Cuộc cách mạng trong lòng bàn tay (Kỳ 1)

13:18 | 23/01/2020

672 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày hôm nay thật khó để hình dung cuộc sống sẽ như thế nào nếu thiếu đi chiếc điện thoại di động (ĐTDĐ)? Điều thú vị nằm ở chỗ, ĐTDĐ có lịch sử ra đời cách nay không lâu và mới chỉ có được vai trò quan trọng trong thời gian gần đây.

1) Những "chú dế" thay đổi cả thế giới

Siêu to, siêu bất tiện

cuoc cach mang trong long ban tay ky 1
DynaTAC 8000X, chiếc ĐTDĐ đích thực đầu tiên trên thế giới

Lịch sử của ĐTDĐ bắt đầu từ năm 1908, khi GS Albert Jahnke cùng Công ty điện và điện thoại liên lục địa Oakland ở Mỹ tuyên bố đã phát triển ra một mẫu điện thoại không cần nối dây khi sử dụng. Công ty và vị giáo sư cuối cùng cũng không cho ra mắt được một chiếc điện thoại không dây nào. Song, nó cho thấy người ta đã mơ tưởng về việc tạo ra ĐTDĐ từ rất sớm.

Năm 1910, ĐTDĐ bắt đầu xuất hiện, dưới dạng các thiết bị thu phát sóng vô tuyến hai chiều, được đặt lên một thứ gì đó có thể di chuyển. Từ năm 1918, hệ thống đường sắt ở Đức thử nghiệm công nghệ điện thoại không cần dây dẫn trên các đoàn tàu quân sự chạy qua lại giữa Berlin và Zossen.

Năm 1924, người Đức bắt đầu thử nghiệm việc gọi điện trên các chuyến tàu dân sự nối Berlin và Hamburg. Một năm sau, Công ty Zugtelephonie AG được thành lập để cung cấp thiết bị điện thoại cho các đoàn tàu. Tới năm 1926, dịch vụ gọi điện trên tàu chính thức được triển khai tại tuyến Hamburg - Berlin và chỉ dành cho khách đi khoang hạng nhất.

Thế chiến thứ hai nổ ra khiến nhiều quân đội ưa chuộng việc sử dụng liên lạc vô tuyến. Các thiết bị truyền phát sóng vô tuyến ra đời từ những năm 40 của thế kỷ trước đã nhanh chóng được đưa vào ứng dụng dân sự, nhưng hiệu quả không được cao do chúng có quá nhiều nhược điểm: Cồng kềnh, tốn điện, tầm hoạt động ngắn.

Tại Mỹ, các kỹ sư của Công ty Bell Labs thuộc Hãng viễn thông AT&T bắt đầu nghiên cứu một hệ thống cho phép người dùng gọi và nhận điện thoại từ xe hơi. Hệ thống điện thoại trên xe kiểu mới được khai trương vào ngày 17-6-1946 ở St.Louis, bang Missouri.

Mạng di động của Bell Labs có đặc điểm kém tương thích giữa các thiết bị thu phát sóng, tầm bao phủ hạn chế và chỉ có vài kênh liên lạc ở vùng đô thị. Khi các cuộc gọi sử dụng tín hiệu tương tự được truyền đi mà không mã hóa, chúng rất dễ bị nghe lén. Từng cuộc gọi vẫn phải qua sự kết nối thủ công của điều phối viên tại trung tâm điều hành. Chưa hết, người dùng phải nhấn một nút trên chiếc ĐTDĐ để nói và thả nút đó để nghe hồi đáp từ đầu bên kia. Hệ thống này rất cồng kềnh, đồ sộ, nặng tới 36kg.

Giai đoạn đầu, mạng di động của Bell Labs chỉ có 3 kênh tín hiệu vô tuyến nên tại mỗi thành phố chỉ 3 người dùng có thể gọi điện thoại cùng lúc. Ngoài ra, dịch vụ ĐTDĐ mới rất đắt đỏ, có phí duy trì dịch vụ tới 15 USD/tháng và thêm 0,3-0,4 USD mỗi cuộc gọi.

Bất chấp những nhược điểm đó, nhu cầu sử dụng dịch vụ di động mới vẫn tăng rất cao. Từ khởi điểm ở St.Louis, AT&T đã phục vụ khách hàng ở hàng trăm thành phố lớn nhỏ, cũng như các tuyến xa lộ chạy dọc theo đất Mỹ. Trung bình mỗi tuần có khoảng 5.000 khách thực hiện 30.000 cuộc gọi qua dịch vụ di động mới.

Chàng tí hon đánh bại gã khổng lồ

Tại Liên Xô, kỹ sư Leonid Kupriyanovich đã phát triển và giới thiệu nhiều mẫu thiết bị liên lạc không dây bỏ túi trong giai đoạn 1957-1961. Đáng chú ý, trọng lượng của một bản mẫu được giới thiệu vào năm 1961 chỉ nặng có 70g và nằm vừa trong lòng bàn tay. Rất tiếc, nhà chức trách Liên Xô lại dồn tâm sức vào phát triển hệ thống ĐTDĐ đặt trên xe như Mỹ, với thành quả là chiếc điện thoại “Altai”.

cuoc cach mang trong long ban tay ky 1
Bức tranh “Điện thoại di động” do Karl Arnold vẽ năm 1924, hình dung về điện thoại trong thế giới tương lai

Năm 1965, Công ty Radioelektronika của Bulgari đã trình làng một chiếc ĐTDĐ kết hợp với một trạm thu phát tại triển lãm quốc tế Inforga-65 ở Moskva. Chiếc điện thoại này được sản xuất dựa trên một hệ thống mà Leonid Kupriyanovich đã nghiên cứu chế tạo ra. Theo đó, mỗi một trạm thu phát sóng, nhờ kết nối với đường dây điện thoại cố định, có thể phục vụ cùng lúc 15 người gọi.

Cùng trong năm ấy, AT&T tạo đột phá lớn khi giới thiệu dịch vụ di động cải tiến, bổ sung thêm các kênh sóng mới, cho phép cùng thời điểm nhiều người có thể thực hiện cuộc gọi. Ngoài ra, người dùng đã có thể tự gọi cho nhau thay vì phải nhờ người trực tổng đài. Công ty cũng giảm kích cỡ của thiết bị di động. Những cải tiến vẫn chưa khiến việc sử dụng ĐTDĐ trở nên thực sự thoải mái. Ngoài ra, cầu luôn vượt quá cung. Cả hệ thống mới của AT&T được thiết kế chỉ có thể phục vụ 40.000 người. Kết quả là tại các thành phố như New York, 2.000 khách hàng của công ty phải chia sẻ 12 kênh sóng với nhau và họ thường phải đợi 30 phút mới tới lượt thực hiện cuộc gọi.

Từ những năm 40, các kỹ sư ở Bell Labs đã nghiên cứu một hệ thống mới, trong đó các ĐTDĐ ở một khu vực nhất định sẽ kết nối với một trạm thu phát sóng. Khu vực nằm trong trạm phát sóng này được gọi là một “tế bào - cell”. Các “tế bào” sẽ kết nối với nhau để trở thành một mạng ĐTDĐ hoàn chỉnh.

cuoc cach mang trong long ban tay ky 1
Sharp J-SH04, chiếc điện thoại đầu tiên có trang bị máy ảnh

Khi ấy, Bell Labs chưa có công nghệ cần thiết để phát triển ý tưởng đó. Nhưng tới những năm 70, nhiều nghiên cứu mang tính đột phá đã xuất hiện. Công nghệ chuyển vùng tự động ra đời, cho phép các thiết bị di động duy trì kết nối, dù chúng đang di chuyển từ điểm thu phát sóng này sang điểm thu phát sóng khác.

