Dân văn phòng và những bệnh "nghề nghiệp"

15:21 | 27/06/2014

2,069 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Công việc văn phòng vốn dĩ gắn liền với máy tính và bàn làm việc. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin làm cho mọi việc chủ yếu thực hiện thông qua hệ thống internet tưởng chừng nhẹ nhàng nhưng cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Hãy cùng điểm qua những căn bệnh không mời này và cách phòng tránh chúng.

>> Giảm tác hại ngồi phòng máy lạnh cho dân công sở

1. Đau lưng

Khi ngồi làm việc trên máy vi tính quá nhiều có thể làm cho bạn dễ dàng bị đau nhức và mệt mỏi, nếu không biết cách để thay đổi, điều này lâu ngày có thể làm cho bạn bị gai cột sống, đau các ngón tay…Nhiều nghiên cứu còn chỉ ra thời gian ngồi kéo dài có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim, tiểu đường, trầm cảm và một số loại ung thư. Điều mà có lẽ bạn chưa biết là thậm chí tập thể dục đầy đủ cũng không thể đẩy lùi được những tác hại của việc ngồi lì suốt 8 giờ.

Phòng tránh:

Sửa tư thế ngồi: Chân của bạn cần được đặt thẳng trên sàn nhà khi ngồi ghế. Giữ cho lưng luôn thẳng. Đẩy phần đầu về phía sau để thư giãn cho các cơ cổ.  Đặt một cái gối ở phía sau, chỗ thắt lưng để bảo vệ cho cột sống. Không nên ngồi lâu tại ghế, đôi khi nên đứng dậy một chút để thay đổi tư thế.

Không ngồi quá lâu trong phòng làm việc: Phòng làm việc không phải là môi trường lý tưởng để bạn có thể ngồi cả ngày. Hãy tận dụng những phút nghỉ ngơi thư giãn để cơ thể bạn được vận động và hít thở khí trời.

2. Nhức mỏi cổ và mắt

Các nhân viên văn phòng thường xuyên phải nhìn hàng giờ đồng hồ vào màn hình máy tính, tạo nên áp lực rất lớn cho mắt và vùng cổ, đặc biệt là khi màn hình nhấp nháy. Cùng với tác động của không khí khô trong phòng làm việc, mắt sẽ trở nên khô, đỏ, ngứa và hoa mắt.

Phòng tránh:

Cứ sau mỗi 10 phút, bạn hãy thư giãn cho mắt bằng cách nhìn nhanh qua cửa sổ văn phòng và chớp mắt. Vào giờ nghỉ trưa, bạn hãy đi tới nơi có ánh sáng tự nhiên. Trong một ngày hãy nhiều lần dùng tay che mắt trong ít nhất 1 phút. Chỗ ngồi làm việc phải được trang bị đủ lượng ánh sáng cần thiết.

Lưu ý vị trí của màn hình và bàn phím: màn hình máy tính cần phải ở độ cao thoải mái để bạn có thể nhìn thẳng về phía trước. Màn hình nên được đặt cách mắt 50 đến 60 cm và tâm của màn hình nên đặt thấp hơn tầm mắt từ 10 đến 20 cm. Giữ thẳng lưng và 2 vai luôn ngang bằng là cách hiệu quả để phòng tránh đau nhức mắt và cổ.

Chú ý đến chế độ ăn uống: Tăng cường bổ sung các thực phẩm chứa vitamin A có trong gan, trứng, sữa, các loại trái có màu vàng, các loại rau có màu xanh đậm. Ăn các thực phẩm giúp gan khỏe mạnh (gan cung cấp dưỡng chất nuôi mắt giúp mắt khỏe đẹp) như bắp cải, nấm, rong biển, cà rốt, cà chua, bí đao, cam, chanh, măng cụt, bơ.

3. Hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay (Carpal tunnel syndrom) là biểu hiện đặc trưng của những người làm văn phòng do phải sử dụng bàn phím thường xuyên. Bệnh xảy ra khi dây thần kinh chính ở cổ tay, phụ trách việc dẫn truyền cảm giác từ các ngón cái, trỏ, giữa, và một nửa ngón đeo nhẫn của bàn tay bị chèn ép sau khi bị căng thẳng liên tục.

Phòng tránh:

Thường xuyên xoa bóp vùng cổ tay.

Làm việc đúng tư thế, ngồi cách màn hình khoảng 60 cm; khi gõ, phải giữ sao cho cổ tay phải thẳng, khuỷu tay ở góc 90 độ.

4. Đau đầu

Khi mắt làm việc quá nhiều, tập trung vào màn hình máy tính trong thời gian dài, ngủ không đủ giấc, áp lực quá lớn…cùng với tư thế ngồi không đúng sẽ khiến những cơn đau đầu xuất hiện, thường cơn đau sẽ đến từng đợt hoặc có cảm giác như có vật gì buộc quanh đầu đi kèm với biểu hiện chóng mặt, bứt rứt trong người, có khi đi, đứng không vững.

Phòng tránh:

Luôn tạo cho mình trạng thái tinh thần thoải mái khi làm việc, thả lỏng toàn thân, thư giãn tâm trạng sau 45 phút làm việc. Cách một khoảng thời gian bạn nên nhắm mắt lại, hoặc ra khỏi phòng thực hiện những động tác co duỗi đơn giản, hoặc rời khỏi bàn làm việc nghe chút nhạc.

Giữ khoảng cách từ mắt đến màn hình máy tính không quá gần hay quá xa để mắt có thể nhìn rõ nhất, khi ngồi làm việc không phải cúi đầu cũng như không phải ngửa cổ lên vì dễ gây mệt mỏi.

Nên mở cửa sổ để không khí trong phòng được lưu thông. Khi bị đau đầu, bạn không nên dùng thuốc giảm đau, bởi cách đó chỉ làm cho cảm giác đau nhất thời giảm nhẹ, nhưng sẽ gây tổn thương cho hệ thần kinh, và không giải quyết được triệt để vấn đề.

5. Nhiễm khuẩn

Bàn phím bẩn là nguyên nhân gây nhiễm khuẩn

Các bàn phím đều chứa rất nhiều các loại vi khuẩn và các vi sinh vật khác, nhất là khi không được vệ sinh thường xuyên. Do vậy, người làm việc văn phòng dễ bị lây lan những căn bệnh như cảm lạnh, cúm,…có thể dẫn đến những bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng khác.

Phòng tránh:

Thường xuyên lau bàn phím và bề mặt bàn với các dung dịch kháng khuẩn giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

Sử dụng thuốc diệt trùng cho tay và rửa tay trước khi ăn uống trong giờ làm việc hoặc ăn trưa.

Hoàng Trâm (tổng hợp)