Đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc
Ngày 26/6, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP HCM (VCCI TP HCM) tổ chức hội thảo “Tăng cường hợp tác kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc”.
Theo ông Nguyễn Thế Hưng, Phó giám đốc Chi nhánh VCCI TP HCM, trong những năm qua, quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc trong ASEAN. Tuy nhiên, kinh tế thương mại giữa hai nước mất cân bằng trong thời gian dài. Trong đó, thâm hụt thương mại của Việt Nam không ngừng mở rộng. Vì vậy, yêu cầu đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc để giảm bớt thâm hụt thương mại là rất quan trọng.
Năm 2014, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 28,9 tỷ USD, tăng 21,8% so với năm 2013. Trong 5 tháng đầu năm 2015, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 6,1 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ 2014 và nhập khẩu từ Trung Quốc 15,9 tỷ USD, tăng 19,1% so với cùng kỳ. Như vậy, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 9,8 tỷ USD.
Trung Quốc hiện là một thị trường xuất khẩu lớn của nông sản Việt Nam
Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc các mặt hàng chủ yếu như: dầu thô, than đá, máy tính, điện thoại, linh kiện, cao su, gạo, rau quả, thuỷ hải sản,… và nhập khẩu từ thị trường này các mặt hàng: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, điện thoại, linh kiện, may mặc, sắt thép, phân bón,…
Ông Lý Chấn Dân, Lãnh sự Thương vụ cấp tham tán Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP HCM khẳng định, để giảm bớt thâm hụt thương mại của Việt Nam, phía Trung Quốc luôn khuyến khích hợp tác giữa các doanh nghiệp hai bên, mở rộng nhập khẩu từ Việt Nam. Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc từ Việt Nam tăng trưởng bình quân 15 – 20%/năm, thuộc về mức độ tăng trưởng tương đối cao.
Nhiều năm nay, Trung Quốc vẫn luôn là thị trường xuất khẩu hàng nông sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Hợp tác doanh nghiệp giữa hai nước ngày càng mật thiết, tuy nhiên cũng gặp không ít khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là vấn đề thiếu thông tin. Nhà nhập khẩu Trung Quốc không biết rõ tình hình thị trường Việt Nam, trong khi đó, nhà xuất khẩu Việt Nam lại không liên hệ được với các nhà nhập khẩu Trung Quốc có năng lực và có uy tín.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng phản ánh tình trạng, tiểu thương Trung Quốc sang Việt Nam trực tiếp thu mua nông sản từ người nông dân, sau đó xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc gây ảnh hưởng đến những nhà xuất khẩu chân chính của Việt Nam. Song song đó, việc mua bán trôi nổi “thích thì mua, không thích thì bỏ đi”, “khuyến khích trồng nhiều rồi sau đó ép giá” đã nhiều phen khiến nông dân Việt Nam điêu đứng. Và, vấn đề hàng giả, hàng nhái từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam cũng rất lớn làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và nền kinh tế của Việt Nam.
Với vấn đề trên, ông Lý Chấn Dân cho rằng: Phía Chính phủ Trung Quốc cũng rất quan tâm đến vấn đề xuất khẩu tiểu ngạch và mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam để quản lý việc này tại các cửa khẩu biên giới. Ông này cũng đề xuất ý tưởng, tăng cường hợp tác chế biến nông, thuỷ sản giữa Việt Nam và Trung Quốc bằng cách xây dựng khu hợp tác kinh tế nông nghiệp giữa hai nước tại Việt Nam. Trong đó, tập trung việc sản xuất, nghiên cứu khoa học, vận chuyển và giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp qua khu này, tạo cơ sở cho doanh nghiệp và nông hộ Việt Nam sản xuất ra sản phẩm, tìm được đối tác uy tín để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cũng như các nước khác. Bỏ cách thức thương lái Trung Quốc vào tận nơi thu mua.
Về vấn đề hàng giả, hàng nhái từ Trung Quốc nhập qua Việt Nam, ông Lý Chân Dân cho biết: Nhằm nâng cao hình tượng sản phẩm do Trung Quốc sản xuất và duy trì trật tự xuất nhập khẩu, chống hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và xuất khẩu hàng giả, hàng nhái, Chính phủ Trung Quốc đang triển khai hành động “thanh phong” với sản phẩm và lĩnh vực xuất khẩu trọng điểm của phía Trung Quốc, tiên hành xử lý chuyên môn, tăng cường giám sát về nguồn gốc sản xuất, kênh lưu thông và quy trình xuất khẩu. Do đó, Trung Quốc cũng mong rằng có thể hợp tác chặt chẽ hơn với các cơ quan chức năng của Việt Nam như: thiết lập đường dây nóng, hỗ trợ giải quyết vụ án, giám sát xuất khẩu, kiểm nghiệm sản phẩm… để cùng nhau thúc đẩy kinh tế song phương phát triển lành mạnh, ổn định.
Theo ông Lý Chấn Dân, trong 5 năm tới, Trung Quốc sẽ nhập hơn 10.000 tỷ USD sản phẩm, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài cũng sẽ vượt hơn 500 tỷ USD. Điều này, sẽ tạo cơ hội thương mại lớn cho doanh nghiệp vùng Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Trung Quốc mong rằng các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường nắm bắt cơ hội, tìm hiểu sâu thị trường và tìm được nhiều đối tác Trung Quốc hợp tác lâu dài.
Mai Phương (theo Năng lượng Mới)
-
[E-Magazine] Giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong các quý tiếp theo?
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng