Chuyên gia lý giải tại sao châu Âu quan ngại về tình hình Biển Đông

07:13 | 18/09/2019

606 lượt xem
|
Nhiều nước lớn ở châu Âu hiện đang tìm cách nâng cao vị thế ở châu Á-Thái Bình Dương, thông qua nhiều hoạt động, trong đó có các chiến dịch tự do hàng hải và đều bày tỏ lo ngại về căng thẳng gia tăng ở khu vực Biển Đông. 
chuyen gia ly giai tai sao chau au quan ngai ve tinh hinh bien dong
Anh đang lên kế hoạch đưa tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới châu Á-Thái Bình Dương. (Nguồn: AFP)

Giới phân tích châu Âu cho rằng, trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong khu vực, các nước lớn như Anh, Đức và Pháp đang muốn chứng tỏ họ không chỉ đơn thuần là các đối tác thương mại bị động mà đang tìm cách nâng cao vị thế của họ ở châu Á-Thái Bình Dương, thông qua các chiến dịch tự do hàng hải và đều bày tỏ lo ngại về căng thẳng gia tăng ở Biển Đông. Điều này càng cho thấy niềm "khát khao" của họ trong việc duy trì sự can dự tại khu vực này.

Frans-Paul van der Putten, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Clingendael - một nhóm chuyên gia cố vấn ở Hà Lan, được tờ South China Moring Post trích dẫn, phân tích: "Cách đây vài năm, các nước châu Âu thích duy trì vị thế thấp hơn trong các vấn đề an ninh khu vực ở Đông Á, song trong bối cảnh hiện tại chúng ta lại thấy có sự gấp rút can dự...

Việc họ điều các tàu chiến đến khu vực Biển Đông có khả năng tạo thêm đòn bẩy cho chính phủ các nước phương Tây khi đối phó với Mỹ và Trung Quốc về các vấn đề địa chính trị... Châu Âu lâu nay vẫn thường bị kẹt giữa hai cường quốc thế giới là Mỹ và Nga, song chính mối quan hệ Mỹ-Trung lại càng xác định rõ vị thế địa chính trị của châu Âu. Điều này tạo ra thế tiến thoái lưỡng nan mới cho chính phủ các nước châu Âu, khi họ ngày càng chịu sức ép về việc lựa chọn bên".

Đánh giá nêu trên của nhà nghiên cứu Putten được đưa ra trong bối cảnh Anh, Pháp và Đức, trong một tuyên bố chung hồi cuối tháng trước, nhấn mạnh, họ "lo ngại tình hình ở Biển Đông có khả năng dẫn đến sự bất an và căng thẳng trong khu vực". Ba nước này cũng kêu gọi tất cả các bên liên quan tranh chấp lãnh thổ ở vùng biển này "thực hiện các bước và biện pháp giảm căng thẳng cũng như góp phần duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực".

Sarah Raine, nhà nghiên cứu cấp cao về địa chính trị và chiến lược tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London cũng nhận định, chẳng có gì ngạc nhiên nếu Liên minh châu Âu (EU) muốn can dự vào các tranh chấp ở Biển Đông và mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực này. Bà phân tích: "Lẽ tự nhiên của thực tế là ở châu Á, EU chán bị đối xử không khác gì một đối tác thương mại hoặc không liên quan đến các vấn đề chiến lược lớn ở châu lục này, mặc dù họ rất quan tâm...

Trong việc can dự nhiều hơn vào những diễn biến ở Biển Đông, các nước thành viên EU đang cùng nhau ủng hộ các giải pháp đa phương cho các vấn đề đa phương ở đây thông qua các cơ chế đa phương - theo thể thức Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), và tất cả đều trong khuôn khổ luật pháp quốc tế".

Còn theo nhà nghiên cứu cấp cao Siemon Wezeman ở Thụy Điển, EU đang tìm cách tăng cường vị thế của mình trước Trung Quốc và Mỹ thông qua việc thể hiện rằng EU là một nhân tố quan trọng ở các vùng biển có tranh chấp này. Ông nhấn mạnh: "EU không phải là Trung Quốc và chắc chắn không phải là nước Mỹ. EU muốn chứng tỏ họ vẫn ở đó và vẫn có tầm quan trọng".

Theo baoquocte.vn

chuyen gia ly giai tai sao chau au quan ngai ve tinh hinh bien dongLo ngại Trung Quốc bành trướng, châu Âu quyết tâm hiện diện ở Biển Đông

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc