Có một “bài học bảo hiểm” từ sự cố Vinalines Queen

09:25 | 10/01/2012

883 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dư luận đang có những đánh giá trái ngược nhau về công tác tìm kiếm cứu nạn cũng như công tác bảo hiểm mà Vinalines thực hiện sau khi xảy ra sự cố chìm tàu Vinalines Queen. Tổng giám đốc Vinalines cũng bày tỏ quan điểm về việc có một số nguồn tin nghi ngờ rằng Vinalines đã tạo ra sự cố chìm tàu để hưởng số tiền bảo hiểm 27 triệu USD.

>> Tổng giám đốc Vinalines: “Chúng tôi ngỡ ngàng và cảm thấy bị xúc phạm…”

"Vụ Vinalines Queen sẽ thay đổi quan niệm của người dân về bảo hiểm”

Trao đổi với PV Năng lượng Mới, ông Vũ Bảo Lâm – Phó tổng giám đốc Bảo hiểm PVI cho rằng, công tác bảo hiểm mà Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam thực hiện sau vụ chìm tàu Vinalines Queen là rất tốt. Ông cũng cho rằng, vụ việc này sẽ thay đổi phần nào quan niệm của người dân Việt Nam về vấn đề bảo hiểm.

Đầu tiên đó là việc Vinalines thực hiện rất tốt công tác bảo hiểm. Trước đó, Vinalines đã ký hợp đồng bảo hiểm con tàu Vinalines Queen tại Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp với trị giá 27 triệu USD (đúng bằng giá trị thực của tàu).

Các thuyền viên trên tàu cũng đã được mua bảo hiểm tai nạn tại bảo hiểm PVI với mức 25.000USD/người. Cùng với những loại bảo hiểm khác, khả năng mỗi thuyền viên sẽ được bồi thường 40.000USD/người. Riêng về hàng hóa, chủ hàng đã mua bảo hiểm, nên Vinalines không phải chịu trách nhiệm về tổn thất này.

VINALINES QUEEN

Theo ông Lâm, việc mua bảo hiểm ở các đơn vị có tiềm lực tài chính mạnh (PVI, Bảo hiểm của Ngân hàng Nông nghiệp) sẽ giúp cho quá trình chi trả nhanh và chuyên nghiệp hơn. Ngoài ra, việc phân tán các chủ thể bảo hiểm (tàu, con người, hàng hóa) ra nhiều hãng bảo hiểm khác nhau sẽ đảm bảo khả năng chi trả trong trường hợp nhiều rủi ro xảy ra một lúc, tránh việc nhà bảo hiểm sẽ mất khả năng chi trả.

Về bảo hiểm tai nạn con người cho các thủy thủ ký với Bảo hiểm PVI, ít ai biết được rằng, mức chi phí cho mỗi thủy thủ cực kỳ nhỏ: 42USD/người/năm. Tổng số tiền phí bảo hiểm cho tất cả 23 thuyền viên trên một con tàu hiện đại và có những hải trình nguy hiểm cũng chỉ có 966USD/năm. Tuy nhiên, nhà bảo hiểm (cụ thể trong trường hợp này là PVI) có thể sẽ bồi thường cho gia đình mỗi thủy thủ 25.000USD. Tổng số tiền cho tất cả 22 thủy thủ là 550.000USD.

Sở dĩ dùng từ “có thể” là vì: Nếu như tai nạn xảy ra “đáp ứng” đủ các yếu tố “tổn thất – bất ngờ – không lường trước được” thì người mua bảo hiểm sẽ được chi trả toàn bộ. Trong trường hợp những tai nạn có sự sắp đặt, cố tình hay các yếu tố khác, mức độ bồi thường sẽ bị xem xét.

Ông Vũ Bảo Lâm cũng cho rằng: “Kết luận cuối cùng thì còn đợi các cơ quan chức năng nhưng theo đánh giá của chúng tôi thì tai nạn này là không mong muốn. Vậy nên PVI quyết định ứng trả trước để gia đình các nạn nhân bớt khó khăn”.

