Cơ giới hóa mang lại "trái ngọt" cho TKV

10:36 | 22/04/2021

252 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Năng suất lao động tăng 1,5-2 lần so với công nghệ cũ, sản lượng gần đạt công suất thiết kế và hiệu quả kinh tế cao, đó là những “trái ngọt” mà Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) “thu hái” được khi tăng cường áp dụng công nghệ khai thác cơ giới hóa đồng bộ hạng nhẹ.
Cơ giới hóa mang lại
Khai thác than tại lò chợ CGH công suất 600 nghìn tấn/năm của Than Hà Lầm

Theo Viện Khoa học công nghệ mỏ, 2 tổ hợp cơ giới hóa (CGH) hạng nhẹ được áp dụng tại Công ty CP Than Mông Dương và Công ty Than Hạ Long năm 2020 có trọng lượng và kích thước nhỏ, cho phép vận chuyển qua các đường lò có diện tích nhỏ nhất đến 8,5m2. Do đó, công tác vận chuyển, lắp đặt tương đối thuận lợi, chi phí thời gian ngắn (18 ngày đối với tổ hợp ở Than Hạ Long và 25 ngày đối với với tổ hợp ở Than Mông Dương) chỉ bằng 2/3 thời gian vận chuyển, lắp đặt các tổ hợp CGH trung bình và nặng đã áp dụng tại các mỏ thuộc TKV. Công nghệ CGH hạng nhẹ đã đạt một số chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật tốt, công suất và năng suất lao động tương đối cao...

Đối với việc áp dụng sơ đồ công nghệ đào lò mẫu, trong quá trình triển khai, các doanh nghiệp đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của TKV. Quá trình áp dụng bảo đảm an toàn, các dây chuyển CGH đào lò mẫu và bán CGH đào lò mẫu đều có chi phí thấp hơn công nghệ thủ công trong cùng điều kiện bởi áp dụng CGH đã tăng năng suất lao động lên gấp 2-3 lần, đồng thời giảm chi phí vật tư, nguyên vật liệu...

Tại Hội nghị đánh giá kết quả áp dụng công nghệ khai thác CGH đồng bộ hạng nhẹ và các sơ đồ công nghệ CGH, bán CGH đào lò mẫu được tổ chức mới đây, lãnh đạo TKV và các đại biểu đã khẳng định sự cần thiết của việc áp dụng công nghệ khai thác CGH đồng bộ hạng nhẹ và các sơ đồ công nghệ CGH, bán CGH đào lò mẫu, thực hiện chủ trương của TKV đẩy mạnh CGH, tự động hóa, tin học hóa nhằm nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; đồng thời, cần đồng bộ hạ tầng, dây chuyền sản xuất, vận tải; tổ chức sản xuất, điều hành khoa học, hợp lý trong đào lò, khai thác, vận tải... Cùng với đó, các doanh nghiệp cơ khí trong TKV đẩy mạnh nghiên cứu chế tạo vật tư, phụ tùng CGH thay thế để chủ động trong sản xuất.

Hiện nay, ngoài các lò chợ được áp dụng giàn chống CGH tích hợp máy khấu, các lò chợ còn lại sử dụng chủ yếu công nghệ giá khung và giá xích. Công tác xúc tải than phần lớn là thủ công, người lao động phải trực tiếp xúc tải than lên các thiết bị vận tải, như máng cào, máng trượt để đưa được từng tấn than ra lò. Việc bốc xúc than vất vả và tốn rất nhiều nhân lực.

Cơ giới hóa mang lại
Tổng giám đốc TKV đã khen thưởng các tập thể có thành tích hoàn thành mục tiêu thi đua áp dụng công nghệ khai thác CGH hạng nhẹ và CGH trong đào lò

Để khắc phục tình trạng đó, từ giữa năm 2020, Than Nam Mẫu đã nghiên cứu và vận hành thử nghiệm 2 loại máy xúc ML-01-0,09 và ML-01-0,12 do đội ngũ cán bộ kỹ thuật và Đoàn Thanh niên Than Nam Mẫu thiết kế, Công ty CP Cơ khí ôtô Uông Bí sản xuất. 2 loại máy xúc này được thiết kế nhỏ gọn, trọng lượng nhẹ, có thể di chuyển linh động trong các đường lò có tiết diện nhỏ với độ dốc đến 15o. Hai loại máy xúc được sử dụng gầu xúc lật hông dung tích 0,09m3 và 0,12m3. Nguyên lý cấu tạo đơn giản, dễ vận hành, quản lý sửa chữa.

Quý I/2021, Than Nam Mẫu chính thức đưa vào vận hành 2 máy xúc ML-01-0,09 và ML-01-0,12 trong 2 lò chợ Phân xưởng khai thác 2 và Phân xưởng khai thác 3. Đây là doanh nghiệp đầu tiên của TKV đưa 2 thiết bị này vào diện sản xuất.

Theo đánh giá của công ty, 2 loại máy xúc đang phát huy tốt công năng bốc xúc, khối lượng bốc xúc. Theo thiết kế ban đầu, máy xúc ML-01-0,09 có công suất bốc xúc 8,16 tấn/giờ, máy xúc ML-01-0,12 có công suất bốc xúc 9,6 tấn/giờ. Tuy nhiên, khi đi vào vận hành, 2 loại máy xúc này đã bốc xúc được trên 20 tấn/giờ, tăng gấp đôi năng suất lao động so với xúc thủ công trước đây; đồng thời giảm tổn thất tài nguyên do máy có thể xúc hạ tối đa chiều cao đường lò, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình sang máng, khoan nổ mìn khấu chống và đi lại của thợ mỏ.

Cơ giới hóa mang lại
Máy xúc ML-01-0.09 đang hoạt động hiệu quả tại lò chợ Phân xưởng Khai thác 2 - Công ty Than Nam Mẫu

Tổng giám đốc TKV Đặng Thanh Hải khẳng định: Việc áp dụng công nghệ khai thác CGH đồng bộ hạng nhẹ và các sơ đồ công nghệ CGH, bán CGH đào lò mẫu là chủ trương quan trọng và cấp thiết của TKV, đặc biệt là thực hiện mục tiêu tăng năng suất lao động, bảo đảm an toàn và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Kết quả ban đầu cho thấy, năng suất lao động của thợ mỏ đã tăng 1,5-2 lần so với công nghệ cũ, sản lượng gần đạt công suất thiết kế và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là minh chứng cho thấy áp dụng công nghệ khai thác CGH đồng bộ hạng nhẹ công suất 300.000 tấn/năm rất phù hợp với điều kiện địa chất, có thể áp dụng rộng rãi trong toàn TKV.

Tổng giám đốc TKV Đặng Thanh Hải yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục triển khai chương trình thực hiện CGH đồng bộ hạng nhẹ và CGH đào lò giai đoạn 2021-2025, trình Đảng ủy, HĐTV TKV để thực hiện trên diện rộng; tiếp tục tăng cường áp dụng CGH đồng bộ hạng nhẹ và CGH đào lò; chú trọng công tác thăm dò tài nguyên, chuẩn bị diện sản xuất; cây dựng kế hoạch đầu tư đồng bộ với kế hoạch CGH cũng như hệ thống bảo trì, bảo dưỡng; chế tạo vật tư, phụ tùng thay thế (Khối cơ khí TKV)... Đặc biệt, Công ty Xây lắp mỏ cần xây dựng kế hoạch đào lò dài hạn, phân công nhiệm vụ đào lò, phát huy vai trò của doanh nghiệp chuyên đào lò, nâng cao hiệu quả đầu tư; có cơ chế chính sách ưu tiên, hỗ trợ để đẩy mạnh áp dụng CGH trong khai thác và đào lò...

Tùng Dương