Dệt may Việt Nam:

Con đường nào vượt qua “cửa tử” (Kỳ 2)

07:00 | 18/01/2016

1,274 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngành dệt may Việt Nam đang phải phụ thuộc quá nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu. Và đây chính là vấn đề cốt tử mà các doanh nghiệp dệt may đang phải đối diện khi hội nhập ngày càng sâu rộng nền kinh tế quốc tế, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Với hiệp định này, một trong những nguyên tắc tiên quyết để hưởng các chính sách ưu đãi trong khối là nguyên tác xuất sứ, mà với nguyên tắc này, lợi thế mà Việt Nam đang có gần như bằng… 0!
con duong nao vuot qua cua tu ky 2Con đường nào vượt qua “cửa tử” (Kỳ 1)

Bài 2: "Trái đắng nguyên liệu"

Bài học của những “con rồng”

Trong lịch sử phát triển kinh tế của một số quốc  gia  như  Nhật Bản, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan… có một điểm chung là đều đi lên từ ngành công nghiệp dệt may, để rồi trở thành những “con rồng” châu Á. Lý do là ngành dệt may có khởi điểm đòi hỏi nhu cầu vốn không lớn, giải quyết được nhiều lao động chuyển dịch từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp, sử dụng ít tài nguyên không tái tạo lại được như đất, nước và năng lượng. Ngoài ra, ngành công nghiệp nhẹ sử dụng nhiều lao động này luôn an toàn, không có nguy cơ tạo ra cú sốc cho nền kinh tế như bất động sản hay tài chính…

con duong nao vuot qua cua tu ky 2
Dây chuyền kéo sợi của Nhà máy Sợi dệt Vĩnh Phúc

Điều này đã được khẳng định khi theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Dệt May Việt Nam, ngành dệt may hiện đang tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 2,5 triệu lao động trực tiếp và gần 2 triệu lao động gián tiếp (thuộc các ngành công nghiệp phụ trợ, kho bãi, vận chuyển…). Và với mức thu nhập trung bình 4,5 triệu đồng/tháng/người, tương đương 54 triệu đồng/năm thì tổng quỹ lương chi trả cho 2,5 triệu lao động trực tiếp trong 1 năm là 135 ngàn tỉ đồng (tương đương 6,7 tỉ USD) là một con số không nhỏ, đóng góp đáng kể vào chi tiêu xã hội và tăng trưởng kinh tế.

Còn xét hiệu quả trên 1ha diện tích thì với ngành dệt may sẽ xây dựng được một nhà máy may, tạo việc làm cho trên  1.000 công nhân, với thu nhập của người lao động trong một năm xấp xỉ 54 triệu đồng. Như vậy, tổng thu nhập tiền công từ 1ha đất đã lên tới 54 tỉ đồng. Với một đất nước xuất phát điểm từ nông nghiệp đang trong tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, thì số tiền người lao động thu được từ 1ha đất như vậy được tính là rất hiệu quả.

Đặc biệt trong những năm qua, dệt may là ngành tiên phong đưa nhà máy về vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn nhằm giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương. Từ Bắc vào Nam, nơi nào có nhà máy dệt may, nơi đó người dân không chỉ đảm bảo thu nhập mà còn được học nghề, làm quen với văn hóa, tác phong công nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống và tri thức. Dệt may không chỉ góp phần thúc đẩy nhanh sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn từ nông nghiệp sang công nghiệp trong công cuộc đổi mới và trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà còn giúp xóa dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

Hiện nay có một số quan điểm cho rằng, dệt may là ngành công nghiệp nhẹ, mang lại giá trị gia tăng chưa cao. Tuy nhiên, cần đánh giá một cách toàn diện điều kiện của nền kinh tế Việt Nam cũng như mặt bằng dân trí. Nếu chỉ tập trung vào ngành công nghệ cao thì gần 3 triệu người lao động phổ thông sẽ đi đâu và làm gì? Và bài toán việc làm cho một lực lượng lao động không nhỏ sẽ giải quyết như thế nào?

Vậy nên, vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để dệt may thực sự là động lực phát triển kinh tế?

Nhìn sang các nước bên cạnh có thể thấy, ngành dệt may Việt Nam đang phải đối diện nhưng vấn đề mà Nhật Bản, Trung Quốc đã trải qua. Các doanh nghiệp dệt may của Nhật Bản hay Trung Quốc cũng có xuất phát điểm thấp, công nghệ lạc hậu, tiềm lực tài chính hạn chế... nhưng họ đã tìm ra được con đường, bước đi hợp lý để từng bước phát triển. Và giờ đây, Nhật Bản, Trung Quốc có thể xem là những cường quốc hàng đầu về công nghệ ngành dệt may trên thế giới. Sự phát triển của ngành dệt may cũng được các quốc gia này xác định là bước chạy đà quan trọng để trở thành cường quốc kinh tế như hiện nay. Những bài học từ sự thành công Nhật Bản, Trung Quốc vì thế là điều rất đáng để chúng ta lưu ý. Họ đã không chỉ đặt công nghiệp dệt may vào trọng tâm của nền kinh tế mà còn có chính sách hỗ trợ, đặc biệt là vào chuỗi sợi - dệt - may.

Ví như ở Trung Quốc, ngay từ khi mới thực hiện quá trình công nghiệp hóa, dựa trên lợi thế về truyền thống lâu đời và nguồn lao động dồi dào, Trung Quốc đã coi dệt may và công nghiệp hỗ trợ dệt may là những ngành công nghiệp mũi nhọn và tập trung phát triển. Theo đó, những năm cuối thập niên 70 đến trước năm 1998, cũng giống các quốc gia đang phát triển khác, ngành dệt may của Trung Quốc đặc trưng với trang thiết bị lạc hậu, cơ sở sản xuất nhỏ, phân tán, hiệu quả sản xuất thấp. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á năm 1997 đã gây ra sự mất giá của một loạt các đồng tiền trong khu vực và tác động mạnh đến sức cạnh tranh của hàng dệt may Trung Quốc. Đứng trước những khó khăn này, vào năm 1998, Chính phủ Trung Quốc thông qua kế hoạch cải tổ, hiện đại hóa các xí nghiệp dệt may, đặc biệt là ưu tiên phát triển hoạt động sản xuất nguyên liệu thượng nguồn.

con duong nao vuot qua cua tu ky 2
PV trao đổi với ông Lê Hồng Quân - Giám đốc Nhà máy Sợi Phú Xuyên

Đầu tiên, Chính phủ Trung Quốc đề ra các chính sách khuyến khích loại bỏ các máy móc cũ và lạc hậu, thực hiện trợ cấp cho ngành dệt thông qua hình thức cấp tiền trợ cấp và cho vay ưu đãi cho các doanh nghiệp để loại bỏ số cọc sợi cũ. Cụ thể, trợ cấp 3 triệu NDT và cho vay ưu đãi 2 triệu NDT (tương đương 15 tỉ đồng) với mỗi 10.000 cọc sợi cũ bị loại bỏ. Chính sách này đi kèm với việc Trung Quốc tăng các mức thuế khác để bù đắp chi phí khi xuất khẩu hàng dệt may. Nhờ đó, riêng năm 1998, Trung Quốc đã loại bỏ được 5,12 triệu cọc sợi cũ, chấp nhận cắt giảm 60.000 việc làm trong ngành dệt.