Ngay sau khi có những tin tức ban đầu về sự cố tàu Vinalines Queen, ngày 30/12/2011, đại diện của Tổng Công ty Bảo hiểm PVI đã liên hệ với Vinalines đề nghị cùng với Vinalines chia sẻ và hỗ trợ gia đình các thuyền viên bị nạn.

Đồng thời, đại diện của Bảo hiểm PVI cũng đã cùng đoàn công tác của Vinalines tới thăm hỏi, động viên các gia đình thuyền viên bị nạn trong sự cố tàu Vinalines Queens trên địa bàn Hà Nội và Hải Phòng ngay trong ngày 31/12/2011.

Thủy thủ Đậu Ngọc Hùng

Ngày 4/1/2012, Tổng Công ty Bảo hiểm PVI đã quyết định tạm ứng chi trả bảo hiểm cho 22 thuyền viên mất tích của tàu Vinalines Queen với tổng số tiền là 4,4 tỉ đồng. Số tiền này sẽ được chuyển ngay trong ngày 5/1/2012.

Tổng Công ty Bảo hiểm PVI sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Vinalines và các cơ quan chức năng trong thời gian tới để thực hiện nghiêm túc các cam kết giữa hai bên về Bảo hiểm tai nạn con người cho các thuyền viên. Bảo hiểm PVI đã quyết định ứng trước 4,4 tỉ đồng để chi trả cho gia đình các thuyền viên tàu Vinalines Queen dù chưa rõ số phận của các thủy thủ. Số tiền ứng trước này chia đều cho 22 gia đình, mỗi gia đình nhận được 200 triệu đồng (tương đương với 10.000USD).

Cách chi trả rất có trách nhiệm và nhân văn của PVI đã tạo ra tiền lệ rất tốt trên thị trường bảo hiểm hiểm Việt Nam.

“Có một quan niệm mà theo tôi, một số người dân nên dẹp bỏ đó là quan niệm bảo hiểm là một sự bắt buộc, bảo hiểm là lừa lọc… Bạn thấy đấy, trong xã hội hiện đại, những thách thức, những cơ hội luôn đi kèm với những rủi ro. Bảo hiểm chính là phương tiện tốt nhất để bạn quản lý những rủi ro đó” – ông Lâm tâm sự.

Đến những thông tin về… bẫy bảo hiểm

Vài ngày qua, có một số thông tin cho rằng, vụ chìm tàu Vinalines Queen là có chủ ý và nhằm mục đích được hưởng tiền bồi thường bảo hiểm 27 triệu USD.

Trả lời trước các phóng viên, ông Nguyễn Cảnh Việt, Tổng giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) không khỏi bức xúc: “Chúng tôi rất ngỡ ngàng và cảm thấy bị xúc phạm khi có dư luận đặt vấn đề như vậy. Ngoài việc là một tài sản rất lớn mà Nhà nước giao Vinalines quản lý, Vinalines Queen còn là tàu đang khai thác rất hiệu quả, nên không bao giờ chúng tôi làm một việc phạm pháp và đồi bại như vậy. Đó là chưa kể đến sinh mạng của 25 thủy thủ – những đồng nghiệp của chúng tôi còn quý giá hơn rất nhiều”.

Trên thế giới đã có những “bẫy bảo hiểm” kiểu như thế, tuy nhiên, các cơ quan chức năng cho đến thời điểm này vẫn xác định rằng: Vinalines Queen chìm là một sự cố không lường trước được. Rõ ràng sự cố đáng tiếc của Vinalines Queen là một bài học về công tác vận tải hàng hải, cứu hộ cứu nạn chứ không phải là một cái “bẫy bảo hiểm” như một số nguồn thông tin trong thời gian vừa qua.

Hoàng Thắng