Cư dân mạng không phải “cơ quan” ngôn luận

07:00 | 01/10/2014

1,442 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nếu trước đây báo chí có sức mạnh lan tỏa, là phương tiện hữu hiệu truyền tải thông tin thì nay khi mạng xã hội phát triển mà đặc biệt là facebook, thì những thành viên của cộng đồng đông đảo này đang dần trở thành một “cơ quan” ngôn luận lên tiếng tất tật mọi vấn đề của xã hội. Tích cực cũng có mà tiêu cực thì cũng nhiều không kém. Điều nguy hại nhất là họ thường hùa theo đám đông để đánh giá, bình luận một cách vô tình. Vô hình trung đã khiến không ít cá nhân, tập thể trở thành nạn nhân của sự thiếu hiểu biết.

Năng lượng Mới số 361

Mạng xã hội facebook phát triển rầm rộ nhiều năm gần đây, kéo theo là những thành viên tham gia mạng này cũng trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Cộng đồng mạng trở thành trang thông tin về mọi vấn đề nóng của xã hội. Hầu như ai cũng có facebook, có người còn có cả nick ảo để tạo lập vài facebook khác nhau cho những mục đích khác nhau. Mỗi người một tai, một mắt, thông tin cứ thế được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Những tin nóng, tin tức mới nhất trên các báo cũng nhanh chóng được cập nhật lên mạng xã hội và được các thành viên chia sẻ đường link. Nếu trước đây báo chí có sức mạnh truyền tải thông tin thì ngày nay mạng xã hội trở thành công cụ truyền bá có hiệu quả mạnh mẽ hơn nhiều. Nhưng thời nay còn khác hơn khi một thông tin được chia sẻ không chỉ là thông tin đơn thuần, mỗi thông tin đều kèm theo bình luận.

Mạng xã hội là nơi để lên tiếng, cư dân mạng ngày nay đang trở thành những miệng lưỡi sắc bén, tự cho mình cái quyền bình phẩm, nhận xét mọi vấn đề và những người xung quanh.

Cư dân mạng không phải “cơ quan” ngôn luận

Cổ động viên nữ xinh đẹp Nhật Lệ khóc sau khi U19 Việt Nam thua Nhật Bản

Có lẽ phải nói đến giới showbiz trước tiên, bởi ngoài báo chí lên án thì cộng đồng mạng chính là áp lực tinh thần lớn nhất đối với từng nhất cử nhất động của các sao. Họ làm gì, nói năng thế nào, yêu ai… không chuẩn ở đâu đều rơi vào tầm ngắm của cư dân mạng và điều tất nhiên sẽ xảy ra tiếp đó là bị chỉ trích, “ném đá” không thương tiếc. Ở những mặt tích cực, những chỉ trích đó sẽ vạch ra cho người đang có hành động sai trái hay những người định có ý định sai lầm hay thích “scandal” phải e dè, bởi dù có “trơ” hay mặt dày tới mấy, các sao cũng không thể bỏ qua những bình luận của công chúng. Tuy nhiên vì ảo tưởng sức mạnh của số lượng đông đảo những thành viên tham gia, cư dân mạng đã tự cho mình cái quyền phán xét, bình phẩm người khác một cách tự do, nhiều khi còn rất ác ý. Những “anh hùng bàn phím” lên mạng để chửi rủa, lăng mạ người khác. Bởi họ cho rằng mạng là ảo, không ai biết rõ về ai và họ tự tung tự tác, muốn nói gì thì nói, không cần biết người nghe, người phải hứng chịu sẽ bị tổn thương và ảnh hưởng tâm lý thế nào. Đó là sự độc ác và tàn nhẫn ở mặt trái của mạng xã hội, mà đối tượng gây ra chính là cư dân mạng.

Hiện tượng Lệ Rơi được xuất phát từ cộng đồng mạng, được “lăng xê” như một sự mới lạ, khác người của Lệ Rơi và sau đó lại ném anh chàng nông dân thật thà xuống “vực sâu”. Ngay bản thân Lệ Rơi sau thời gian đăng tải hàng loạt clip lên mạng cũng không chịu được áp lực dư luận, bởi cộng đồng mạng không còn là ảo, họ tới nhà Lệ Rơi. Hàng trăm, hàng nghìn bình luận ác ý, xúc phạm tới chàng thanh niên chân chất này. Mới đây nhất, ở những phút cuối của trận chung kết U19 Việt Nam gặp Nhật Bản, hình ảnh cổ động viên nữ xinh đẹp - Nhật Lệ rơi nước mắt vì Việt Nam thua trận đã khiến cô bạn trở nên nổi tiếng. Mạng xã hội quả thật có sức mạnh khủng khiếp, lan truyền hình ảnh với tốc độ chóng mặt và cũng nhanh chóng truy tìm ra facebook của cô bạn này. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, lượt theo dõi của Nhật Lệ đã lên tới vài chục ngàn. Nhưng đáng buồn là cư dân mạng lại một lần nữa tò mò và “xấu tính” quá mức, họ theo dõi rồi bình luận về những giọt nước mắt của Nhật Lệ, thậm chí nhiều người còn có chửi bới, có bình luận tục tĩu, bậy bạ trên chính facebook của chủ nhân. Họ cho rằng Nhật Lệ “làm trò”, thấy máy quay tới nên cố “nặn” ra nước mắt để gây sự chú ý, rồi “khóc vì thua độ”. Quá sợ hãi với những lời nanh ác của cộng đồng mạng, cô gái trẻ đã phải khóa facebook khi lượt người theo dõi đã lên tới 200.000 người.

