Cổ đông ngoại đứng sau doanh nghiệp xây dựng vốn 128.000 tỷ đồng là ai?

09:26 | 18/08/2021

195 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ông David Aristotle Phan - cổ đông ngoại của doanh nghiệp vốn 128.000 tỷ là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Sophy Investment, được giới thiệu là một tập đoàn dịch vụ tài chính toàn cầu.

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tiếp tục xuất hiện một doanh nghiệp có số vốn "khủng" tại Việt Nam, đó là Công ty Cổ phần tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu.

Giấy đăng ký kinh doanh cho thấy doanh nghiệp này thành lập ngày 9-11-2018, có trụ sở tại phố Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Tổng giám đốc là ông Bùi Văn Việt, sinh năm 1953, chỗ ở hiện tại ở xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Công ty Cổ phần tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu công bố tăng vốn lên gần 128 ngàn tỉ đồng
Công ty Cổ phần tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu công bố tăng vốn lên gần 128.000 tỉ đồng

Năm 2018, doanh nghiệp đăng ký thành lập với số vốn điều lệ 132 tỉ đồng cơ cấu cổ đông gồm: Ông Bùi Văn Việt (18%), bà Phạm Thị Thành (36%), Đào Xuân Hậu (18%), Đỗ Công Đảng (18%) và Trần Đức Thủy (10%).. Trong đó, có cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là ông David Aristotle Phan (ở Mỹ), với số vốn góp 52,8 tỉ đồng.

Đến tháng 6/2019, công ty này bất ngờ tăng vốn lên mức 5,5 tỷ USD và duy trì đến thời điểm hiện tại. Trong đó, 40% cổ phần (tương ứng 51.161 tỷ đồng) được nắm bởi một cổ đông ngoại là ông David Aristotle Phan.

Tuy nhiên, theo Nhà đầu tư, đến cuối năm 2019, vốn thực góp vào Toàn Cầu của các cổ đông chỉ vọn vẹn 195,5 triệu đồng. Doanh nghiệp này cũng không ghi nhận doanh thu và lỗ ròng...3 triệu đồng trong năm.

Hiện, Toàn Cầu đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực bán lẻ hàng hoá, cụ thể là bán lẻ vàng, bạc, đá quý. Người đại diện pháp luật, kiêm Tổng giám đốc là ông Bùi Văn Việt (SN 1953) – ông cũng là một trong những cổ đông góp vốn sáng lập.

Hiện tại, ông Việt còn đứng tên tại 2 đơn vị khác là Công ty TNHH Liên doanh Việt Pháp (Hà Giang) và Xí nghiệp Mây tre lá của Thương binh và Người tàn tật (Hà Nội).

Nếu lập danh sách những doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu lớn nhất cả nước tại thời điểm cuối năm 2020, vốn chủ sở hữu của Toàn Cầu chỉ xếp sau Samsung Electronics Thái Nguyên (274.193 tỷ đồng), EVN (240.236 tỷ), Samsung Electronics Việt Nam (229.498 tỷ) và Vingroup (135.853 tỷ).

Thậm chí, con số 127.902 tỷ đồng còn xếp trên những cái tên đình đám như Vietcombank (98.859 tỷ đồng), Formosa Hà Tĩnh (93.408 tỷ) hay Vinhomes (89.685 tỷ).

Tuy nhiên, việc tổng tài sản của công ty Toàn Cầu được ghi nhận trên sổ sách là điều gây bất ngờ nhưng tính đến cuối năm ngoái, tổng tài sản của công ty tương đương mức vốn chủ sở hữu và không thay đổi gì so với thời điểm góp vốn. Điều này có nghĩa công ty gần như không có hoạt động sau một năm rưỡi tăng vốn khủng.

Về cổ đông ngoại góp vốn khủng tại doanh nghiệp này đó là ông David Aristotle Phan.

Hình ảnh ông David Aristotle Phan trên LinkedIn. (Nguồn: LinkedIn).

Hình ảnh ông David Aristotle Phan trên LinkedIn. (Nguồn: LinkedIn).

Trên LinkedIn ông Phan tự giới thiệu là người có học thức sâu rộng khi tốt nghiệp nhiều trường đại học lớn ở Mỹ như Đại học Illinois, Học viện Công nghệ Massachusetts và Đại học Missouri-Columbia.

Bản thân ông tự giới thiệu rằng mình từng tham gia vào các hoạt động tài chính quốc tế tại nhiều quốc gia trên thế giới, hoạt động trong lĩnh vực làm phim; khoa học máy tính; nghiên cứu về vật lý chuyên sâu, năng lượng nhiệt hạch,...

Theo Nhịp sống kinh tế, ông Phan đang hoạt động tại một số tổ chức như Chủ tịch kiêm CEO của Sophy Investments Ltd.; Giám đốc tài chính (CFO) của Marvel 3-D Films; Chủ tịch HĐQT của Humanity Film Media Inc...

Đáng chú ý, Sophy Investments Ltd. và ông Phan cùng xuất hiện trong "Hồ sơ Panama" -một trong những bộ tài liệu điều tra của Liên đoàn nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) về các công ty offshore (công ty ngoại biên), tiết lộ hàng trăm nghìn cá nhân và doanh nghiệp lợi dụng các thiên đường thuế, có thể nhằm mục đích trốn thuế và rửa tiền.

Theo thông tin hồ sơ này cung cấp, Sophy Investments Ltd. nhắm đến các nhà đầu tư chịu chi từ 10.000 USD đến 1 triệu USD và hứa đem lại lợi tức trung bình 20%/tháng, cam kết tạo ra 237 triệu USD sau một năm vận hành trên toàn cầu.

Trên website của mình, Sophy Investments Ltd. mô tả chi tiết cách thức cho ra tỷ suất sinh lời 20%/tháng từ dòng vốn của các nhà đầu tư. Mô hình tiếp theo giống như kinh doanh đa cấp theo kiểu "kim tự tháp", tức khi nhà đầu tư giới thiệu thêm một nhà đầu tư mới, họ sẽ nhận về lợi nhuận 10% từ chính giá trị khoản đầu tư của nhà đầu tư mới.

Đặc biệt, sau khi giới thiệu, nhà đầu tư còn nhận về 10% trên tổng lợi nhuận của nhà đầu tư mới hình thành trong tương lai.

Ngoài ra, Sophy Investments Ltd. còn mời gọi với những câu từ như "trở thành triệu phú sau 5 năm với chỉ 10.000 USD ban đầu. Còn nếu bạn có điều kiện để bắt đầu với 100.000 USD, thời gian rút ngắn chỉ còn 2,5 năm để đạt giấc mơ triệu đô".

Thông tin về Swiss Mutual Fund (1948) lừa đảo được đăng tải năm 2009
Thông tin về Swiss Mutual Fund (1948) lừa đảo được đăng tải năm 2009

Để khiến nhà đầu tư an tâm, Sophy Investments Ltd. cho biết mình là một mảng kinh doanh của Swiss Mutual Fund (1948), được giới thiệu là "một thương hiệu đầu tư hơn 60 năm". Công ty này cũng chủ yếu nhận hỗ trợ từ Swiss Mutual Fund.

Tuy nhiên, năm 2009, Uỷ ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) ra cảnh báo với nhà đầu tư rằng Swiss Mutal Fund (1948) thực tế là một tổ chức lừa đảo trên nền tảng internet hoạt động trên toàn thế giới với lợi tức lên đến 300% trong vòng 15 tháng kể từ khi đầu tư. Quỹ này còn có tên gọi khác như "Swiss Cash" hay "Swisscash".

Trong những năm 2008-2011, biến thể của loại hình đầu tư này gây chấn động truyền thông Malaysia. Một báo cáo của Uỷ ban Chứng khoán Malaysia cho biết Swiss Mutal Fund không tạo ra lợi nhuận như cam kết mà lừa đảo các nhà đầu tư lên tới 83 triệu USD.

"Như vậy, Sophy Investment cũng như ông David Aristotle Phan có liên quan đến đường dây lừa đảo trên toàn cầu hình thành cách đây hơn 10 năm, thậm chí từng gây rúng động Malaysia", tờ Nhịp sống kinh tế nêu.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

BIDV dành 1.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp tại 19 tỉnh, thành phía NamBIDV dành 1.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp tại 19 tỉnh, thành phía Nam
Nghiên cứu tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nướcNghiên cứu tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước
Cơ quan báo chí có hy vọng được miễn, giảm thuế như doanh nghiệpCơ quan báo chí có hy vọng được miễn, giảm thuế như doanh nghiệp

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps