Chủ tịch Quốc hội: "Xã hội có yên tâm về GD được không?"

14:20 | 23/03/2013

1,150 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Tới đây, thực hiện Luật Giáo dục ĐH, sẽ không tổ chức việc đào tạo tiến sĩ theo kiểu vừa học, vừa làm nữa. Những người đi làm tiến sĩ sẽ tập trung thời gian làm nghiêm túc.

Xóa tình trạng “thừa tiến sĩ, thiếu nhà khoa học”

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước UBTVQH chiều 22/3, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: Bên cạnh những bất cập trong hoạt động đào tạo tại chức, thạc sĩ, tiến sĩ, cần điều chỉnh lại quy hoạch các trường đại học.

Đại biểu Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chất vấn: "Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ trong việc để hàng ngàn SV ra trường không tìm được việc làm? Chúng tôi cho rằng cần nhấn mạnh nguyên nhân là trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc hoạch định chính sách vĩ mô, xác định quy mô phát triển đại học cao đẳng gắn với nhu cầu của thị trường lao động".

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chủ trì buổi chất vấn của UB Thường vụ QH.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Luận cho biết: Ngành GD-ĐT là ngành cung ứng nhân lực, còn việc sử dụng nguồn nhân lực lại thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành khác. Bộ sẽ nhanh chóng điều chỉnh lại quy hoạch các trường ĐH, tính toán lại quy mô đào tạo theo hướng ưu tiên chất lượng, đồng thời tổ chức hệ thống thông tin cho xã hội biết ngành nào đang thiếu, ngành nào thừa.

Bên cạnh đó, ông Luận cũng thẳng thắn thừa nhận những bất cập trong hoạt động đào tạo tại chức, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, đồng thời khẳng định: Bộ đã ban hành văn bản để chấn chỉnh các hoạt động đào tạo này.

"Chúng tôi đã ban hành văn bản giảm đào tạo tại chức xuống còn 50%; giảm và tiến tới xóa bỏ việc đào tạo TCCN ở các trường ĐH. Chúng tôi cũng đã quyết định cấm đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở ngoài cơ sở chính của trường. Tới đây, thực hiện Luật Giáo dục ĐH, sẽ không tổ chức việc đào tạo tiến sĩ theo kiểu vừa học, vừa làm nữa. Những người đi làm tiến sĩ sẽ tập trung thời gian làm nghiêm túc để đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng có nhiều tiến sĩ mà không có nhà khoa học", ông Phạm Vũ Luận cho biết.

Chưa yên tâm về chất lượng giáo dục

Trong buổi chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - đại diện đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh hỏi đã đặt câu hỏi: “Hiện nay nước ta hội nhập quốc tế, đồng bào ở nước ngoài ngày một tăng, nhưng tình trạng mù chữ, không biết nói, không biết viết Tiếng Việt rất phổ biến và nghiêm trọng. Tình trạng này rất đáng lo lắng. Chúng ta thường nói rất hay là: Hội nhập văn hóa nhưng thực chất việc không biết tiếng Việt ngày một phổ biến. Bộ trưởng cho biết: Có chấm dứt được tình trạng này hay không? Đến mấy đời Bộ trưởng thì có thể làm được? Và làm bằng cách nào?”.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, về vấn đề viết, nói và hiểu tiếng Việt ở nước ngoài xin được trả lời như sau: Chúng ta đã có đề án dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, đề án này được thực hiện với quy mô số tiền là 50 tỷ, được triển khai trong vòng 5 năm, đến nay đã kết thúc. Trước hết xin đề nghị Chủ tịch Quốc hội quan tâm để triển khai đề án tiếp theo. 

Trong đề án đã có chương trình sách dạy cho giáo viên và sách cho học sinh được dạy trên sóng phát thanh, truyền hình VTV4 và sẽ triển khai trên mạng. Với một số nước ở gần Việt Nam như Thái Lan, Lào, Campuchia đã có biện pháp đưa giáo viên dạy tiếng Việt về Việt Nam để thăm đất nước, con người, tập huấn. Với các nước khác thì chưa triển khai được.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trả lời các vấn đề thẳng thắn và cầu thị.

Chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng hỏi: “Bộ trưởng hãy trả lời rõ: Bộ trưởng có quyết tâm làm cho đồng bào nước ngoài nói được tiếng Việt không?”.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, đề án dạy tiếng Việt cho học sinh nước ngoài còn phụ thuộc vào môi trường sống, chúng ta đã và sẽ tích cực bằng truyền thông đưa chương trình đến các cháu địa phương trên các nước. Tuy nhiên, để khẳng định các thế hệ thứ 3, thứ 4 người Việt ở nước ngoài biết Tiếng Việt thì rất khó. Bộ sẽ cố gắng có phương án dựa vào lực lượng người Việt ở nước ngoài để triển khai công việc này.

Về vấn đề chất lượng giáo dục, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi: “Hiện tại, đồng bào ta, nhân dân ta chưa yên tâm về chất lượng giáo dục đào tạo. Vậy từ nay đến hết năm 2016, hết nhiệm kỳ, Bộ trưởng hãy cho biết chất lượng giáo dục hàng năm có chuyển biến tích cực hơn không? Đồng bào ta và bản thân bộ trưởng có yên tâm hơn không? Chung quy lại, đến bao giờ chúng ta có nền một nền giáo dục yên tâm?”

Với câu hỏi này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: “Về vấn đề chuyển biến chất lượng trong giáo dục, ý thức được trách nhiệm của mình tôi xin hứa với Chủ tịch, hứa với Quốc hội sẽ mang hết trí tuệ, quyết tâm để cùng toàn ngành, toàn dân triển khai đổi mới căn bản và toàn diện trong ngành giáo dục đào tạo. Tôi hi vọng giáo dục đào tạo sẽ từng bước chuyển biến tích cực.

Về chất lượng giáo dục đại học không chờ có nghị quyết của Trung ương, những vấn đề gì đã rõ của Nghị quyết Trung ương 2, Nghị quyết Trung ương 4 đã từng bước triển khai và có chuyển biến. Về giáo dục phổ thông thì tích cực chuẩn bị chương trình mới sau năm 2015”. 

Vương Tâm 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.