Chuyện tre già măng mọc

07:00 | 11/08/2015

5,539 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhìn bụi tre mà thấy sao giống thế sự bây giờ vậy...

Nhà tôi ở một vùng quê. Tuổi thơ của tôi và sau này lớn lên đều gắn với một bụi tre lớn ở góc vườn. Còn trong nhà tôi hầu hết đồ đạc vật dụng đều cũng từ những gốc tre già ở bụi tre đó.

Nào là giường tre, chõng tre, rồi quang gánh bố mẹ tôi đi làm đồng, đến đôi đũa, cái tăm. Bụi tre đó mỗi một lần có việc cần chặt cây tre thì bố tôi đều phải tính toán chọn những cây nào không còn có khả năng sinh măng nữa. Và cũng không bao giờ ông chặt nhiều, lúc nào cũng nói rằng phải để cho “ấm bụi”. Thỉnh thoảng ông cũng có tỉa đi bớt chút cành gai, những cây còi cọc, nhưng bụi tre lúc nào cũng um tùm, bền vững.

Chuyện tre già măng mọc

Rồi chúng tôi ra Hà Nội sinh sống, căn nhà ở quê trở thành nhà thờ và giao cho chú em họ trông nom. Bẵng đi một dạo, tôi về thì thấy bụi tre đã quang hẳn, những gốc tre già đã bị chặt gần hết và còn lại chỉ là những cây tre bánh tẻ và những cây măng đang run rẩy trước gió vì không có chỗ dựa.

Tôi có hỏi chú em: “Sao lại chặt bụi tre thế kia, không có tre già, măng biết dựa vào đâu?”. Chú em trả lời tỉnh queo: “Ôi dào, bác cứ lo. Già rồi thì phải chặt đi để nhường chỗ cho măng lên. Mà bác không biết một củ măng tre bây giờ đem muối chua, bán còn được nhiều tiền hơn là cả cây tre già. Măng tre bây giờ là đặc sản đấy”. Tôi ngạc nhiên hỏi, từ xưa đến nay có mấy khi ăn măng tre đâu, nó đắng như thế cơ mà. Chú em tôi cười mà rằng: “Bác có nhớ măng tre đem muối ăn ngon hơn măng vầu, măng mưng hay không”.

Nói chuyện chặt măng đúng là ngày xưa vào đầu mùa mưa khi măng lên nhiều bố tôi đều chặt đi, nhưng mỗi lần bỏ đi cây măng mới nhu nhú lên là ông xót xa lắm.

Thấy cãi nhau không được với chú em mà cũng không nên tranh luận làm gì bởi bây giờ suy nghĩ của chúng khác mình quá xa nên tôi đành lặng im. Chỉ có điều nhìn bụi tre mà thấy không còn đủ búi nữa. Bỗng dưng tôi nhớ lại câu thơ của Nguyễn Duy:

Bão bùng thân bọc lấy thân

Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm

Thương nhau tre chẳng ở riêng

Lũy thành từ đó mà nên hỡi người

Phải khi lá gãy cành rơi

Vẫn còn cái gốc truyền đời cho măng”.

Rồi lại có câu ngẫm không chỉ nói về cây tre mà còn nói về đạo làm người nữa: “Lưng trần phơi nắng phơi sương, có manh áo cộc, tre nhường cho con”.

Thế rồi quê tôi bị trận giông và mưa lớn. Nghe nói nhà bị hư hại, tôi chạy về và sững sờ khi thấy những cây măng mới lên được tầm một con sào hôm nào giờ gãy hết. Phải thôi, chúng làm gì có chỗ dựa là những gốc tre già. Bụi tre bây giờ không còn được gọi là bụi nữa, không còn có chữ “ấm bụi” nữa. Nhìn thật xót. Nhìn bụi tre tan hoang, những gốc tre bánh tẻ không đủ làm chỗ dựa cho măng, thế là bánh tẻ cũng gãy, măng cũng gãy…

Nhìn bụi tre mà thấy sao giống thế sự bây giờ vậy.

Như Thổ

Năng lượng Mới 447