Có những người thực sự là "nam châm hút muỗi"

06:15 | 02/11/2022

236 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Các nhà khoa học thấy rằng, một số người sẽ tạo ra những loại hóa chất nhất định gắn với mùi của cơ thể khiến muỗi thấy hấp dẫn.
Có những người thực sự là
Nghiên cứu mới cho thấy một số người có khả năng hút muỗi cao hơn người khác do mùi da của họ

Một nghiên cứu mới cho thấy, có những cá nhân thực sự là “nam châm hút muỗi”. Điều này có liên quan tới cách thức cơ thể họ tỏa mùi ra môi trường bên ngoài.

Theo đó, những người thu hút muỗi có cơ thể sản sinh ra một lượng lớn các chất hóa học nhất định xuất hiện trên da và những hóa chất này có liên quan đến mùi. Tin xấu cho các “nam châm hút muỗi” là loài muỗi rất “chung thủy” với những thứ hấp dẫn chúng.

Công trình nghiên cứu mới đã được đăng trên Tạp chí Cell mới đây. Theo đó, các nhà khoa học tới từ Mỹ đã làm thử nghiệm phân chia mùi hương của 64 tình nguyện viên tham gia nghiên cứu. Các tình nguyện viên được yêu cầu quấn tất quần quanh khu vực cẳng tay để mùi da của họ bám vào đó. Tiếp theo, những chiếc tất được đặt vào những chiếc bẫy riêng biệt, nằm phía cuối các đoạn đường ống dài. Cuối cùng, hàng chục con muỗi được thả ra trong môi trường thử nghiệm.

Các nhà khoa học thấy rằng, gần như ngay lập tức muỗi sẽ tìm đến những chiếc tất có mùi hấp dẫn nhất với chúng. Họ đã tổ chức một “giải đấu” nhỏ quanh khả năng hút muỗi của những chiếc tất. Kết quả là tất thuộc về “nam châm hút muỗi” đầu bảng xếp hạng có khả năng thu hút lớn hơn 100 lần so với người ở cuối bảng xếp hạng.

Theo các nhà khoa học, những người thuộc nhóm “nam châm hút muỗi” có hàm lượng một số loại axit nhất định trên da. “Các phân tử nhờn” này là một phần của lớp dưỡng ẩm tự nhiên trên da và mỗi người sẽ sản xuất ra chúng với số lượng khác nhau. Về cơ bản, các vi khuẩn có lợi sống trên da của chúng ta sẽ ăn các axit này và tạo ra một phần mùi hôi trên da.

Tác giả nghiên cứu Leslie Vosshall, một nhà sinh vật học thần kinh tại Đại học Rockefeller ở New York (Mỹ), cho biết: “Nếu bạn có hàm lượng các axit này cao trên da, bạn sẽ thường xuyên bị muỗi đốt trong chuyến dã ngoại”. Vosshall cho biết thêm rằng, nếu cố loại bỏ các axit trên da, con người có thể bị ảnh hưởng tới sức khỏe.

Thí nghiệm sử dụng muỗi Aedes aegypti, loại có khả năng mang theo các căn bệnh truyền nhiễm như sốt vàng, Zika và sốt xuất huyết. Nhóm nghiên cứu sẽ cần thử nghiệm trên các loại muỗi khác, nhưng họ tin kết quả cũng sẽ giống như với muỗi Aedes aegypti.

Việc phát hiện cơ chế khiến muỗi bị thu hút có thể giúp tìm ra những phương pháp đuổi muỗi mới. Ví dụ, chúng ta có thể tác động tới các tế bào trên da và thay đổi mùi da của mỗi người.

Tuy nhiên tìm ra cách thức chống muỗi hiệu quả vẫn không hề dễ dàng, do muỗi đã tiến hóa để trở thành các cỗ máy hút máu hoàn hảo. Nghiên cứu mới nhất cũng đồng tình với nhận định này. Các nhà khoa học đã sử dụng cả một số con muỗi được biến đổi gene để làm hỏng khứu giác của chúng. Tuy nhiên muỗi biến đổi gene vẫn lao tới tất của các “nam châm hút muỗi” giống những con khác.

“Muỗi là loài khá lì lợm” - Vosshall nói - “Chúng có nhiều kế hoạch dự phòng để tìm ra và hút máu con người”.

Tường Linh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.