Cho thuê giấy phép hành nghề - bác sĩ tiếp tay cho điều ác!

18:20 | 09/09/2013

2,386 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Việc các phòng khám Trung Quốc hoành hành, thực hiện chữa bệnh vượt quá chuyên môn cho phép, “lừa tiền” của bệnh nhân không phải là chuyện lạ. Điều đáng nói là đằng sau hầu hết các vụ việc đó là sự vô trách nhiệm của các bác sĩ trong nước đã cho thuê mướn bằng cấp và mặc cho người khác dùng danh nghĩa của mình thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Cuối tháng 8 vừa qua, Thanh tra Sở Y tế TP HCM phối hợp cùng các lực lượng liên quan tiến hành kiểm tra phòng khám Apollo số 228 – 228A Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP HCM và phát hiện nhiều người Trung Quốc hành nghề trái phép tại đây. Tuy nhiên, điều đặc biệt là phòng khám có đến 7 – 8 bác sĩ người Việt đứng tên phụ trách chuyên môn trên nhiều lĩnh vực hoạt động của phòng khám nhưng tại thời điểm thanh tra không có mặt một bác sĩ nào người Việt thực hiện công tác khám chữa bệnh tại đây, toàn bộ hoạt động đều do những nhân sự người Trung Quốc điều hành.

Thực ra, đây không phải là chuyện lạ mà cũng chỉ là “bổn cũ soạn lại”. Các vụ kiểm tra phòng khám có yếu tố nước ngoài trên địa bàn TP HCM trước đây đều cho thấy họ dùng một chiêu bài là: bác sĩ người Việt đứng tên trên danh nghĩa, được trả tiền thuê chứng chỉ hành nghề hằng tháng, ngoài ra không biết gì về hoạt động của phòng khám  đối tượng thuê bằng tự do tổ chức việc kinh doanh.

Một phòng khám y học cổ truyền Trung Quốc bị phát hiện sai phạm.

Rất nhiều phòng khám đã bị phát hiện sử dụng chiêu bài này. Cụ thể như: Tháng 6/2012, Thanh tra Sở Y tế TP HCM kiểm tra tại Phòng chẩn trị Y học cổ truyền Đông Phương, 762 Cách Mạng Tháng Tám, phường 5, quận Tân Bình. Phòng khám do lương y Phan Xưng đứng tên trên giấy phép hành nghề. Trên thực tế, lương y này chỉ đứng tên còn hoàn toàn không biết gì về hoạt động của phòng khám. Thậm chí, ông biết phòng khám có bác sĩ nào đang hành nghề, có chuyên môn ra sao, máy móc, thuốc men sử dụng như thế nào… Toàn bộ mọi hoạt động tổ chức, đầu tư khám chữa bệnh đều giao cho người Trung Quốc “thuê bằng” tự do điều hành.

Núp trên danh nghĩa là các phòng khám Việt, nhiều phòng khám Trung Quốc đã không ngần ngại “moi tiền” bệnh nhân để thu những khoản lợi khủng bằng các chiêu quảng cáo, câu khách. Họ sử dụng các loại máy móc chữa bệnh nhập lậu mà ngay đến các bác sĩ, những nhà quản lý trong ngành y cũng không biết là máy gì, các phương pháp chữa bệnh cũng “bí truyền” không ai biết. Phòng khám còn sử dụng các loại thuốc nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc không được phép lưu hành trên thị trường, quá hạn sử dụng… Mỗi lần khám, mua thuốc bệnh nhân phải chịu chi phí “cắt cổ”.

Hậu quả là không ít bệnh nhân bởi sự thiếu hiểu biết, quá tin vào những lời quảng cáo của các phòng khám này phải lâm vào tình cảnh “tiền mất tật mang”. Rất nhiều bệnh nhân tốn chi phí hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để rồi bệnh nhẹ thành nặng, hoặc may mắn có hết bệnh cũng phải chịu chi phí gấp nhiều lần so với điều trị tại các bệnh viện. Đơn cử, Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM từng tiếp nhận cấp cứu cho bệnh nhân nữ, 28 tuổi, ngụ ở Bình Phước bị biến chứng khi thực hiện phẫu thuật cắt trĩ tại phòng khám Huê Hạ, số 8B Lý Thường Kiệt, quận 5. Bởi tin vào lời quảng cáo trị dứt điểm, không đau, phẫu thuật nhanh và về luôn trong ngày mà bệnh nhân đã tốn hơn chục triệu đồng cho ca phẫu thuật cắt trĩ đơn giản và kết quả là bị biến chứng “suýt” mất mạng.

Bệnh nhân bị biến chứng sau khi phẫu thuật tại phòng khám Trung Quốc phải chuyển qua Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu

Tuy nhiên, bên cạnh việc trách người cũng phải xét đến ta. Sở dĩ các phòng khám Trung Quốc có thể thực hiện khám chữa bệnh “chui” là có sự “tiếp tay” của một số bác sĩ người Việt thiếu y đức đã coi nhẹ sức khỏe và tính mạng của người bệnh, cho thuê bằng cấp để người khác dựa vào đó “lừa đảo” người dân trong nước.

Mặc dù tình trạng cho thuê bằng hành nghề y đã bị phát hiện từ rất lâu, nhưng hiện nay nó vẫn tồn tại khá phổ biến. Có lẽ bởi việc cho thuê bằng quá dễ dàng, thu lợi cao mà khi bị phát hiện thì mức xử phạt lại quá nhẹ.

Hiện nay, mức xử phạt hành chính đối với hành vi cho người khác thuê, mượn chứng chỉ hành nghề theo điều 5, khoản 4, điểm d của Nghị định 96/2011/NĐ-CP chỉ từ 10 – 15 triệu đồng và có áp dụng hình thức bổ sung là tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề từ 6 – 12 tháng. Nhìn vào mức xử phạt này có thể thấy là quá nhẹ vì thực tế tiền phạt này chưa bằng tiền một tháng mà các bác sĩ cho thuê bằng nhận được.

Thiết nghĩ việc cho thuê bằng trong nghề y là sai phạm nghiêm trọng bởi không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là sự tiếp tay cho điều ác, gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người dân. Do đó, cần có những biện pháp chế tài nghiêm khắc hơn với hành vi này, để tăng tính răn đe, phòng ngừa; thậm chí việc tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề vĩnh viễn đối với những bác sĩ có hành vi cho thuê bằng cũng là một biện pháp cần xét đến.

Mai Phương