Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Ngọc Long: Điện phải đi trước một bước

09:23 | 09/12/2014

2,023 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Samsung, Thái Nguyên đã vươn lên trở thành tỉnh dẫn đầu thu hút vốn FDI vào Việt Nam với 3,27 tỉ đồng. Phóng viên Báo Năng lượng Mới có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Ngọc Long về đề tài phát triển nguồn điện trên địa bàn miền núi.

Năng lượng Mới số 381

PV: Xin ông cho biết mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thái Nguyên như thế nào?

Ông Dương Ngọc Long: Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ 18 đề ra cho Thái Nguyên mục tiêu tăng trưởng kinh tế GDP phải đạt 12-13%, giá trị sản xuất công nghiệp, thu ngân sách và kim ngạch xuất khẩu phải tăng 20%, các lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân phải được đảm bảo... Và trong định hướng chung, Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2020 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020. Đây là mục tiêu rất lớn mà Đảng bộ Thái Nguyên đã xác định ngay từ đầu nhiệm kỳ.

PV: Để cụ thể hóa mục tiêu trên, Thái Nguyên đã có những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Dương Ngọc Long: Trong quá trình tổ chức, thực hiện Nghị quyết trên, Đảng bộ Thái Nguyên đã lựa chọn 3 khâu đột phá, trong đó vận dụng một cách sách sáng tạo 3 khâu đột phá chiến lược của Nghị quyết 11 Trung ương Đảng về phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, Thái Nguyên đã lựa chọn đột phá về công tác quy hoạch, đột phá về công tác hạ tầng và đột phá về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Hạ tầng thì có hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, hạ tầng về phát triển các lĩnh vực thương mại - dịch vụ. Khi triển khai, thực hiện, chúng tôi cũng quán triệt quan điểm 3 thân thiệt, thân thiện với doanh nghiệp, thân thiện với nhân dân và thân thiện với môi trường.

Ông Dương Ngọc Long - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên

PV: Xin ông cho biết, kết quả mà Thái Nguyên đã đạt được?

Ông Dương Ngọc Long: Có thể nói 3 khâu đột phá và 3 quan điểm phát triển của Thái Nguyên triển khai mấy năm qua được thực hiện rất là tốt.

Về hạ tầng giao thông, chúng tôi đã hoàn chỉnh đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và vừa qua, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quyết định đầu tư kéo dài thêm hơn 40km, từ Thái Nguyên lên Chợ Mới. Quốc lộ 3 cũ đang được cải thiện và cũng được nâng cấp lên 4 làn xe.

Còn hạ tầng về điện cũng rất được quan tâm. Hiện nay, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Thái Nguyên đều được đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về điện...

Đặc biệt, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thái Nguyên đang tăng rất cao. Năm 2011, PCI của Thái Nguyên đứng thứ 57/63 tỉnh, thành, điều này cho thấy cảm nhận của nhà đầu tư về môi trường đầu tư của Thái Nguyên là không có mấy thiện cảm. Nhưng sau 1 năm quyết tâm thực hiện, Thái Nguyên đã cải thiện được 40 bậc, đứng thứ 17/63 tỉnh, thành. Và năm 2013, mặc dù PCI Thái Nguyên tụt 8 bậc, xuống thứ 25/63 tỉnh thành nhưng vẫn nằm trong nhóm các tỉnh có môi trường đầu tư tốt.

Về chỉ số quản trị hành chính công (PAPI), năm 2013, Thái Nguyên xếp thứ 23/63 và là một trong những tỉnh được đánh giá rất cao.

PV: “Điện phải đi trước một bước” để tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội là định hướng, là mục tiêu xuyên suốt mà Đảng, Chính phủ đặt ra cho ngành điện. Vậy xin ông cho biết, câu chuyện năng lượng ở Thái Nguyên được thực hiện như thế nào?

