Chống đuối nước trẻ em vẫn khó!
Khăn tang trắng xã
Theo thông tin từ chính quyền địa phương nơi 9 học sinh Trường THCS Nghĩa Hà chết đuối, ngày 15-4, do có tiết học buổi chiều lúc 15 giờ nên trước khi đến lớp, 9 học sinh này cùng với 2 học sinh gái nữa đã rủ nhau đi tắm sông Trà khúc đoạn thuộc thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà. Tuy nhiên, do bị sụt hố sâu dưới lòng sông nên 9 học sinh nam đuối nước.
2 nữ sinh do đứng gần bờ nên thoát nạn, vội vàng chạy đi kêu cứu. Nhưng khi người dân đến nơi thì cả 9 học sinh nam đều đã chìm dưới nước. Không còn em nào chới với, chấp chới trên mặt nước như trước đó để có thể hy vọng được cứu sống. Đến chiều ngày 15-4, thi thể của 9 học sinh được lực lượng cứu hộ vớt lên đưa về nhà an táng.
![]() |
Sông Trà Khúc, nơi 9 học sinh chết đuối |
Nỗi đau về 9 học sinh nam chết vì đuối nước chưa kịp lắng xuống thì chỉ sau đó một ngày, nỗi đau lại lặp lại khi hai cháu Võ Tùng Lâm (4 tuổi) và Võ Thị Linh Nhi (2 tuổi) là 2 anh em ruột ở thôn Trường Định, xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi cũng bị chết đuối. Điều đau buồn hơn là hai cháu bị chết đuối tại bể tự hoại của gia đình anh Nguyễn Tất Nam, cách nhà 2 cháu khoảng 400m. Theo dự đoán, do bố mẹ đều đi làm thuê, để 2 cháu ở nhà tự trông nhau. Tha thẩn ra chơi chỗ công trình xây dựng nhà anh Nam nên 2 cháu đã ngã xuống bể tự hoại đang chứa nước để kiểm tra chất lượng. Trong khi lại không có thợ xây dựng nào ở đây, nên cả hai cháu đều đã tử vong vì không biết bơi và còn nhỏ.
Cũng cùng ngày, tại huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi, cháu Trần Văn Minh (17 tuổi) bị chết đuối khi tắm tại suối ở xã Ba Động. Người dân ở đây sau khi lặn xuống suối đã vớt được xác cháu lên.
Như vậy là chỉ trong 2 ngày, 15 và 16-4, 12 cháu đã tử vong vì đuối nước. Chưa kể trước đó, cuối tháng 3, 2 em Trần Văn Trí và Trần Duy Khánh, cùng học lớp 10/7 Trường THPT Nguyễn Văn Cừ rủ nhau đi chơi suối đoạn cầu Rù Rì, giáp ranh xã Bình Quý, huyện Thăng Bình và xã Phú Thọ, huyện Quế Sơn, Quảng Nam đã tử vong do trượt vào vùng hố sâu ở suối. Thực ra trong quá trình tắm suối, Trí là người bị trượt trước, sau đó để cứu bạn Khánh đã nhảy theo nhưng do dòng nước chảy quá mạnh nên đã nhấn chìm cả hai em.
Không chỉ chết ở những nơi có sông ngòi tự nhiên mà ngay cả bể bơi, nơi được chủ động xây dựng phòng ngừa chết đuối như chiều sâu của bể có cả chỗ dành cho người không biết bơi cũng đã xảy ra những cái chết thương tâm.
Đó là trường hợp 2 bà cháu năm ngoái đi nghỉ ở thành phố Quy Nhơn, Bình Định đã chết ở bể bơi của khách sạn 4 sao Hoàng Gia. Sự việc được phát hiện vào chiều ngày 20-7-2015, nhân viên khách sạn Hoàng Gia hoảng hốt nhìn thấy thi thể 2 bà cháu nổi trên mặt bể. Sau khi nhận dạng, họ đã xác định đó là bà Phạm Hồng Vân (54 tuổi) và cháu Vũ Hoàn Đông (14 tuổi) ở Hà Nội đều là khách lưu trú của khách sạn.
Qua điều tra xác minh, cơ quan Công an tỉnh Bình Định đã kết luận nhiều khả năng trong quá trình bơi tại bể chiều ngày 19-7-2015, Đông hẫng chân đuối nước ở khu vực độ sâu 1,8m của bể. Bà Vân tìm cách cứu cháu nhưng bất thành dẫn đến kiệt sức, chết đuối theo. Đến sáng hôm sau thì thi thể hai bà cháu nổi trên mặt nước.
“Chống đuối nước” trên giấy?
Có thể nói, tình trạng đuối nước ở trẻ em ngày càng nhiều hơn dẫn đến tỷ lệ tử vong cao. Theo thống kê của Bộ Y tế và tổ chức UNICEF, hằng năm Việt Nam có khoảng 7.000 trẻ tử vong, trong đó trên 3.500 em chết do đuối nước, chiếm tỷ lệ 50%. Mặc dù đã giảm so với năm 2010 nhưng tỷ lệ tử vong do đuối nước ở nước ta vẫn còn cao, thậm chí so với các nước phát triển thì cao gấp 8-10 lần. Trong đó các tỉnh có trẻ tử vong cao nhất vì đuối nước là Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội. Sau đó mới đến khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long…
Theo một nghiên cứu của Trường ĐH Y tế Công cộng, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ 0-18 tuổi. Trong đó trẻ 0-4 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đến là nhóm 5-9 tuổi, bé trai có nguy cơ cao gấp 1,4 lần bé gái.
Để phòng tránh tai nạn đuối nước, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã chỉ đạo triển khai công tác phòng chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong các trường tiểu học giai đoạn 2010-2015. Thế nhưng đã 5 năm trôi qua, chỉ đạo này dường như chỉ là… trên giấy.
Bởi thực tế là tính đến nay, ngay ở Hà Nội, chưa có trường tiểu học nào dạy học sinh… bơi kể cả ngoại khóa, ngoại trừ một số trường dân lập, quốc tế.
Nguyên nhân được các trường giải thích là không có kinh phí, cũng như không có bể bơi.
Chung mối lo trên, bà Nguyễn Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường tiểu học Cổ Nhuế A (Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ với báo giới: “Quy định dạy học môn bơi lội cho học sinh ở trường tiểu học là cần thiết. Tôi đọc báo thấy số vụ tai nạn đuối nước ở trẻ cao quá, nhiều vụ rất thương tâm. Học bơi là để các em tự bảo vệ mình. Nhưng để thực hiện được điều này quản thực là rất khó. Do hầu hết các trường tiểu học hiện nay đều không có bể bơi, quỹ đất thì hạn chế, trong khi một bể bơi đạt chuẩn cần phải có diện tích và đầu tư kinh phí cũng khá lớn. Điều này vượt quá khả năng của nhiều trường”.
Về vấn đề này, bà Trần Thị Thắm, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, theo phản ánh của đại diện các trường thì khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề kinh phí, để xây dựng một bể bơi đạt chuẩn phải tốn kém rất nhiều mà trường phải tự bỏ ra. Thêm vào đó, quỹ đất của nhiều trường hiện nay là rất hạn chế, không có đất để xây bể bơi. Rồi vấn đề giáo viên dạy bơi bị thiếu cũng là khó khăn lớn… Cho nên nhiều trường chưa thực hiện được.
Tuy nhiên, để xã hội hóa công trình bể bơi xây dựng trong nhà trường cũng là một vấn đề nan giải mà không dễ dàng thực hiện. Bởi đã có những cơ quan, đơn vị muốn thực hiện điều này nhưng do cơ chế về xã hội hóa lĩnh vực này chưa có một cách cụ thể nên không thể thực hiện được.
Bơi lội - chừng nào chưa đưa vào chương trình học tập của học sinh phổ thông thì chừng đó nguy cơ chết vì đuối nước vẫn rình rập các em, nhất là trong hoàn cảnh phụ huynh hoặc là chưa ý thức hết về hậu quả này hoặc không có đủ điều kiện cho con em mình học tập mà chỉ thích thì học không thì thôi.
NHỮNG BƯỚC CỨU TRẺ KHI BỊ ĐUỐI NƯỚC: Bước 1: Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước bằng mọi cách. Bước 2: Đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí. Bước 3: Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem trẻ còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không, từ đó có những biện pháp sơ cứu cần thiết như hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực… Bước 4: Sau khi nạn nhân tỉnh lại sẽ nôn ra nhiều nước nên cần đặt nạn nhân ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để phòng tránh trẻ bị ngạt thở trở lại. Bước 5: Kiểm tra xem nạn nhân có bị gãy cột sống hoặc các chấn thương về xương khớp nào hay không. Nếu có, nhanh chóng cố định cổ bằng nẹp. Bước 6: Lau khô người, thay quần áo và ủ ấm trẻ sau đó nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ xử lý các bước tiếp theo. Trên đường đi người nhà cần chú ý theo dõi hô hấp, tuần hoàn của trẻ. |
Xuân Bách
Năng lượng Mới 516
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Thủ tướng: "Ai làm tốt thì giao việc"
-
Thủ tướng: 3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm
-
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị P4G Việt Nam 2025