Đề xuất phương pháp xây dựng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt của Việt Nam [Kỳ 1]

10:11 | 08/09/2020

516 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giá bán lẻ điện ở nước ta là vấn đề nổi cộm từ nhiều năm nay, đặc biệt nó lại rộ lên khi chuẩn bị ban hành biểu giá bán lẻ điện mới.

Nguyên nhân chính là do đến nay chưa có một phương pháp xây dựng biểu giá bán lẻ điện nói chung và giá bán lẻ điện sinh hoạt nói riêng, trong đó làm rõ một cách căn cơ và giải đáp một cách thỏa mãn các nguyên tắc, căn cứ, phương pháp xác định biểu giá bán lẻ điện và việc áp dụng các nguyên tắc, căn cứ đó vào việc xác định giá bán lẻ điện trong từng thời kỳ. Trong chuyên đề này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam đề xuất phương pháp xây dựng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt của Việt Nam với mục đích góp phần giải quyết một trong những vấn đề nổi cộm của ngành điện nước ta từ nhiều năm nay.

KỲ 1: VẤN ĐỀ ĐẶT RA VÀ CƠ SỞ, NGUYÊN TẮC GIẢI QUYẾT ĐỐI VỚI XÁC ĐỊNH GIÁ BÁN LẺ ĐIỆN Ở VIỆT NAM

PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM [*]

I. Vấn đề đặt ra đối với xác định giá bán lẻ điện

Bao gồm các vấn đề sau:

1/ Tại sao phải xây dựng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt điện bậc thang?

2/ Tại sao có giá khung giờ cao điểm, khung giờ bình thường và khung giờ thấp điểm?

3/ Số lượng bậc thang, mức giá và cơ số điện của từng bậc thang trong biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang được xác định dựa vào những căn cứ nào và như thế nào?

4/ Mức giá khung giờ cao điểm, khung giờ bình thường và khung giờ thấp điểm được xác định dựa vào căn cứ nào và như thế nào?

5/ Tại sao càng mua nhiều điện thì giá càng cao?

6/ Tại sao xây dựng biểu giá điện 1 giá và liệu chỉ có 1 biểu giá điện 1 giá duy nhất hay không?

7/ Tại sao phải phân biệt giá bán lẻ điện theo từng loại khách hàng sử dụng điện?

8/ Tại sao có giá điện 2 thành phần: Phần giá công suất (cố định) và phần giá điện năng (biến đổi theo sản lượng điện sử dụng)?

II. Cơ sở, nguyên tắc giải quyết các vấn đề của việc xác định giá bán lẻ điện

1/ Đối với vấn đề ở câu hỏi 1 và 5: Tại sao phải xây dựng biểu giá điện bậc thang? và Tại sao càng mua nhiều điện thì giá càng cao? Vì rằng:

a/ Sản phẩn điện đồng nhất và không thể lưu kho, quá trình sản xuất điện và tiêu thụ điện diễn ra đồng thời theo nguyên tắc nhu cầu đến đâu thì sản xuất đến đó.

b/ Nội dung chi phí trong giá thành điện gồm 2 phần: Phần chi phí biến đổi và phần chi phí cố định. Chi phí biến đổi là chi phí phụ thuộc vào sản lượng, chỉ phát sinh khi quá trình sản xuất điện hoạt động, như chi phí nhiên liệu, chi phí tiền lương công nhân vận hành và các chi phí khác gắn liền với quá trình hoạt động sản xuất của nhà máy điện. Chi phí cố định là chi phí không phụ thuộc vào sản lượng, phát sinh cả khi quá trình sản xuất điện ngừng hoạt động, như chi phí khấu hao, chi phí sửa chữa, chi phí trực để chờ vận hành, chi phí bảo hiểm, chi phí bảo vệ, chiếu sáng, tiền thuê hoặc thuế đất, v.v...

c/ Có nhiều nguồn điện khác nhau có giá thành cao thấp khác nhau. Xu thế chung là các nguồn điện xây dựng mới thường có giá thành sản xuất cao hơn các nguồn điện cũ do tác động của quy luật khan hiếm các nguồn tài nguyên năng lượng.

d/ Ngành điện phải có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu điện tối đa của khách hàng, theo đó phải xây dựng công suất nguồn điện đủ đảm bảo cung cấp sản lượng điện ở mức cao nhất theo nhu cầu. Tuy nhiên, không phải toàn bộ công suất nguồn điện được huy động như nhau về mặt thời gian mà có phần hoạt động thời gian dài, có phần hoạt động thời gian vừa và có phần hoạt động thời gian ngắn tùy theo quy mô nhu cầu điện biến động tăng giảm theo từng khoảng thời gian trong ngày và từng ngày trong tuần, trong tháng, trong năm.

e/ Nguyên tắc chung huy động các nguồn điện là nguồn điện có giá thành thấp huy động trước, nguồn điện giá thành cao hơn huy động sau cho đến mức đáp ứng đủ nhu cầu. Theo đó, phần nhu cầu tăng cao có giá thành điện càng cao. Vì vậy, càng mua nhiều điện thì giá càng cao, nguyên nhân chủ yếu là do phần nhu cầu điện tăng cao được đáp ứng từ phần sản lượng điện của nguồn điện có giá thành cao.

2/ Đối với vấn ở đề câu hỏi 2. và 4: Tại sao có giá khung giờ cao điểm, khung giờ bình thường và khung giờ thấp điểm? và Mức giá khung giờ cao điểm, khung giờ bình thường và khung giờ thấp điểm được xác định dựa vào căn cứ nào và như thế nào? Vì rằng:

a/ Nhu cầu điện sinh hoạt của các hộ gia đình phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng điện theo giờ trong ngày. Theo đó, quy mô sử dụng điện phân ra 3 khung giờ: Giờ thấp điểm, Giờ bình thường và Giờ cao điểm.

Theo quy định hiện hành: Tổng số giờ bình thường trong tuần là 96 giờ/168 giờ, bằng 57,14%; tổng số giờ cao điểm là 30 giờ/168 giờ, bằng 17,86%; tổng số giờ thấp điểm là 42 giờ/168 giờ, bằng 25,0%. Do chi phí cố định không đổi theo sản lượng điện năng nên chi phí cố định trên 1 kWh có mức thấp nhất trong khung giờ thấp điểm (phần công suất điện huy động phát điện trong khung giờ này hoạt động liên tục), có mức cao hơn trong khung giờ bình thường (phần công suất điện huy động phát điện trong khung giờ này hoạt động chỉ hoạt động 57,14% thời gian, còn lại là ngừng) và có mức cao nhất trong khung giờ cao điểm (phần công suất điện huy động phát điện trong khung giờ này chỉ hoạt động 17,86% thời gian, còn lại là ngừng).

b/ Ngoài ra, do nguyên tắc huy động nguồn điện để phát điện: Nguồn có giá thành thấp huy động trước, phần có giá thành cao huy động sau.

c/ Qua 2 đặc điểm trên đây cho thấy giá thành điện trong khung giờ thấp điểm thấp nhất, trong khung giờ bình thường cao hơn và trong khung giờ cao điểm cao nhất. Đó là căn cứ để xác định mức giá bán lẻ điện tương ứng với 3 khung giờ.

3/ Đối với vấn đề ở câu hỏi 3: Số lượng bậc thang, mức giá và cơ số điện của từng bậc thang trong biểu giá bậc thang được xác định dựa vào những căn cứ nào và như thế nào?

Như trên đã nêu: (i) Các nguồn điện khác nhau có giá thành cao thấp khác nhau; (ii) Nguồn điện giá thành thấp huy động trước, nguồn điện giá thành cao huy động sau; (iii) Nhu cầu đến đâu huy động nguồn điện để phát điện đến đó; (iv) Sản phẩm điện là đồng nhất, không lưu trữ được, sản xuất và tiêu thụ đồng thời.

Những đặc điểm trên làm cho phần sản lượng điện tương ứng với mức nhu cầu thấp thì có giá thành thấp, còn phần sản lượng điện tương ứng với nhu cầu cao thì có giá thành cao hơn. Theo đó:

a/ Số lượng bậc thang và cơ số điện trong mỗi bậc thang trong biểu giá bán lẻ điện bậc thang phụ thuộc vào quy mô sản lượng điện sử dụng bình quân của 1 hộ; phụ thuộc vào mức chênh lệch giữa mức giá thành điện thấp nhất và mức giá thành điện cao nhất. Nguyên tắc chung là quy mô sản lượng điện sử dụng bình quân của mỗi hộ gia đình càng lớn và mức chênh lệch giữa mức giá thành điện thấp nhất và mức giá thành điện cao nhất càng lớn thì số bậc thang càng nhiều hơn, và ngược lại. Tiếp theo, số lượng bậc thang còn phụ thuộc vào cơ số điện và mức giá điện trong mỗi bậc thang như sẽ nêu dưới đây.