Ông Dương Ngọc Long: Có thể nói, Thái Nguyên là một trong những địa phương phát triển công nghiệp từ rất sớm. Những năm 60 của thế kỷ trước, Đảng, Chính phủ đã quyết định đầu tư ở Thái Nguyên để xây dựng các khu công nghiệp nặng, trong đó đầu đàn là công nghiệp gang thép Thái Nguyên, các nhà máy cơ khí... Theo đó, để đáp ứng cho sự phát triển công nghiệp nặng, hạ tầng điện của Thái Nguyên đã được quan tâm đầu tư từ nhiều năm, đáp ứng về sản xuất cho các khu công nghiệp nặng như Khu Công nghiệp gang thép Thái Nguyên, Khu Công nghiệp Gò Bầm, Khu Công nghiệp Sông Công, Khu Công nghiệp Quang Sơn...

Và trong những năm vừa qua, dưới sự giúp đỡ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Điện lực Thái Nguyên đã tham mưu cho UBND tỉnh, Sở Công Thương để triển khai các dự án, chương trình và các quy hoạch cũng như kế hoạch phát triển nguồn điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên. Mặc dù cũng có những thời điểm chưa đáp ứng được yêu cầu về phát triển điện như cắt điện nhiều, mất điện... nhưng những sự cố, sự việc chủ yếu xảy ra trong quá trình quản lý. Còn về thực hiện, theo đánh giá của tỉnh về những kế hoạch, quy hoạch cũng như đáp ứng hạ tầng thì Điện lực Thái Nguyên đã đáp ứng được yêu cầu.

Đặc biệt trong giai đoạn gần đây, khi Thái Nguyên đón những nhà đầu tư lớn như Samsung, nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến. Mới đầu, khi Samsung quyết định đầu tư vào Thái Nguyên thì hạ tầng điện chưa đáp ứng ngay, kịp thời được nhưng trong cùng quá trình xây dựng nhà máy, cùng với quá trình hoàn thiện về hệ thống điện thì đến nay, Thái Nguyên đã đảm đầy đủ, với 2 nguồn điện độc lập cho Samsung. Đó là nguồn điện từ Sông Công qua đường dây 110kV Sóc Sơn - Sông Công được cải tạo, nâng cấp. Đường điện 220kV từ Hiệp Hòa - Phú Bình - Phổ Yên cũng được đầu tư và đã hoàn thành.

Đòi hỏi của Samsung và các nhà đầu tư lớn đặt ra như vậy rất là cao, mình phải đảm bảo 2 nguồn điện độc lập để đảm bảo sản xuất. Về nội dung này, chúng tôi đã triển khai các bước và đến nay đã cơ bản đáp ứng được nguồn điện cho Samsung cũng như các công ty vệ tinh của Samsung.

PV: Thái Nguyên đang có những bước phát triển mạnh mẽ, vậy định hướng của tỉnh trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Ông Dương Ngọc Long: Định hướng tới đây, Thái Nguyên vẫn tiếp tục thu hút các nhà đầu tư và hiện đã có nhiều nhà đầu tư cả trong lẫn ngoài nước đến thăm, tìm hiểu về môi trường đầu tư của Thái Nguyên. Chủ trương của tỉnh, về hạ tầng đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội phải được tiếp tục quan tâm một bước, trong đó đặc biệt là cho phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ thì không thể thiếu được và cũng không thể không đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu về điện cho các nhà đầu tư. Đây là nội dung mà chúng tôi đang rất quan tâm, Sở Công Thương cũng như ngành điện đang tích cực tham mưu, đề xuất UBND tỉnh.

Một góc Nhà máy Samsung Thái Nguyên

Chúng tôi đang tập trung vào quy hoạch những khu, cụm rất lớn như khu tổ hợp nông nghiệp - công nghiệp - thương mại, dịch vụ Yên Bình với diện tích hơn 8.000ha; Khu Công nghiệp Điền Thụy với diện tích 350ha; Khu Công nghiệp Sông Công 1, Sông Công 2 với diện tích gần 400ha...

Nhu cầu về điện cho Thái Nguyên là rất lớn và chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương cũng như Chính phủ quan tâm đầu tư hạ tầng về điện cho Thái nguyên để đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. Hiện nay, nhu cầu này đã thể hiện trên thực tế rồi chứ không phải là đầu tư để thành dự án treo, quy hoạch treo. Đây là đòi hỏi rất thực tế của Thái Nguyên mà chúng tôi phải có những nỗ lực rất là lớn để đảm bảo yêu cầu của nhà đầu tư.

PV: Một trong những vướng mắc của các dự án lưới điện là công tác giải phóng mặt bằng, vậy xin ông cho biết, để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành điện, Thái Nguyên đã giải quyết vấn đề này như thế nào?

Ông Dương Ngọc Long: Trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư nói chung và dự án điện nói riêng, Thái Nguyên xác định việc giải phóng mặt bằng là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Cho nên, trong thời gian vừa qua, chúng tôi chỉ đạo các địa phương cũng như các cơ quan giải phóng mặt bằng khẩn trương các thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tôi xin lấy ví dụ như khu đất 110ha của Samsung ở Thái Nguyên, chúng tôi chỉ giải phóng trong 57 ngày đêm và được nhân dân rất đồng tình, ủng hộ. Đến quá trình triển khai dự án đường điện 220kV và các đường điện 110kV, các trạm biến áp của Thái Nguyên, trách nhiệm chúng tôi cũng giao cho các địa phương như huyện Phổ Yên, Phú Bình và các địa phương trên địa bàn có trách nhiệm giải phóng mặt bằng để giúp dự án triển khai thuận lợi, xây dựng dự án đúng tiến độ.

PV: Bên cạnh những chính sách chung theo quy định của Nhà nước, Thái Nguyên có chính sách hỗ trợ gì riêng không, thưa ông?

Ông Dương Ngọc Long: Hiện nay, ngoài chính sách, chế độ chung thì do yêu cầu, đòi hỏi của các dự án, Thái Nguyên có những chính sách hỗ trợ thêm như người ta tự nguyện di dời nhà trước khi có đất tái định cư, trước khi xây dựng được nhà thì sẽ có cơ chế hỗ trợ xây nhà tạm cư để nhân dân bàn giao đất một cách nhanh nhất cho dự án. Chứ ta thực hiện đầy đủ quy trình, xây dựng xong nhà tái định cư, xây xong hạ tầng mới chuyển người dân đi thì sẽ mất thời gian. Chính nhờ cơ chế đặc thù này, thời gian qua, Thái Nguyên cơ bản đáp ứng yêu cầu rất là nhanh về giải phóng mặt bằng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án Tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên - giai đoạn 2 của nhà đầu tư Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (Hàn Quốc) vào ngày 17/11/2014, Thái Nguyên đã vươn lên trở thành tỉnh dẫn đầu thu hút vốn FDI vào Việt Nam với 3,27 tỉ USD. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút nhiều dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký cao nhất là 16 dự án và 3,21 tỉ USD vốn đăng ký và tăng thêm. Tiếp theo lần lượt là các dự án quy mô nhỏ trong lĩnh vực xây dựng; kinh doanh bất động sản; dịch vụ lưu trú và ăn uống; nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Các dự án FDI tại Thái Nguyên chủ yếu được đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài. Chỉ có 1 dự án đầu tư theo hình thức liên doanh.

Về đối tác đầu tư, có 4 quốc gia đầu tư vào Thái Nguyên trong 11 tháng đầu năm nay, lần lượt là Hàn Quốc, Pháp, Malaysia, Nhật Bản. Đối tác Hàn Quốc chiếm đa số với 17 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 3,24 tỉ USD.


Thanh Ngọc

 

  • el-2024