Chuyện về anh công nhân sửa chữa điện nóng Nguyễn Tấn Vương

15:16 | 20/08/2018

612 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một buổi trưa đầu hè, trời nắng chói chang, những cơn gió khô khốc từ biển lên mang theo hơi cát nóng phả vào mặt người đi đường, làm cho ai nấy đều choáng váng, mệt nhoài. Ấy vậy mà trên đường dây 22 kV qua thôn Tất Viên, xuất tuyến Hà Lam – Chợ Được, một toán công nhân vẫn đang cần mẫn sửa điện trên cao. Dưới cái nóng thiêu đốt, nhóm công nhân vẫn phối hợp nhịp nhàng, thao tác cẩn thận.
Chuyện về anh công nhân sửa chữa điện nóng Nguyễn Tấn Vương

Anh Nguyễn Tấn Vương (ngoài cùng bên trái) đang chuẩn bị thực hiện thao tác sửa chữa nóng trên lưới điện

Hình ảnh các anh công nhân đồng phục màu cam đu mình trên những cây trụ điện cao chót vót là cảnh tượng quen thuộc của nhiều người, thế nhưng hôm nay, đây là lần đầu tiên họ trông thấy công nhân làm việc trực tiếp trên đường dây mang điện, họ đứng trên xe gàu trải thảm cách điện, lưới điện được bao bọc bằng lớp nhựa màu cam cách điện an toàn, kể cả những điểm hở cũng được che chắn cách điện. Điều đặc biệt so với trước là sửa điện mà không phải cắt điện. Đó là chuyện lạ xưa nay chưa từng có nên người dân đứng xem đông là vậy!

Bỗng có tiếng trẻ em reo lên: “Chú Vương ở trên xe gàu kìa!”. Chú Vương mà các em bé nhận là người quen chính là Nguyễn Tấn Vương, công nhân của Điện lực Tam Kỳ, vừa mới được tuyển chọn vào Đội sửa chữa điện nóng của PC Quảng Nam. Quê của Vương ở thôn Tất Viên, xã Bình Phục (Thăng Bình, Quảng Nam). Hồi nhỏ Vương được biết đến với danh hiệu là con nhà nghèo chăm học nên người dân khá quen biết Vương. Nghe tiếng gọi của em bé, từ trên gàu cao, Vương đưa nhẹ cánh tay lên chào rồi cùng đồng đội lao vào công việc, hết sức tập trung, nhẹ nhàng, cần mẫn như những con ong làm tổ.

Trực tiếp chỉ huy công việc, kỹ sư Đội trưởng Đội sửa chữa nóng lưới điện Quảng Nam - Phan Văn Lành, không ngừng nheo mắt chăm chú nhìn lên lưới điện nhắc nhở việc này, việc nọ. Anh cũng bồn chồn, lo lắng và hồi hộp không kém gì các công nhân đang trực tiếp thao tác trên lưới mang điện, bởi đây là công việc không cho phép sai sót dù chỉ một chút nhỏ. Theo anh Lành, hôm nay Đội nhận lệnh thi công lắp đặt máy cắt mới trên xuất tuyến này trong tình trạng mang điện. Do Nguyễn Tấn Vương có kinh nghiệm trong việc lắp máy cắt và sửa chữa điện nóng nên anh được phân công thao tác chính. “Dự kiến thời gian hoàn thành lắp đặt máy cắt phải mất 6 đến 8 tiếng. Vì vậy, chúng tôi dùng bữa trưa bằng cơm hộp tại hiện trường để tranh thủ thời gian nhằm tránh tồn việc cho ngày hôm sau, và nhất là để tránh cơn mưa giông chiều thường xảy ra vào mùa này, rất nguy hiểm cho anh em công nhân đang thao tác trên lưới điện” - anh Phan Văn Lành nói.

Nguyễn Tấn Vương là thợ bậc 7/7 quản lý đường dây và trạm. Ông Vũ Văn Nghiêm, Phó giám đốc PC Quảng Nam nhận xét: Vương là một công nhân có thái độ cầu thị, ham học hỏi, lại siêng năng, cần mẫn, sáng trí nên luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với nhiều sáng kiến kinh nghiệm và năm nào cũng đạt danh hiệu lao động tiên tiến. “Trong quá trình chuẩn bị thành lập Đội sửa chữa điện nóng của Công ty, Vương là một trong những công nhân sớm được tuyển chọn vào danh sách những công nhân ưu tú nhất của Công ty để cử đi đào tạo, huấn luyện về công tác sửa chữa nóng lưới điện tại Công ty lưới điện cao thế TP. Hồ Chí Minh và Tổng công ty Điện lực miền Trung. Cuối đợt kiểm tra sát hạch, Vương đạt xuất sắc cả về lý thuyết và thực hành” – ông Vũ Văn Nghiêm cho biết.

Vương tâm sự: “Khi được chọn vào công tác tại Đội sửa chữa điện nóng của Công ty, em lo lắm, bởi làm việc trực tiếp với dòng điện và trên độ cao chóng mặt, nếu chỉ cần lơ là một chút thôi là ảnh hưởng đến sinh mạng của mình và đồng đội. Vì thế, ngoài việc thường xuyên rèn luyện nâng cao tay nghề, em còn phải nhớ và thực hiện các “nguyên tắc vàng” một cách đồng bộ, theo đúng trình tự đề ra”. Rồi Vương giải thích các nguyên tắc mà một công nhân sửa chữa điện nóng phải nắm chắc. Trước tiên là phải bọc thảm cách điện đầy đủ và không để hở ra bất kỳ một chỗ nào trên lưới điện; phải thao tác từ dưới lên, từ gần đến xa, khi xong việc phải làm theo trình tự ngược lại; phải đảm bảo có 2 lớp cách điện; phải thao tác, làm việc trên cùng 1 pha; mọi trình tự, công việc phải nằm trong tầm kiểm soát, chỉ huy chặt chẽ. Cuối cùng là phải tự tin, thao tác nhanh gọn, tỉ mỉ, cẩn trọng và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, quy phạm”.

Ông Võ Văn Cường, Giám đốc Xí nghiệp Điện cơ rất hài lòng về Nguyễn Tấn Vương, bởi theo ông, để được tuyển chọn vào Đội sửa chữa nóng lưới điện, Vương là người đầu tiên đáp ứng được các yêu cầu của lãnh đạo Công ty cả về chuyên môn lẫn phẩm chất, đạo đức. Theo ông Cường, do giỏi lý thuyết, vững tay nghề nên khi mới ngoài ba mươi tuổi, Vương đã đạt bậc thợ 7/7 và nhiều năm liền được Công ty chọn vào đội thi thợ giỏi cấp EVNCPC. Năm 2011, với sự tham gia của Vương, đội dự thi của PC Quảng Nam đoạt giải nhất toàn đoàn; năm 2014, đoạt giải khuyến khích. Cá nhân Nguyễn Tấn Vương cũng đoạt giải nhất hội thi thợ giỏi cấp Công ty vào năm 2014. Ngoài ra, Vương còn trình làng một số các sáng kiến kinh nghiệm cấp Công ty. Về phong cách làm việc, Vương cần cù, chịu khó, chăm chỉ và yêu nghề; lại là người tỉ mỉ, cẩn trọng, làm nhiều hơn nói. Điều đáng nói là Vương có tinh thần dám nghĩ dám làm, không sợ độ cao, không nề hà giờ giấc, ý thức tổ chức kỷ luật cao, có tinh thần đồng đội và phối hợp tốt trong công việc.

Xong việc lắp đặt máy cắt, Vương bước ra khỏi xe gàu thì cũng vừa lúc trời nổi mây mù báo hiệu cơn mưa giông chiều sắp xảy ra. Lau mồ hôi đẫm ướt trên mặt, Vương vui mừng thốt lên: “May quá! Gần mưa rồi, nếu làm không kịp thì khổ lắm!”.

Khi được hỏi về cảm nhận khi được tuyển chọn vào Đội sửa chữa nóng lưới điện đầu tiên của Công ty, Vương cho biết: Nghề sửa điện nóng rất nguy hiểm, quanh mình là điện. Tuy nhiên do bản thân yêu nghề, lại được lãnh đạo Công ty tin tưởng chọn lựa vào một đội gồm toàn những công nhân ưu tú như thế thì bản thân rất tự hào và dũng cảm nhận nhiệm vụ với một tâm trạng vui vẻ, tự tin.

Sửa chữa điện nóng là một bước tiến mới của ngành điện trong quá trình nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như chất lượng điện năng. Với bước tiến này, ngành điện đã và đang đào tạo ra những lớp thế hệ người công nhân điện mới, giỏi về tay nghề, vững về chuyên môn và đặc biệt là có “tinh thần thép”. Là một thành viên trong Đội sửa chữa nóng đầu tiên của Công ty, con đường phía trước của chàng trai Nguyễn Tấn Vương còn nhiều rộng mở, khi có nhiều cơ hội để thử thách bản thân và chứng tỏ năng lực trong lĩnh vực công nghệ mới này.

Nguyễn Vân

Vùng biên Việt - Lào: Nghĩa tình quân - dân - thợ điện
Đội quản lý điện trên vùng biên giới Mô Rai