Chuỗi cung ứng từ chuyển dịch năng lượng mang lại hàng trăm tỷ USD

14:30 | 21/11/2023

147 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Yêu cầu về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo góp phần phát triển chuỗi cung ứng mới mang lại giá trị lớn và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi.

Tại hội chợ kết nối giao thương lớn được tổ chức gần đây, một số siêu thị lớn tại Mỹ khi đưa ra yêu cầu cho đơn đặt hàng mới đã bắt đầu quan tâm đến việc sử dụng năng lượng sạch trong sản xuất. Yêu cầu này được bắt nguồn từ chính đòi hỏi của người tiêu dùng tại các thị trường lớn. Thậm chí, tại một số quốc gia phát triển, đã có ứng dụng trên điện thoại di động cho phép người tiêu dùng kiểm tra thông tin về các nguồn năng lượng được sử dụng trong sản xuất trước khi quyết định mua hàng.

Năng lượng tái tạo đang trở thành yêu cầu bắt buộc trong sản xuất hàng hoá xuất khẩu theo đơn đặt hàng
Năng lượng tái tạo đang trở thành yêu cầu bắt buộc trong sản xuất hàng hoá xuất khẩu theo đơn đặt hàng

Về mặt pháp luật, yêu cầu năng lượng sạch hiện không có tính chất bắt buộc. Tuy nhiên, dưới góc độ thị trường, xu hướng tiêu dùng trên không thể nào tránh được. Nếu người tiêu dùng ngoảnh mặt với những mặt hàng được sản xuất bằng năng lượng không sạch thì sản phẩm, hàng hoá không thể xuất bán được.

Đánh giá về tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của Việt Nam, ông John Rockhold - Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) Việt Nam và AmCham Hà Nội nhận định, Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất điện từ năng lượng tái tạo sạch với giá cả hợp lý.

Năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực được rất nhiều doanh nghiệp đến từ châu Âu, Mỹ… quan tâm và mong muốn hợp tác đầu tư. Đặc biệt, sau khi Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu trung hòa carbon bằng 0 vào năm 2050.

Theo ông John Rockhold, doanh nghiệp và nhà đầu tư Mỹ đã mang các dự án điện và năng lượng chất lượng cao, công nghệ hiện đại, dịch vụ, phương thức kinh doanh tiên tiến tới Việt Nam như đầu tư sản xuất điện từ LNG hay điện than… Qua đó, Việt Nam có thể giảm ít nhất 46 triệu tấn khí thải, vượt xa cam kết giảm 9% khí thải vào năm 2030 của Việt Nam.

Ông John Rockhold nhận thấy, đây là cơ hội cho sự hợp tác phát triển bởi Việt Nam sẽ cần có hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ các nguồn bên ngoài cũng như các dự án phải mang tính thực tế và có khả năng sinh lợi để thu hút vốn để thực hiện mục tiêu trên. Quá trình chuyển dịch năng lượng sang hướng phát triển năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi của Việt Nam có tiềm năng mang lại hàng trăm tỷ USD từ việc phát triển kinh doanh chuỗi cung ứng mới cho ngành công nghiệp này. Chuỗi cung ứng này bao gồm các xưởng đóng tàu, đúc thép cho đến các nhà cung cấp dịch vụ cần thiết để hỗ trợ ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi.

Các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước có nhiều cơ hội tham gia chuỗi cung ứng năng lượng mới
Các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước có nhiều cơ hội tham gia chuỗi cung ứng năng lượng mới

Đại diện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, bà Trương Thị Chí Bình - Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết: với các ngành năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã bắt đầu tham gia sản xuất một số linh kiện cho một số khách hàng là doanh nghiệp lớn như đầu nối thiết bị điện trong xe điện hay khay đựng pin bằng nhựa, nhôm để cung cấp cho các đơn vị sản xuất xe điện trong nước và xuất khẩu sang Mỹ, Canada…

Ở khu vực thiết bị toàn bộ liên quan đến năng lượng, một số doanh nghiệp lớn trong ngành dầu khí đã có kinh nghiệm trong sản xuất thiết bị giàn khoan tự nâng và đang tham gia sản xuất một số thiết bị cho điện gió ngoài khơi. Ngoài ra, một số doanh nghiệp cơ khí trong nước đã sản xuất được tuabin cho quạt gió ngoài khơi và quạt gió đất liền. Những đơn hàng này tuy chưa lớn do không thể sản xuất hàng loạt nhưng doanh nghiệp đã phải đáp ứng những yêu cầu rất cao do khách hàng đặt ra, giá trị đơn hàng lớn tạo biên lợi nhuận tốt cho doanh nghiệp so với sản xuất thiết bị hàng loạt.

“Quy hoạch điện VIII mới đưa ra bức tranh tổng thể, để triển khai thực hiện còn nhiều kế hoạch chi tiết, chúng tôi hy vọng khi các doanh nghiệp Mỹ và các nước tham dự cuộc chơi này, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội hơn để tham gia chuỗi cung ứng. Với những kinh nghiệm sản xuất đã có, chúng tôi tin là sẽ có những doanh nghiệp lớn có thể sản xuất thiết bị toàn bộ hoặc những cụm linh kiện. Từ những doanh nghiệp dẫn dắt này, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực cơ khí chế tạo trong nước có thể được tham gia thị trường mới, chuỗi cung ứng mới với vai trò là nhà cung cấp” - bà Trương Thị Chí Bình cho biết thêm.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Nhu cầu năng lượng tăng: Thách thức và cơ hội của châu ÁNhu cầu năng lượng tăng: Thách thức và cơ hội của châu Á
Khi cường quốc dầu khí tham vọng với năng lượng tái tạoKhi cường quốc dầu khí tham vọng với năng lượng tái tạo
EXPO-RUSSIA VIETNAM 2023: Tăng cường xúc tiến thương mại Việt Nam - Liên bang NgaEXPO-RUSSIA VIETNAM 2023: Tăng cường xúc tiến thương mại Việt Nam - Liên bang Nga