Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: “Chưa bao giờ nguôi nghĩ về người nông dân”

11:00 | 18/05/2013

1,100 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đau đáu với những nỗi niềm vẫn còn nóng hổi ở những miền quê, “cha đẻ” của “Ma Làng” quyết tâm khai thác đến tận cùng ngõ ngách để đưa đời sống nông thôn lên màn ảnh.

- “Ma Làng” sau 10 năm trở lại với cái tên “Làng Ma”, nghe có vẻ ma quái hơn. Sẽ là những xung đột, những số phận chua chát hơn... hay một điều gì khác hơn về người nông dân, thưa đạo diễn?

- Làng Ma là sự tiếp nối của Ma Làng, nhưng lại là một câu chuyện độc lập, hoàn toàn mới với một góc nhìn mới. Nếu Ma Làng là những câu chuyện cóp nhặt ở nông thôn thời xóa bỏ bao cấp thì Làng Ma là thời kỳ đổi mới, là giai đoạn mà những người dân đang chạy đua làm giàu, lấy đồng tiền là mục đích sống. Sẽ có không khí đô thị len lỏi, phá vỡ sự yên ả nơi làng quê, sẽ có những bon chen, trục lợi, mưu cầu lợi ích riêng.

Những người nông dân, họ phải đối mặt với những khó khăn thời kỳ mở cửa, những xung đột khi mắc kẹt trong cuộc chiến giữ đất và tất nhiên cả sự phát triển của dịch vụ công nghiệp... Tất cả những thứ đó, tôi đã rất cố gắng để nó hiện lên sinh động.

- Xuất phát từ cảm hứng nào để ông thực hiện Làng Ma?

- Đề tài về người nông dân với tôi chưa bao giờ là cũ. Sau khi làm xong Ma Làng, tôi đã nhận được khá nhiều phản hồi tốt. Tôi đã đi tìm thực tế và biết rằng, những con sóng ngầm trong đời sống nông thôn mới cũng đầy dãy những vần đề cần phải nói đến. 

Những câu chuyện về đất đai nông nghiệp bị bán, số phận về người dân bị nhiễm HIV chỉ vì muốn làm giàu quá nhanh bằng cách đi đào vàng và tuyệt vọng khi biết mình bị bệnh, những ganh đua về đồng tiền trong bối cảnh cái yên bình đang dần bị phá vỡ... nhiều lắm. Người ta hay nói với tôi rằng: “Ông Phần ơi, ông về quê tôi làm phim đi, ma làng tôi còn ghê hơn ma làng ông đấy”. Tôi thấy thật sự đau lòng.

Với tôi, đề tài về người nông dân chưa bao giờ là cũ

- Vậy, khi thực hiện Làng Ma điều gì khiến đạo diễn cảm thấy khó khăn nhất?

- Thực ra thì bộ phim này tôi đã hoàn thành kịch bản từ hai năm trước, nhưng lận đận mãi không tìm được nhà sản xuất ưng ý để thực hiện. Đối với công việc sáng tạo thì đó cũng là một điều hay để mình có dịp ngẫm nghĩ xem những chi tiết như vậy đã đúng chưa, cái gì được rồi và cái gì chưa được.

Làm phim về đề tài nông thôn có cái khó là phải tìm bối cảnh. Trong Làng Ma chúng tôi phải về một làng quê tận xã Liên Sơn (Lương Sơn – Hòa Bình) để quay, đoàn đi lại và ăn ở cũng khá vất vả. Nhưng bộ phim này cũng không có gì đáng ngại bởi về đó chúng tôi cũng được chính quyền giúp đỡ và người dân cũng nhiệt tình tham gia vào vai quần chúng.

- Làm việc cạnh dân như thế để hiểu dân hơn, thưa đạo diễn ?

- Đúng thế. Trong những bối cảnh cần dân làm vai quần chúng thì được giúp đỡ nhiệt tình. Có những phân đoạn chưa sát thực tế thì họ cũng góp ý. Dân cũng thân mật nên trao đổi, giúp đỡ để đoàn làm phim hiểu họ hơn, có những chi tiết “sống” hơn.

Làng Ma với sự góp mặt của diễn viên Trung Hiếu 

- Còn sớm để nói có hài lòng với bộ phim hay không, nhưng tự nhận xét thì xin ông cho biết, với vai trò đạo diễn, ông thấy ưng ý nhất ở đây là gì?

- Tôi luôn thích làm những phim có đặt được vấn đề nào đó cho xã hội, chứ làm phim giải trí vui chơi không phải là cách mình muốn. Với Làng Ma tôi nghĩ rằng, khi xem ai cũng dễ dàng hiểu được những chuyển động nơi làng quê mà tôi muốn đề cập. Nó gần lắm với những thực tế.

Hơn nữa, phim này tự tay tôi viết kịch bản rồi làm, với vai trò đạo diễn nên được theo ý mình. Bên cạnh đó, tôi có sự giúp sức của đội ngũ diễn viên nhiệt tình. Vẫn biết rằng, quy tụ được dàn diễn viên trước đây là khó khăn, nhưng cuối cùng thì họ đều nhận lời tham gia. Trong Làng Ma, chỉ có thay đổi là vai anh nông dân Dỏ mà trước đây cố nghệ sỹ Hồng Sơn thủ vai, đã được giao cho diễn viên Trung Hiếu. Với một diễn viên có khả năng hóa thân đa dạng như Trung Hiếu tôi khá hài lòng.

