Cùng thợ mỏ xuống hầm lò Mạo Khê

10:47 | 05/06/2013

2,285 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Để xuống lò ở độ sâu -150 tại mỏ than Mạo Khê chúng tôi được trang bị đồ bảo hộ lao động từ đầu tới chân. Ngoài ra phải để lại điện thoại, máy ghi âm và máy ảnh. Chuyện đi lò không đơn giản chút nào…

Vào thăm giếng lò số 1 ở độ sâu -150m tại của Công ty than Mạo Khê chúng tôi được chọn bằng 1 trong 2 phương tiện đó là song loan và tời, song loan có thể chở một lúc 4 đến 5 công nhân nhưng chờ giờ quy định ở mỗi ca. Còn đi bằng tời (ngồi cáp treo) thì có thể đi ngay, mỗi người một ghế và tôi chọn cách đi này. Khi vừa ngồi lên tời, một luồng gió mát lạnh thổi từ trong đường lò sâu hoắm, tối như hũ nút thốc mạnh vào người. Càng xuống sâu, gió trở nên khô khốc mồ hôi khắp người tôi túa ra nhơm nhớp nhưng nếu không có hệ thống thông gió này thì con người khó mà sống sót nổi. Hệ thống thông gió công suất lớn lắp đặt trong hầm có nhiệm vụ khuếch tán sự tích tụ của khí độc.

Tôi đã từng nghe khá nhiều câu chuyện về các loại khí tích tụ trong các hầm lò như metal, sunfua, cacbonic… Với khí metal khi hàm lượng đạt tới giới hạn nổ có oxy và tia lửa sẽ gây ra nổ khí, nhiệt độ tại tâm nổ có thể đạt 1.8500C và sinh ra một loại khí CO2 cực độc, loại khí này chỉ cần hít một lượng nhỏ có thể tử vong ngay tức khắc. Sức nổ của nó gây sóng cuốn bay những gì quanh nó, ở nhiệt độ cao nó có thể gây chảy các cột chống bằng thép, dẫn đến đổ sập lò và khi CO2 theo gió đi khắp đường lò thì hậu quả thật khôn lường.

Trang bị BHLĐ trước khi xuống hầm

Đây chính là lý do mà chúng tôi phải để lại điện thoại, máy ghi âm và máy ảnh trước khi xuống lò vì bất cứ vật gì có sóng từ trường, thiết bị điện tử đều có thể kích thích các loại khí nổ, khí cháy và khí độc như lưu huỳnh, metal, gas... Điều này cũng giống như quy định cấm nghe điện thoại trong lúc đổ xăng vậy. Thực tế những bức ảnh chụp công nhân hầm lò thường thấy phải là loại máy ảnh đặc biệt, có khả năng “chống nổ” mới được phép sử dụng. Được biết, một số công ty than phải thuê loại máy chuyên dụng của hãng Caster, xuất xứ từ Na Uy có thể chịu được độ ẩm cực kỳ cao trong hầm lò (chỉ thua máy ảnh chụp dưới nước). Nó còn có thể đàm thoại, ghi hình, định vị, đo độ ẩm phục vụ cho nghiên cứu khoa học. Vì hàng “độc” nên giá mua chiếc máy này rất đắt khoảng… 400 triệu đồng.

Dừng chân ở mức -80m, ấn tượng đầu tiên với tôi khi bước vào khu giếng là các đường lò cao rộng, thông thoáng, đường đi lại từ cửa lò giếng cho đến nhiều các đường lò xuyên vỉa, dọc vỉa tương đối thuận tiện. Đi một đoạn, chúng tôi gặp một sân ga nhỏ hiện ra, những đoàn goòng to chứa vật liệu cất tiếng kẽo kẹt rồi những goòng đất đá kéo từ những gương lò ra... nằm dài đang chờ được tời trục kéo lên.

Đi thực tế các cửa lò, tâm sự với những người thợ ở đây mới thấu hiểu nỗi cực nhọc, vất vả của họ. Thợ lò khi làm việc dưới hầm sâu không bao giờ thấy ánh mặt trời, không có mùa đông mà chỉ có mùa hạ với họ. Anh Quang Thành, một trưởng lò quê ở Đông Triều đã có hơn 10 năm gắn bó với mỏ tâm sự: Thợ vào làm ở đây đều là tự nguyện, có nhiều thợ làm ở đây là cha truyền con nối. Như tôi là thế hệ thứ 3 trong gia đình. Còn anh Xuân Dương, quê Hải Phòng, cũng đã gắn bó với mỏ trên 6 năm, nói những lời rất thật: Nhà báo à! làm thợ mỏ vất vả lắm không “chịu nổi nhiệt” đâu. Trước hết phải tự nguyện, có sức khỏe, phải chịu khó và điều quan trọng là phải chấp hành nghiêm kỷ luật lao động của mỏ nhất là khi xuống hầm lò.

