Dán tem truy xuất nguồn gốc thực phẩm chưa đồng bộ

14:52 | 30/08/2017

2,230 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc dán tem truy xuất nguồn thịt lợn, rau củ đã được triển khai thí điểm tại TP Hà Nội gần 1 năm qua, tuy nhiên kết quả chưa thực sự tốt. Theo ghi nhận thực tế, việc có quá nhiều các loại tem truy xuất nguồn gốc rau củ khiến người tiêu dùng lúng túng.  

Người tiêu dùng chưa quan tâm

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Năng lượng Mới, việc dán tem truy xuất nguồn thịt lợn, rau củ đã được áp dụng ở TP Hồ Chí Minh hay thí điểm gần 1 năm nay ở Hà Nội. Tuy nhiên, có một thực tế là người tiêu dùng vẫn luôn “hoa mắt”, bởi trên bao bì của mỗi sản phẩm có quá nhiều tem khẳng định chất lượng như: nhãn VietGAP, tem truy xuất nguồn gốc của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và tem truy xuất của riêng đơn vị sản xuất, tem của đơn vị kinh doanh.

dan tem truy xuat nguon goc thuc pham chua dong bo
Bà Phạm Thị Lý đang hướng dẫn cách sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc

Theo ghi nhận, nhiều người mua hàng vẫn không mặn mà với việc quét mã QR code trên sản phẩm để tra cứu thông tin chi tiết về sản phẩm, cơ sở sản xuất và cơ sở phân phối. Mặc dù việc quét mã QR code sẽ thấy được các giấy tờ chứng nhận liên quan đến sản phẩm và có thể phản hồi ý kiến tới cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Nhiều bà nội trợ ở Hà Nội cho biết, dù ưu tiên tiêu chí sạch cho bữa cơm hằng ngày, nhưng dùng điện thoại kiểm tra nguồn gốc thực phẩm làm mất quá nhiều thời gian nên ít sử dụng. Bên cạnh đó, mỗi sản phẩm lại có quá nhiều loại tem mác nhưng khác nhau về hình dạng, kích thước nên không thể phân biệt đâu là tem tích hợp thông tin chính xác nhất về chất lượng sản phẩm. Do vậy, hầu như mọi người vẫn lựa chọn theo thói quen và tên thương hiệu như từ trước.

Ông Nguyễn Thái Hoàng, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội - Công ty PED Food: “Sở NN&PTNT nên thống nhất kích cỡ tem ở các siêu thị và quy định nội dung truy xuất gốc như thế nào cho cụ thể để làm quy chuẩn áp dụng cho toàn bộ các hợp tác xã khi tham gia vào truy xuất nguồn gốc. Đơn cử như mỗi sản phẩm thịt sạch của đơn vị đã có tem truy xuất riêng, nhưng khi tham gia vào chương trình lại dán thêm tem do Ban Tổ chức quy định. Trong khi đó, mỗi mẫu tem lại có một phần mềm truy xuất riêng, khiến doanh nghiệp và người mua hàng đều bối rối trong việc lựa chọn phần mềm kiểm tra. Do vậy, trong thời gian tới, Sở NN&PTNT nên nghiên cứu tích hợp các con tem này vào một, hạn chế việc chồng chéo, lãng phí”.

Mặc dù khá hào hứng và ủng hộ việc thực phẩm được dán tem truy xuất gốc, nhưng hệ thống bán thực phẩm an toàn dán tem mã QR code ở Hà Nội vẫn còn rất ít. Người dân cũng chưa nắm rõ được các địa chỉ đã áp dụng việc dán tem mác này. Ngoài ra, cần phải kiểm soát chặt từ nơi sản xuất vì sau khi đơn vị được cấp mã QR cho sản phẩm, có thể xảy ra tình trạng trà trộn, đưa sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ vào tiêu thụ như sản phẩm an toàn. Bên cạnh đó, một số sản phẩm của các đơn vị chưa đăng ký dán tem truy xuất, không có mã vạch vẫn được bày bán chung với các loại rau quả có tem truy xuất nguồn gốc, gây khó khăn trong việc lựa chọn sản phẩm của người tiêu dùng.

Cần chuẩn hóa tem truy xuất

Theo các chuyên gia kinh tế, cơ quan chức năng cần hoàn thiện hệ thống quét mã vạch và mở rộng hơn nữa các điểm phân phối sản phẩm an toàn, kèm theo sự kiểm soát chặt chẽ để lấy lại lòng tin của người tiêu dùng. Một số doanh nghiệp tham gia thí điểm cho hay, hạn chế của hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm là tem và phần mềm khi test thử chưa thực sự nhạy. Hơn nữa, giá thành tem in riêng cao, gây khó cho doanh nghiệp kinh doanh nhiều loại mặt hàng.

Mặt khác, dữ liệu ghi chép khi đưa vào hệ thống phần mềm truy xuất tốn khá nhiều thời gian. Chuyển đổi hình thức phải mất 4 nhân công để ghi chép, nhập liệu, đội thêm nhiều chi phí. Bên cạnh đó, mã truy xuất nguồn gốc có rất nhiều thông tin, có những thông tin không cần thiết nhưng vẫn truy xuất, làm rối loạn thông tin đối với người tiêu dùng. Do đó nhiều doanh nghiệp cho rằng, cần có quy chuẩn về thông tin trên tem dán.

dan tem truy xuat nguon goc thuc pham chua dong bo
Truy xuất nguồn gốc thực phẩm trên điện thoại

Bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển - một trong những đơn vị tham gia cung cấp giải pháp tem truy xuất nguồn gốc rau quả cho rằng, việc dán tem truy xuất nguồn gốc là việc cực kỳ cần thiết, tránh xảy ra tình trạng “tuồn” sản phẩm không đủ tiêu chuẩn từ bên ngoài vào.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tạo điều kiện để các hợp tác xã tiến hành việc tham gia vào chương trình truy xuất nguồn gốc. Dần dần, chuẩn hóa lại các quy chuẩn về truy xuất nguồn gốc, thống nhất quy định để dễ dàng hơn trong việc thực hiện. Đồng thời, mở rộng cửa cho các doanh nghiệp cung cấp giải pháp truy xuất tốt nhất tham gia để tránh chuyện độc quyền về đơn vị cung cấp tem.

Hiện TP HCM đã chính thức vận hành chương trình truy xuất nguồn gốc rau quả tại một số siêu thị thuộc hệ thống siêu thị Co.opmart, BigC, Lotte. Thao tác truy xuất khá dễ dàng, chỉ cần điện thoại có kết nối Internet và cài phần mềm Zalo quét mã QR code khoảng 3 giây là có ngay thông tin cần biết như vùng trồng, quy trình sản xuất, thời gian thu hoạch…

Đông Nghi - Xuân Hinh