Chuyện về một nữ tử tù được tha tội chết

10:48 | 06/05/2011

2,650 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những ngày sống trong khu giam tử hình, đối với người đàn bà bất hạnh này, không chỉ  đầy nặng nề và ám ảnh bất an bởi nỗi lo sợ phập phồng khi cái chết đang treo lơ lửng trước mặt mà còn là nỗi đau hờn tủi.

Hà Thị Tiến là tử tù khổ nhất trong khu giam dành cho các nữ phạm nhân bị kết án tử hình ở Trại tạm giam Hà Nội. Lẽ vì, nếu như đại đa số các tử tù trong khu giam này được gia đình thăm nuôi thường xuyên thì Tiến trong suốt hơn 3 năm tạm giam và ngay cả trong giai đoạn khủng khiếp nhất đối với các tử tù như Tiến là chờ thi hành án, sống những ngày cuối cùng thì Hà Thị Tiến vẫn rất ít được gia đình nhòm ngó đến.

Tháng 4-2010, trong cuộc gặp gỡ với một số nhà báo tại khu giam tử hình, Tiến hầu như không nói được gì mà chỉ khóc. Mong muốn duy nhất của nữ tử tù bất hạnh này là được sống để còn có cơ hội được nhìn thấây hai đứa con vẫn còn rất nhỏ ở quê nhà.

Mới đây, theo thông tin từ Trại tạm giam Hà Nội, tử tù Hà Thị Tiến đã được Chủ tịch Nước tha tội chết. Bản án tử hình được ân giảm xuống chung thân. Thoát chuyến đò âm phủ, Hà Thị Tiến bây giờ đang thi hành bản án tù chung thân ở một trại giam khác, giống như tất cả các phạm nhân bình thường khác. Hà Thị Tiến đã được sống, được có cơ hội nhìn thấy hai đứa con nhưng ngày trở về với những bị án chung thân như cô là rất mịt mù. Chỉ vì lòng tham, chỉ với món lợi 510 nghìn đồng, người đàn bà này đã tham gia vào một đường dây ma tuý và cuối cùng phải trả giá bằng tất cả quãng đời còn lại của mình trong song sắt nhà tù. Ngã rẽ đen tối của cuộc đời Tiến và cái giá cay đắng phải trả cho lòng tham sẽ là bài học đắt giá không chỉ cho riêng ai…

Sinh năm 1973 ở tại bản Buổn, xã Chiêng Cơi, thị xã Sơn La, giống như rất nhiều những phụ nữ miền núi khác, Tiến chỉ quanh năm sống trên núi, làm nương rẫy. Chồng Tiến cũng là người dân tộc Thái, cùng quê với Tiến. Lấy nhau rồi, Tiến về nhà chồng ở cùng với cha mẹ chồng nay đã ngoài 80. Nhà chồng ở trên núi, chồng cũng chỉ có mỗi một nghề làm nương. Rồi hai đứa con lần lượt ra đời. Hai vợ chồng chăm chỉ cày cuốc nên cuộc sống cũng tạm đủ, không có của ăn của để nhưng cũng chẳng bị đứt bữa nào.

Cuộc sống bình thường lẽ ra cứ thế trôi đi yên ả nếu như Tiến không mắc vào mối quan hệ với Quàng Thị Lả, một người đàn bà dân tộc Thái, lớn hơn Tiến 8 tuổi, sống ở bản Thôm, xã Thôm Mòm huyện Thuận Châu. Chỉ là một bản người Thái với những nếp nhà sàn bình yên, rất gần đường quốc lộ nhưng đã có một thời, Thôm Mòm được coi là cứ điểm nhức nhối nhất về tệ nạn ma túy. Gia đình Quàng Thị Lả là một trong những “gia đình ma túy” tai tiếng nhất ở cứ điểm ma túy này. Chồng Lả là Quàng Văn Phóng bị phạt tù 15 năm về tội buốn bán trái phép chất ma túy. Con rể Lả là Lò Văn Toàn phải ở tù cũng vì… ma túy giống cha vợ. Nhưng hai bản án tù của chồng và con rể không làm cho Quàng Thị Lả và con gái Quàng Thị Sơ sợ hãi mà tránh xa con đường tội lỗi. Hai mẹ con Lả vẫn tiếp tục “nối nghiệp” chồng, lao vào những phi vụ buôn bán cái chết trắng với số lượng lớn.

