của EVN):

Tổng sản lượng điện thương phẩm: 209.767.929.539 kWh.

Tổng doanh thu bán điện: 387.675 tỷ đồng.

Giá bán lẻ điện bình quân: 1.848,20 đ/kWh (doanh thu/sản lượng điện thương phẩm).

Lợi nhuận 950 tỷ đồng (của Công ty mẹ EVN), bằng 0,2451% giá thành.

Tổng giá thành điện thương phẩm 386.725 tỷ đồng (tổng doanh thu - lợi nhuận).

Giá thành toàn bộ bình quân của điện thương phẩm: 1.843,58 đ/kWh (bao gồm lợi nhuận của các công ty con và các đơn vị bán điện ngoài EVN). (Tổng giá thành/sản lượng điện thương phẩm).

Ước tính giá thành của từng khâu và của từng nhóm nguồn điện (vì không thể tiếp cận giá thành của từng khâu và của từng nguồn điện năm 2019, hơn nữa mục đích chỉ là minh họa, cho nên các số liệu sau đây chỉ suy tính trên cơ sở mô phỏng theo tỷ trọng giá thành của từng khâu trên giá thành điện thương phẩm của năm 2016 và mô phỏng theo cơ cấu sản lượng và giá thành bình quân (chi phí giao nhận và mua) của các nhóm nguồn điện năm 2016):

- Giá thành điện khâu sản xuất và nhập khẩu bình quân: 76,29%, bằng 1.406,47 đ/kWh.

Mô tả các giả thiết nêu trên và giá thành sản xuất điện bình quân theo nhóm được cho trong bảng sau:

Tỷ trọng trong tổng điện sinh hoạt,%

Giá thành từ zi-zj, đ/kWh

Giá thành bình quân Z của từng nhóm, đ/kWh

Nhóm 1 (bậc 1)

45,77

z1-z2

Z1 = 1.034,47

Nhóm 2 (bậc 2)

24,88

z3-z4

Z2 = 1.537,73

Nhóm 3 (bậc 3)

11,16

z5-z6

Z3 = 1.721,27

Nhóm 4 (bậc 4)

18,19

z7-z8

Z4 = 1.967,30


Giá thành các khâu còn lại:

- Giá thành khâu truyền tải điện: 6,08%, bằng 112,09 đ/kWh.

- Giá thành khâu phân phối: 17,24%, bằng 317,83 đ/kWh.

- Giá thành khâu quản lý ngành và phụ trợ: 0,41%, bằng 7,56 đ/kWh.

- Lợi nhuận định mức: 0,2451 % giá thành.

b.2- Xác định giá điện của các phần sản lượng điện trong từng bậc thang:

Giá bán điện từng bậc thang (Gi) = Giá thành điện của từng bậc thang (Zi) + Giá thành khâu truyền tải + Giá thành khâu phân phối + Giá thành khâu quản lý ngành và phụ trợ + Lợi nhuận định mức theo quy định.

Ví dụ tinh toán minh họa:

Từ kết quả tính toán giá thành của từng khâu và từng nhóm nguồn điện trên đây và áp dụng công thức xác định giá bán lẻ điện của từng bậc thang, ta được kết quả tính toán giá bán lẻ điện của từng bậc thang (Gi) như sau:

G1=1.475,56 đ/kWh; G2 = 1.980,05 đ/kWh; G3 = 2.164,04 đ/kWh; G4 = 2.410,67 đ/kWh.

Giá bán lẻ điện của từng bậc thang trên đây được xác định trên cơ sở giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân lấy bằng giá bán lẻ điện bình quân toàn bộ điện thương phẩm. Nếu quy định giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân cao hơn 8% so với giá bán lẻ điện bình quân toàn bộ (như trong biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt tại Quyết định 648/2019/QĐ-BCT), thì giá bán điện của từng bậc thang sẽ là (tuy nhiên khi đó làm rõ lý do tại sao giá điện sinh hoạt cao hơn 8%):

Giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân: 1.996,06 đ/kWh.

G1=1.593,60 đ/kWh; G2 = 2.138,45 đ/kWh; G3 = 2.337,16 đ/kWh; G4 = 2.603,52 đ/kWh.

Tổng hợp kết quả xác định biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 4 bậc thang:

Trường hợp giá bán lẻ điện sinh hoạt b/q bằng giá bán lẻ điện bình quân (1.848,20 đ/kW)

Trường hợp giá bán lẻ điện sinh hoạt b/q bằng 1,08 giá bán lẻ điện b/q (1.996,05 đ/kWh)

Bậc thang

Cơ số điện

Giá bán điện, đ/kWh

Bậc thang

Cơ số điện

Giá bán điện, đ/kWh

Bậc 1

Cho kWh từ 1 - 100

1.475,56

Bậc 1

Cho kWh từ 1 – 100

1.593,60

Bậc 2

Cho kWh từ 101 - 200

1.980,05

Bậc 2

Cho kWh từ 101 - 200

2.138,45

Bậc 3

Cho kWh từ 201 - 300

2.164,04

Bậc 3

Cho kWh từ 201 - 300

2.337,16

Bậc 4

Cho kWh từ 301 trở lên

2.410,67

Bậc 4

Cho kWh từ 301 trở lên

2.603,52


Với phương pháp tính toán tương tự như trên thì kết quả biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc thang sẽ là:

Trường hợp giá bán lẻ điện sinh hoạt b/q bằng giá bán lẻ điện bình quân (1.848,20 đ/kW)

Trường hợp giá bán lẻ điện sinh hoạt b/q bằng 1,08 giá bán lẻ điện b/q (1.996,05 đ/kWh)

Bậc thang

Cơ số điện

Giá bán điện, đ/kWh

Bậc thang

Cơ số điện

Giá bán điện, đ/kWh

Bậc 1

Cho kWh từ 1 - 100

1.475,56

Bậc 1

Cho kWh từ 1 – 100

1.593,60

Bậc 2

Cho kWh từ 101 - 200

1.980,05

Bậc 2

Cho kWh từ 101 - 200

2.138,45

Bậc 3

Cho kWh từ 201 - 300

2.164,04

Bậc 3

Cho kWh từ 201 - 300

2.337,16

Bậc 4

Cho kWh từ 301 - 500

2.310,67

Bậc 4

Cho kWh từ 301 - 500

2.495,52

Bậc 5

Cho kWh từ 501 trở lên

2.510,34

Bậc 5

Cho kWh từ 501 trở lên

2.711,17


Bước 3: Phân tích đánh giá sự phù hợp của cơ số điện và mức giá trong từng bậc thang:

1/ Các căn cứ để đánh giá.

Phân tích đánh giá sự phù hợp của cơ số điện và mức giá trong từng bậc thang theo yêu cầu, nguyên tắc và tiêu chí đã đề ra.

2/ Thực hiện đánh giá và kết quả.

3/ Kết luận.

KỲ TỚI: MINH HỌA LUẬN GIẢI VỀ KẾT QUẢ TÍNH TOÁN VÀ MỘT SỐ NHẬN XÉT THAY CHO LỜI KẾT

[*] TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM; ĐẠI HỌC ĐIỆN LỰC HÀ NỘI

Theo Năng lượng Việt Nam

Trong vài năm giá điện tăng 9 lần, chưa bao giờ giảm!Trong vài năm giá điện tăng 9 lần, chưa bao giờ giảm!
Giá điện sinh hoạt: Mức nào là hợp lý?Giá điện sinh hoạt: Mức nào là hợp lý?
Điện một giá -  Ai hưởng lợiĐiện một giá - Ai hưởng lợi