b/ Cơ số điện trong mỗi bậc thang phải xác định sao cho vừa phải để một mặt không gây ra quá nhiều bậc thang dẫn đến manh mún, làm phức tạp hóa vấn đề nếu như cơ số nhỏ quá. Ngược lại, nếu cơ số lớn quá dẫn đến số bậc thang quá ít, tuy đơn giản hơn nhưng làm cho khách hàng có cảm giác cứ sử dụng thoải mái còn lâu mới vượt sang bậc thang khác có mức giá cao hơn, như vậy khiến cho khách hàng không dè chừng để sử dụng điện tiết kiệm, là một trong những mục tiêu của biểu giá bán lẻ điện bậc thang.

c/ Mức giá bán điện của từng bậc thang về nguyên tắc phải được xác định đảm bảo cho ngành điện bù đắp được chi phí và có lợi nhuận hợp lý trên cơ sở phù hợp với mức giá thành (hay chi phí biên) của phần sản lượng điện tương ứng với quy mô sản lượng điện gắn với cơ số điện của từng bậc thang, đồng thời đảm bảo có sự chênh lệch hợp lý giữa mức giá của các bậc thang để có tác dụng khuyến khích khách hàng sử dụng điện tiết kiệm.

Phương pháp xây dựng biểu giá bán lẻ điện phải giải quyết được các vấn đề nêu trên, khi đó không những sẽ có biểu giá bán lẻ điện hợp lý mà còn đảm bảo sự minh bạch thông qua làm rõ các căn cứ xác định biểu giá bán lẻ điện nêu trên. Đây là vấn đề phức tạp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải nghiên cứu xây dựng các tiêu chí cụ thể để làm cơ sở xác định hợp lý số lượng bậc thang, cơ số điện và mức giá điện của mỗi bậc thang trong từng thời kỳ.

4/ Đối với câu hỏi 6: Tại sao xây dựng biểu giá điện sinh hoạt 1 giá và liệu chỉ có một biểu giá điện 1 giá duy nhất hay không?

a/ Với biểu giá điện bậc thang thì không có sự lựa chọn cho khách hàng phù hợp với quy mô, đặc điểm và mục đích sử dụng điện của mình mà phải mặc nhiên thực hiện. Theo đó, họ chỉ có thể tìm mọi cách làm thế nào để tránh được giá điện bậc thang cao. Biểu giá này có những bất cập, hạn chế như không phân biệt hộ nhiều người hay ít người; khách hàng không chủ động lường trước quy mô sản lượng điện cần sử dụng trong kỳ (tháng hoặc năm) phù hợp với nhu cầu và trang thiết bị chạy điện; việc xây dựng, quản lý và thực hiện phức tạp hơn.

b/ Biểu giá điện sinh hoạt 1 giá có ưu điểm là đơn giản nhưng nếu chỉ có một biểu giá điện 1 giá độc nhất thì bất hợp lý và có nhiều nhược điểm như không phân biệt quy mô lượng điện sử dụng và mục đích sử dụng điện, không quan tâm đến đối tượng sử dụng, không khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và chính sách giá điện liên quan đến đảm bảo an sinh xã hội, v.v...

c/ Để khắc phục các nhược điểm nêu trên và phù hợp với cơ chế vận hành của thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (với yêu cầu tạo ra nhiều sự lựa chọn cho khách hàng theo nguyên tắc “thuận mua vừa bán” trong mối quan hệ giữa bên mua và bên bán, tạo ra sự cạnh tranh trong mua bán điện và khuyến khích phát triển các nguồn điện có giá thấp, v.v...) thì cần phải tạo ra nhiều “gói” giá điện 1 giá với quy mô sản lượng khác nhau, mục đích sử dụng khác nhau, v.v...