Đầu tháng 10-2006, Lả đi tiếp tế cho chồng là Quàng Văn Phóng đang thi hành án tại phân trại cải tạo Thanh Xuân ở huyện Văn Giang, Hưng Yên về đến bến xe Sơn La thì gặp Trịnh Gia Chung. Chung là người Trung Quốc, Lả đã quen biết Chung từ lâu và Chung cũng nằm trong hệ buôn bán ma túy như mẹ con Lả. Lần này gặp nhau Chung đưa cho Lả 150.000USD nhờ Lả về Sơn La mua hộ hêrôin. Về đến nhà, Lả đưa toàn bộ số tiền trên cho Quàng Văn Binh để mua hêrôin. Binh với Lả tuy không cùng huyết thống nhưng cũng coi như người thân trong gia đình ma túy của Lả vì Binh là bồ của Sơ, con gái Lả.

Sau khi mua được cả thảy 28 bánh hêrôin, Binh và Sơ chả dại gì mà vác số hàng nguy hiểm ấy về nhà mình ở Thôm Mòm nên đã tìm cách cất giấu ở một địa điểm thuận lợi nhất để dễ bề vận chuyển về Hà Nội. Và, bọn họ nghĩ ngay đến Hà Thị Tiến, một người có quan hệ với mẹ con Lả từ lâu. Nhà Tiến ở gần ngã ba Quyết Thắng, thị xã Sơn La, nơi xe tuyến Sơn La – Hà Nội thường đón khách.

Đưa hàng cho Tiến vào ban ngày, sợ bị lộ nên Binh và Sơ đã chờ cho trời xẩm tối mới gọi điện cho Tiến ra lấy. Binh và Sơ cũng tỏ ra rất tinh quái khi chúng không mang vào tận nhà Tiến mà hẹn Tiến ra khu vực suối nước nóng cách đó chừng 3km để nhận hàng. Lần đầu, tại đây, Binh, Sơ đưa cho Tiến một thùng catton bên trong đựng 18 bánh hêrôin. Lần thứ hai lại đưa cho Tiến một bao tải dứa đựng 10 bánh hêrôin nữa. Tiến đem về nhà, lặng lẽ cất giấu 28 bánh hêrôin này trong gầm giường nhà mình.

Ít hôm sau, Quàng Thị Lả đã cùng với Quàng Thị Thuông (cháu gọi Lả là dì ruột) đến nhà Tiến với mục đích là lấy toàn bộ số hàng mà Sơ và Binh đã gửi tại đây để bắt xe đem về Hà Nội. Lả đã tháo bung thùng catton ra, lấy 18 bánh hêrôin, tống tất cả vào chiếc bao tải dứa bên trong đã có 10 bánh. Sau đó, Lả đã nhét bao tải dứa có 28 bánh hêrôin này vào trong một chiếc thùng catton ở bên ngoài đề chữ “Bột ngọt Vedan”.

Xong xuôi, Lả ngồi vào bàn uống nước. Thuông cũng ngồi ở đấy. Lả rút tiền cho Tiến 500 nghìn đồng, cho con Tiến 10 nghìn đồng. Trong khi đó, sau này, theo lời khai nhận của Quàng Thị Lả thì nếu trót lọt có thể được lãi tới xấp xỉ 1,2 tỉ đồng vì mỗi bánh heroin mẹ con Lả mua vào với giá 90 triệu đồng nhưng đem về Hà Nội sẽ bán với giá 130 triệu đồng, lãi ròng 40 triệu đồng.

