Công cuộc truy tìm vật chủ truyền nCoV "giậm chân tại chỗ"

11:58 | 25/02/2020

329 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giới nghiên cứu chưa tìm thấy thêm bằng chứng để kết luận chắc chắn loài dơi truyền nCoV sang người qua vật trung gian là tê tê.
Công cuộc truy tìm vật chủ truyền nCoV
Tê tê là động vật hàng đầu bị nghi truyền nCoV từ dơi sang người. Ảnh: Business Insider.

Đâu đó ở Trung Quốc, một con dơi bay vọt qua bầu trời, phân của nó rơi xuống nền rừng, mang theo dấu vết của virus corona. Một loài động vật hoang dã, có thể là tê tê lần mò tìm côn trùng giữa đám lá và lây nhiễm virus từ phân dơi. nCoV tuần hoàn trong thế giới động vật hoang dã. Cuối cùng, ai đó bắt đúng con thú mang virus và nhiễm bệnh, sau đó truyền sang những người làm công ở chợ động vật, dẫn tới bùng phát dịch trên toàn cầu.

Các nhà khoa học đang cố gắng tìm hiểu sự thật phía sau kịch bản trên bằng cách xác định động vật hoang dã mang virus. Việc khám phá trình tự của chuỗi sự kiện "hơi giống truyện trinh thám", theo giáo sư Andrew Cunningham ở Hiệp hội Động vật học London (ZSL). Hàng loạt động vật hoang dã có thể là vật chủ, đặc biệt là dơi, loài mang trong mình lượng lớn virus corona khác nhau.

Khi giới nghiên cứu giải mã hệ gene của virus mới lấy từ cơ thể bệnh nhân, đầu mối hướng tới những con dơi ở Trung Quốc. Loài động vật có vú này tập trung theo đàn lớn, bay quãng đường dài và có mặt ở mọi châu lục. Bản thân chúng hiếm khi mắc bệnh, nhưng có khả năng truyền mầm bệnh đi xa và rộng khắp. Theo giáo sư Kate Jones ở Đại học London, một số bằng chứng cho thấy dơi thích nghi với hoạt động bay đòi hỏi nhiều năng lượng và sửa chữa tốt tổn thương ở ADN. "Điều này có thể cho phép chúng đối phó với lượng lớn virus trước khi mắc bệnh, nhưng đây chỉ là một suy đoán ở hiện tại", Jones nhấn mạnh.

Chắc chắn hành vi của dơi tạo điều kiện cho virus phát triển mạnh. "Khi xem xét cách chúng sinh sống, bạn sẽ thấy chúng mang nhiều loại virus đa dạng", giáo sư Jonathan Ball ở Đại học Nottingham, cho biết. "Do dơi là động vật có vú, nhiều khả năng một số con có thể lây nhiễm trực tiếp sang người hoặc thông qua vật trung gian".

Vế thứ hai của câu đố chưa có lời giải là xác định loài vật bí ẩn ấp virus trong cơ thể và phát tán tại khu chợ ở Vũ Hán. Đối tượng bị tình nghi hàng đầu là tê tê. Loài động vật nhiều vảy chuyên ăn kiến này là động vật có vú bị buôn lậu nhiều nhất trên thế giới và đang có nguy cơ tuyệt chủng. Nhu cầu dùng vảy tê tê để làm thuốc Đông y ở châu Á rất cao, trong khi thịt của chúng được xem là đặc sản ở một số nơi.

Các nhà nghiên cứu phát hiện virus corona tìm thấy ở tê tê rất giống nCoV ở người. Liệu virus ở dơi và virus ở tê tê có trao đổi gene trước khi lan sang người? Giới chuyên gia tỏ ra thận trọng trước khi rút ra kết luận cuối cùng. Hiện nay, nghiên cứu về tê tê vẫn chưa có dữ liệu đầy đủ, do đó không thể xác minh thông tin.

Theo Cunningham, nguồn gốc và số lượng tê tê dùng trong nghiên cứu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. "Ví dụ, kết quả nghiên cứu sẽ đáng tin cậy hơn nếu lấy mẫu trực tiếp nhiều động vật trong tự nhiên. Tuy nhiên, nếu chỉ lấy mẫu một động vật trong môi trường nuôi nhốt hoặc ở khu chợ, không thể rút ra kết luận chắc chắn về vật chủ thực sự của virus", Cunningham giải thích.

Tê tê và nhiều động vật hoang dã khác, bao gồm các loài dơi, thường được bày bán ở chợ giết mổ động vật, tạo cơ hội cho virus truyền từ loài này sang loài khác. Do đó, khu chợ kiểu này cung cấp điều kiện lý tưởng để mầm bệnh phát tán giữa các loài, bao gồm con người, Cunningham cho biết. Bị đóng cửa từ đầu tháng 1 sau khi dịch bệnh bùng phát, chợ Huanan có một góc chuyên bán động vật sống và giết mổ tại chỗ, bao gồm lạc đà, gấu trúc và chim. Một quầy hàng thậm chí rao bán cả chó sói non, ve sầu, bọ cạp, dúi, sóc, cáo, cầy hương, nhím, kỳ giông, rùa và cá sấu.

Nhiều virus xuất hiện trong những năm gần đây đều đến từ động vật hoang dã như Ebola, HIV, SARS và gần đây nhất là nCoV. Theo Jones, việc gia tăng bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc từ động vật hoang dã có thể do con người ngày càng xâm lấn môi trường sống tự nhiên của động vật, qua đó tiếp xúc với những virus mới mà loài người chưa từng gặp.

Nếu hiểu rõ những yếu tố rủi ro, chúng ta có thể từng bước ngăn chặn dịch bệnh xảy ra mà không ảnh hưởng tới động vật hoang dã. Các chuyên gia bảo tồn phải thừa nhận dù dơi mang nhiều virus, chúng giữ vai trò cần thiết để duy trì hệ sinh thái. "Dơi ăn số lượng côn trùng khổng lồ như muỗi và sâu bệnh gây hại cho nông nghiệp. Dơi quả thụ phấn cho cây và phát tán hạt giống. Không thể tiêu diệt hết dơi để kiểm soát bệnh dịch", Cunningham nói.

Theo VNE

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.