Đồng thời, Chính phủ Trung Quốc đã quy hoạch tập trung sản xuất dệt may vào các khu vực duyên hải có truyền thống lâu năm về ngành sản xuất nguyên phụ liệu và may mặc nhằm tận dụng kinh nghiệm sản xuất, điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động dồi dào có tay nghề cao tại các khu vực này. Việc quy hoạch tập trung cũng nhằm phát huy lợi thế về quy mô sản xuất để hạ giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có những chính sách giảm thuế  khuyến khích FDI, xây dựng các quỹ tín dụng hỗ trợ xuất khẩu dệt may. Những chính sách hỗ trợ xuất khẩu này đã khuyến khích các doanh nghiệp dệt may đổi mới năng lực và hiện đại hóa công nghệ, thiết bị, dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nhờ những chính sách trên, ngành dệt may Trung Quốc đã có cuộc đại phát triển cao tốc với mức tăng trưởng 500% liên tục trong gần 2 thập niên (từ năm 1990 đến năm 2008). Giá trị sản lượng tăng từ 10 tỉ USD lên tới 50 tỉ USD, sử dụng 15 triệu nhân công, sản xuất 25 tỉ m2 vải.

 Còn tại Nhật Bản, ngay từ những năm 1930, sau khi xác định dệt may là lĩnh vực trọng tâm phát triển, Chính phủ Nhật Bản đã thực thi nhiều chính sách can thiệp vào lĩnh vực sản xuất tơ tằm bằng cách thiết lập sự kiểm tra, kiểm soát về chất lượng ở một số khâu quan trọng, hình thành các trạm kiểm tra chất lượng ở các hải cảng nhằm đảm bảo chất lượng trước khi xuất khẩu, ban hành luật kiểm tra trứng tằm, theo đó quy định các nhà nuôi tằm chỉ được mua trứng tằm của các nhà buôn có giấy phép… Nhờ sự can thiệp trên mà chất lượng tơ của Nhật Bản đã được thế giới đánh giá rất cao, Nhật Bản đã thắng thế trong cạnh tranh với tơ của Trung Quốc trên thị trường thế giới.

Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản còn ban hành những chính sách pháp luật rất chi tiết và cụ thể để hỗ trợ cho sự phát triển ngành dệt may. Từ việc  hỗ trợ các gia đình nông dân thông qua việc thành lập các hộ tín dụng để cho nông dân vay vốn, thực hiện các biện pháp giúp đỡ về kỹ thuật, đến thực hiện chính sách bảo hộ qua thuế khi hầu hết các mặt hàng dệt may nhập khẩu vào Nhật đều có mức thuế suất cao hơn rất nhiều so với các nước phương Tây. Mặt khác, Nhật Bản đã xây dựng các chính sách công nghiệp “sát sườn” nhằm kịp thời đáp ứng những biến đổi trong môi trường kinh doanh, cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng doanh nghiệp dệt may lớn. Một số chính sách luật đã tạo ra bệ phóng để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội phát triển được ban hành từ rất sớm.

Điển hình là ngay từ năm 1949, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành Luật về Hợp tác với doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm bảo vệ quyền đàm phán của doanh nghiệp vừa và nhỏ và tạo điều kiện cho họ tiếp cận với công nghệ mới và các nguồn vay. Tiếp đến khi ngành chế tạo mở rộng nhanh chóng Chính phủ Nhật Bản ngay lập tức thông qua việc ban hành Luật Xúc tiến Doanh nghiệp thầu phụ vừa và nhỏ vào năm l970 để tạo thuận lợi cho các hoạt động thầu phụ.

Nghịch lý ở Việt Nam

Như đã đề cập ở trên, với những lợi thế vốn có, phát triển công nghiệp dệt may chính là những bước đi khởi đầu để Nhật Bản, Trung Quốc từng bước phát triển và trở thành những “con rồng” châu Á như hiện nay. Nhưng cũng chính điều này đã chỉ ra một nghịch lý đối với nền kinh tế Việt Nam - nền kinh tế đang đặt mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp - là những “ông lớn” của ngành dệt may như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tổng Công ty Cổ phần may Hà Nội (Hanoisimex), May Nhà Bè, Việt Tiến muốn “lĩnh ấn tiên phong” phát triển vùng nguyên liệu, dệt nhuộm… lập tức đâm đầu vào không ít những bức tường xây bằng đá tảng. Trong đó, nổi cộm nhất chính là nỗi lo không có “mảnh đất cắm dùi”.

Những khó khăn này đã được đặt ra tại Hội thảo Thị trường chứng khoán cuối năm 2015 có tên “Cơ hội từ cổ phiếu dệt may”. Hiệp hội dệt may Việt Nam đã đề nghị Chính Phủ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các khu vực dệt nhuộm để tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, sớm lập quy hoạch chi tiết các khu vực phát triển dệt may lớn trên cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Trong đó nêu rõ, không phải tỉnh thành nào cũng nồng nhiệt chào đón các dự án dệt nhuộm. Đình đám nhất là việc Đà Nẵng đã từng từ chối dự án 200 triệu USD của nhà đầu tư Hongkong vì lo ngại ô nhiễm môi trường. Hay như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… đều là những tỉnh thành “đi tiên phong” trong việc nói không với các dự án dệt may với lý do “có nguy cơ ô nhiễm cao”.

Trong Hội thảo này, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang đã bộc bạch: “Đừng cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư hàng tỉ USD vào dệt may là họ sẽ hưởng lợi hết từ TPP của chúng ta. Lợi ích sẽ được chia đều cho các bên, các doanh nghiệp trong nước đang gấp rút mở rộng quy mô, xây dựng nhà máy mới. Ngành phụ trợ, nguyên liệu cho dệt may sẽ được đáp ứng, hưởng lợi về thuế suất. Vấn đề còn lại chỉ là kiểm soát tốt ô nhiễm môi trường từ dệt nhuộm. Trên bản đồ dệt may thế giới hầu hết các quốc gia đều xây dựng các khu công nghiệp dệt nhuộm ở gần biển. Việc các khu công nghiệp dệt may của Việt Nam được xây dựng ở gần cửa biển không có gì lạ bởi lượng nước thải quá lớn chỉ có thể xả ra biển. Tiêu chuẩn môi trường ở Việt Nam giờ khắt khe lắm, nếu không đạt loại A thì đóng cửa hết, nên người dân không phải quá lo điều đó. Bài học ô nhiễm từ Trung Quốc vẫn còn đó, chúng tôi đã học được điều này và yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn nước thải của các khu công nghiệp”.

Cùng với nỗi lo chung về cơ chế đầu tư cho ngành dệt may, ông Nguyễn Song Hải - Tổng giám đốc Hanosimex khi trao đổi với chúng tôi về vấn đề này đã chua chát: Việc các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam gặp khó khăn khi tìm kiếm địa điểm đầu tư là có thật. Thời gian qua, chúng tôi “ôm tiền” đi các tỉnh tìm đất xây nhà máy bị lắc đầu đuổi đi không phải là chuyện “hoang đường”. Nguyên nhân được nhiều tỉnh đưa ra như quỹ đất hạn hẹp, cở sở hạ tầng chưa đồng bộ… Đặc biệt là quy định về môi trường, nước thải khiến doanh nghiệp dệt may khó mà kham nổi. Nhiều nơi cứ khơi khơi áp quy định nước thải như buộc doanh nghiệp phải trả chi phí xử lý nước loại A (15 nghìn đồng/m3) cao ngang giá mua nước sạch sinh hoạt. Trong khi đó, nguồn nước đầu vào sản xuất cho các doanh nghiệp dệt, nhuộm chỉ là nước sông không ô nhiễm nặng (loại B)…

Khẳng định tầm quan trọng phát triển các khu công nghiệp dệt may tập trung, Tổng giám đốc Vinatext Lê Tiến Trường nhấn mạnh: Để dệt may Việt Nam phát triển điều cốt yếu là cần thành lập các cụm công nghiệp nguyên phụ liệu và giải quyết nút thắt chính là xử lý nước thải của khâu nhuộm hoặc các loại nguyên phụ liệu liên quan đến môi trường như xi mạ trong sản xuất nút kim loại hoặc các công đoạn của ngành may như giặt, in… Như vậy, giá thành sẽ cạnh tranh và môi trường được quản lý chặt chẽ. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư trong cụm công nghiệp phụ liệu về thuế đất, thuế VAT, thu nhập, miễn giảm thuế tùy theo chủng loại sản phẩm cần khuyến khích đầu tư… Đặc biệt Chính phủ cần hỗ trợ vốn xây dựng cơ bản và thiết bị, lập quỹ hỗ trợ, ưu đãi tín dụng cho các doanh nghiệp sản xuất thử nghiệm phụ tùng, vật tư thay thế ngoại nhập (thuốc nhuộm, tẩy) hay thiết bị trong dây chuyền sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp thực hiện phương thức FOB (Free On Board - Giao hàng lên tàu) cho các đơn hàng có tỷ lệ nội địa hóa từ 50% trở lên...

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp hiện nay đang “khát” nguyên liệu dệt may. Bởi theo cách nói của ông Nguyễn Văn Tiến - Giám đốc Công ty sợi dệt Vĩnh Phúc thì việc thiếu chủ động nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước sẽ đặt ra cho các doanh nghiệp dệt may rất nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí phải đối diện với nguy cơ phá sản nếu chậm bàn giao hàng...

“Công ty Sợi dệt Vĩnh Phúc có quy mô vừa phải. Và trong quá trình sản xuất, để đảm bảo các đơn hàng, hợp đồng đã ký, để tránh bị động về nguyên liệu, công ty phải tính toán đặt trước cả tháng trời nguồn nguyên phụ liệu. Nguồn nguyên phụ liệu này nếu phải nhập khẩu xơ từ nước ngoài thay cho xơ nội thì thời gian mất cho một đơn sẽ thêm 3-4 tuần. Ngoài ra, doanh nghiệp nhập khẩu phải mở LC đặt hàng qua ngân hàng, chuẩn bị kho bãi, hải quan, vận chuyển hàng về đến nhà máy… Nhiêu khê hơn nữa là mỗi lần chuyển đổi nguyên liệu, phải căn chỉnh lại toàn bộ dây chuyền xe sợi của nhà máy. Lo ngại nhất là vấn đề chất lượng của lô hàng khi đang sản xuất dở dang sẽ không được đồng bộ về chất lượng, có thể bị khách hàng phạt hợp đồng” - ông Tiến thông tin.

Vậy nên, theo ông Tiến, nếu các doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may trong nước có thể càng chủ động được nguồn nguyên phụ liệu bao nhiêu thì lợi ích càng lớn bấy nhiêu.

Nói như vậy để thấy rằng, bản thân các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may rất “khát” nguồn nguyên liệu trong nước. Và đây tiếp tục là một nghịch lý nữa đang tồn tại trong ngành dệt may Việt Nam. Doanh nghiệp dệt may mong có nguồn nguyên phụ liệu trong nước, sẵn sàng đầu tư, phát triển vùng nguyên phụ liệu nhưng lại đang gặp phải quá nhiều trở ngại, vướng mắc. Khi chúng tôi tiếp xúc với hầu hết lãnh đạo doanh nghiệp dệt may, chúng tôi cảm nhận được họ đều có chung một tâm trạng như một người mạo hiểm đứng trước một kho báu, chỉ cần bước qua một cánh cửa là trở nên giàu có, đổi đời nhưng cánh cửa đó đang bị rất nhiều ổ khóa có tên cơ chế đầu tư, nguồn nguyên liệu, ưu đãi thuế… Cái tâm trạng bức thiết, mong ngóng đó thể hiện rõ nhất trong số phận của Nhà máy xơ sợi Polyester đầu tiên của Việt Nam sẽ được chúng tôi gửi đến bạn đọc vào kỳ sau.

 

Thanh Ngọc - Thành Công

Năng lượng Mới 491