Trong cuộc gặp gỡ với các nhà báo năm ngoái tại khu giam tử hình, Tiến khóc nức nở khi kể lại chuyện này. Tiến bảo, tại Tiến ngu muội quá, lại tham tiền nên mới đồng ý cho mẹ con Lả gửi ở nhà cái thứ hàng chết người ấy để cuối cùng phạm phải tội tày đình. Mà số tiền Lả cho Tiến có được là bao, chỉ có vẻn vẹn 510 nghìn đồng. Trong những ngày chờ thi hành án, Tiến cứ khóc lóc vật vã mãi, tự trách mình tham lam và ngu dại. Tiến ân hận lắm nhưng tất cả đã là quá muộn mất rồi…

Trở lại vụ án của Tiến và Quàng Thị Lả. Sớm hôm sau, khi trời mới tờ mờ sáng, cả bản còn đang chìm trong giấc ngủ, trời lạnh như cắt da cắt thịt thì hai dì cháu Lả đã lục tục trở dậy, đi bộ ra ngã ba Quyết Thắng, thị xã Sơn La để đón xe đem hàng về Hà Nội. Hà Thị Tiến cũng dậy cùng, chất hai thùng catton lên đằng sau xe đạp, dắt bộ chở hộ dì cháu Lả ra chỗ đón xe. Khoảng 14 giờ hôm ấy thì xe về đến bến xe khách Sơn la tại phường Thanh Xuân Trung, Hà Nội. Một tổ công tác của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Hà Nội mật phục tại đây đã bắt quả tang Quàng Thị Lả cùng với chiếc thùng catton có chứa 28 bánh hêrôin.

Tại Cơ quan điều tra, Lả đã khai ra toàn bộ sự việc, trong đó có chuyện gửi hàng tại nhà Tiến, được Tiến giúp đỡ trong khi đóng gói hàng và vận chuyển ra đón xe ở ngã 3 Quyết Thắng – Sơn La. Ngay ngày hôm sau, Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội đã ra lệnh bắt và khám xét khẩn cấp đối với Hà Thị Tiến. Tiến bị áp giải về Hà Nội, giam trong Hỏa Lò. Khi ấy, đứa con gái lớn mới học lớp Ba còn đứa con gái nhỏ thì vừa mới biết ăn cơm. Hai đứa con còn quá nhỏ để hiểu rằng, từ đây chúng sẽ phải cách ly vĩnh viễn với người mẹ vẫn hàng ngày ôm ấp chăm bẵm chúng.

Quàng Thị Lả. trong những ngày bị tạm giam, chắc biết tội lỗi của mình quá nặng nên đã tự sát chết trong buồng giam. Quàng Thị Sơ, lúc mẹ bị bắt thì đánh bài… chuồn. Nhưng cũng chỉ trốn chui trốn lủi được một thời gian thì cũng bị bắt. Trong phiên tòa xét xử Sơ hồi tháng 3 năm ngoái, mặc dù Sơ tỏ ra ngây ngô, bảo rằng không biết chữ, không gọi điện thoại giao dịch với Tiến vì cho rằng mình còn không biết điện thoại là như thế nào. Nhưng khi tử tù Hà Thị Tiến được dẫn giải đến Tòa và khai nhận, chính Sơ và Vinh đã mang ma túy đến cho Tiến cất giấu tại nhà thì Quàng Thị Sơ mới im lặng cúi đầu… Quàng Thị Sơ lẽ ra cũng phải chịu chung số phận với Tiến nhưng vì Sơ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên theo luật định, Sơ không phải chịu án tử hình mà chỉ phải chịu mức án chung thân.

Còn Tiến, trong cả hai phiên tòa sơ thẩm ngày 5-12-2007 của Tòa án Nhân dân TP Hà Nội và phiên tòa phúc thẩm ngày 11-11-2008 của Tòa án Nhân dân tối cao, đều bị tuyên án tử hình về tội tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy. Ngoài ra, Hà Thị Tiến còn phải chịu hình phạt bổ sung với số tiền 20 triệu đồng để sung quỹ Nhà nước. Căn cứ để kết tội Hà Thị Tiến, theo bản án phúc thẩm là: Bị cáo biết rõ đó là ma túy nhưng vẫn đóng gói cùng Lả và cất giữ tại nhà mình, sau đó còn vận chuyển giúp Lả… Hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng vì bị cáo đã tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng đặc biệt lớn là 28 bánh hêrôin có trọng lượng 9.950gram. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng điểm B khoản 4 điều 194 Bộ Luật hình sự đối với bị cáo là đúng pháp luật.

Mặc dù bị cáo là người dân tộc Thái, có hai con còn nhỏ, sau khi phạm tội khai báo tương đối thành khẩn. Và tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo được hưởng thêm các tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 điều 46 Bộ Luật Hình sự… nhưng số lượng ma túy mà bị cáo tham gia tàng trữ, vận chuyển là đặc biệt lớn: 28 bánh hêrôin nên không thể giảm hình phạt cho bị cáo.

Sau phiên tòa phúc thẩm, theo quy định của pháp luật, Tiến cũng như các bị án tử hình khác được gửi đơn xin tha tội chết lên Chủ tịch Nước. Tiến cũng đã gửi đơn đi, dù hy vọng được sống rất mong manh. Trong những ngày khắc khoải chờ đợi trong buồng giam tử hình, Tiến lúc nào cũng nghĩ đến cái chết. Những ám ảnh nặng nề khiến cô trở nên héo hon, u buồn. Nhưng không chỉ có thế. Tiến còn bất hạnh hơn các tử tù khác bởi cô hầu như không được gia đình quan tâm. Trong suốt hơn hai năm sống trong khu giam tử hình, số lần cô được nhận quà tiếp tế của gia đình chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi hầu hết các tử tù khác đều được gia đình đặc biệt quan tâm.

Thi thoảng lắm cô mới được chồng xuống thăm nuôi. Tất cả những lần Tiến ốm đau, cần thuốc hay cần những vật dụng cần thiết cho phụ nữ, các cô quản giáo ở đây đều giúp Tiến cả. Cuộc sống của Tiến hầu như trông chờ tất vào chế độ của Trại.

Song Tiến không trách chồng. Cô bảo, anh vẫn yêu thương cô, chỉ có điều nhà nghèo mà đi lại từ Sơn La xuống đây, tốn kém quá nên chồng cô không đi thường xuyên được. Đứa con gái nhỏ, khi Tiến bị bắt mới 38 tháng rưỡi bây giờ đã đi học. Có lần, chồng Tiến xuống thăm, mang theo cả lá thư của đứa con gái nhỏ gửi mẹ. Chồng Tiến giở thư con, áp vào tấm kính ngăn giữa hai người trong phòng thăm gặp tử tù cho Tiến đọc. Thư ngắn lắm, chỉ có vài dòng chữ run rẩy trên trang giấy học trò: “Mẹ kính yêu. Con nhớ mẹ nhiều lắm. Con chúc mẹ mạnh khỏe, sớm được về với con”. Lá thư chỉ có vậy mà làm Tiến quặn đau trong lòng. Mong ước duy nhất của nữ tử tù này lúc ấy chỉ là còn có cơ hội được sống, dù không được trở về như mong ước của đứa con gái bé bỏng.

Giờ ước mơ của Hà Thị Tiến đã trở thành hiện thực. Cô đã được tha tội chết, được sống để còn được nhìn thấy các con khôn lớn. Đó là ân huệ lớn mà kẻ phạm trọng tội như cô được hưởng. Cho dù, với bản án tù chung thân, cuộc đời người đàn bà này sẽ phải trôi đi ở đằng sau song sắt nhà tù và ngày trở về còn rất xa xôi. Cái giá phải trả cho lòng tham và sự mu muội sẽ là một bài học đắng cay, không chỉ cho riêng mình cô mà cho tất cả những ai muốn kiếm tiền bằng con đường phạm tội.

P.V