Đáng tiếc là trong khi Bell Labs đầu tư rất nhiều để tạo ra hệ thống mạng di động hiện đại thì họ lại không có được một chiếc ĐTDĐ cầm tay thực thụ. Họ đi sai hướng do tập trung quá nhiều vào việc phát triển các mẫu điện thoại gắn trên xe hơi hoặc tàu.

Sai lầm chết người đó đã tạo điều kiện cho một đối thủ non trẻ có tên Motorola vươn lên. Các bộ não sáng tạo của Motorola, dưới sự lãnh đạo của kỹ sư Martin Cooper, đã quyết định đi một lộ trình khác với Bell Labs. “Khi bắt tay vào làm ĐTDĐ, chúng tôi có niềm tin rằng người dùng không muốn nói chuyện với những cái ôtô. Họ muốn được trò chuyện với người khác. Và cách duy nhất để Motorola, một công ty bé xíu khi ấy, có thể chứng minh chân lý đó với người dùng là phải làm cho ra một chiếc ĐTDĐ cá nhân thực sự”, Cooper chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Hãng tin BBC.

Motorola đã làm đúng như thế. Giám đốc sản phẩm liên lạc di động của Motorola là John Mitchell cùng Cooper và nhiều kỹ sư đã chế tạo ra chiếc ĐTDĐ thực thụ đầu tiên - một sản phẩm không gắn liền với xe hơi mà người ta có thể cầm nó trong tay.

Ngày 3-4-1973, Cooper đã thực hiện cú gọi đầu tiên trong lịch sử từ một mẫu ĐTDĐ đúng nghĩa.

Ngạo nghễ “đấm” thẳng vào Bell Labs và gã khổng lồ AT&T là một trải nghiệm không thể quên với Motorola. Cần biết rằng, AT&T khi ấy đang nắm thế độc quyền trên thị trường điện thoại ở Mỹ. Nhưng dù thắng cuộc, Motorola vẫn không thể nhanh chóng tung chiếc ĐTDĐ đầu tiên ra thị trường.

Mất 10 năm sau, tới năm 1983, Motorola mới ra mắt mẫu ĐTDĐ được thương mại hóa đầu tiên, mang tên DynaTAC 8000X, rất to với kích cỡ 228,6 x 127 x 44,4mm, nặng hơn 1,1kg. Dù mất tới 10 giờ để sạc đầy pin, nó chỉ chờ cuộc gọi được trong 6 giờ. Người dùng cũng chỉ gọi điện được 30 phút liên tục với chiếc điện thoại này trước khi nó hết pin hẳn.

Giải thưởng Nobel Hóa học 2019 được trao cho 3 nhà khoa học vì phát triển pin lithium-ion: John B. Goodenough (Đức), Stanley Whittingham (Anh) và Akira Yoshino (Nhật Bản). Nhờ pin lithium-ion, những chiếc ĐTDĐ mới có khả năng tích hợp ngày càng nhiều tính năng, nhưng vẫn duy trì thời lượng sử dụng lâu đáng kinh ngạc.

Motorola DynaTAC 8000X có thể lưu 30 số điện thoại trong danh bạ và được niêm yết mức giá khiến người ta phải đau tim: 3.995 USD. Rõ ràng đây không là mặt hàng dành cho số đông đại chúng. Ai muốn sở hữu ĐTDĐ phải có trong túi vài ngàn USD. Họ phải là các tài tử, minh tinh, doanh nhân, giới nhà giàu. Và họ phải chấp nhận ĐTDĐ mua về chưa chắc đã hoạt động tuyệt vời.

Tư duy này kéo dài cho tới tận đầu những năm 90, bất chấp việc thị trường ĐTDĐ đã có thêm những gương mặt mới như Nokia và NEC. Chiếc ĐTDĐ đầu tiên của Nokia là Mobira Cityman 900 ra mắt vào năm 1987 nặng có... 0,8kg, nhẹ hơn rất nhiều so với Mobira Senator - mẫu điện thoại di động dùng trong xe ôtô, cũng là chiếc điện thoại đầu tiên Nokia sản xuất, được ra mắt năm 1982, nặng tới 9,8kg.

Những dấu mốc ấn tượng

Motorola Microtac 9800x ra mắt năm 1989, có thiết kế nắp gập mang tính đột phá, trong đó micro của điện thoại gắn trong phần nắp gập lên bàn phím. Thiết kế này về sau trở thành tiêu chuẩn cho dòng ĐTDĐ nắp gập. Đây là mẫu ĐTDĐ nhỏ và nhẹ nhất khi ấy, với chiều dài 23cm khi mở nắp gập và nặng chỉ 350gram với pin mỏng. Nhờ kích cỡ nhỏ, lần đầu tiên người ta đã có thể bỏ ĐTDĐ vào trong túi áo sơ mi. Điện thoại cũng có một màn hình LED ma trận 8 ký tự, hiển thị được nhiều thông tin hơn hẳn các mẫu trước đây. Giá Microtac vẫn rất cao: 2.495-3.495 USD.

Năm 1992, Motorola International 3200 ra đời. Đây là chiếc ĐTDĐ kỹ thuật số đầu tiên của thế giới, với khả năng tương thích mạng GSM. Cùng năm đó, Nokia giới thiệu mẫu 1011. Đây là chiếc ĐTDĐ được sản xuất hàng loạt quy mô lớn đầu tiên trên thế giới. Nokia chỉ có một màu đen duy nhất, với kích cỡ 195 x 60 x 45mm. Điện thoại có một màn LCD đơn sắc và một ăng-ten có thể kéo dài. Bộ nhớ của nó có thể ghi được 99 số điện thoại. Nokia 1011 là mẫu điện thoại đầu tiên có thể gửi và nhận tin nhắn SMS trên thế giới. Do tích hợp nhiều công nghệ hiện đại, Nokia 1011 có giá rất cao, gần 2.000 USD.

cuoc cach mang trong long ban tay ky 1
Martin Cooper và các mẫu điện thoại mà ông tạo ra trong thời gian làm việc ở Motorola

Năm 1992, Hãng máy tính IBM tung ra mẫu Simon. Đây là chiếc ĐTDĐ đầu tiên có trang bị màn hình cảm ứng và là chiếc smart phone đầu tiên trên thế giới. Đáng tiếc là pin của nó chỉ chạy được có 1 giờ đồng hồ. IBM bán tổng cộng 50.000 chiếc Simon trong năm 1994-1995.

Năm 1996, Nokia tung ra mẫu 8810 với tham vọng biến 8810 thành chiếc ĐTDĐ đầu bảng và sang trọng nhất mọi thời đại. Đây là chiếc ĐTDĐ đầu tiên có ăng-ten trong thân. Nó hỗ trợ ghi nhớ tới 250 số điện thoại. Nokia 8810 có khả năng kết nối mạng 2G trong giai đoạn đầu. Nhưng điều khiến Nokia 8810 được chú ý là nó xuất hiện trong loạt phim bom tấn “The Matrix”. Sức hút của bộ phim và nhân vật Neo phần nào khiến chiếc Nokia 8810 trở thành món hàng mà nhiều fan khao khát sở hữu.

Cùng trong năm 1996, Nokia tung ra mẫu 9000 Communicator. Đây là chiếc điện thoại thông minh đầu tiên trên thế giới, với bộ vi xử lý Intel 24Mhz 1386, 8MB Ram và có bàn phím đầy đủ ký tự. Người ta không chỉ gọi điện mà còn có thể nhắn tin, viết thư điện tử bằng Nokia 9000. Nhược điểm lớn nhất của chiếc ĐTDĐ này là nó quá nặng và đắt.

Năm 1997, Nokia tung ra mẫu 6110. Đây là chiếc ĐTDĐ đầu tiên sử dụng bộ vi xử lý ARM. Nokia nhắm tới thị trường phổ thông nên đã trang bị cho chiếc điện thoại này các tính năng như nâng cao chất lượng cuộc gọi và kéo dài thời gian dùng pin.

