Cuộc cách mạng trong lòng bàn tay (Kỳ 2)

07:20 | 24/01/2020

281 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Kể từ khi xuất hiện tới nay, ĐTDĐ, đặc biệt là các loại điện thoại thông minh, đã tạo ra những thay đổi cực lớn, theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực, trong lối sống của nhân loại.

2) Định hình lối sống của nhân loại

Hủy diệt hàng loạt thói quen cũ

Có tuổi đời chỉ khoảng một thập niên nhưng các “chú dế tí hon” đã nhanh chóng trở thành yếu tố trung tâm chi phối nhiều hoạt động của con người, gắn bó tới mức ngày hôm nay, chúng ta khó có thể sống thiếu ĐTDĐ. Ít sản phẩm mà nhân loại tạo ra lại có được sức ảnh hưởng to lớn như thế.

cuoc cach mang trong long ban tay ky 2
Từ những “cục gạch” to lớn và thô kệch, điện thoại di động đã biến đổi thành các mẫu smartphone gắn chặt lấy đời sống của chúng ta

Chúng ta dùng ĐTDĐ để gặp gỡ người khác, liên lạc, giải trí hoặc tìm đường... Chúng ta mua và bán đủ loại hàng hóa bằng ĐTDĐ. Chúng ta dựa vào ĐTDĐ để ghi lại những nơi mình đã tới, những thứ mình đã làm, những kỷ niệm quan trọng. Chúng ta phải dựa vào ĐTDĐ để lấp đầy các khoảng trống mênh mang vẫn thường xuất hiện quá nhiều trong đời sống của mỗi người.

Điện thoại thông minh đảo lộn nếp sống hằng ngày ở khắp nơi trên thế giới và hủy diệt nhiều thói quen cũ, làm thay đổi hành vi của con người một cách tự nhiên. Để thấy được những tác động này, chúng ta phải lùi lại và nhìn vào thế giới ở thời điểm chưa có sự hiện diện của ĐTDĐ.

Có một công trình nghiên cứu do một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Keio của Nhật Bản và Công ty Intel thực hiện hồi năm 2005. Được triển khai thu thập dữ liệu tại London (Anh), Tokyo (Nhật Bản) và Los Angeles (Mỹ), cuộc nghiên cứu đặt mục tiêu tìm hiểu xem người ta thường mang theo những gì trong ví, túi áo khoác, túi xách tay mỗi ngày.

Kết quả là có một sự tương đồng đáng kinh ngạc giữa người dân 3 quốc gia, về những thứ thiết yếu mà họ luôn mang theo bên người mỗi ngày. Trước tiên là các bức hình và những thứ tương tự gợi nhắc tới gia đình, bè bạn, người thân. Tiếp đó là các biểu tượng, bùa may mắn và những thứ khác có giá trị lớn về mặt tâm linh. Thứ ba là đồ ăn vặt. Thứ tư là các món đồ vệ sinh và làm đẹp cá nhân như kẹo cao su, kẹo bạc hà thơm miệng, son môi...

Người ta cũng mang theo các phương tiện giúp đi đến một nơi nào đó, tiếp cận một không gian nào đó: Chìa khóa, thẻ nhận dạng, thẻ giao thông. Họ không quên đem theo ĐTDĐ (ở thời điểm cuộc nghiên cứu được tiến hành chỉ là một phương tiện để liên lạc âm thanh và có lẽ là nhắn tin ngắn). Thứ cuối cùng ai cũng có là tiền hoặc thẻ tín dụng.

Nghiên cứu của Intel/Keio phát hiện ra một dạng vũ trụ thu nhỏ của con người trong những chiếc ví và túi xách hồi năm 2005, đồng thời nó cũng tạo ra cơ sở so sánh, để cho thấy chúng ta đã thay đổi nhiều như thế nào. Rất đông cư dân đô thị từng dựa vào những thứ đó để quản lý đời sống thường nhật của họ, nay đã chỉ còn giữ lại một thứ duy nhất là ĐTDĐ - một nền tảng duy nhất đã “ăn tươi nuốt sống” tất cả những thứ khác.

cuoc cach mang trong long ban tay ky 2

Khi ra đời, ĐTDĐ dần khiến cho các bốt điện thoại công cộng dùng thẻ, dùng xu, cùng các loại điện thoại đặt bàn từng ngự trị trong các gia đình và dịch vụ cho thuê điện thoại cố định biến mất. ĐTDĐ cũng tiêu diệt máy nghe nhạc kiểu Walkman và máy thu thanh bỏ túi - những phương tiện giải trí từng đóng vai trò trung tâm một thời.

Ngoại trừ việc được sử dụng làm đồ trang sức hoặc thể hiện đẳng cấp, đồng hồ thông thường cũng bị đe dọa sự tồn tại. Tương tự là các cuốn lịch và sổ ghi chép. Các loại vé tàu xe, thẻ ghi nhớ, thẻ xe buýt, hóa đơn điện, hóa đơn nước... tất cả những “cổ vật” của thời xưa đều đang trên đường biến mất.

Những món đồ chúng ta thường dùng để ghi nhớ các ký ức vui vẻ - các bức ảnh ố màu chụp người thân, con cái, bạn học, thú cưng, từng được nhét đầy trong những chiếc ví - nay được số hóa. Các bức ảnh số ấy nhanh chóng di cư, nằm chễm chệ tại màn hình khóa trên chiếc ĐTDĐ...

Dù nhiều tài liệu chứng nhận danh tính chính thức như thẻ căn cước, chứng minh thư, bằng lái xe, hộ chiếu vẫn kháng cự thành công trước cơn lốc hủy diệt của ĐTDĐ, nhưng chẳng ai biết tình hình sẽ kéo dài bao lâu.

Vậy còn những thứ gì nữa đã biến mất khỏi thế giới này? Danh bạ điện thoại vốn từng ngự trị trong mỗi căn nhà. Các loại sách hướng dẫn du lịch và bản đồ mà mỗi người thường vẫn mua trước các chuyến đi chơi xa. Thay thế chúng là các loại bản đồ số và chương trình dẫn đường bằng Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) trên ĐTDĐ, cực kỳ tiện lợi và có độ chính xác cao. Thẻ thành viên trung thành và các loại thẻ tích điểm khác cũng được tích hợp vào ĐTDĐ. Cuối cùng là tiền cũng đang được đưa lên ĐTDĐ, dưới dạng ví điện tử và các giao dịch qua e-banking.

Tất cả những hoạt động từng đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người nay đang được biến đổi thành vũ điệu của các con số 0 và 1 - được số hóa trên ĐTDĐ. Sau một thập niên, thứ sót lại sau cuộc “tàn sát” của ĐTDĐ chỉ còn đồ ăn vặt, kẹo bạc hà thơm miệng và son môi.

Hai mặt sáng - tối

Khi ĐTDĐ ngày càng trở nên phổ biến, sự khác biệt mà chúng tạo ra trong đời sống của chúng ta càng lúc càng rõ ràng và đơn giản. Hiện nay, ĐTDĐ có khả năng kết nối người sống trên khắp thế giới, không cần biết họ đang ở xó xỉnh nào.

cuoc cach mang trong long ban tay ky 2
Điện thoại di động khiến chúng ta ngày càng cô đơn, ngay cả khi đang ở bên nhau

Không chỉ như thế, điện thoại di động còn dễ mang theo và dễ sử dụng, khiến cho việc liên lạc chưa bao giờ trở nên tiện lợi hơn. Các ứng dụng truyền thông xã hội như Facebook, Zalo, Viber đang đóng vai trò quan trọng trong hoạt động liên lạc. Chúng cho phép người dùng trò chuyện với người thân yêu hằng ngày, chỉ cần họ có kết nối Wifi.

Việc dùng ĐTDĐ suốt ngày đêm có phải là hoạt động có ý nghĩa? Thay vì tăng sự kết nối với những con người thực, ĐTDĐ đang đẩy chúng ta ra xa nhau hơn, để tất cả cùng chìm vào một thế giới với đầy những mối quan hệ ảo? Sau tràng cười đắc chí vì nhận được vô số những cái like từ hàng nghìn người xa lạ với bài viết vừa đẩy lên mạng xã hội, ta chợt nhận ra bản thân đang vui sướng một mình bên cạnh chiếc ĐTDĐ vô tri?...

Sự thuận tiện của ĐTDĐ khiến chúng ta có thể thông báo cho nhau các tin tức quan trọng, thường là vào những khoảnh khắc hết sức kịp thời, mà không cần phải về nhà, tới nơi làm việc - những chỗ có đặt điện thoại cố định trước kia - hoặc gặp mặt trực tiếp.

Bên cạnh vai trò trung tâm liên lạc, ĐTDĐ còn đóng vai trò trung tâm giải trí. Muốn thưởng thức ca khúc ăn khách, người dùng chỉ cần bật các ứng dụng nghe nhạc trực tuyến có đầy rẫy trên mạng. Muốn xem phim bom tấn mới nhất của Hollywood, các phim truyền hình ăn khách hay bản tin thời sự hấp dẫn, ĐTDĐ cũng rất sẵn. Người ta chỉ cần tải xuống đúng ứng dụng, như NetFlix và trả những khoản phí không quá lớn để có thể sử dụng. Khách hàng không còn phải chờ hàng giờ để xem các nội dung yêu thích. Chỉ với một cú chạm trên màn hình cảm ứng là họ đã có thể xem bất kỳ thứ gì và qua đó tiết kiệm rất nhiều thời gian. Người dùng cũng có thể chơi game để giải trí hoặc kiếm tiền.

ĐTDĐ còn đóng vai trò một trung tâm điều hành, giải quyết công việc. Chỉ cần gõ công việc quan trọng vào phần nhắc nhở của ĐTDĐ và đến giờ chúng sẽ nhắc bạn làm các công việc quan trọng như đón con, uống thuốc hoặc thậm chí là kiểm tra món hầm đang bắc trên bếp. Thông qua ĐTDĐ, người dùng có thể tổ chức lại lịch làm việc, trả lời thư điện tử mà đối tác gửi tới, xem xét lại tình hình tài chính của công ty. Họ cũng có thể làm những hoạt động lặp đi lặp lại mỗi ngày mà không gặp nhiều khó khăn. Từ chi trả hóa đơn, đặt xe, đặt phòng khách sạn… cho tới việc dùng tính năng chụp ảnh để ghi lại các khoảnh khắc đáng nhớ. ĐTDĐ đang làm được tất cả những điều đó.

Những liệt kê trên cho thấy ĐTDĐ đã mở ra rất nhiều lựa chọn mà thời các ông tổ khai sinh ra chúng như cũng không thể hình dung ra nổi. Tuy nhiên, đi cùng với lợi ích, ĐTDĐ cũng có những mặt trái khó tránh.

Đầu tiên và nghiêm trọng nhất phải kể tới là chứng nghiện. ĐTDĐ quả thực có gây nghiện. Nomophobia (viết tắt của no-mobile-phone phobia) là cái tên được đề xuất dành cho hội chứng bị sợ hãi khi không có ĐTDĐ ở bên cạnh.

cuoc cach mang trong long ban tay ky 2
Chứng nghiện điện thoại có tên khoa học là nomophobia

Triệu chứng của nomophobia bao gồm cảm giác lo sợ hoặc tuyệt vọng khi bị tách khỏi ĐTDĐ. Một số người sẽ cảm giác thấy ĐTDĐ của họ đang rung vì có cuộc gọi hoặc tin nhắn mới, trong khi thực tế không phải vậy. Theo các nhà nghiên cứu, tình trạng mang tên “hội chứng rung ĐTDĐ” là một dấu hiệu của chứng nghiện ĐTDĐ cực kỳ trầm trọng. Nghiện càng nặng thì khả năng ngộ nhận càng lớn.

Rất nhiều người nghiện kiểm tra ĐTDĐ mà không có lý do cụ thể, thậm chí còn lặp đi lặp lại nhiều lần. Đơn giản chỉ là giữ trong tay, chuyển đổi màn hình, tính năng mà chẳng làm gì cả, thậm chí không có cả tin nhắn, họ vẫn thực hiện các thao tác này chỉ vì buồn chán hoặc thói quen.

Chứng nghiện ĐTDĐ giống nhiều chứng nghiện khác, có liên quan đến việc rối loạn điều hòa dopamine. Đây là một chất truyền thần kinh có tính chất khen thưởng nằm tại vùng trung não. Nó thúc đẩy người ta làm những điều mà họ nghĩ đó là tích cực.

“Não người nghiện sẽ tiết ra một chút dopamine mỗi khi họ nhận một thông báo từ điện thoại. Nó nói với họ rằng tin nhắn, email hoặc bất kỳ thứ gì mới xuất hiện kia có thể rất hấp dẫn. Nhưng do bạn không biết chính xác thông báo chứa nội dung gì và khi nào nó xuất hiện nên não bộ sẽ bị thôi thúc với việc phải kiểm tra điện thoại liên tục”, David Greenfield - giáo sư trợ giảng môn Tâm thần học tại Đại học Y Connecticut - cho hay.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, khi người nghiện ĐTDĐ không được đáp ứng nhu cầu, họ sẽ có nguy cơ bị trầm cảm, lo lắng và các rối loạn tâm lý khác. Người trẻ đặc biệt dễ bị ảnh hưởng, nhất là trong thời buổi mạng xã hội nở rộ như hiện nay. Các thiếu niên, do dễ dàng sử dụng điện thoại thông minh để vào các mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo..., bị ám ảnh bởi việc được người khác nhấn nút like trên các bài viết, status. Việc sử dụng ĐTDĐ quá nhiều còn làm các em giảm các hoạt động giao tiếp thường nhật, dẫn tới việc bị cô đơn và lo lắng.

Không chỉ với người trẻ, ĐTDĐ còn chi phối nhiều hoạt động thường nhật mà chúng ta ít khi để ý. Một bữa ăn có ngon hơn không nếu chúng ta chịu khó “cúng” Facebook trước? Một bức ảnh có đẹp hơn không, khi chúng ta vội vã đưa nó lên Instagram? Một buổi tập chạy có khiến bạn thấy khỏe hơn, chỉ nhờ đã khoe “chiến tích” trên Strava? Câu trả lời có lẽ là “có”, một sự khẳng định chắc chắn và rõ ràng.

Thứ hai, ĐTDĐ gây tốn rất nhiều thời gian. Theo nghiên cứu của Công ty Flurry, trung bình một người bình thường sẽ kiểm tra ĐTDĐ 1 lần sau mỗi 12 phút, dẫn tới việc họ xem điện thoại ít nhất 80 lần mỗi ngày. Còn kết quả nghiên cứu mới đây của Dự án Connected Life, do Công ty tư vấn nghiên cứu toàn cầu TNS thực hiện trong khoảng thời gian giữa tháng 5 và tháng 8-2015, cho thấy thời gian trung bình của một người Việt trong độ tuổi từ 16-30 sử dụng ĐTDĐ là 2,2 giờ/ngày, tương đương 15,4 giờ/tuần, hoặc hơn 1 tháng/năm. Trong 2,2 giờ đó, 53% thời gian được dành cho việc duyệt web và sử dụng mạng xã hội, 41% thời gian để xem video, 6% thời gian cho việc mua sắm trực tuyến.

Thứ ba, ĐTDĐ làm người dùng bị mất tập trung. Người ta không thể bác bỏ sự thật rằng ĐTDĐ gây mất tập trung kinh khủng. Bạn thường tự nhủ rằng sẽ chỉ xem điện thoại để xem có tin tức gì mới không, kết quả là lang thang trên mạng hoặc chơi game hàng tiếng đồng hồ mà không nhận ra điều đó. Việc quá chú tâm tới sử dụng ĐTDĐ làm tăng tai nạn giao thông. Đây là một thực tế buồn. Nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra gần đây có yếu tố của ĐTDĐ, do người điều khiển phương tiện mải dùng điện thoại. Chính vì vậy, nhiều nước đã ban hành lệnh cấm sử dụng ĐTDĐ trong khi tham gia giao thông.

Thứ tư, sử dụng ĐTDĐ quá mức làm tăng bệnh tâm thần, như rối loạn ám ảnh cưỡng chế, mất ngủ và lo lắng. Nguyên nhân do khi chúng ta sử dụng ĐTDĐ quá nhiều, não tiết ra nhiều cortisone. Đây là hormone tạo stress tiềm ẩn, được xem là yếu tố rất độc cho sức khỏe tâm thần, làm trầm trọng thêm các mối quan hệ xã hội. Ước tính có khoảng 7% số người tham gia nghiên cứu cho rằng mối quan hệ hay công việc của họ xấu đi chỉ vì lạm dụng ĐTDĐ.

Sau cùng, dù khiến cho cuộc sống của chúng ta dễ chịu hơn, ĐTDĐ cũng đồng thời làm chúng ta cô đơn hơn. Đến một lúc nào đó, người ta sẽ phải tự hỏi những câu hỏi: Việc dùng ĐTDĐ suốt ngày đêm có phải là hoạt động có ý nghĩa? Thay vì tăng sự kết nối với những con người thực, ĐTDĐ đang đẩy chúng ta ra xa nhau hơn, để tất cả cùng chìm vào một thế giới với đầy những mối quan hệ ảo? Sau tràng cười đắc chí vì nhận được vô số những cái like từ hàng nghìn người xa lạ với bài viết vừa đẩy lên mạng xã hội, ta chợt nhận ra bản thân đang vui sướng một mình bên cạnh chiếc ĐTDĐ vô tri?.

Tường Linh