Chuyên gia thủy điện: Tác động của thuỷ điện nhỏ đến môi trường là không đáng kể!

18:55 | 31/10/2020

209 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chuyên gia thủy điện Nguyễn Tài Sơn khẳng định, thủy điện là nguồn năng lượng sạch và các tác động của các công trình thủy điện nhỏ đến môi trường là không đáng kể.
Thủy điện nhỏ có phải nguyên nhân của lũ lụt?Thủy điện nhỏ có phải nguyên nhân của lũ lụt?

Ngày 30/10, phát biểu tại tọa đàm chuyên đề “Thuỷ điện nhỏ và vấn đề lũ lụt”, chuyên gia thuỷ điện Nguyễn Tài Sơn cho biết nhiều nước trên thế giới tìm cách để khai thác thuỷ điện nhỏ.

Nguyên nhân là, thuỷ điện là năng lượng tái tạo sạch, không tiêu hao lượng nước của dòng chảy và góp phần dự trữ, điều tiết nguồn nước. Thủy điện nhỏ cũng có các tác động đến môi trường nhưng không đáng kể, trong khi những lợi ích mà nó mang lại là vô cùng lớn.

“Tại Việt Nam, thuỷ điện đang đóng góp từ 30-40% cho hệ thống điện quốc gia. Hiện nay, thuỷ điện được chia làm 3 loại là thuỷ điện có hồ điều tiết dài hạn (thuỷ điện lớn), thuỷ điện có hồ điều tiết ngắn hạn (thuỷ điện nhỏ) và thuỷ điện không điều tiết. Do điều kiện về địa hình, địa chất tại Việt Nam nên các dự án thuỷ điện được cấp phép đầu tư xây dựng chủ yếu là thuỷ điện nhỏ” chuyên gia Nguyễn Tài Sơn nói.

Chuyên gia thủy điện: Tác động của thuỷ điện nhỏ đến môi trường là không đáng kể!
Ông Nguyễn Tài Sơn.

Cũng theo ông Sơn, Việt Nam có nhiều con sông hẹp, mùa khô nước rất ít, còn mùa mưa lũ thì nước dâng rất cao. Nhưng trong “đời sống” của một con sông sẽ có 1 hành lang thoát lũ tự nhiên. Những vị trí đó hầu như không có rừng, hoặc có rừng rất ít. Việc khai thác thuỷ điện nhỏ chủ yếu tập trung vào những khu vực này nên rừng mất không đáng kể, bình quân 1,92 ha rừng/MW.

Về các thông tin cho rằng, lũ lụt ở miền Trung là do các công trình thủy điện, ông Sơn khẳng định thuỷ điện không thể gây ra lũ, thậm chí nó còn làm giảm các tác động của lũ tự nhiên.

Để minh chứng cho điều này, ông Sơn lấy ví dụ tại thuỷ điện Hương Điền (Huế), giảm thiểu lưu lượng lũ đến 45%, hồ Quảng Trị cắt 21% đỉnh lũ, hồ Bình Điền 42,3%, Sông Bung 4 cắt 42,7%, Đăk Mi 4 cắt 74,7%, đặc biệt trận lũ ngày 29/10, hồ Sông Tranh 2 cắt tới hơn 50%...

“Khi có lũ, thủy điện giữ bao nhiêu thì cắt đi bấy nhiêu, còn lại nhả lại ra sông, tức là chỉ thủy điện chỉ cắt đi lũ chứ không sinh ra. Bản chất lũ không phải do thủy điện mà quan trọng phải quản lý cho tốt, lơ là thì sẽ có hậu quả” – ông Sơn nói.

Xuân Hinh