Cuộc sống mới ở nóc Ông Đề

07:00 | 03/03/2021

471 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hồ Văn Đệ ngồi nhìn về làng cũ từ cửa sổ căn phòng bán trú. Ở phía dưới kia, cách vài nhịp đập cánh chim là làng cũ của Đệ, nơi hiện giờ chỉ còn là những đống đất đá vô hồn sau trận sạt lở kinh hoàng cuối tháng 10-2020. Làng cũ không còn, bằng trí nhớ và cả sự nhớ thương, Đệ vẽ lại làng với hy vọng níu giữ được ký ức về nơi mình lớn lên, trước khi thời gian xóa mất.

Bức tranh của đứa trẻ mồ côi

Mười lăm tuổi, Đệ và ba người anh em của mình trở thành trẻ mồ côi sau một trận lở đất. Ba mẹ Đệ nằm trong số những nạn nhân của vụ sạt lở đất kinh hoàng tại nóc Ông Đề, thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Trong buổi chiều kinh hoàng ấy, nhà cửa bị đất đá xô đổ, Đệ bị cây đập vào người nên nằm lịm đi. Đến đêm, em được kéo khỏi đống đổ nát và tỉnh dậy, nhưng ba mẹ em nằm lại, mãi mãi không tỉnh dậy nữa.

Cuộc sống mới ở nóc Ông Đề
Hồ Văn Đệ (ngoài cùng bên trái) vui vẻ cùng bè bạn tham gia cuộc thi gói bánh chưng tại trường

Khi còn sống, ba mẹ Đệ chỉ làm nông, làm quế nhưng các con nổi tiếng hiếu học nhất trong vùng. Nương rẫy làm quế của ba mẹ là công cụ giúp 4 anh em Đệ đến trường. Anh cả của Đệ hiện đang là sinh viên Trường ĐH Sư phạm Huế, anh thứ đang học tại Trường Cao đẳng nghề ở Núi Thành, còn chị gái là học sinh lớp 11 Trường THPT Nam Trà My.

Mồ côi, Đệ hiện giờ sinh sống và học tập trong căn phòng rộng chừng 16m2 tại trường bán trú. Các thầy cô giáo kể, sau thảm họa ấy, Đệ ít nói hơn, đến bữa thường không ăn hết phần cơm. Đệ học lớp 9 nhưng chiều cao chỉ tương đương một đứa trẻ lớp 6, bù lại Đệ có đôi mắt sáng, lấp lánh nhiều hy vọng.

Bằng tất cả sự nhớ thương, Đệ dành nửa ngày để vẽ về ngôi làng của mình. Tranh của Đệ vẽ giản dị bằng bút bi xanh, không nhiều sắc màu. Nét vẽ thô ráp, nghệch ngoạc, nhưng bức tranh cơ bản mô phỏng được toàn bộ ngôi làng trước ngày lở đất. Nhìn vào tranh, ai cũng có thể hình dung ngôi làng trước đó đã từng có hình hài như thế nào. Đệ kể, làng của Đệ dài chừng 300m, bao quanh là cây ăn trái, hai bên là dãy nhà gỗ. Nhà của Đệ nằm giữa nhiều nhà hàng xóm, chia đôi làng là con đường bê tông uốn lượn ở giữa. “Nhà của em sau lưng là rừng, là núi, trước mặt là sông Leng. Xanh lắm”, Đệ hồi tưởng.

Đệ vốn hiền lành và ít nói, em bảo em muốn giữ bức tranh ấy cho riêng mình trong ngăn tủ nhưng rồi bạn bè nhìn thấy và chụp ảnh đăng lên mạng xã hội. Các thầy cô tại đây cũng biết chuyện, nhắc em giữ gìn cẩn thận như giữ gìn một mảng ký ức của cuộc đời.

Nhờ thầy cô, bạn bè và các anh chị trong gia đình động viên, Đệ đã dần gác lại chuyện buồn, vẫn thường về lại nhà cũ để nghe ngóng tin tức của người thân. Cậu còn tham gia nhiều hoạt động, cuộc thi của trường. Không còn nghĩ nhiều về chuyện cũ, Đệ dần nô đùa cùng bè bạn như trước kia. Tất cả đều gác lại mọi nỗi đau dưới lớp đất đá kia, để bắt đầu một cuộc sống mới. Mà không chỉ anh em Đệ, tất cả người dân nóc Ông Đề đều vậy.

Những hy vọng mới

“Cơn giận dữ” của mẹ thiên nhiên để lại trên quê hương Đệ những mảng sạt lở nham nhở, với gam màu xanh đỏ tương phản nhau như những vết thương lớn chưa liền da. 3 tháng sau “cơn giận dữ” ấy, những vết bùn đất đỏ đã khô, cây cũng bắt đầu đâm chồi trở lại. Và con người nơi đây cũng đã bắt đầu tính chuyện gây dựng lại cuộc sống, trồng lại rẫy ngô để lấy lương thực, trồng lại rừng keo, ươm lại rừng quế để làm kinh tế…

Cuộc sống mới ở nóc Ông Đề
Bức tranh vẽ lại nóc Ông Đề của Hồ Văn Đệ

Cách làng cũ chừng 5km, nằm gần trung tâm xã, khu tái định cư Trà Leng được xây dựng mới. 13 ngôi nhà của người dân Trà Leng được chính quyền huyện Nam Trà My xây dựng theo kiểu nhà sàn, cách mặt đất nửa mét, tường và sàn nhà được xây bằng bê tông, phía trên được lợp bằng tôn. Nhà gồm phòng khách, 2 phòng ngủ, sau lưng là nhà bếp và nhà vệ sinh. Nhà đã được bàn giao cho các hộ dân trước Tết.

Đứng trong căn nhà mới, ông Hồ Văn Đề kể, năm 1995, ông và một số người lập lên ngôi làng ven suối Branh. Họ đặt tên cho làng mình là nóc Ông Đề theo tên người lập làng và ước vọng ăn đời ở kiếp yên bình tại đây. Nhưng rồi thiên tai xóa sổ toàn bộ ngôi làng. “Sau thảm họa, chúng tôi không nghĩ là sớm có lại nơi ở để ổn định cuộc sống như này. 13 ngôi nhà này sẽ góp phần giúp cho bà con tạm quên đi nỗi đau và tính chuyện tương lai”, ông Đề nói.

Ngoài 13 căn nhà này, chính quyền địa phương cũng xây dựng thêm 30 căn nhà khác để hỗ trợ người dân vùng này tái định cư, thoát khỏi vùng sạt lở. Ngoài hỗ trợ nơi an cư, chính quyền địa phương sẽ giúp bà con khôi phục sản xuất bằng cách cung cấp cây, con giống.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, các đợt mưa bão trong năm 2020, tỉnh Quảng Nam có khoảng 4.500 ngôi nhà bị hư hỏng, trong đó có khoảng 650 ngôi nhà bị sập hoàn toàn. Sau thảm họa thiên tai, tỉnh Quảng Nam tập trung mọi nguồn lực để lập các khu tái định cư, xây dựng nhà mới cho người dân bị thiệt hại. Đến nay, những ngôi nhà bị thiệt hại một phần đã khắc phục xong, còn khoảng 70% số hộ dân có nhà bị sập hoàn toàn đã được hỗ trợ xây dựng nhà mới, bàn giao trước Tết Tân Sửu 2021.

3 tháng sau thảm họa, nước ở con suối Branh đã trong trở lại, không còn đục ngầu màu bùn đất đỏ. Anh em Đệ cũng được nhận nhà mới, nhưng Đệ hiện đang ở bán trú tại trường vì các anh chị đều ở xa. Đệ bảo, Đệ cũng không biết sau này thế nào, nhưng trước mắt Đệ sẽ chỉ cố gắng học, nghe lời thầy cô và về nhà vào cuối tuần. Bởi lúc đó, các anh chị của Đệ ở xa cũng về căn nhà mới được nhận; lúc ấy, căn nhà mới có tiếng cười.

Bằng tất cả sự nhớ thương, Đệ dành nửa ngày để vẽ về ngôi làng của mình. Tranh của Đệ vẽ giản dị bằng bút bi xanh, không nhiều sắc màu. Nét vẽ thô ráp, nghệch ngoạc, nhưng bức tranh cơ bản mô phỏng được toàn bộ ngôi làng trước ngày lở đất.

Thành Linh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps