Chuyện “bới cát” tìm dầu ở “sa mạc lửa” (Kỳ 5)

06:23 | 26/07/2013

1,419 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chúng tôi ăn cơm khi nắng chiều vừa tắt. Bữa cơm ở đây hoàn toàn ăn đồ tây, nấu theo kiểu Pháp và do các đầu bếp Algeria nấu. Bếp ăn ở cách giàn khoan ngót nửa cây số.

Phóng sự "Chuyện “bới cát” tìm dầu ở “sa mạc lửa”" của nhà báo Nguyễn Như Phong (Chi hội nhà báo Báo Năng lượng Mới) giành B giải Báo chí Quốc gia năm 2013. Đây là tác phẩm đầu tiên viết về ngành dầu khí đạt thứ hạng cao trong hệ thống giải báo chí quốc gia.

Phóng sự ghi lại công cuộc khai thác dầu mỏ làm giàu cho đất nước ở sa mạc Sahara của các kỹ sư Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí Việt Nam (PVEP) và Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling).

***

>> Chuyện “bới cát” tìm dầu ở “sa mạc lửa” (Kỳ 4)

>> Chuyện “bới cát” tìm dầu ở “sa mạc lửa” (Kỳ 3)

>> Chuyện “bới cát” tìm dầu ở “sa mạc lửa” (Kỳ 2)

>> Chuyện 'bới cát' tìm dầu ở 'sa mạc lửa' (Kỳ 1)

Ở giàn khoan PVD-11 trên sa mạc Sahara, hình như không có khái niệm “về chiều”, bởi lẽ, hoàng hôn ở đây thường xuống vào lúc… 8 giờ tối. Trời và đất lúc đấy chỉ có hai màu. Màu vàng nhạt thếch của cát sa mạc và màu tím biếc của nắng mặt trời đang chìm dần xuống sau biển cát. Buổi tối, khu vực khoan trường vẫn sáng trưng và dĩ nhiên là không có dấu hiệu nào của sự nghỉ ngơi.

Chúng tôi ăn cơm khi nắng chiều vừa tắt. Bữa cơm ở đây hoàn toàn ăn đồ tây, nấu theo kiểu Pháp và do các đầu bếp Algeria nấu. Bếp ăn ở cách giàn khoan ngót nửa cây số. Hằng ngày, ngoài đó nấu xong thì chở vào và cần ăn nóng thì hâm lại. Bữa tối có thịt cừu nướng, thịt bò bít-tết, đùi gà nướng, có cả cá biển chiên, rau xà lách, hành tây trộn dầu ô-liu và dấm, canh khoai tây nấu thịt gà. Rồi có cả bánh mì, bơ, pho-mát và cũng có cả cơm trắng… Đồ uống thì có nước ngọt các loại, nước suối và nước khoáng, cà phê. Ai thích ăn món gì, uống thứ gì thì gọi nhân viên phục vụ họ sẽ mang ra. Ở đây, ăn uống rất tốt và cũng rẻ, mặc dù thực phẩm hầu hết phải chở bằng máy bay từ Hassi Messaoud tới. Mỗi ngày anh em ăn tiêu chuẩn là 45 đôla. Bữa sáng là 10 đôla, còn mỗi bữa chính là 15 đôla. Ăn giữa ca thì không tính.

Công nhân Việt Nam và Algeria tại giàn khoan PVD-11

Anh em ta cũng vẫn thích ăn những món ăn Việt Nam, cho nên phải dạy mấy anh chàng đầu bếp người Algeria nấu cho các món quen như thịt gà rang gừng, cải bắp luộc chấm nước mắm trứng, canh cá nấu chua… Các thứ như gừng, tỏi, nước mắm thì anh em phải mang từ Việt Nam sang. Thứ mà anh em thèm nhất chính là… thịt lợn. Người Hồi giáo không ăn thịt lợn, cho nên quanh năm chỉ có bò, cừu và gà. Mỗi khi có người ở Việt Nam sang, là thế nào cũng phải “cắp” theo vài cân thịt lợn. Và hôm nào có thịt lợn thì coi như “đại tiệc”.

Ngoài giàn khoan, cuộc sống xem ra còn “đầy đủ” hơn trong thành phố Hassi Messaoud. Ở đây không bao giờ mất điện, mất nước. Nước dùng sinh hoạt cho tắm giặt là từ giếng khoan ở độ sâu 1.280m. Nước nguyên thủy khá mặn, cho nên phải tinh lọc. Tuy vậy cũng vẫn nhàn nhạt, pha trà thì không thể ngon được. Ở Hassi Messaoud, chuyện mất nước dăm ba ngày, cho tới cả tuần là “chuyện vặt”. Chính vì thế mà anh em phải tích trữ nước. Ngoài hai chiếc thùng nhựa mỗi cái hơn 1.000 lít thì anh em phải chứa nước vào các chai nhựa 1,5 lít. Tại văn phòng của anh em PV Drilling ở Hassi Messaoud, mọi xó xỉnh chỗ nào cũng có cả trăm chai nhựa đựng nước dự phòng.

Sau bữa cơm tối, lẽ ra anh em chuẩn bị cho ca sau đi ngủ, nhưng hôm nay vì có chúng tôi nên mọi người tụ tập về văn phòng tán chuyện. Còn tôi, thì cũng tranh thủ từng phút để hỏi thêm. Với một người “ngoại đạo” về dầu khí như tôi và sự hiểu biết về nghề này chỉ là ở mức con số 0, nên nghe cái gì cũng thấy lạ lẫm, cũng thấy ngoài sức tưởng tượng của mình.

Một anh ra mở tủ đựng đồ bảo hộ, tôi trố mắt khi nhìn thấy mấy chiếc mũ mà dầu, mỡ, bùn, dung dịch khoan trát gần như kín: “Sao mũ bẩn thế” - Tôi hỏi, giàn trưởng Trịnh Văn Cường cười: “Cũng chẳng còn thời gian mà làm sạch nữa. Hôm nay, có lãnh đạo đến, nên anh em thay mấy cái mũ, nom cho sáng sủa, chứ bình thường, cứ mũ này mà đội. Có khi bùn bám trên mũ còn nặng hơn mũ đấy”.

Ờ, nghề thợ khoan có lẽ là nghề chịu ô nhiễm nhất trong các loại nghề, bởi lúc nào cũng dính tới dầu mỡ, tới dung dịch khoan với đủ loại hóa chất và với bùn khoan từ độ sâu hàng cây số phun lên. Và có Thánh Ala mới biết trong dòng bùn ấy có những thứ gì? Anh em thợ khoan thường hiếm người có nước da đẹp. Da sạm, sần sùi, thô ráp - ấy là “đặc trưng cơ bản” của người thợ khoan. Nước da xấu là bởi họ phải chịu nắng gió, dù là trên biển hay trên đất liền, dù giữa sa mạc Sahara hay trong rừng rậm Amazon hoặc trên cực Bắc nước Nga… Nhưng anh em có nước da “dầu khí” còn bởi một nguyên nhân khác, ấy là phải tiếp xúc với nhiều loại hóa chất tẩy rửa. Bị dầu thô, mùn khoan, dung dịch dính vào, không có loại xà phòng nào có thể rửa sạch mà phải dùng một loại chất tẩy đặc biệt, nom trắng như mỡ lợn.

Có thể nói, anh em thợ khoan ở đây có những niềm vui rất khác người.

Thứ nhất là khi “gọi dầu”.

Gọi là “gọi dầu”, là bởi vì trong lúc khoan, phải dùng dung dịch nặng để “đè” dòng dầu xuống. Khi khoan xong, lắp đặt thiết bị đón dòng hoàn chỉnh, thì phải dùng dung dịch nhẹ đẩy vào cho dòng dầu phun lên. Cũng có khi phải dùng khí nitơ thổi xuống thay cho dung dịch. Thay dung dịch nhẹ cho dầu phun lên được gọi bằng cái tên rất đỗi thân thiết, ấm áp: “Gọi dòng”.

Mặc dù đã có hệ thống máy móc tinh vi theo dõi dòng dầu phụt lên, nhưng anh em vẫn thích… ôm cần khoan, áp tai vào để nghe tiếng dòng dầu từ độ sâu hàng ngàn mét “chạy”. Không thể tả nổi niềm vui người thợ khoan khi nghe thấy tiếng rít, tiếng “thở” của dòng dầu bị áp suất cao đẩy lên. Khoảnh khắc đó rất ngắn ngủi, có khi chỉ vài ba phút. Và có những người dù đã theo nghề khoan hàng chục năm, nhưng khi nghe âm thanh của dòng dầu, họ vẫn trào nước mắt. Nhiều đồng chí lãnh đạo của Tập đoàn trưởng thành từ tìm kiếm, thăm dò, cho đến giờ vẫn nhớ như in cái cảm giác đó và mỗi khi có giàn khoan nào đang “gọi dầu” thì các anh vẫn mất ăn, mất ngủ, vẫn hồi hộp chờ đợi… Và khi có điện thoại báo về là: “Dầu lên rồi anh ơi”, thì người đang đứng sẽ ngồi phịch xuống ghế, còn ai đang ngồi thì lại đứng phắt dậy… Đó là cảm giác hạnh phúc vô bờ bến, cảm giác chiến thắng của người đi chinh phục.

Niềm vui thứ hai là khi có dầu.

Được cầm trên tay ca dầu đầu tiên, còn nóng hôi hổi và bốc mùi “thơm” của dầu thì thật là sung sướng. Anh em hay lấy dầu quệt lên mặt nhau… Bây giờ thì “quệt” tý chút gọi là, chứ như cách đây hơn hai chục năm thì có khi dội cả ca dầu lên đầu…

Chúng tôi ngồi nói với nhau đủ thứ chuyện trên đời. Giàn trưởng Trịnh Văn Cường khoái chí: “Giếng này khoan cực kỳ suôn sẻ. Nửa tháng rồi mà chưa có một trục trặc nhỏ. Mà mấy hôm nay thời tiết cũng tử tế. Không quá nóng, không có bão cát mạnh… Cứ đà này, chúng tôi sẽ rút được thời gian ít cũng phải 5 ngày” - Rút được 5 ngày, có nghĩa là tiết kiệm được khoảng 500 ngàn đôla chi phí vận hành.

Theo kế hoạch, khoan xong mấy giếng ở đây, anh em lại phải dỡ giàn khoan mang đi nơi khác. Đây là công việc cực kỳ vất vả, nặng nhọc. Nếu ở trên biển, việc mang giàn đi khá “đơn giản, nhẹ nhàng” - Nhổ giàn lên, cho tàu kéo đến vị trí mới, hạ xuống… Thế là xong. Nhưng trên đất liền, mà cụ thể là ở nơi sa mạc này thì phải dỡ giàn ra, xếp lên xe tải chở đi. Tới vị trí mới, lại lắp đặt. Tháo dỡ một giàn khoan với hơn 2.000 tấn thiết bị không hề đơn giản chút nào. Rồi còn vận chuyển trên sa mạc nữa… Khi phải tháo dỡ, di chuyển, anh em thợ khoan, dù là cán bộ kỹ thuật hay chỉ huy, đều là những “cửu vạn” thực sự. Mỗi lần như thế, nhanh ra cũng hết cả tháng rưỡi.

Cũng phải nói thêm rằng, nghề dầu khí khác hoàn toàn với những ngành nghề khác, nghĩa là tất cả đều phải thạo công việc của người thợ, bất kể anh là kỹ sư hay tiến sĩ, được đào tạo trong nước hay ngoài nước… Anh em bảo rằng kiến thức nhà trường thường chỉ đáp ứng được một phần ba. Còn thực tiễn trên giàn khoan sẽ dạy nốt hai phần ba còn lại. Việc một người có bằng đại học, khi về giàn khoan, phải học từ cách cạo gỉ, quét sơn, cách vặn một con bu-lông, phải biết khuân vác… là chuyện đương nhiên của người dầu khí. Ngoài giàn khoan, không hề tồn tại kiểu “chỉ tay năm ngón”, mà khi có việc là tất cả phải lao vào và giàn trưởng, kíp trưởng, đốc công… lúc ấy là những người thợ cả thực sự.

Nụ cười người thợ PV Drilling

Đang vui câu chuyện và đang “hí hửng” về tiến độ “nhanh như mơ”, thì có chuông điện thoại.

Từ trên giàn, kíp trưởng Đỗ Công Chính báo cáo có hiện tượng tụt áp suất trong giếng khoan. Ngay lập tức, như có báo động chiến đấu, tất cả anh em chụp mũ lên đầu và lao bổ lên giàn khoan. Và cũng chỉ vài phút sau, tôi cũng đã thấy các anh đang không phải ca trực cũng có mặt.

Rất nhanh chóng, các anh xác định được nguyên nhân gây tụt áp suất là do khớp nối giữa cần khoan và đường bơm dung dịch khoan (wash pipe) bị hỏng “gioăng”. Bộ phận này phải chịu áp lực cao cả trăm at, nhiệt độ ngót trăm độ và luôn quay ở tốc độ ngót 200 vòng phút, cho nên dễ hỏng.

Việc đầu tiên là phải lắp ngay một đường dẫn dung dịch khác đổ vào giếng và cho mũi khoan chạy không tải để tránh bị kẹt mũi khoan. Những trường hợp này, nếu thiếu dung dịch khoan, rất dễ dẫn đến mũi khoan bị kẹt… Và lúc đó thì thật đại họa.

Việc thay khớp nối diễn ra trên độ cao khoảng 5 mét. Trợ lý giàn trưởng Lê Đắc Trung, Trợ lý kíp trưởng Phạm Tất Thắng và Trưởng cơ khí giàn là Đoàn Văn Cương được dòng rọc đưa lên lên vị trí thay. Các anh phải dùng búa tạ để tháo khớp nối. Nhìn Phạm Tất Thắng giữ choòng cho Lê Đắc Trung quai búa mở khớp, tôi dựng hết cả tóc gáy. Trong khi đó, dung dịch khoan từ trên vẫn phun xuống như mưa. Quần áo mà dính thứ dung dịch quái quỷ này thì chỉ có dùng hóa chất mới tẩy được. Còn xà phòng chẳng có tác dụng gì. Lê Đắc Trung quai búa cực kỳ chính xác. Tiếng búa đập đanh, gọn át cả tiếng máy, tiếng gió sa mạc gào thét. Ở dưới, anh em nhìn như bị thôi miên vào người ở trên. Giàn trưởng Trịnh Văn Cường và một kỹ sư khác lấy bộ khớp nối khác ra thay. Các anh cẩn thận dùng vải trắng lau, rồi dùng đèn pin soi xem có hạt cát nào dính trong đường rãnh đặt gioăng không. Nhưng thế vẫn chưa đủ. Giàn trưởng Cường lau tay sạch sẽ rồi dùng ngón tay miết nhẹ vào trong ống. Anh nhắm mắt lại, như thể muốn tập trung toàn bộ tinh lực vào đầu ngón tay để kiểm tra xem còn gợn bẩn nào không.

Không có tiếng hò hét, không có những cuộc trao đổi, bàn bạc… anh em ai vào việc ấy nhanh nhẹn, khẩn trương, chính xác đến mức lạ lùng. Thậm chí, người ở trên giơ tay, thì người ở dưới đã biết phải đưa dụng cụ gì… Tất cả cứ như các bác sĩ trong một ca phẫu thuật.

Trong lúc anh em thay khớp nối thì các kỹ sư, công nhân Algeria đứng… xem. Công việc này có lẽ họ không làm được và hơn nữa, các vị trí chủ chốt trên giàn khoan là do anh em ta đảm nhiệm, cho nên nếu xảy ra sự cố thì họ đứng… xem cũng phải thôi. Ra ngoài các giàn khoan của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bây giờ, có không ít người nước ngoài - nhất là ở các liên doanh. Nhưng khái niệm “chuyên gia” nước ngoài bây giờ hầu như không tồn tại, bởi lẽ, tất cả các vị trí quan trọng nhất trên các giàn khoan, dù là trên biển hay trên đất liền, người thợ dầu khí Việt Nam đã đảm nhiệm được rất tốt. Đây có thể nói là bước tiến thần kỳ của ngành Dầu khí Việt Nam mà nhiều quốc gia trong khu vực chưa làm được.

Mất gần 20 phút thì tháo khớp nối xong. Bộ khớp mới được chuyển lên lắp và đốc công ca đêm Dương Văn Mạnh trực tiếp leo lên kiểm tra… Lại mất 15 phút nữa, việc thay thế khớp mới đã xong… Đường dẫn dung dịch dự phòng được tháo ra và giàn khoan lại hoạt động bình thường. Nhìn các anh quần áo bê bết dầu mỡ và dung dịch khoan nhưng vẫn cười tươi roi rói, tôi thấy lạ. Hình như đối với các anh, loại sự cố này là “nhỏ như con thỏ” và cũng chẳng có gì đáng nói.

Giàn trưởng Trịnh Văn Cường và kíp trưởng Đỗ Công Chính kiểm tra lại các thông số kỹ thuật trong buồng điều khiển, còn bên ngoài, đốc công Dương Văn Mạnh hướng dẫn công nhân Algeria rửa sàn…

Chúng tôi lại trở về văn phòng. Kim đồng hồ sắp chỉ sang ngày hôm sau. Giàn trưởng Trịnh Văn Cường giục tôi đi ngủ để mai lại lên máy bay trở về sớm. Các anh cũng chia tay tôi luôn, bởi vì ngày mai, khi tôi rời giàn khoan trở về Hassi Messaout thì các anh đang trên giàn khoan, còn những người sắp hết ca này lại đang… ngủ, vậy là sẽ không có ai “đưa tiễn”.

***

Tôi đi một vòng quanh giàn khoan vào buổi đêm. Mặt trăng như một chiếc đĩa bạc đậu trên đỉnh giàn khoan. Và tôi thầm nghĩ, đúng là ở trên giàn khoan này những người thợ đã thành một cơ thể thống nhất. Họ chung nhau một hành động, một ý chí và một khát vọng: Tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc.

Ở sa mạc Sahara này là nơi thử thách sức chịu đựng của con người. Chỉ có sức mạnh của ý chí, của khát vọng mới giúp người lính dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đứng vững được trên cát và kiên nhẫn “bới cát” tìm dầu.

Nguyễn Như Phong (NLM số 242)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps