Chuyện của chiến sĩ đặc công nước (Kỳ 1)

07:00 | 07/05/2018

6,758 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tôi vừa được dự buổi gặp mặt cựu chiến binh Tiểu đoàn Đặc công nước 471 - Quân khu 5. Chuyện của các ông trong những năm tháng đánh Mỹ ở Mặt trận 4 Quảng Đà như một chương sử bi tráng, hào hùng…

Bài 1: Chiến trường vẫy gọi

Trung tá Phạm Ngọc Bằng, quê Tiền Hải (Thái Bình), nguyên Chính trị viên phó Tiểu đoàn Đặc công nước 471, năm nay 80 tuổi nhưng trí nhớ của ông thật tuyệt. Ông có mặt từ ngày đầu thành lập, nên các mốc lịch sử của tiểu đoàn ông không bỏ sót một sự kiện nào.

Vừa hành quân, vừa tổ chức lực lượng

Trung tá Phạm Ngọc Bằng kể: Tiểu đoàn Đặc công nước 471 ra đời do yêu cầu bức thiết của chiến trường cánh Bắc Quảng Đà lúc bấy giờ. Từ năm 1967, tại Mặt trận 4 Quảng Đà đã có một đội đặc công nước hoạt động. Tuy nhiên qua quá trình tác chiến, lực lượng bị hao mòn không còn đủ sức tổ chức các trận đánh thọc sâu vào hậu cứ của địch, đặc biệt là các mục tiêu ở vịnh Đà Nẵng, cảng Tiên Sa và các căn cứ quân sự trên bán đảo Sơn Trà.

chuyen cua chien si dac cong nuoc ky 1
Cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 471 cùng với Phó đô đốc Nguyễn Văn Tình, nguyên Chính ủy Quân chủng Hải quân và các cơ sở cách mạng quận Liên Chiểu, Đà Nẵng

Ông bảo, lịch sử quân đội ta không hiếm gì các đơn vị vừa thành lập, vừa hành quân. Tiểu đoàn Đặc công nước 471 cũng vậy. Ngày 25-2-1971, vừa nhận quyết định thành lập thì sau đó 2 ngày tiểu đoàn đã hành quân đến vị trí mới.

Tiếng là tiểu đoàn nhưng lúc thành lập mới chỉ có “bộ khung” gồm vài chục đồng chí là cán bộ tiểu đoàn và cán bộ hai đội đặc công. Cán bộ khung do Quân khu 5 điều động từ các chiến trường về, chiến sĩ chưa có. Anh em tuy không nói ra nhưng đều có chung suy nghĩ: Không biết sẽ tổ chức “đánh đấm” ra sao khi trong tay chưa có lực lượng và chưa có những vũ khí đặc thù…

Suy nghĩ là vậy, song nhiệm vụ được giao không thể chần chừ. Vài chục con người lầm lũi cắt rừng từ thượng nguồn sông Tang, xã Trà Xinh, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) về cánh Bắc Quảng Đà. Gần 1 tháng trời vừa hành quân, vừa tổ chức tiếp nhận bộ đội tại miền Bắc vào trên đường dây (đường 559).

Ngày 20-3-1971, tiểu đoàn đến địa điểm đóng quân do Quân khu quy định tại thôn Nà Bền, xã Đrai, huyện Đông Giang (sau này là huyện Hiên, Quảng Nam) xây dựng hậu cứ. Lúc này quân số toàn tiểu đoàn đã có 123 đồng chí. Đại đa số cán bộ chiến sĩ ở lại xây dựng lán trại và tìm sông suối lớn để huấn luyện. Một bộ phận tiền trạm đến cánh Bắc Quảng Đà tiếp nhận chiến trường.

Tiểu đoàn Đặc công nước 471 được thành lập tại Trà Bồng (Quảng Ngãi) trong những năm chiến tranh chống Mỹ; sau đó tiểu đoàn được chuyển ra hoạt động ở cánh Bắc Hòa Vang, thuộc Mặt trận 4 Quảng Đà, làm nhiệm vụ tác chiến các mục tiêu cố định của Mỹ - Ngụy… Sau giải phóng Đà Nẵng, đơn vị tham gia giải phóng Trường Sa.

Khi bộ phận tiền trạm tìm được địa điểm mới, khu vực đóng quân cũ trở thành hậu cứ sản xuất. Tiểu đoàn để lại một bộ phận cán bộ chiến sĩ sức khỏe yếu do sốt rét phát rẫy làm nương, trồng khoai, trồng sắn. Đại bộ phận tiếp tục khoác balô về phía biển.

Từ giờ phút ấy, những người lính Tiểu đoàn Đặc công nước 471 đã áp sát chiến trường cánh Bắc huyện Hòa Vang. Vừa xây dựng lán trại, vừa tổ chức trinh sát chuẩn bị chiến trường. Và ngay những ngày tháng sau đó, những trận đánh huyền thoại liên tiếp nổ ra ở trên vịnh Đà Nẵng, cảng Tiên Sa, khu radar trên bán đảo Sơn Trà và hệ thống cầu cống trên Quốc lộ 1; hệ thống kho tàng, sân bay trong khu vực…

Những ngày gian khó

Phải nói thêm rằng: Kể từ khi tiểu đoàn đặt chân đến thôn Nà Bền và lập hậu cứ tại đó, bộ phận tiền trạm mất cả mấy tháng trời cắt rừng mới tìm được địa điểm đóng quân mới. Dấu chân những người lính đặc công 471 đầu tiên về cánh Bắc Quảng Đà in khắp phía Nam dãy Bạch Mã, rồi phía Nam đèo Hải Vân, mới tìm được vị trí đóng quân bảo đảm các yếu tố: Áp sát chiến trường, nhưng phải bảo đảm bí mật, bất ngờ; bảo đảm “tiến thoái” an toàn.

9 tháng trời ròng rã “điều nghiên”, mãi đến đầu năm 1972, đơn vị mới ổn định và tổ chức đánh trận đầu. Lúc này khó khăn mới lại xuất hiện. Sau tết Mậu Thân 1968, quân đội Mỹ và chính quyền ngụy ráo riết đánh phá cơ sở cách mạng, tổ chức hành quân lấn chiếm lên các khu vực hậu cứ của ta.

chuyen cua chien si dac cong nuoc ky 1
Y sĩ Tạ Xuân Khoái và y tá Lê Quý Bình - hai người đã lấy chính bản thân mình để thí nghiệm cho phác đồ điều trị sốt rét ác tính theo sáng kiến của y sĩ Khoái

Đơn vị ở sát với địch, không thể móc nối cơ sở ở đồng bằng để mua lương thực, thuốc men. Phần chi viện theo đường dây giao liên cũng hết sức khó khăn. Nếu tính cả thời gian đi, về để đưa được cân gạo về hậu cứ cũng mất cả tháng trời. Lương thực nhận từ trạm do Quân khu cung cấp cũng chỉ đủ nuôi lực lượng gùi thồ, dư dật chẳng là bao.

Chính vì vậy, nhiệm vụ móc nối với cơ sở cách mạng để mua lương thực, thuốc men cũng quan trọng và cấp bách không khác gì nhiệm vụ chiến đấu. Bộ đội mới ở miền Bắc vào chưa quen thông thổ, vừa đói, vừa thiếu thuốc (chủ yếu là thuốc trị sốt rét). Có lúc đơn vị không còn lấy một đồng chí khỏe mạnh đúng nghĩa.

Tình hình đơn vị lúc đó vô cùng khó khăn. Không chỉ “nhạt muối, đói cơm”, mà còn thiếu thốn nhiều thứ, đặc biệt là thuốc chữa bệnh. Trung tá Phạm Ngọc Bằng nhớ lại: Mấy tháng trời liên tục bữa ăn của bộ đội chỉ có sắn và rau môn thục, rau tàu bay. Cả tiểu đoàn trong kho chỉ còn mấy chục cân gạo, số gạo ấy chỉ được sử dụng nấu cháo cho các đồng chí đau ốm.

Lo âu đổ xuống đầu các cấp chỉ huy, vết thương lòng hằn sâu trên khuôn mặt Tiểu đoàn trưởng Hồ Xuân Hòa. Ông Bằng kể: Khi ấy ông là Chính trị viên Đội 2, nhiều lần lên tiểu đoàn họp, ông đã chứng kiến người tiểu đoàn trưởng của mình đóng cửa ngồi một mình trong phòng, nước mắt chảy dài trên khuôn mặt hốc hác.

Y sĩ Tạ Xuân Khoái, người con của đất tổ Hùng Vương, giờ đã “xưa nay hiếm” kể với tôi rằng: Thời điểm ấy, sốt rét ác tính cứ như là một “đại dịch”. Nghĩa trang của đơn vị dường như ngày nào cũng có thêm nấm mộ mới. Nhìn bộ đội lả dần trên tay đồng đội rồi lặng lẽ ra đi, ông thấy mình như có lỗi với những người đã khuất. Ông bảo: Chẳng lẽ bó tay, chẳng lẽ cứ để những chiến sĩ trẻ trung cứ lần lượt gục ngã trước kẻ thù vô hình…

“Ngộ biến phải tòng quyền”

Vậy là một quyết định táo bạo do chính ông Khoái đề xuất với lãnh đạo tiểu đoàn và ông lấy chính bản thân mình để thí nghiệm cho một phác đồ điều trị sốt rét do chính ông “sáng tạo” ra. Thời ấy thuốc điều trị sốt rét chỉ có hai loại duy nhất, thuốc uống là viên nén Quynine và thuốc tiêm bắp, tiêm mông, ngoài ra không có bất cứ thứ nào khác.

Sau nhiều trăn trở, y sĩ Tạ Xuân Khoái quyết định “pha chế” thuốc tiêm bắp với nước cất ở một tỷ lệ nhất định thành một loại thuốc tiêm thẳng vào tĩnh mạch. Theo lý giải của ông, chỉ có như vậy mới diệt được ký sinh trùng sốt rét nhanh nhất. Ông kể rằng: Sau khi trình bày ý tưởng của mình, nhiều ý kiến lo lắng không biết như thế có an toàn không, liệu có xảy ra tai biến gì không?... Hàng loạt các câu hỏi đặt ra.

Trước những nghi ngại ấy, ông đã gặp trực tiếp Đảng ủy và chỉ huy tiểu đoàn cam đoan lấy chính bản thân để thí nghiệm, nếu có rủi ro gì ông hoàn toàn chịu trách nhiệm. Mũi tiêm đầu an toàn, mũi thứ hai an toàn… Những cơn sốt trong ông giảm dần rồi cắt hẳn.

Tôi hỏi ông: Như vậy có liều quá không? Ông bảo: Xét về mặt khoa học và nguyên tắc, tớ “quyết” như thế là… liều thật. Nhưng điều kiện chiến trường lấy đâu ra phòng thí nghiệm, bản thân ông chỉ là y sĩ, chứ không phải dược sĩ pha chế, bào chế thuốc. “Ngộ biến thì phải tòng quyền”. Chưa biết kết quả như thế nào, nhưng chẳng lẽ bó tay chờ chết! Phải tìm “đường sống” trong cái chết.

Chao ôi! Cái cam go gian khổ của đồng đội tôi trong những năm nguy nan ấy không chỉ là súng đạn. Sự sống và cái chết còn phụ thuộc rất nhiều vào các hoàn cảnh, điều kiện khác. Không thể gọi “sáng kiến” của y sĩ Tạ Xuân Khoái thời ấy là liều lĩnh, mà phải coi đấy là sự sáng tạo trong cuộc đấu tranh sinh tồn của biết bao mạng người trước sự khắc nghiệt của hoàn cảnh.

Nước mắt tôi chảy dài, nước mắt nhiều người chảy dài chứng kiến cuộc hội ngộ, chứng kiến cảnh y sĩ Khoái trong vòng tay đồng đội. Nhiều người nói với tôi: Không có “sáng kiến” của y sĩ Khoái, không có sự hy sinh thầm lặng của ông thì tiểu đoàn không còn sức để chiến đấu. Và nhiều người sẽ mãi mãi ra đi vì sốt rét ác tính.

“Móc” hàng từ... sĩ quan ngụy

Thượng sĩ Trần Thế Phong, người con của quê hương Hải Hậu (Nam Định), hiện đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh, là một trong những người trực tiếp “đột” thẳng vào nhà riêng của viên trung úy quân tiếp vụ của chế độ cũ, gửi lại một lá thư yêu cầu cộng tác và giúp đỡ cách mạng bằng cách “mua giúp” cho cách mạng những loại thuốc men, lương thực cấp thiết…

Trong buổi gặp mặt mới đây, hỏi ông về nhiệm vụ ấy, ông cho hay: Lúc đó ông là cán bộ phân đội phó (tương tương trung đội phó bộ đội bộ binh). Ông đã cùng các đồng chí khác trong tổ công tác vượt qua sự vây ráp, bố phòng của địch xuống đồng bằng “móc nối” cơ sở để mua lương thực, thực phẩm.

Các cơ sở cách mạng ở làng Xuân Thiều (nay thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã tận tình giúp đỡ mua gạo và thực phẩm (thực phẩm chủ yếu là mắm cái do chính nhân dân ở làng chài Nam Ô sản xuất) cho bộ đội. Tuy nhiên, những loại hàng hóa thiết yếu như thuốc quân y, các thiết bị phục cho công tác thông tin chỉ huy thì không thể nào mua được. Muốn có được nguồn hàng cao cấp ấy chỉ có “móc” từ chính quân đội ngụy.

Vậy là một quyết định táo bạo của tổ công tác là “đột” vào nhà của một viên trung úy quân tiếp vụ quân đội ngụy như đã nói trên. Không biết có phải do viên trung úy này giác ngộ, hay do lo sợ mà đã ngầm “bắt tay” với ta bằng cách đưa hàng về để cho vợ trở thành đầu mối cung cấp những hàng hóa thiết yếu cho ta.

Mấy năm trời liên tục, nhờ “móc” được “đường dây” này mà nguồn hàng quý hiếm, thiết yếu được cung cấp đều đặn, đặc biệt là các loại biệt dược điều trị sốt rét; các loại kháng sinh; các loại thực phẩm cao cấp dùng để điều trị, cứu chữa, bồi dưỡng cho binh sĩ ngụy bị đau ốm, thương tật đã được âm thầm vận chuyển về hậu cứ, góp phần không nhỏ vào việc nuôi dưỡng, điều trị thương, bệnh binh, trả lại cho đơn vị những chiến đấu viên xuất sắc sau này.

Trong những năm chiến tranh, Tiểu đoàn Đặc công nước 471 ở xa Quân khu, xa sự chi viện của cấp trên. Trước tình ấy, đơn vị đã nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, tổ chức tốt việc tăng gia sản xuất, bảo đảm phần lớn lương thực, thực phẩm, tổ chức nuôi quân khỏe, phòng chống dịch bệnh tốt, bảo đảm có đủ quân số để chiến đấu giành thắng lợi. Trong 5 năm (1971-1975), đơn vị đã sản xuất tự túc được 67 tấn lương thực, trong đó có 39 tấn gạo, 28 tấn khoai sắn, chăn nuôi được 154 con heo, hàng nghìn con gà. Đơn vị đã bám dân dưới vùng địch, mua trên 200 tấn gạo, hàng chục tấn thực phẩm. Đơn vị còn tự may hàng nghìn bộ quân phục và một số nhu cầu khác như: võng, bọc võng, balô, nilon, tấm đắp, áo ấm...; tự điều trị bệnh và chăm sóc thương binh, tự đào tạo y tá, dược tá, báo vụ viên để phục vụ cho nhiệm vụ chiến đấu.

(Xem tiếp kỳ sau)

Lâm Quý