Ví dụ như gói giá điện 1 giá cho quy mô sản lượng thấp (giả dụ 100 kWh/tháng hoặc 1.000 kWh/năm), quy mô sản lượng điện tương đối thấp (giả dụ 200 kWh/tháng hoặc 2.000 kWh/năm), quy mô sản lượng điện vừa (300 kWh/tháng hoặc 3.000 kWh/năm), quy mô sản lượng điện cao (400-500 kWh/tháng hoặc 4-5.000 kWh/năm), quy mô sản lượng điện rất cao và siêu cao (trên 700 - 800 kWh/tháng hoặc 8-9.000 kWh/năm), hoặc gói giá điện 1 giá chỉ sử dụng về đêm, hoặc chỉ sử dụng vào ngày nghỉ cuối tuần, v.v... Theo đó, khách hàng tùy chọn gói giá điện 1 giá phù hợp với quy mô, đặc điểm, mục đích sử dụng điện của mình và cam kết tuân thủ các điều kiện quy định kèm theo gói giá điện 1 giá đó.

5/ Đối với vấn đề ở câu hỏi 7: Tại sao phải phân biệt giá điện theo từng loại khách hàng sử dụng điện? Vì rằng:

a/ Các khách hàng khác nhau có quy mô, đặc điểm, mục đích và hành vi sử dụng điện khác nhau. Ví dụ, khách hàng sinh hoạt thì sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt, mức sử dụng điện hàng ngày biến động theo từng khoảng thời gian trong ngày, có số người trong hộ khác khau, hoàn cảnh kinh tế khác nhau, địa bàn cư trú khác nhau, v.v... Các khách hàng sản xuất, kinh doanh, hành chính, sự nghiệp có các đặc điểm và hành vi sử dụng điện khác nhau như:

(i) Quy mô sản lượng và cấp điện áp sử dụng khác nhau rất lớn.

(ii) Nhu cầu sử dụng điện theo thời gian trong ngày, theo ngày trong tuần, trong tháng có sự khác nhau.

(iii) Mục đích sử dụng điện khác nhau, ví dụ cho sản xuất, cho kinh doanh, hoặc cho hoạt động quản lý hành chính, hoạt động văn hóa, giáo dục, đào tạo, an ninh, quốc phòng, v.v... vì lợi ích công cộng.

Theo đó giá thành điện cung cấp cho các nhóm, loại khách hàng sử dụng cũng cao thấp khác nhau. Ngoài ra, chính sách giá điện cần quan tâm tới mục đích và đối tượng sử dụng điện để có mức giá điện phù hợp với từng mục đích sử dụng, vai trò và đặc điểm của từng nhóm, loại khách hàng trong từng thời kỳ.

6/ Đối với vấn đề ở câu hỏi 8: Tại sao có giá điện 2 thành phần: Phần giá công suất và phần giá điện năng? Vì rằng:

Khi khách hàng đã ký hợp đồng mua điện tuy không sử dụng điện, nhưng ngành điện vẫn phát sinh chi phí liên quan đến khách hàng đó như chi phí nguồn điện (khấu hao, bảo trì, dự phòng), chi phí lưới điện (gồm đường dây và trạm biến áp dẫn điện đến nơi khách hàng sử dụng), chi phí kiểm tra, quản lý khách hàng, v.v... Do đó, việc áp dụng giá điện 2 thành phần: Giá công suất và giá điện năng là đảm bảo công bằng: Ai gây ra phát sinh chi phí thì phải thanh toán bù đắp chi phí, ai gây ra ít thì trả ít, ai gây ra nhiều thì trả nhiều. Như vậy, đảm bảo công bằng cho bên sử dụng điện và bên cung cấp điện. Điều đó cũng khuyến khích bên khách hàng sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm, đúng mục đích và bên cung cấp điện tiết kiệm được chi phí và nâng cao hiệu quả kinh doanh.

KỲ TỚI: ĐỀ XUẤT PHƯƠNG PHÁP XÂY DỰNG GIÁ BÁN LẺ ĐIỆN SINH HOẠT, CÓ VÍ DỤ TÍNH TOÁN MINH HỌA

[*] TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM; ĐẠI HỌC ĐIỆN LỰC HÀ NỘI

Theo Năng lượng Việt Nam

Dự án Thủy điện tích năng Bác Ái đang bám sát tiến độDự án Thủy điện tích năng Bác Ái đang bám sát tiến độ
Trong vài năm giá điện tăng 9 lần, chưa bao giờ giảm!Trong vài năm giá điện tăng 9 lần, chưa bao giờ giảm!
Cổ phiếu ngành Điện: Triển vọng tích cựcCổ phiếu ngành Điện: Triển vọng tích cực