Chuyện một người công nhân đam mê sáng tạo

09:00 | 23/12/2015

1,226 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những năm qua anh Nguyễn Xuân Lâm (50 tuổi), Tổ trưởng Tổ gia công cơ khí, Xí nghiệp Điện cơ PC Quảng Trị đã có nhiều sáng kiến tích cực góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giải phóng sức lao động và làm lợi cho đơn vị hàng trăm triệu đồng. Với anh, sáng tạo khoa học kỹ thuật không những là niềm đam mê mà còn là trách nhiệm của một người công nhân với công việc được giao...
chuyen mot nguoi cong nhan dam me sang tao
Anh Nguyễn Xuân Lâm (người bên phía tay trái) đang hướng dẫn công nhân trong tổ vận hành máy ép thủy lực do mình chế tạo ra.

Mặc dù khá bận rộn với công việc tại xưởng cơ khí nhưng anh Nguyễn Xuân Lâm vẫn dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện thú vị về những sáng tạo của mình. Anh cho biết: “Từ lâu tôi đã đam mê sáng tạo khoa học và ước một ngày nào đó sẽ sáng tạo ra nhiều giải pháp, tạo nhiều thiết bị, có thêm những sáng kiến hay để phục vụ sản xuất, giải phóng sức lao động con người, góp phần nâng cao hiệu quả công tác.”

Anh Nguyễn Xuân Lâm sinh ra và lớn lên trong một gia đình hiếu học tại thị xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Vốn nhanh nhẹn, thông minh lại được gia đình tạo mọi điều kiện học hành vì thế kết quả học tập của anh luôn ở tốp đầu của lớp. Chính vì thành tích học tập nổi trội đó nên sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, anh được Cục Chính sách cử đi học chuyên ngành cơ điện tại Liên Xô cũ. Năm 1986, anh Lâm tốt nghiệp và trở về công tác tại Tổng Cục kỹ thuật Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Cuối năm 1990, để tiện cho công tác, anh được điều động chuyển về làm tại Xí nghiệp điện cơ, PC Quảng Trị. Với chuyên môn nghiệp vụ cơ điện, anh được sắp xếp làm việc tại tổ gia công cơ khí với nhiệm vụ chính là gia công, chế tạo các thiết bị phục vụ cho ngành điện. Đây là công việc khá khó khăn, vất vả thế nhưng với tay nghề cao và sẵn có kiến thức chuyên sâu được đào tạo bài bản nên anh luôn hoàn thành tốt công việc được giao. Công tác một thời gian, anh Lâm đã chứng tỏ được năng lực của mình với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả. Chính vì thế, anh luôn được đồng nghiệp kính trọng, nể phục và được Công ty đề cử làm Tổ trưởng Tổ gia công cơ khí.

Để đáp lại sự tin tưởng đó, anh Nguyễn Xuân Lâm ngày càng nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao và đưa Tổ gia công cơ khí ngày càng phát triển. “Những năm trước đây, việc gia công cơ khí chủ yếu được làm bằng thủ công vì có rất ít máy móc chuyên dụng nên năng suất lao động kém, sản phẩm làm ra có độ tinh xảo chưa cao và quá trình đưa vào ứng dụng thường có độ chênh lệch so với thực tế. Nhận thấy sự bất hợp lý đó nên tôi đã mạnh dạn đề xuất nhiều sáng kiến lên Công ty và sau đó được ứng dụng thành công. Những sáng kiến ấy không chỉ giảm thiểu chi phí sản xuất, giải phóng sức lao động cho nhân công mà còn đảm bảo tốt yếu tố kỹ thuật, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cho Công ty”, anh Lâm chia sẻ.

Từ khi chuyển về công tác đến nay, anh Nguyễn Xuân Lâm đã cùng công nhân trong Tổ gia công cơ khí chế tạo ra nhiều máy móc, thiết bị cải tiến kỹ thuật ứng dụng vào thực tiễn được đánh giá cao. Riêng cá nhân anh cũng đóng góp nhiều sáng kiến và tự mình chế tạo ra các loại máy móc, dụng cụ thiết bị phục vụ cho ngành điện. Đó là sáng chế ra máy ép thủy lực dùng cho việc gia công cơ khí; bộ dập cửa tản nhiệt; bộ dao cắt góc 90 độ; khuôn gia công tủ hạ thế; khuôn ép chi tiết thiết bị điện...

chuyen mot nguoi cong nhan dam me sang tao
Anh Nguyễn Xuân Lâm với niềm đam mê chế tạo máy móc, thiết bị điện.

Để chế tạo thành công máy ép thủy lực, anh Lâm đã mất nhiều tháng nghiên cứu và tự mình gia công các chi tiết máy. Nhiều công nhân, cán bộ ở đây đã quen với việc anh Lâm đi sớm về muộn và chẳng mấy khi nghỉ trưa để tự tay mình hoàn thành chiếc máy. Chiếc máy hoàn thành khiến anh em ai cũng vui mừng vì từ nay không còn thay nhau quay bàn ép bằng tay rất nặng nhọc nữa.

“Trước khi chưa có máy ép thủy lực này thì mỗi khi gia công chi tiết, thiết bị điện phức tạp phải có 4-5 nhân công cùng làm. Anh em trong tổ đều dùng sức tay vì thế rất vất vả, hiệu quả và tính thẩm mỹ thấp. Nhưng từ khi đưa máy này vào sử dụng thì chỉ cần 1 người làm mà năng suất lại cao gấp 5 lần so với làm thủ công. Hơn nữa, các sản phẩm do xưởng làm ra đều rất đẹp, độ chính xác cao, được ứng dụng rộng rãi trong toàn Công ty hiện nay”-anh Nguyễn Xuân Lâm cho biết.

Nhiều năm trước đây, khi các công nhân muốn làm ra hoàn thiện bộ vỏ tủ điện hạ thế (bao gồm thân vỏ tủ, bộ cửa tản nhiệt, 2 cánh cửa tủ chuyên dụng) thì phải trải qua nhiều công đoạn thủ công, mất thời gian và rất vất vả. Nhiều lúc làm xong từng bộ phận rồi nhưng khi ráp chúng với nhau lại phải gia công thêm lần nữa vì các chi tiết bị thừa, thiếu. Thấy được khó khăn đó, anh Lâm đã nghiên cứu ra 3 sáng kiến gồm: bộ dập cửa tản nhiệt, bộ dao cắt góc 90 độ, khuôn gia công thân tủ hạ thế. Sau khi đưa vào ứng dụng đã cho thấy nhiều tính năng vượt trội so với làm thủ công. Những sáng kiến trên không chỉ đem đến độ chính xác trong từng chi tiết mà còn có độ thẩm mỹ cao, năng suất và ứng dụng thực tế hiệu quả gấp nhiều lần so với trước đây.

Mới đây, anh Lâm cùng với các cán bộ ở phòng Kỹ thuật Công ty chế tạo thành công giá thử tải dây da an toàn dùng trong việc leo trèo sửa chữa ở trụ điện. Đây là thiết bị được gia công bằng kim loại nên có độ bền cao, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Thời gian gần đây, các sáng tạo của anh đã được Tổ gia công cơ khí ứng dụng rất thành thạo và tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cho Công ty trong đó có sự đóng góp rất nhiều từ anh Lâm.

Hiện nay, bên cạnh công việc chính ở tổ gia công cơ khí, anh Nguyễn Xuân Lâm còn đảm nhận tốt nhiệm vụ Chủ tịch Hội Cựu chiến binh của PC Quảng Trị.

Trong thời gian hơn 25 năm công tác tại Công ty Điện lực Quảng Trị, anh nhận được rất nhiều lời khen ngợi, tán dương và cả giấy khen “đều đặn” hàng năm từ Công ty nhưng niềm vui lớn nhất với anh là tiếp tục nghiên cứu khoa học kỹ thuật, tìm tòi sáng tạo để tìm ra nhiều sáng kiến hay nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Chia tay chúng tôi, anh vui vẻ tiết lộ: “Hiện tại tôi đang nghiên cứu chế tạo máy gấp mép tôn các thiết bị tủ hạ thế và khuôn ép chi tiết thiết bị phục vụ ngành điện. Chỉ một vài tháng tới, tôi sẽ đưa vào ứng dụng. Tôi biết mình đã tuổi đã không còn trẻ nữa nhưng không hiểu tại sao niềm đam mê ngiên cứu khoa học kỹ thuật trong tôi lại không già đi chút nào. Tôi sẽ tiếp tục cống hiến và truyền lửa nghề cho anh em trong Tổ gia công cơ khí để góp phần đưa Công ty ngày một đi lên”.

Phú Hải