Năm 2000, Nokia 3310 xuất hiện trên thị trường. Đây là một trong những mẫu ĐTDĐ được ưa chuộng nhất của Nokia vì độ ổn định và tin cậy cực cao. “Cục gạch” Nokia 3310 cực kỳ bền, tới mức một số người đùa rằng nó là thứ không thể bị phá hủy.

Cùng năm ấy, chiếc ĐTDĐ có gắn máy ảnh đầu tiên xuất hiện ở Nhật Bản: Sharp J-SH04. Tuy nhiên, ĐTDĐ chỉ chụp được các bức ảnh với độ phân giải 0,11 megapixel. Việc người dùng chỉ có thể sử dụng Sharp J-SH04 ở Nhật cũng khiến nó không được ưa chuộng trên quy mô toàn cầu.

Năm 2002, Samsung của Hàn Quốc bắt đầu gây chú ý với mẫu SGH-T100. Đây là chiếc ĐTDĐ đầu tiên sử dụng màn hình LCD ma trận động. SGH-T100 khiến người dùng lập tức chú ý bởi sự hào nhoáng, một đặc điểm mà Samsung tiếp tục duy trì tốt trong những năm sau.

Nokia 1100 được công ty điện thoại Phần Lan tung ra vào năm 2003 và trở thành một trong những huyền thoại về số lượng tiêu thụ. Tổng cộng đã có 250 triệu chiếc Nokia 1100 được bán ra trên toàn cầu, khiến nó là mẫu ĐTDĐ thành công nhất lịch sử. Nokia 1100 không tràn ngập các tính năng phức tạp chẳng cần thiết, người dùng chỉ có thể dùng nó để nghe, gọi, nhắn tin, báo thức, tính toán... Nó có giá cực rẻ, tương đối bền và dễ dùng, nên rất được ưa chuộng.

2003 còn là năm Nokia giới thiệu N-Gage, chiếc điện thoại chơi game đầu tiên trên thế giới. N-Gage chạy hệ điều hành Symbian và có một thiết kế khá lạ mắt, ở đó nút bấm chính của máy nằm hai bên cạnh màn hình. N-Gage nhằm mục tiêu thu hút game thủ đang mê mẩn những chiếc Game Boy Advanced của Nintendo. Ngoài khả năng chơi game, N-Gage còn chạy được ứng dụng và phát nhạc Mp3, khiến nó trở thành một chiếc điện thoại thông minh đích thực. Nokia đã bán tổng cộng 3 triệu chiếc N-Gage trong khoảng thời gian từ năm 2003-2005.

Từ 2003 trở đi, thế giới bắt đầu chứng kiến ngày càng nhiều mẫu điện thoại thông minh. Đơn cử như TREO 600 của Hãng Palm, cho phép người ta làm đa nhiệm trên nó. Ngoài ra còn phải kể tới Nokia N95, chiếc ĐTDĐ được trang bị CPU 332MHz, 160 MB Ram, máy ảnh 5 megapixel, Bluetooth và Wifi.

Năm 2007, iPhone ra mắt công chúng. Sau khi nhìn cái giá 499 USD của iPhone, CEO Nokia đã tự tin đánh giá đây chỉ là một chiếc “điện thoại hay ho” nhưng không hơn thế và sẽ không thể chiếm lĩnh được thị trường. Giờ đây, ai cũng biết rằng đánh giá này đã sai tệ hại như thế nào.

Từ chiếc iPhone đầu tiên cho tới nhiều mẫu về sau này, các dòng ĐTDĐ của Apple đã thiết lập hàng loạt tiêu chuẩn, về màn hình cảm ứng, về máy ảnh, về chất lượng ứng dụng và trải nghiệm người dùng... mà các hãng khác phải đua theo.

Tường Linh

  • el-2024