Chuyện về thương mại điện tử và niềm tự hào hàng Việt

10:58 | 05/12/2024

130 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tuần lễ Thương mại điện tử Quốc gia năm 2024 đã kết thúc nhưng dư âm của những sản phẩm mang sứ mệnh “tự hào hàng Việt” cùng với các phương thức bán hàng mới như livestream, trải nghiệm sản phẩm trực tiếp, gián tiếp… vẫn khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên.

Người Việt sẽ ngày càng yêu hàng Việt

Những năm gần đây, thương mại điện tử nổi lên nhưng một ngành kinh doanh đầy tiềm năng tại Việt Nam. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các Bộ ngành Trung ương đến địa phương, hệ thống tài chính quốc gia cùng sự đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp quốc tế. Trong 10 năm qua, thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng trung bình hơn 25%, dự báo đến năm 2025 sẽ đạt đỉnh với giá trị đạt khoảng 57 tỉ USD.

Thương mại điện tử - hàng Việt
Nhóm livestream của Bad God tại chương trình Online Friday 2024.

Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia được diễn ra từ ngày 25/11/2024 đến ngày 01/12/2024 và tâm điểm là 60 giờ Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2024 (bắt đầu từ 0 giờ thứ sáu ngày 29/11/2024 đến 12 giờ ngày 01/12/2024) được đánh giá là khá thành công với những con số tổng kết cực kỳ ấn tượng như: đã có 840 phiên livestream từ 623 nhà bán hàng tham gia chương trình. Đáng chú ý, số lượt xem thông qua hashtag #OnlineFriday đã lên tới hơn 1,2 tỉ lượt xem. Chỉ riêng phiên livestream Tự Hào Hàng Việt trên kênh Quang Linh Vlog tối 28/11 đã ghi nhận hơn 24 triệu lượt tiếp cận và tạo ra 31.075 đơn đặt hàng.

Một trong những điểm nhấn nổi bật của chương trình năm nay là hoạt động BigOFF - Tự hào hàng Việt. Với một loạt gian hàng livestream giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp và đặc sản đặc trưng trên cả nước khiến giao dịch thương mại trực tiếp và qua các sàn thương mại điện tử thực sự sôi động và hấp dẫn. Với thông điệp “Tự hào hàng Việt sánh vai cùng thương hiệu toàn cầu”.

Có mặt tại Cung Thiếu nhi Hà Nội - nơi tổ chức Lễ khai mạc Việt Nam - Online Friday 2024 và các gian hàng livestream từ sáng sớm ngày 29/11, phóng viên PetroTimes đã mục sở thị công tác bán hàng trực tuyến rất chuyên nghiệp của hầu hết các nhóm với sự xuất hiện của nhiều KOL, KOC tham gia với nhiệt tình cao độ. Ở đây, xin được giải thích một chút KOL (Key Opinion Leader) là cá nhân, tổ chức có kiến thức chuyên môn về một lĩnh vực nào đó như thời trang, mỹ phẩm, nông sản, lịch sử… và quan trọng nhất là có uy tín, được mọi người tin tưởng, ủng hộ. Còn KOC (Key Opinion Consumer) là người tiêu dùng chủ chốt có nhiều người yêu quý trên các nền tảng mạng xã hội, có uy tín và ảnh hưởng đến nhiều người như Quang Linh, Hằng Du mục, vợ chồng Tú - Huyền Nghệ An…

Thương mại điện tử - hàng Việt
Bán hàng trực tuyến, tư vấn khách hàng trực tiếp trên mạng xã hội, các trang fanpage, sàn thương mại điện tử.

Chị Huyền Trang - KOL của hãng The Bad God - thương hiệu dẫn đầu xu hướng thời trang Streetwear tại Việt Nam cho biết, dù doanh nghiệp mới chỉ thành lập và phát triển được 3 năm nhưng đã có nhiều mặt hàng tạo ra xu thế thời trang cho giới trẻ, đạt vị trí local brand (thương hiệu nội địa nổi tiếng), giải thưởng như Best seller năm 2024. Chị Trang chính là người hướng dẫn, đào tạo các bạn trẻ trong công ty trở thành những streamer chuyên nghiệp với mức thu nhập hấp dẫn, linh hoạt. Đặc biệt, The Bad God để các bạn trẻ tự chọn phương thức làm việc của mình như nhân viên chính thức, cộng tác viên hoặc tự làm việc tại nhà phân chia hoa hồng từ chính các sản phẩm bán được của doanh nghiệp.

