Chuyện “dân vận” ở Thủy điện Trung Sơn

08:00 | 13/03/2015

1,006 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo Ban Quản lý Dự án Thủy điện Trung Sơn (Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn), do làm tốt công tác dân vận nên tính đến thời điểm hiện tại, phần lớn các hộ thuộc diện di dời phục vụ thi công Dự án Thủy điện Trung Sơn đã tiến hành bốc thăm, nhận đất tại các điểm tái định cư. Đây có thể xem là kết quả hết sức ấn tượng khi những năm qua, công tác giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư phục vụ thi công hệ thống nguồn và lưới điện của ngành điện luôn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các dự án thủy điện.

Năng lượng Mới số 402

Do tính chất đặc thù, việc di dân tái định cư phục vụ các dự án thủy điện luôn gây lên những xáo trộn rất lớn đến cuộc sống, tập quán canh tác, sinh hoạt của người dân. Điều này đòi hỏi đội ngũ những người làm công tác giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư phục vụ dự án phải hiểu, nắm rõ thói quen sinh sống, cũng như canh tác của người dân vùng phải di dời, đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ để tìm ra lời giải thoả đáng nhất. Ở Dự án Thủy điện Trung Sơn (xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa), vấn đề này luôn được các cấp lãnh đạo Ban Quản lý quán triệt đến tất cả các cán bộ, kỹ sư làm nhiệm vụ tại dự án. Bất kể là lãnh đạo hay cán bộ, nhân viên, hễ được hỏi là có thể trả lời và nếu nhận được bất kỳ thắc mắc hay đề xuất gì, nếu không đủ thẩm quyền giải quyết thì phải báo cáo lãnh đạo, trả lời người dân một cách nhanh nhất, thỏa đáng nhất.

Anh Chinh (ngoài cùng bên phải) trong một lần tham vấn ở bản Co Me (xã Trung Sơn)

Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, anh Nguyễn Trường Chinh - Trưởng phòng Bồi thường - Giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý Dự án Thủy điện Trung Sơn cho hay, ngay từ những ngày đầu vào tiến hành khảo sát, tham vấn để triển khai dự án, bên cạnh việc nắm bắt các số liệu về thời tiết, địa chất... thì việc tìm hiểu tập quán sinh hoạt, canh tác cũng như nguyện vọng của người dân cũng được lãnh đạo công ty đặt ra thực hiện. Thông qua những thông tin này, căn cứ theo quy định của pháp luật, công ty sẽ xây dựng phương án đền bù giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư sao cho phù hợp, đáp ứng được một cách tốt nhất lợi ích cho người dân. Đặc biệt, ở Dự án Thủy điện Trung Sơn, bên cạnh việc đền bù giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư, chủ đầu tư còn giúp người dân trong việc phát triển sản xuất, ổn định kinh tế gia đình thông qua việc hỗ trợ vật nuôi, cây trồng... rồi cử cán bộ xuống tận nơi hướng dẫn cho bà con nuôi trồng sao cho đúng cách, mang lại hiệu quả cao nhất...

Công tác di dân tái định cư tại Dự án Thủy điện Trung Sơn đang được triển khai theo đúng tiến độ đề ra, và đó là kết quả của sự nỗ lực rất lớn của những người “lính thủy điện” của Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn. Theo anh Chinh, những khu vực thuộc phạm vi di dời của Thủy điện Trung Sơn đều rất khó khăn, mặt bằng dân trí thấp, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, tập quán canh tác lạc hậu... Thậm chí, có nơi trước khi có dự án cuộc sống của người dân gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Và điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn trong quá trình tuyên truyền, vận động người dân thực hiện di dân, tái định cư. Trong quá trình tham vấn, nhiều khi vì không hiểu tiếng của đồng bào, các anh phải nhờ người phiên dịch, hiệu quả rất thấp. Sau này, các anh phải tiến hành thu bài tham vấn, giới thiệu về dự án vào băng cát-sét, rồi dịch ra tiếng của đồng bào phát cho các bản. Ai có thắc mắc gì hoặc chưa hiểu về dự án, có thể đến nhà các già làng, trưởng bản mượn đài và băng nghe lại.

Trong quá trình triển khai các chương trình sinh kế - chương trình hỗ trợ người dân di dân tái định cư ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình của Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn - cũng gặp vô vàn khó khăn. Vì nhiều nơi gần như sống biệt lập với thế giới bên ngoài, cuộc sống tự cung tự cấp, thậm chí chẳng biết nuôi trồng mà chỉ phụ thuộc vào các sản vật từ rừng, người dân không có một chút hiểu biết gì về chăn nuôi, trồng trọt. Vậy nên, khi được cán bộ trong Ban Quản lý xuống tuyên truyền, giới thiệu về các mô hình sản xuất kinh tế mới, họ nhất định không chịu làm. Nhà nào chịu nào thì cũng chỉ được thời gian lại bỏ, lại đi rừng chặt cây bương mang xuống chợ huyện bán lấy tiền đổi cân gạo, cân muối.

Nhớ lại quãng thời gian rong ruổi cùng anh em trong Ban Quản lý xuống các bản, làng để tuyên truyền, giới thiệu về dự án, anh Chinh bảo: Đây đúng là một giai đoạn hết sức khó khăn, có những thời điểm tưởng chừng bế tắc. Mặc dù đã tổ chức hàng chục cuộc gặp gỡ, cung cấp thông tin nhưng hiểu biết của người dân về dự án vẫn không thay đổi. Các câu hỏi cứ lặp đi lặp lại hết lần này đến lần khác. Cây trồng, vật nuôi giao cho bà con thì bà con lại bỏ...

Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả, bằng tinh thần trách nhiệm, với sự quyết tâm, nỗ lực cao nhất, những khó khăn, thách thức đó dần được đẩy lùi. Dân chưa hiểu, còn thắc mắc thì các anh sẽ trả lời. Dân không chịu nuôi trồng thì ngày ngày các anh lại phân công nhau xuống các bản, vào từng nhà để vận động, hướng dẫn bà con nuôi trồng... Người dân từng bước hiểu được tấm chân tình của những người lính thủy điện và làm theo. Cuộc sống của người dân ở các khu vực thuộc diện tái định cư của dự án từng bước được cải thiện, nâng lên rõ rệt.

Chuyện “dân vận” ở Dự án Thủy điện Trung Sơn là thế, không chỉ đơn thuần là việc vận động bà còn đến nơi ở mới, xây cho ngôi nhà... mà còn là giúp bà con thích nghi với những lối sống, tập quán canh tác, nuôi trồng mới, khoa học và hiệu quả hơn.

Ông Ngô Quốc Phương - Phó giám đốc, phụ trách Ban Quản lý Dự án Thủy điện Trung Sơn cho biết: Các khu tái định cư được thiết kế nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân. Các hạng mục được xây dựng bao gồm nhà ở hộ gia đình, nhà văn hóa cộng đồng, trường học, nhà trẻ, nhà giáo viên, đặc biệt là hệ thống điện lưới được kéo tới từng hộ, hệ thống đường giao thông nội vùng thuận tiện, hệ thống nước sinh hoạt được cấp đến từng nhà. Ngoài ra còn có hệ thống thủy lợi  cung cấp tưới tiêu cho  đồng ruộng. Tất cả đã sẵn sàng cho một cuộc sống mới văn minh, hiện đại hơn.

Thanh Ngọc