Cư dân mạng không phải “cơ quan” ngôn luận

Facebook đang xuất hiện ngày càng nhiều “anh hùng bàn phím”

Còn rất nhiều những trường hợp khác cũng trở thành nạn nhân khi mà cư dân mạng luôn tự cho mình cái quyền được nói, được phát ngôn một cách thoải mái theo tâm lý đám đông. Thậm chí không ít người còn “nói cho sướng miệng, nói theo phong trào”. Hội chứng a dua theo đám đông khiến một bộ phận của cộng đồng mạng trở nên xấu xí và hiểm ác. Chưa kể, lâu dần thành quen, có không ít cư dân mạng có thói quen lên để chửi…

PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội, Viện Xã hội học Việt Nam cho rằng, thực chất cộng đồng mạng có kết cấu lỏng lẻo, mặc dù cùng chung mối quan tâm, nhưng mỗi người một quan điểm và nhu cầu, cộng đồng này không thể kết nối các cư dân mạng lại với nhau, tạo thành một nút bấm. Từ lời nói tới hành động là một khoảng cách rất xa nhau.

Cách đây 4 tháng, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào lãnh hải Việt Nam, cộng đồng mạng “dậy sóng” thể hiện lòng yêu nước và lên tiếng chỉ trích sự ngang ngược của Trung Quốc. Nhưng trong lúc nước sôi lửa bỏng ấy, cư dân mạng lại xuất hiện không ít những “anh hùng bàn phím” và “thánh phán”, họ cho rằng phải đánh thế này, làm thế kia, rồi thậm chí là xúc phạm nhân dân Trung Quốc. Những “anh hùng bàn phím” ngồi trong phòng điều hòa, ăn no mặc đẹp mỗi ngày không bao giờ hiểu được sự vất vả, dầm mưa dãi nắng, ngày đêm đối mặt với hiểm nguy của các chiến sĩ Cảnh sát biển và kiểm ngư. Họ vẫn ngồi lướt mạng, theo dõi thông tin, cảm thấy không hài lòng là sẵn sàng “sổ” ngay ra hàng tràng chửi bới, chỉ trích, chê bai…. Họ còn thường xuyên nghĩ ra việc chế ảnh tục tĩu, phản cảm để chế giễu, bêu rếu cá nhân, làm trò đùa vui cho cả cộng đồng mạng. Và những hình ảnh không đẹp, phản cảm lại được truyền nhau tạo nên những ảnh hưởng xấu cho một bộ phận không nhỏ giới trẻ.

Mạng xã hội dùng để kết nối cộng đồng tạo ra những giá trị đẹp, để người người, nhà nhà học theo. Và hơn bao giờ hết, đây chính là một trong những công cụ hữu hiệu có thể giáo dục, định hướng tầng lớp trẻ. Thế nhưng, thật đáng tiếc giờ đây mạng xã hội đang có tác dụng ngược. Cái tốt thì ít mà điều xấu lại ngày càng nhiều và đã bị lợi dụng để làm những điều phi luân. Những hệ lụy mang tính tiêu cực của mạng xã hội ngày càng nhiều. Có lẽ đã đến lúc các nhà quản lý, trường học, các tổ chức xã hội cần và nên lên tiếng để cư dân mạng sử dụng mạng xã hội một cách có văn hóa, có hiệu quả.

Bắt đầu xuất hiện vào khoảng cuối năm 2003, cho tới thời điểm hiện tại facebook có lượng người truy cập khoảng hơn 1,3 tỉ. Từ năm 2010 số người truy cập Facebook đã vượt qua lượng người truy cập vào Google.
Với khoảng 20 triệu người dùng, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 22 trong tổng số các quốc gia có lượng người dùng Facebook lớn nhất thế giới hiện nay.
Theo con số thống kê, trung bình mỗi ngày có khoảng 618 triệu người dùng hoạt động trên Facebook. Hơn 30 tỉ thông tin khác nhau được chia sẻ hằng tháng trên Facebook. Có hơn 250 triệu hình ảnh được đăng tải và chia sẻ trên Facebook mỗi ngày. Trung bình mỗi người dùng Facebook sử dụng mạng xã hội này 700 phút mỗi tháng. Trung bình trong 20 phút trên Facebook lại có 1 triệu đường link được chia sẻ, 2 triệu yêu cầu kết bạn và 3 triệu tin nhắn được gửi đi. 23% người dùng Facebook thường xuyên check tài khoản của mình tối thiểu 5 lần/ngày.

Linh Chi


 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc