Đạo diễn Lưu Huỳnh: Kiếp trước tôi là phụ nữ!?

07:58 | 14/10/2012

931 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Làm thêm một phim về phụ nữ, đạo diễn Lưu Huỳnh cho rằng, đơn giản đó là gu chứ không thể giải thích thêm điều gì khác. Dành cho nửa thế giới còn lại rất nhiều sự chia sẻ trong mỗi tác phẩm của mình, đạo diễn Lưu Huỳnh bảo: “Kiếp trước tôi là phụ nữ”.

Nhân bộ phim mới “Lấy chồng người ta” ra mắt, chúng tôi có dịp trò chuyện với vị đạo diễn kín tiếng này.

Bị cắt, tôi buồn lắm

PV: Cuối cùng anh lại làm tiếp một phim nữa về phụ nữ. Có điều gì ám ảnh trong đề tài ấy phải không?

Đạo diễn Lưu Huỳnh (ảnh: BHD cung cấp)
 

Đạo diễn Lưu Huỳnh: Có ông nhạc sĩ viết một câu là: “Đời là vạn ngày sầu”. Rồi khi đi gặp bạn bè chúng tôi cũng hay hỏi nhau câu đầu tiên: “Ê, đời có gì vui?”. Câu trả lời nhận được y chang câu hát kia. Đấy, bạn giàu bạn cũng khóc, yêu không được cũng khóc, thành ra để trả lời câu hỏi này, tôi nghĩ rằng, cá nhân mình không thích phim kết thúc có hậu. Đúng hay sai tôi không thể trả lời. Có lẽ nói đơn giản, nó là gu.

Mà bạn thử yêu một người đi, tình yêu đâm chồi nảy nở rồi một ngày có chuyện gì đó không thể vượt qua, hai người chia tay, tôi tin bạn còn nhớ hoài đến mối tình ấy. Bản thân tôi cũng vẫn nhớ hoài mối tình đầu. Cũng như vậy, phim mà kết thúc có hậu, vui đấy rồi lại quên ngay.

Tôi có cái dở là hay tình cảm nhiều, tôi hay đùa kiếp trước tôi là phụ nữ đấy (cười).

PV: Hình ảnh Việt Nam ở các liên hoan phim thường bao giờ cũng là cái nghèo, sự thua thiệt của những phận người. Tại sao cứ nhất thiết phải mang hình ảnh ấy về đất nước đi chia sẻ với bạn bè quốc tế?

Đạo diễn Lưu Huỳnh: Thực sự phim này khi viết tôi không có ý định tham gia diễn đàn điện ảnh nào cả. Tôi coi đây hoàn toàn là một phim thuần về kinh tế. Tại họ cứ gán cho tôi cái danh “làm phim nghệ thuật”. Thực tế, kể cả phim nghệ thuật của châu Âu khác với phim nghệ thuật của phim Mỹ. Triết lý của châu Âu bao la, trừu tượng chứ không thực tế như Mỹ. Nghệ thuật của Mỹ cụ thể hơn. Tôi không theo dòng phim châu Âu như Trần Anh Hùng mặc dù tôi cũng thích nó ở khía cạnh nào đó. Có lẽ tại tôi lớn lên ở Mỹ nên cũng có chút ảnh hưởng lối sống bên đó nên mọi thứ tôi làm nó hơi cụ thể.

Còn hình ảnh cái nghèo, sự thua thiệt mà bạn nói, tôi không coi nó là điều không đẹp. Dưới con mắt tôi, cái nghèo, sức chịu đựng của con người trước những cực nhọc của cuộc đời là một nét đẹp.

Khi phim làm xong, lúc tôi ở Phan Thiết về thì nhận được thư mời của liên hoan phim, thông tin về phim cũng được đăng trên trang web của liên hoan rồi, nhưng tôi không đi. Lý do tôi không muốn đi vì khi đó ở Việt Nam phim chưa được duyệt. Tôi buồn. Tại vì đi qua bên kia mấy người mắt xanh mũi lõ được xem phim mình mà ở đây mọi người lại không được xem phim mình làm ra. Nhà sản xuất động viên, họ gửi cả vé máy bay, phòng khách sạn nhưng tôi quyết định không đi. Tôi nhờ đoàn cử diễn viên đi nhưng các diễn viên bảo đạo diễn không đi, họ không đi. Kết quả, phim không thắng.

PV: Và cuối cùng thì “Lấy chồng người ta” cũng đã được công chiếu ở Việt Nam. Anh có hài lòng?

Đạo diễn Lưu Huỳnh: Hài lòng là một cảm giác bao la. Tôi không có điều đó. Thêm nữa, lúc phim ra mắt, nhà sản xuất yêu cầu tôi phải có mặt nhưng tôi ở TP HCM. Có những yếu tố thuộc về sáng tạo trong phim này ít nhiều bị cắt bỏ. Tôi buồn. Tôi chẳng hiểu tại sao lại như thế nữa.

PV: Vẫn là vấn đề muôn thưở, duyệt phim, nhưng sao anh vẫn buồn. Làm phim ở Việt Nam cả chục năm rồi, anh chưa thuộc bài sao?

Đạo diễn Lưu Huỳnh: À, tôi vẫn luôn tự kiểm duyệt mình trước. Vì bản thân, “Đường trần” của tôi sau khi làm xong, phải 4 năm sau mới được duyệt. Tôi biết, tự kiểm duyệt mình mỗi khi làm nhưng vẫn buồn khi phim mình bị cắt.

Tôi thấy nghệ sĩ bây giờ chẳng có gì hay

PV: Khi Đinh Y Nhung có vai chính trong phim anh, người ta ồ lên: “Lấy chồng đạo diễn mà”. Anh có dị ứng với những nhận xét đầy áp đặt kiểu đó của dư luận không?

Đạo diễn Lưu Huỳnh: Ồ, có nhiều người nói. Tôi không ưa nghệ sĩ. Thực tế chồng lăng xê vợ chẳng có gì sai mà trong giới cũng rất nhiều người như thế. Riêng cá nhân, tôi không thích làm điều đó vì muốn được những người khác tôn trọng Nhung. Tôi muốn Nhung tự tạo dựng tên tuổi của mình và làm được nghệ thuật bằng khả năng của mình. Tôi không muốn Nhung lợi dụng tôi mà thực ra lợi dụng tôi cũng khó lắm. Vì khi ra phim trường tôi không phải là người như đang ngồi nói chuyện với bạn lúc này đâu nhé. Nhưng riêng kịch bản này tôi thấy Nhung hợp. Tôi hỏi Nhung có làm được những điều tôi viết trong đấy không, làm được thì đi casting còn không tôi không ép. Ở khía cạnh này tôi tự tin là có thể nắn được bất cứ ai, nhưng tôi lại chẳng thích mình làm điều đó, tôi ghét.

PV: Tôi nhớ, anh đã phát hiện và nắn được một Trần Bảo Sơn doanh nhân thành Trần Bảo Sơn diễn viên. Lúc đó nguyên do có phải là trả nợ Trương Ngọc Ánh vì đã góp vốn làm “Áo lụa Hà Đông”?

Đạo diễn Lưu Huỳnh: À, chuyện Trần Bảo Sơn vào phim “Huyền thoại bất tử” đến giờ chắc Sơn vẫn nhớ. Tôi rất tự tin khi chọn Sơn nhưng vẫn phải dùng ma thuật. Ma thuật ở đây với Sơn là gì? Tôi tạo cho Bảo Sơn sự căng thẳng tột độ. Cứ gặp mặt Sơn tôi lại bỏ đi chỗ khác, thể hiện rõ ấn tượng: “Mày là thằng tồi tao lỡ sai lầm chọn mày cho vai diễn này”. Ngay cả khi đi quay phim chung, đến giờ ăn, cứ có Trần Bảo Sơn ngồi đấy là tôi ngoảnh mặt đi chỗ khác.

Tới khi tới cao trào, hắn hết chịu nổi rồi, tôi hỏi hắn: “Anh à, em có thể làm việc với anh không”. Tôi biết chắc hắn sẽ làm điều đó, vì ai cũng có con tim. Nhưng việc của tôi trên trường quay quan trọng là phải thúc đẩy nhân vật, thậm chí khiến họ tự ái mà bộc lộ ra điều mình tin họ có thể làm được.

Đến khi xong phim tôi mới nói với Sơn: “Sơn à, anh không ghét gì em đâu. Nhưng anh biết anh phải làm thế mới lấy được phần con người mà anh đang tìm. Anh biết em làm được, nhưng vì em là người ngoại đạo nên không thể dùng cách thức 1 cộng 1 là 2 để áp dụng, anh buộc phải dùng cách khác”.

PV: Anh kể câu chuyện này tôi mới thấy, người ta kêu anh là đạo diễn khó tính đến đáng sợ là hoàn toàn có cơ sở. Ngoài đời, anh có phải là người đàn ông khó chịu như lúc ở phim trường?

Đạo diễn Lưu Huỳnh: Tôi không phải là người lúc thế này, lúc thế kia, mà đơn giản là người làm việc có nguyên tắc. Có diễn viên khá nổi tiếng, tôi mời hợp tác một phim. Gặp nhau, thống nhất hết, cô ấy đưa ra một bản danh sách liệt kê những điều không muốn: Anh đừng la em nhé, em muốn thế này... Tôi cảm ơn rồi hẹn khi khác. Thực ra tôi chỉ khó khi làm việc, còn lúc khác tôi cũng hài hài chút đấy.

Tôi nghĩ tôi quá quyết liệt khi dành tình yêu quá lớn cho công việc của mình.

PV: Tôi thấy từ điển của anh không có từ “chê” nhưng lại có rất nhiều từ “ghét”. Có phải vì anh “ghét” nghệ sĩ nên chị Đinh Y Nhung từ một thí sinh hoa hậu, một người mẫu đã lui về ở ẩn, chỉ chuyên tâm làm nghề?

Đạo diễn Lưu Huỳnh: Ồ, Nhung làm gì thì làm, tôi đâu có cấm. Còn chữ nghệ sĩ đối với tôi nó lớn lắm, nó có cái gì đó mà tôi thấy, nếu như có nghệ sĩ ở đây tôi vẫn nói, bởi họ chẳng nuôi được tôi, mà tôi cũng chẳng có nhu cầu cà phê, thuốc lá với họ. Tôi nói thật, chuyện này đăng báo tôi cũng chẳng sợ. Hãng phim gửi danh sách người sẽ được mời đến buổi ra mắt phim của tôi hôm nay, tôi thấy cặp diễn viên này tối ngày đăng báo kể chuyện tôi mua cái này, mang theo cái đồ hiệu đó, chả làm cái gì hết, mời đến xem phim hư phim tôi, tôi không muốn mời. Tôi thẳng tính đến khó tính. Tôi nói với hãng phim: “Em mà không tin anh, em mời họ đến đây, anh gặp họ ở buổi đó anh cũng đuổi họ ngay trước mặt cho em thấy”.

Thực ra, tính khí tôi rất dễ chịu nhưng đừng xúc phạm đến tôi. Bản thân tôi lái con tàu này đi đã quá mệt rồi, đến cuối rồi cho tôi phút bình yên, cho tôi cảm thấy được chứ. Nếu tôi có thể trở thành ông Phật, nhắm mắt để người xung quanh muốn làm gì thì làm, nhưng tôi thấy chữ nghệ sĩ ngày xưa nhắc đến thấy đầy trân trọng chứ giờ bạn có tiền, bạn đến phòng thu, thu vài bài hát thì ngày mai có thể trở thành ca sĩ. Mấy cô người mẫu tí xíu cũng ca hát thành ca sĩ. Mà ca sĩ đâu cần đẹp, họ cần cái giọng. Thế mà có cái dáng cao cao lên hát tí thành ca sĩ. Chẳng hiểu tại sao.

PV: Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Thủy Liên (thực hiện)