Nghe anh mấy công nhân nói chuyện, tôi chợt nhớ tới vụ nổ khí mê-tan vào ngày 11/1/1999 gây thiệt mạng 19 công nhân. Vào ngày 11/1 hằng năm, công ty lấy ngày này là “ngày an toàn công ty”. Cứ đến ngày đó, thợ mỏ Mạo Khê lại tưởng niệm những đồng đội đã hy sinh, đồng thời nhắc nhở mình, nhắc nhở đồng nghiệp làm tốt hơn nữa để bảo đảm an toàn. Vừa đi vừa trò chuyện, anh Phạm Văn Phước, phụ trách công tác an toàn tại công ty cho biết: “Mỏ Mạo Khê có hàm lượng khí mê-tan ở mức khá lớn, tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn như bục nước, nổ khí… Để hạn chế rủi ro có thể xảy ra, thời gian gần đây, công ty đã đầu tư mở rộng lò, thay đổi trên 80% kết cấu cột chống từ gỗ sang thép và phương tiện vận chuyển thợ xuống các gương lò để giảm sức lao động.

So với nhiều đơn vị thuộc Vinacomin, sản xuất than ở Mạo Khê gặp nhiều khó khăn, rõ nhất là chi phí sản xuất cho một tấn than lớn trong khi giá thành lại thấp, nguy cơ khí mỏ mất an toàn cao, vỉa than lại mỏng, dốc chỉ có thể áp dụng công nghệ ngang nghiêng, chất lượng than xấu... Càng ngày, những khó khăn này càng nhân lên do diện khai thác xuống sâu, đi xa. Hiện nay, Mạo Khê đang khai thác ở mức -150, trong tương lai không xa Mạo Khê sẽ áp dụng công nghệ đào lò giếng đứng xuống mức -400m.

Chờ tời tại cửa lò số 1 mỏ than Mạo Khê

Càng đi sâu vào các vỉa nước dưới đất lùng nhùng đen đúa, còn phía trên nước ngầm thấm qua vách hầm tí tách nhỏ giọt lên mũ, tấm khẩu trang chúng tôi đeo chuyển thành màu đen xì, sức nóng làm mồ hôi tôi đổ ra nhớp nhúa với bụi than. Được hướng dẫn, tôi đi vào giữa đường ray xe goòng cho đỡ bùn nhưng chú ý song loan đi tới. Anh Phước giải thích, chúng ta đang đi trong đường lò xuyên vỉa, mỗi một ngã ba là một lối rẽ sang một vỉa than khác nhau, đó là đường lò dọc vỉa. Từ đường lò này mới xuống được các lò chợ, là nơi khai thác than. Bước chân vào mỗi cửa lò mới, gió hút mạnh táp vào mặt, vào người se lạnh, nhưng cứ càng đi vào sâu, đặc biệt là qua mỗi ngã ba không khí càng nóng và ngột ngạt hơn. Mồ hôi quyện với bụi than liên tục túa ra nhơm nhớp.

Công tác vận tải đường sắt của Mạo Khê đều được dùng goòng trên 1 tấn. Đoạn ga này tiết diện đường lò rộng vì có nhiều làn xe, nhìn như ga tàu điện ngầm. Chúng tôi đi tiếp sâu vào đường lò xuyên vỉa. Vòm lò chủ yếu được đổ bê tông hông và nóc lò, nhưng cũng có đoạn chống bằng neo nên chỉ phun bê tông, nhìn lên cứ như là đi trong động, chỉ mỗi điều không có đèn màu. Cứ đi một đoạn lại gặp một ngã ba rẽ sang đường lò khác theo hình xương cá. Tiếc nhất là họ không cho chúng tôi mang máy ảnh vào để chụp vài tấm mang về làm kỷ niệm. Trong lò chỗ nào cũng có người và thiết bị làm việc. Tiếng quạt gió ro ro, tiếng những tốp thợ vận chuyển vật liệu rì rầm, tiếng những đoàn tàu điện kéo than kéo còi bim bíp, đất đá ra ầm ầm... làm cho không khí sản xuất trong lò rất nhộn nhịp.

Để hoàn thành 1.750.000 tấn than năm 2013 và tăng trưởng những năm tới, anh Nhữ Xuân Hinh, Phó chánh Văn phòng Công ty Than Mạo Khê cho biết: Công ty Than Mạo Khê luôn đặt công tác an toàn, cải thiện điều kiện làm việc cho thợ mỏ là nhiệm vụ trọng tâm. Đặc biệt là mỏ đang khai thác ở mức sâu -150 với 13 lò chợ và 4 PX đào lò, thời gian qua, công ty đã đầu tư thêm nhiều thiết bị như: Quạt hút, giàn chống 2ANSH, khoan Tamrok, máy thở OXYGEM, bình tự cứu…, lắp đặt thiết bị băng tải than các loại để tăng năng suất vận chuyển than với mục tiêu an toàn cho người lao động và thân thiện với môi trường.

Đồng thời, mong muốn với tinh thần “kỷ luật đồng tâm” của những người thợ mỏ, hưởng ứng hành động “Tháng công nhân” năm 2013, CB. CNVC các tổ đào lò ở Mạo Khê tiếp tục thi đua lao động sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, phát huy sáng kiến hợp lý hóa trong sản xuất, không ngừng nâng cao năng suất lao động, tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa tô thắm thêm trang sử của một đơn vị Anh hùng đồng thời góp phần cùng Công ty hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ SXKD năm 2013 và những năm tiếp theo.

Mạnh Kiên (ghi chép)

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps