Đào thất thốn

07:45 | 24/01/2012

2,303 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đào thất thốn tên gọi này còn nhiều bàn cãi nhưng có lẽ chỉ vì cây đào thường rất nhỏ, thấp cao khoảng 7 thốn (hơn 20cm nên được gọi là "thất thốn" chăng?)

Mạnh Kiên

Hiếm hoa và hiếm người…

Đào thất thốn được xem còn quý giá nhiều hơn thế. Cũng không ai biết rõ loài hoa vương giả nhất trong các loại đào này vì sao lại có mặt ở Nhật Tân, và có tự bao giờ? Nhiều người yêu loài hoa này đến nỗi đã đặt cho nó thêm những cái tên như đào thờ, đào bói, đào tiến vua… Cứ sau Rằm tháng Giêng mới nở, thế mới khó chịu, nên người trồng thất thốn ở Nhật Tân cũng nản lòng dần. Nhiều nhà ở Nhật Tân đầu tư vào loại đào này mất tiền, mất thời gian vô kể mà chưa ai thành công, nên gọi nó là “đào Thất thoát” và để mặc thất thốn đứng cong queo đơn độc ở góc vườn, góc ao nào đó.

Đào thất thốn

Tôi tìm “lão đào” Chu Tử Thành, danh tiếng một thời ở vùng Nhật Tân bởi tài trồng, ghép các loại đào. Mấy năm về trước ông có lần còn tặng gia đình tôi một chậu đào đơm 3 loại hoa (đào, mai, mận) trên một cây. Ông già râu dài được xem giỏi về “cầm, kỳ, thi, họa” vừa cắt tỉa, sang chiết đào ở vùng cánh đồng “ciputra” nay đã trở thành “ẩn nhân” chỉ trồng vui vài ba gốc trong 4 bề nhà cao tầng, ông bảo: “Cho đỡ nhớ nghề”. Hỏi về đào giống đào thất thốn nức tiếng, ông vuốt chòm râu dài trả lời bằng mấy dòng thơ:

“…Hồ Tây liễu rủ chim bay lượn
Sông Nhị ru thuyền khách mắt xanh
Ngắm cảnh Nhật Tân đô thị hóa
Hoa đào nở đẹp ở… trong tranh”

Ông bảo rằng, giờ người chơi đào xô bồ, ăn sổi, thiếu sự tinh tế không hiểu hết được giá trị về giống đào này, thế nên người trồng cũng mất sự kiên nhẫn sợ cái chữ “Thất” của đào thất thốn sẽ thành… thất thu, thất thoát và lo rằng nó đang thất truyền.

So với lão đào Chu Tử Thành đã gắn bó 50 năm trong nghề, anh Lê Hàm là người trồng đào thuộc lớp con cháu, nhưng hậu sinh khả úy, anh là người duy nhất sở hữu bí quyết ươm trồng giống đào quý này. Có gần chục hécta đất trồng đào với rất nhiều giống đào quý hay như loại đào bông trắng cũng thuộc dạng hiếm ở làng đào này. Ngoài ra, anh Hàm còn có một gốc đào mà đến giờ cũng chưa biết đặt tên cho nó là gì. Ở thời điểm, khi hoa đào thất thốn đã bung nở, điều đặc biệt là những bông hoa ấy khổng lồ với đường kính lên đến 5cm trông to như cái chén. Nói chẳng ngoa, đúng là tìm khắp miền Bắc chứ đừng nói ở vùng Nhật Tân này “có gốc thứ hai”, nếu cho thuê cũng không dưới 50 triệu đồng.

Anh cho biết, trên hai chục năm theo đuổi trồng loại đào này, mà anh mới được chứng kiến nó nở được 4 lần. Gắn bó với giống đào này như duyên nghiệp. Khi hỏi về giá thuê, anh Hàm chỉ cười: Công phu lắm, hiếm khi trúng vào vụ nên giá cả nó phải cao hơn các loại đào thường. Có những gốc đào thất thốn đã được khách mặc cả giá lên tới 10 triệu đồng/bông hoa. Họ “treo thưởng” như thế cũng hứng khởi, nhưng xem như một canh bạc với giời, có năm được có năm không!

Nín thở chờ hoa

Khác với tất cả những thứ hoa đào thông thường mà ai cũng biết, đào thất thốn có thân, cành tương đối khiêm tốn, ít cánh. Mầm nhỏ xanh tía như lưỡi kiếm vung lên. Hoa đỏ thắm tươi, nếu cây ít hoa thì bền kỳ lạ, nếu hoa nở nhiều thì chóng tàn hơn đào thường. Hoa đào là loài có một đặc điểm riêng mà không một loại cây nào có được: dù bị cắt lìa cành vẫn trổ hoa, kết quả. Đất càng cằn cỗi hoa càng đẹp nhưng điều kiện phải trồng ở đất sét, đất thịt trong đồng chứ không trồng ngoài đất bãi lắm phù sa và thất thốn phải được bón bằng phân bắc “xịn”.

Nghệ nhân Lê Hàm

Thất thốn còn có sức sống mãnh liệt hơn cả, có thể trồng được trong chậu, trong khi đào thường chỉ khoảng 3 năm là chết. thất thốn thân ngắn, gốc xùi phồng xù xì, lá to dài xanh đậm, vỏ cây nếu bóc ra thì tím màu mận chín chứ không trắng xanh màu gỗ như các loại đào thường. Giống đào xù xì, rêu mốc này có sức hút người yêu hoa kỳ lạ, mỗi thốn cành cây, tức là độ dài bằng đốt ngón tay, có thể trổ tới 7 bông hoa, nên gọi là thất thốn.

Thất thốn đỏ từ rễ đỏ lên tới búp, mầm cứng cáp và nhọn như lưỡi kiếm. Hoa đỏ vô cùng, tựa như hoa hồng nhung vậy, có thể trổ bông từ gốc. Thất thốn sở hữu một vẻ đẹp không một loại đào nào sánh được. Cánh hoa dày, màu đỏ nhung, sáng nở một bông, trưa nở tiếp một bông, có người sợ cây nở hết mà không được ngắm nên không dám ngủ. Cây nhiều bông thì chóng tàn hơn đào thường, nhưng cây ít bông thì bền đến lạ lùng.

Người đàn ông trồng thứ đào độc này đang nín thở: “Nếu từ giờ đến tết chỉ có một đợt rét nhẹ nữa thì thất thốn sẽ bung nở đúng vụ”. Anh đã biết bí mật của loài hoa lạ lùng này. Một bí mật mà từ trước đến nay chưa ai tỏ tường về nó. Anh đã làm cho chính người trồng đào Nhật Tân kinh ngạc.

Còn ông Công Văn Tung, cũng đã nhiều năm trồng đào thất thốn bên làng Phú Gia, phường Phú Thượng cho hay: “Đúng là chẳng có giống đào nào lại khó tính như đào thất thốn. Vừa khó trồng, lúc được lúc không cho nên dân trồng đào nếu tính công chăm bón cho giống cây này thì không có hiệu quả về kinh tế. Cho nên, đào thất thốn giờ đang ngày trở nên quý hiếm, đúng là vừa sợ thất thu rồi lo nhất là giống đào này đang có nguy cơ thất truyền”.

M.K