Đầu tư công sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

19:00 | 17/04/2020

355 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đây là nhận định của Khối Phân tích, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT trong bối cảnh các động lực tăng trưởng kinh tế đều chậm lại do dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành.  
dau tu cong se thuc day tang truong kinh teCấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ứng phó đại dịch Covid-19
dau tu cong se thuc day tang truong kinh teHà Nội quyết tâm không cắt giảm đầu tư công
dau tu cong se thuc day tang truong kinh teCác địa phương cần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Tất cả các động lực tăng trưởng kinh tế đều chậm lại

Trong Báo cáo Chiến lược thị trường - Bắt sóng đầu tư công vừa được công bố, VNDIRECT cho rằng, từ cuối năm ngoái giải ngân đầu tư công được nhận định là khó có thể tăng tốc cho tới cuối năm nay. Tuy nhiên, do sự bùng phát của dịch Covid-19 kể từ tháng 1/2020, đã thay đổi toàn bộ bức tranh kinh tế vĩ mô, phủ một màu u ám lên triển vọng tăng trưởng kinh tế.

Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP trong quý 1/2020 đạt 3,82% so với cùng kỳ, là mức tăng trưởng quý 1 thấp nhất trong 11 năm qua khi tất cả các ngành kinh tế đều bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19.

dau tu cong se thuc day tang truong kinh te
Các động lực tăng trưởng kinh tế đều chậm lại

VNDIRECT dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 ở mức 5,0% so với cùng kỳ (so với mức 7,1% của năm 2019), trong đó ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ và nông nghiệp tăng lần lượt 5,6%, 5,3% và 2% so với cùng kỳ. VNDIRECT cho rằng, tất cả các động lực tăng trưởng kinh tế đều đang chậm lại.

Xuất khẩu cũng phải đối mặt với áp lực lớn hơn trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa suy giảm trên toàn cầu do dịch bệnh. Trong khi đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đã trải qua đợt sụt giảm mạnh trong quý 1/2020 với tổng vốn đăng ký cấp mới chỉ đạt 8,6 tỷ USD (giảm 20,9% so với cùng kỳ). Do đó, chuyên gia VNDIRECT tin rằng đầu tư công sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2020.

Theo phân tích của VNDIRECT, sở dĩ đầu tư công đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là bởi chính sách tài khóa vẫn còn nhiều dư địa để đẩy mạnh lĩnh vực này. Điển hình như về chi tiêu thực tế cho đầu tư phát triển trong ba năm qua của Tổng cục Thống kê và Bộ Tài chính cho thấy đã có sự chênh lệch lớn về số liệu.

Số liệu sơ bộ năm 2019 của Tổng cục Thống kê chỉ ra chi tiêu đầu tư công giảm khoảng 5,2% so với cùng kỳ và chỉ hoàn thành 57,5% so với kế hoạch cả năm. Nhưng nếu tính cả số tiền chưa được giải ngân chuyển nguồn sang năm 2020 theo ước tính của Bộ Tài chính, chi đầu tư phát triển là 443,4 nghìn tỷ đồng, cao hơn 3,3% so với kế hoạch cả năm. Điều này cho thấy tiến độ giải ngân đầu tư công vẫn còn chậm và thâm hụt ngân sách thực tế sẽ thấp hơn so với số liệu ghi nhận.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cho biết thâm hụt ngân sách thực tế đã giảm từ 3,5% GDP xuống còn 2,7% GDP trong năm 2017 do giải ngân chậm đối với đầu tư công. VNDIRECT ước tính thâm hụt ngân sách ở mức xấp xỉ 2,5% GDP trong năm 2018-2019 thấp hơn số liệu sơ bộ của Bộ Tài chính. Thâm hụt ngân sách giảm và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đã giúp nợ công của Việt Nam giảm từ 61,3% GDP trong năm 2017 xuống còn 56,1% GDP trong năm 2019. Theo kế hoạch ngân sách năm 2020-2022, nợ công sẽ giảm xuống còn 52,7% GDP vào năm 2022.

Theo Dự toán ngân sách năm 2020 được Quốc hội phê duyệt vào tháng 11/2019, chi tiêu cho đầu tư phát triển ước tính đạt 470,6 nghìn tỷ đồng (tăng 6,1% so với cùng kỳ, ~6,9% GDP). Chính phủ sẽ tăng 8,2% chi đầu tư công trong năm 2021-2022, cao hơn mục tiêu tăng trưởng 6,1% trong năm 2020. Thâm hụt tài khóa sẽ được phép tăng lên 3,5% GDP trong năm 2021-2022, tăng nhẹ so với mức dự kiến 3,4% GDP trong năm 2020. Trong trường hợp giải ngân hoàn toàn vốn đầu tư công cả năm theo kế hoạch sẽ giúp GDP tăng 0,42% trong năm nay.

Như vậy, vốn đầu tư công sẽ tập trung giải ngân vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt thông qua các dự án lớn.

“Điểm nhấn” các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam

Nhằm giải quyết các khó khăn về kinh tế, Chính phủ đang hành động rất quyết liệt để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công. Ngày 6/4, Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã được ban hành. Tại đây, có nhiều quy định về quản lý nguồn vốn, thanh quyết toán và chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân liên quan nhằm ngăn chặn sự chậm trễ trong việc giải ngân vốn đầu tư công.

dau tu cong se thuc day tang truong kinh te
Các dự án cao tốc Bắc - Nam là "điểm nhấn" trong đẩy mạnh đầu tư công

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các địa phương có cao tốc Bắc - Nam đi qua phải tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tốc độ và hoàn thành mục tiêu bàn giao mặt bằng trong quý 2/2020. Hiện nay, toàn dự án đã giải phóng mặt bằng được trên 454km trong tổng số 646km, đạt 70,3%. Trong khi đó tại dự án sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai cũng đã giải phóng 99% diện tích khu tái định cư. Thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo tỉnh phải giải ngân toàn bộ 17.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm nay, nhằm đưa dự án vào khởi công vào năm 2021.

Như vậy, quý 1/2020, giải ngân vốn đầu tư công tăng 16,4% so với cùng kỳ, đạt 59,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 13,2% kế hoạch năm (cao hơn mức 11,2% trong quý 1/2019). Đây là dấu hiệu cho thấy giải ngân đầu tư công sẽ sớm hơn và nhanh hơn so với nhận định trước đây của VNDIRECT.

Ngày 7/4, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chuyển đổi hình thức đầu tư tại 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Hợp tác công tư (PPP) sang đầu tư công. Thủ tướng giao các bộ liên quan nhanh chóng hoàn thành các thủ tục trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Như vậy, toàn bộ 11 dự án thành phần tại cao tốc Bắc - Nam, với tổng vốn đầu tư 101,2 nghìn tỷ đồng, sẽ được chuyển sang hình thức đầu tư công.

Với việc chuyển đổi hình thức đầu tư, Chính phủ muốn đưa các dự án trên khởi công ngay trong quý 3/2020, thay vì quý 1/2021 như Khối Phân tích, VNDIRECT dự báo trước đây.

Tương tự, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng sẽ được chuyển đổi sang hình thức đầu tư công và được áp dụng với cơ chế tương tự như các dự án tại cao tốc Bắc - Nam.

VNDIRECT ước tính cơ cấu chi phí của các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam dựa trên: dự toán chi phí xây dựng được quy định tại Thông tư 09/2019/TT-BXD (ban hành ngày 26/12/2019) của Bộ Xây dựng; và cơ cấu chi phí của các dự án cao tốc đã được thực hiện tại Việt Nam trong giai đoạn 2015-2018.

Với kịch bản cơ sở của VNDIRECT, khoảng 40% vốn đầu tư công sẽ được giải ngân tại 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, và việc xây dựng sẽ cần đến khoảng 8.900 tỷ đồng nhựa đường, 7.600 tỷ đồng thép xây dựng và 3.800 tỷ đồng xi măng.

Với việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công như vậy, VNDIRECT cho rằng, lời giải cho bài toán tăng trưởng kinh tế khó khăn sẽ phần nào được giải đáp.

Tú Anh