Trong Làng Ma khán giả sẽ thấy cuộc sống người nông dân làng Bâm Dương khá giả hơn. Họ cũng mang trong mình ước muốn có cuộc sống đầy đủ nhưng đương nhiên sẽ kéo theo đó là... những hệ lụy. Tất cả, sẽ được tôi gói trong hết trong đó.

- Có những băn khoăn rằng, tại sao Nguyễn Hữu Phần cứ trăn trở mãi với những câu chuyện từ làng quê đó?

-  Bởi đề tài về nông thôn không bao giờ là cũ. Cái hay về nông thôn là ở chỗ, trong thời đại mới, thời mở cửa, kinh tế nông thôn để làm giàu thì việc thoát ra ngoài vấn đề ruộng đất đâu phải là dễ. Họ chủ yếu sống dựa nông nghiệp mà, vậy đổi mới kéo theo những vấn đề về luật đầu tư, luật đất đai... vẫn đang rất nóng. Thêm vào đó, khi người dân đang sống quẩn quanh với những nếp nghĩ an nhàn, thì việc xâm nhập của những cái mới, mà lại là cái hấp dẫn, bao giờ cũng khiến họ loay hoay. Tôi đặc biệt muốn quan sát những chuyển động đó.

- Nhưng đã có rất nhiều những tác phẩm về nông thôn của ông được ghi nhận và đánh giá cao. Ông không muốn “đổi món” để thử sức ở một  đề tài khác?

- Tôi có thiên hướng làm phim nghiêng về lòng nhân ái một chút, nhưng hiện tại thì cũng chưa có gì mới. Với tôi thì đề tài về người nông dân vẫn là hấp dẫn hơn cả. Mà thực tế, đề tài đó thì đầy tiềm năng, cả đời tôi chưa chắc đã khai thác hết.

- Vậy còn dự định làm phim về đồng bào Tây Nguyên?

- Việc làm phim về đồng bào Tây Nguyên thực ra nó vẫn phôi thai ở ý tưởng. Xuất phát từ việc tôi đọc được những thông tin ở Tây Nguyên, quân đội họ có các dự án làm kinh tế nông thôn. Họ đã biến nông thôn thành những nông trường sản xuất lớn, mà người dân ở đó được vào làm công nhân nông trường. Tôi nghĩ rằng, đó là xu thế rất đẹp của việc phát triển nông thôn mới. Hội điện ảnh có dự định đi nghiên cứu việc này để làm phim về đề tài nông thôn mới ở Tây Nguyên. Đó là việc rất hay, tôi rất muốn sau bộ phim Làng Ma này có thể vào đó tìm hiểu và viết kịch bản.

Trò đời là bộ phim đầu tiên khởi động cho dự án làm phim chuyển thể từ dòng văn học 1930 - 1945

- Vậy tham vọng ở thì tương lai của ông là gì?

-  Đó là làm được những bộ phim chuyển thể từ văn học thời kỳ 1930 - 1945. Tôi thấy rằng, kho tàng văn học thời kỳ này vô cùng phong phú và có nhiều những tác phẩm chất lượng. Trước mắt thì chúng tôi đã phối hợp làm xong bộ phim “Trò đời” được chuyển thể từ ba tác phẩm đặc sắc của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Sau này, cũng lối đi đó, tôi có tham vọng cùng với ê kíp sẽ tận dụng được những tác phẩm đặc sắc của thời kỳ này lên phim.

- Đúng là cái thiếu là điện ảnh chưa biết “dựa” vào văn học nhưng thực tế thực hiện được và thực hiện thành công cũng không phải là dễ, thưa đạo diễn?

- Đúng là khó bởi phim chuyển thể đòi hỏi người làm phim không chỉ phải hiểu sâu sắc hoàn cảnh trong quá khứ mà còn phải hiểu được ý nghĩ văn chương của nhà văn thời bấy giờ. Có như vậy mới khai thác một cách triệt để. Rồi từ đó nó tạo cho chúng ta một không khí xã hội khác, có thể rất đẹp nhưng có thể cũng khắc nghiệt để đem đến một thông điệp nào đó tới đời sống bây giờ.

Mặt khác, chuyển tải trọn vẹn như Giống tố, Số đỏ... trước đây từng làm nó cũng khác với những gì chúng tôi đang đi, những tác phẩm điện ảnh chiếu bộ một, nên cũng dễ dàng hơn. Ở đây tham vọng của là muốn chuyển tải thành phim truyền hình nhiều tập. Thế nên, từ cách chọn tác phẩm đến các xử lý tình huống, lựa chọn nhân vật cũng đòi hỏi một kịch bản khác. Chúng tôi chỉ dựa vào để nhặt ý trong các nguyên tác mà thôi.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Huyền Anh (Thực hiện)

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps