Con đường Kazakhstan thoát khỏi ảnh hưởng của Nga

15:05 | 24/07/2023

15,016 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hôm 20/6 vừa qua, sau cuộc gặp với Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev tại Astana, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã tuyên bố Đức ủng hộ những nỗ lực của Kazakhstan trong việc tạo ra các tuyến đường thương mại và hành lang vận chuyển đến châu Âu, thay thế tuyến đường qua Nga.
Con đường Kazakhstan thoát khỏi ảnh hưởng của Nga

Ông Steinmeier tuyên bố rằng, các nỗ lực như vậy sẽ tiếp tục ngăn cản Điện Kremlin trốn tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, Moscow cũng chuyển hướng thương mại qua một hành lang mới có thể tránh những thách thức mới.

Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, chính quyền địa phương, các quốc gia láng giềng và các tổ chức quốc tế đã đầu tư nhiều công sức và tiền bạc vào việc thiết kế và xây dựng các tuyến đường thương mại khu vực và liên lục địa. Bất kể chúng bắt nguồn từ đâu, tất cả các kế hoạch này đều gắn bó chặt chẽ với lợi ích địa chính trị cũng như kinh tế của các nhà tài trợ. Do đó, chúng luôn trở thành yếu tố của sự tranh chấp song phương, khu vực và quốc tế. Những kế hoạch này từ lâu đã phục vụ để tập hợp các quốc gia châu Á, châu Âu và Trung Á, bao gồm Afghanistan và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.

Xuyên suốt lịch sử, Trung Á là nơi giao thoa của các nền văn minh và các tuyến đường thương mại. Vị trí chiến lược của nó đã thu hút sự chú ý của nhiều đế chế và cường quốc tìm cách kiểm soát các hành lang sinh lợi tiềm tàng giữa châu Á, châu Âu và Trung Đông. Là một phần quan trọng của Con đường tơ lụa vĩ đại, các thành phố của Kazakhstan không chỉ đóng vai trò là điểm trung chuyển hàng hóa từ Trung Quốc sang châu Âu mà còn tích cực tham gia vào sản xuất và thương mại chung, cũng như trao đổi các giá trị văn hóa.

Lần đầu tiên, vào tháng 6/2023, Kazakhstan đã ký một loạt thỏa thuận với Azerbaijan để đưa năng lượng cũng như các tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản khác qua Caspian và Azerbaijan đến thị trường Kavkaz và châu Âu, những thị trường đang mong muốn có được những mặt hàng nhập khẩu này, theo Astana Times. Thực tế là các thỏa thuận này đã bỏ qua sự hiện diện của Nga trong khu vực, do đó đánh dấu một bước tiến trong việc hướng tới sự độc lập về kinh tế và chính trị của Kazakhstan khỏi nước Nga.

Gần đây, ông Tokayev gợi ý rằng Chính phủ Đức có thể thay thế dầu bị cấm vận của Nga bằng dầu của Kazakhstan. Ông cho rằng Kazakhstan có thể tăng 600% lượng dầu xuất khẩu sang Đức và có lẽ các nhà máy lọc dầu do Đức điều hành chứ không phải do Nga sở hữu có thể tăng công suất từ ​​90.000 lên 200.000 tấn vào cuối năm 2023 và sau đó là 900.000 lên 1 hoặc 2 triệu tấn hàng năm trong tương lai gần.

Tương tự, Ý đã nhập khẩu dầu từ Kazakhstan, tăng tỷ trọng nhập khẩu từ 28% vào năm 2022 lên 38% vào năm 2023.

Các hợp đồng thương mại này thể hiện rõ ràng những nỗ lực đáng kể của Astana nhằm đa dạng hóa các quan hệ kinh tế đối ngoại của mình. Ví dụ, Kazakhstan đã ký các thỏa thuận với Bắc Kinh để tăng cường dòng năng lượng đến Trung Quốc, và các thỏa thuận với Azerbaijan cũng nói lên tham vọng đó. Thật vậy, gần đây, Liên minh châu Âu đã công bố ý định nhập khẩu "hàng hóa quan trọng" từ Kazakhstan thông qua Tuyến vận tải quốc tế xuyên Caspian. Những hàng hóa này bao gồm lithium, coban, titan và các kim loại đất hiếm khác quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, cũng như sản xuất quốc phòng. Đối với EU, điều này rõ ràng là nhằm đảo ngược sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc và Nga đối với những hàng hóa đó.

Châu Âu ủng hộ nỗ lực của Kazakhstan nhằm thoát khỏi ảnh hưởng của Nga
Sơ đồ các cảng biển trên biển Caspi.

The Tờ Oilprice, Kazakhstan cũng đã nhiều lần chỉ trích Nga liên quan tới cuộc xung đột tại Ukraine. Và một cách mà Moscow có thể thể hiện vị thế của mình là loại trừ Kazakhstan khỏi các tuyến đường thương mại mới được đề xuất chạy từ Trung Á qua Caspi đến Nga. Tuyến đường thương mại này từ cảng biển Turkmenbashi ở Turkmenistan đến Astrakhan trên Caspi (Sơ đồ trên) đã được thảo luận trong vài tháng qua. Rõ ràng, đây là một "đòn tấn công" vào Kazakhstan, với việc Điện Kremlin cáo buộc rằng Astana đang ngăn cản các thương nhân Trung Á khác xuất khẩu hàng hóa của họ.

Theo phân tích, tuyến đường thương mại được lên kế hoạch này có liên quan đến dự án quá cảnh Bắc - Nam đầy tham vọng của Moscow nhằm kết nối Nga, Trung Á, Iran và Ấn Độ.

Trong khi đó, Uzbekistan, vốn trầm lặng hơn nhiều, mặc dù không hài lòng về chiến tranh, gần đây đã cải thiện quan hệ với Nga, đang vận động hành lang mạnh mẽ cho tuyến đường thương mại này để tránh sự phụ thuộc quá mức vào Kazakhstan. Do đó, hành lang do Nga ấp ủ hay các hành lang khác do Kazakhstan đề xuất, cho thấy sự đan xen giữa các động cơ kinh tế và chính trị đối với khu vực chiến lược quan trọng trải dài từ châu Âu và Kavkaz đến Trung Á và Trung Quốc.

Ấn Độ cũng có thể nằm trong số các quốc gia được hưởng lợi và là điểm cuối được đề xuất của tuyến đường Bắc - Nam.

Được biết, Trung Quốc đã liên tục tìm cách giảm thiểu sự tiếp xúc của Ấn Độ với các tuyến đường thương mại và thị trường đó như một phần trong nỗ lực lâu dài của chính họ nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy trở thành một cường quốc của Ấn Độ .

Không còn nghi ngờ gì nữa, khi Ấn Độ, Trung Quốc, Nga và các quốc gia nhỏ hơn nhưng quan trọng trong khu vực cố gắng mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị của họ trên toàn cầu, và châu Âu tìm cách phát triển các tuyến thương mại lâu dài và khả thi với các thị trường châu Á, thì sự tranh chấp về các tuyến đường này sẽ ngày càng lớn.

Sự cạnh tranh này sẽ không chỉ giới hạn ở Kazakhstan mà sẽ thu hút mọi quốc gia Trung Á trong nhiều năm tới, khi các quốc gia trong khu vực đang bước vào thời kỳ cạnh tranh thương mại và địa chính trị được tăng cường. Do đó, các cuộc cạnh tranh được mô tả ở đây sẽ là một phần của chương trình nghị sự thường xuyên và bối cảnh của các vấn đề quốc tế ở cả khía cạnh chính trị và kinh tế ở Trung Á trong tương lai vô định.

Bình An