Trao đổi cùng Anh Tú, một streamer ngay tại chương trình thì được biết anh là cộng tác viên thường xuyên của Bad God, các phiên livestream bán hàng của Tú được trả tiền theo giờ (100.000 đồng/giờ), mỗi ngày Tú có thể “làm việc” từ 8 - 10 tiếng.

Chứng kiến các streamer làm việc người viết bài không thể nghĩ gì ngoài hai chữ “khâm phục”, các bạn không chỉ hoạt ngôn mà còn cực kỳ am hiểu tâm lý khách hàng, đặc biệt là sức khoẻ cực kỳ tốt khi mỗi phiên giới thiệu tới vài chục sản phẩm, tổ chức chốt deal khuyến mãi liên tục, đầy hấp dẫn. Điều khác biệt ở các bạn trẻ này là những kiến thức về thời trang khi luôn khẳng định rằng sản phẩm của Việt Nam “tốt nhất thế giới”. Nói không ngoa rằng, người Việt trẻ ngày càng thông minh hơn, nắm bắt công nghệ và thông tin tốt hơn và chắc chắn không mang trên mình tâm lý “sùng hàng ngoại” của một số thế hệ trước.

Được biết, sự kiện năm nay không chỉ gói gọn trong phạm vi Hà Nội mà còn được lan tỏa mạnh mẽ trên toàn quốc. Hơn 30 Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cùng đồng hành khai mạc 60 giờ ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam với sự tham dự của các doanh nghiệp, nhà bán hàng của địa phương.

Những nỗ lực chắp cánh cho hàng Việt

Nhiều người cho rằng thương mại điện tử của Việt Nam mới được thúc đẩy và phát triển mạnh trong khoảng 3 năm trở lại đây. Trong đó có những nguyên nhân bắt buộc như dịch Covid-19 yêu cầu người dân phải hạn chế tiếp xúc nên việc mua sắm qua mạng đã nhanh chóng trở nên quen thuộc với người Việt Nam, trở thành ngành kinh doanh có doanh thu tỉ USD trong thời gian ngắn nhất. Nhưng thực tế, phát triển thương mại nói chung và thương mại điện tử nói riêng đã được Nhà nước chú trọng thúc đẩy từ những năm đầu thiên niên kỷ mới.

Thương mại điện tử - hàng Việt
Phiên bán hàng trực tuyến của tiệm tạp hoá Sài Gòn tân thời tại Tuần lễ Thương mại điện tử Quốc gia 2024.

Được biết, thương mại điện tử xuất hiện đầu tiên ở nước ta từ năm 1997. Theo sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam thì khi đó đã có một số website thương mại điện tử giới thiệu hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam với thế giới. Trong đó, nổi bật là BVOM - Cầu nối thương mại điện tử Việt Mỹ của Công ty Công nghệ Việt Mỹ do Tiến sĩ Đinh Đức Hữu - một Việt kiều yêu nước xây dựng. Ngày đó, nếu ai nói mình làm "thương mại điện tử" thì 10 người có 9 chẳng hiểu người đó làm gì, còn để đưa sản phẩm hàng hoá ra nước ngoài giới thiệu, kết nối doanh nghiệp là cực kỳ khó khăn. Trước tiên, các doanh nghiệp phải thực hiện hàng loạt các thủ tục kiểm tra, đánh giá chất lượng, các loại giấy tờ xuất khẩu hàng hoá, hạn ngạch… Sau đó, cũng phải thực hiện hàng loạt các kiểm nghiệm, đánh giá, chứng minh tài chính bên phía nước bạn rồi mới được xuất ngoại.

Đó là chưa kể đến vấn đề tài chính quốc tế bởi chỉ có duy nhất ngân hàng Ngoại Thương, Công Thương Việt Nam được một số nước công nhận còn lại thì bị nhiều quốc gia đánh giá tín nhiệm thấp do Việt Nam chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường. Nên bất cứ hàng hoá Việt Nam nào muốn xuất khẩu đều bị soi rất kỹ, kiện bán phá giá, trợ giá… Trong đó, nổi bật và dai dẳng nhất là vụ kiện chống bán phá giá cá da trơn và tôm thẻ chân trắng của Việt Nam kéo dài hơn 25 năm nay.

Đến những năm đầu thiên niên kỷ, với sự bùng nổ của mạng Internet, thiết bị đầu cuối đã đưa thương mại điện tử đến gần với người dân Việt Nam hơn. Trong hơn 20 năm qua, với quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc mở cửa nền kinh tế, hàng hoá sản xuất tại Việt Nam đã có mặt gần như trên toàn cầu với các sản phẩm chủ lực về thiết bị điện tử, điện thoại thông minh và gần đây là nông sản chất lượng cao.

Có một chi tiết mà người viết bài còn nhớ từ cách đây khoảng vài năm khi ông Trần Tuấn Anh còn làm Bộ trưởng Bộ Công Thương khi gửi thư mời tham gia triển lãm sản phẩm đến các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thuỷ sản, hàng thủ công mỹ nghệ... đều ghi rõ “hỗ trợ chi phí thuê gian hàng 100%” cho doanh nghiệp từ nguồn khuyến công. Đây là việc mà trong thập niên đầu tiên của thiên niên kỷ, doanh nghiệp Việt Nam không dám mơ tới.

Thương mại điện tử - hàng Việt
Một số nhãn hàng local brand tại Chương trình Online Friday 2024.

Theo báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 của Metric (nền tảng số liệu E-commerce), có 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam (gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop), tăng 52,3% so với năm 2022. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây.

Hiện nay, tại Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ nhiều hình thức mua sắm mới, điển hình là xu hướng livestream (bán hàng phát trực tiếp) và bán hàng đa kênh đã đem lại doanh thu khổng lồ cho các nhà bán hàng chuyên nghiệp. Mặc dù dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) không phải là yếu tố mới trong lĩnh vực công nghệ nói chung và thương mại điện tử nói riêng, vai trò của chúng đang ngày càng trở nên quan trọng. Trong bối cảnh hiện nay, các công nghệ này đang trong quá trình chuyển đổi và tối ưu hóa nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng phức tạp của thị trường thương mại điện tử. Sự thay đổi này là yếu tố để tăng cường hiệu quả ứng dụng và tạo ra giá trị mới trong lĩnh vực thương mại điện tử. Thêm vào đó, hạ tầng logistic của Việt Nam đang phát triển rầm rộ trên cả nước cùng với trào lưu thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt ngày càng an toàn và tiện lợi cũng góp phần thúc đẩy thương mại điện tử thay cho thương mại truyền thống.

Phiên live bán hàng của một KOC.

Theo ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) về cơ hội của hàng Việt trên sàn TMĐT: Trong suốt 20 năm qua, hàng Việt luôn có nhiều cơ hội và cứ mỗi làn sóng TMĐT đều có những cơ hội khác nhau. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng được làn sóng TMĐT trước đây để có những bước phát triển không ngừng. Tuy nhiên, cùng với sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp cũng cần phải mạnh dạn trong việc đổi mới vì kinh doanh trên nền tảng TMĐT khác với kinh doanh truyền thống.

Có thể thấy rằng, bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước, sự hỗ trợ tích cực của Bộ Công Thương, TMĐT đã và đang trở thành một ngành công nghiệp không khói, có giá trị cao cùng với sự tự hào hàng Việt ghi dấu ấn về sự trưởng thành mạnh mẽ của kinh tế nước ta trong kỷ nguyên phát triển mới.

Báo cáo mới nhất của Google, Temasek và Bain & Company công bố tổng giá trị hàng hóa của Việt Nam dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm ở mức 16%, chạm mốc 36 tỷ USD vào năm 2024. Trong đó lĩnh vực TMĐT là động lực chính thúc đẩy phát triển. Năm 2024, ngành TMĐT đã tăng trưởng tới 18% so với cùng kỳ năm 2023, tổng giá trị chạm mốc 22 tỷ USD.

Thành Công