Cướp biển Somali hoạt động như thế nào? (Phần 1)

13:31 | 21/01/2019

2,405 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Giống như tội phạm ma túy, cướp biển có đặc trưng nhất ở tính manh động, mạo hiểm và hám lợi. Tuy không hoạt động trên lãnh thổ của quốc gia khác, nhưng đây là một loại tội phạm xuyên quốc gia vì hành vi phạm tội của chúng gây ảnh hưởng đến các nạn nhân hầu như là người nước ngoài

Cướp biển Somali tuy hoạt động trên vùng biển quanh nước mình, nhưng đây là một loại tội phạm xuyên quốc gia vì hành vi phạm tội của chúng gây ảnh hưởng đến các nạn nhân hầu như là người nước ngoài (các tàu thuyền quốc tế bị chúng cướp). Đây là tội phạm có tổ chức vì việc chỉ huy một con tàu thực hiện hành vi cướp biển đòi hỏi phải có một kế hoạch chi tiết từ trước đó, có sự liên kết của nhiều đối tượng; thủ đoạn hoạt động có tính chuyên nghiệp và độ chính xác cao.

Nguồn gốc hình thành các băng nhóm cướp biển Somali

Sự tồn tại các băng nhóm cướp biển Somali là hậu quả từ những bất ổn trong xã hội và thể chế chính trị ở quốc gia này. Hầu hết thành viên của các băng nhóm cướp biển Somali là ngư dân địa phương, những người đã từng tham gia vào lực lượng dân phòng để bảo vệ vùng biển quê hương. Ban đầu, chúng chỉ nhằm vào những tàu đánh cá hoặc vứt rác thải trái phép gây thiệt hại đến nền kinh tế và môi trường biển của quê hương, bắt những tàu này phải trả thuế và ngăn không cho đánh bắt nữa. Nhưng dần dần chính chúng trở thành các băng nhóm cướp biển, hoạt động rất manh động và liều lĩnh. Địa bàn hoạt động của các băng nhóm cướp biển đã vượt ra ngoài lãnh hải Somali. Chúng tăng cường tấn công những chiếc tàu thương mại, tàu du lịch và rất nhiều loại tàu biển khác, thậm chí cả những chiếc tàu cứu trợ thực phẩm cho chính người dân nước này. Ước tính hiện có khoảng 1.400 người Somali đang hoạt động cướp biển.

cuop bien somali hoat dong nhu the nao phan 1

Một tên trong nhóm tội phạm Somali trên tàu cướp được

Ở Somali có 2 băng nhóm lớn chuyên tổ chức các hoạt động cướp biển; 01 băng có trụ sở tại Puntland và 01 băng ở khu vực trung nam tỉnh Mudug và một số băng nhóm khác như: Băng Somali Marines ở trung tâm Somali (đi đầu trong việc sử dụng tàu có trọng tải lớn); Băng Kismayu (do nhóm tình nguyện bảo vệ bờ biển quốc gia thành lập) ở phía nam Somali, chuyên tấn công những thuyền nhỏ gần bờ biển; Băng Marka Group hoạt động rải rác từ phía nam Mogadishu tới Kismayo, chuyên sử dụng tàu đánh cá có sử dụng tên lửa tầm xa và băng Puntland hoạt động ở một làng nhỏ gần Bossaso, chuyên sử dụng tàu đánh cá và tàu cướp được để tấn công tàu khác.

Thực trạng Những vụ cướp biển đầu tiên của thế kỷ 21 xảy ra ở vùng biển phía nam Trung Quốc và eo biển Malacca, Malaysia. Chỉ tính riêng trong khoảng từ năm 2000 - 2004, mỗi năm xảy ra 350 - 450 vụ cướp biển, sau đó giảm xuống còn 1 nửa vào năm 2005. Nhưng trong năm 2008 - 2009, số vụ cướp biển bắt đầu tăng nhanh đột biến, đặc biệt là ở vùng bờ biển Somali. Năm 2004, Tổ chức Hàng hải quốc tế đã cảnh báo tất cả các tàu nên tránh đi qua vùng biển cách bờ biển somali 50 hải lý. Vào năm 2005, con số này đã được nâng lên thành 100 hải lý. Nhưng đến năm 2006 đã xảy ra một số vụ tấn công cách bờ biển Somali 350 hải lý, cụ thể là ở vùng Ấn Độ Dương, Vịnh Aden (vịnh nối giữa châu Á và châu Âu) và cửa biển Đỏ. Trong năm 2007 - 2008, khu vực hoạt động chính của cướp biển trải dài từ phía Nam Somali và cảng Mogadishu tới Vịnh Aden. Từ đầu năm 2009, số vụ cướp biển xảy ra ở phía bờ đông Somali thuộc phía Tây Ấn Độ Dương có xu hướng gia tăng, cá biệt còn có một số vụ xảy ra cách bờ biển nước này gần 1.000 hải lý.

cuop bien somali hoat dong nhu the nao phan 1

Bọn cướp biển thường dùng các tàu nhỏ trang bị vũ khí cướp tàu hàng lớn

Nạn nhân chịu thiệt hại nặng nề nhất từ vấn nạn cướp biển chính là người dân Somali. Vào thời điểm tàn khốc nhất của cuộc nội chiến cuối năm 2008, Somali phải trải qua 4 năm hạn hán liên tục, khoảng 3,2 triệu người Somali (khoảng 43% dân số) phải sống phụ thuộc vào hàng cứu trợ. Mỗi tháng, chương trình lương thực thế giới (WFP) chuyển khoảng 30.000 - 40.000 tấn gạo cứu trợ tới vùng đông bắc Phi và khoảng 95% số hàng này được vận chuyển bằng đường biển. Nhưng do cướp biển Somali liên tục tấn công những chuyến tàu này nên chi phí vận chuyển, bảo hiểm hàng tăng đột biến.

Cuối năm 2008, WFP đã yêu cầu Ủy ban châu Âu và hải quân Canada hộ tống các chuyến hàng cứu trợ. Số tiền thu được từ hoạt động cướp biển cũng gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế một số vùng ở nước này. Ví dụ, tại Garoowe, Somali, quy mô ngành xây dựng đang tăng nhanh do lợi nhuận từ “cướp biển” đầu tư vào. Số “tiền bẩn” này đã gây ảnh hưởng xấu tới công tác quản lý, khả năng mua sắm và ảnh hưởng của cướp biển đã vượt xa so với những gì chính phủ có thể làm.

Người ta cho rằng cướp biển đã len lỏi vào tất cả các lĩnh vực xã hội ở Somali, rất nhiều bộ trưởng được cho là có “dính líu” đến hoạt động cướp biển. Nó cũng là nguyên nhân hủy hoại vai trò lãnh đạo truyền thống của những người đứng đầu các bộ tộc ở Somali, những người luôn tích cực giáo dục con cháu không tham gia cướp biển. Nhiều người còn lo sợ rằng lợi nhuận thu được từ cướp biển có thể đã ảnh hưởng và làm sai lệch kết quả bầu cử ở quốc gia này.

(Còn tiếp)

Hòa Thu

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc