Chợ bỏ không, đường đông thành... chợ 1

07:00 | 25/12/2012

1,326 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trong những năm gần đây, nhà nước đã bỏ ra hàng tỉ đồng xây mới, cải tạo các chợ truyền thống nhằm tạo thuận lợi cho việc mua sắm của người dân. Song khi những khu chợ hiện đại đi vào hoạt động, người ta lại thấy ở đó một sự hoang vắng đến tàn tạ.

Chợ bỏ không

Được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2003, nhưng từ đó đến nay tại chợ Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội ngày càng vắng dần các hộ kinh doanh. Đây được coi là bài học về sự lãng phí đầu tư xây dựng chợ của Hà Nội.

Mặt tiền chợ Thượng Đình thưa thớt.

Chợ Thượng Đình được xây dựng với kinh phí khoảng 10 tỷ đồng, có tổng diện tích trên 7.000m2. Khi chợ mới đưa vào sử dụng đã có hơn 200 hộ xin đăng ký kinh doanh.

Nhưng cho đến thời điển này chỉ còn trên chục hộ kinh doanh. Nhiều hộ  kinh doanh trụ lại đã chọn mặt tiền (địa điểm thuận lợi của chợ) để buôn bán, nhưng hoạt động kinh doanh tại đây lúc nào cũng trong tình trạng vắng khách...

Nhiều người cho rằng chợ Thượng Đình được xây rất to, rộng, ở vị trí khá đắc địa trên đường Nguyễn Trãi, gần khu vực đông dân cư..., nhưng lối ra vào chợ lại không thuận tiện. Nhiều khi để vào chợ mua bán người dân chỉ còn cách đi ngược chiều trên đường Nguyễn Trãi.

Chợ đã xây dựng xong từ lâu, nhưng vẫn “cửa đóng then cài”.

Tầng 2 của chợ trong tình cảnh hoang tàng, bỏ trống.

Được xây mới 3 tầng từ một khu đất người dân họp chợ, nhưng từ khi đi vào hoạt động đến nay, 2 tầng trên của chợ vẫn không có ai buôn bán, tầng 2 tuyệt đối trống không. Tầng 3 trước được tận dụng để cho thuê phòng tập thể dục, nhưng nay thì không có người thuê.

Hiện tầng 1 chỉ có gần chục quầy hàng, nhưng hầu như đều nhem nhuốc, cũ kỹ vì toàn là hàng tồn, ế ẩm không có khách mua.

Tầng 1 chỉ được sử dụng một phần gần mặt tiền của chợ, phần còn lại được dùng để giữ xe ngày đêm cho người dân xung quanh và các văn phòng, cơ quan. Hiện tầng 1 chỉ có gần chục quầy hàng, nhưng hầu như đều nhem nhuốc, cũ kỹ vì toàn là hàng tồn, ế ẩm không có khách mua.

Các ki ốt bán hàng tầng 1 trở thành kho...

...thành nơi để rác, nhem nhuốc, mất vệ sinh.

Các quầy hàng ở cổng chợ thỉnh thoảng mới có người đến mua bán, còn quầy hàng  trong chợ chẳng có khách. Chủ các quầy hàng, người thì ngủ gật, người tụm lại buôn chuyện... cho hết ngày.

Bác Nguyễn Thị Vinh, 65 tuổi cũng là một trong những người đầu tiên buôn bán ở chợ. Bác buồn rầu cho biết: "Trước đây cũng có một số buôn bán trong chợ, nhưng sau có một vài người bỏ ra đường, ra ngõ, rồi chợ cóc bán, thấy chạy hàng, bán được nên họ theo nhau ra hết. Tôi thấy cảnh chợ ế ẩm, không hiểu tại sao trước đây người dân tự động họp chợ, bán như chợ làng thì đông đúc, nay xây lại khang trang hơn thì lại vắng teo?".

Trên địa bàn thủ đô, nhiều chợ hiện đại khác cũng rơi đang vào tình trạng tương tự như Cửa Nam, Ô Chợ Dừa, Hàng Da, Phú Diễn, Yên Phụ...

Đường đông thành chợ

Trái ngược với cảnh vắng vẻ của một số chợ mới là sự tấp nập và hút khách của những khu chợ cóc, chợ tạm mọc lên quanh đó. Điển hình như chợ cóc Chính Kinh (nằm liền kề với chợ Thượng Đình), ban đầu chỉ vài người bán, nhưng trong những năm gần đây đã tấp nập.

Tấp nập mua, bán tại chợ cóc Chính Kinh gần sát với khu vực chợ Thượng Đình. 

Trên thực tế, sự vắng vẻ người mua, bán của các khu chợ hiện đại mới xây dựng không chỉ ảnh hưởng đến việc giao thương của người dân, mà nó còn gây sự lãng phí lớn. Đồng thời sự xuất hiện của những khu chợ cóc, chợ tạm ven đường còn ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh, trật tự khu vực. 

Theo những người dân ở đây cho hay, họ đã từng nhiều lần chứng kiến cảnh chửi bới, xô xát giữa các chủ hàng với nhau. Những hình ảnh này diễn ra hàng ngày đang làm mất mỹ quan đô thị và là những nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Không hiểu các cơ quan chức năng sẽ có điều chỉnh gì khi mà chợ vỉa hè vẫn họp, trong khi các chợ mới được đầu tư xây dựng lại bỏ không.

Tại Ngã Tư Sở khi vỉa hè hết chỗ thì kẻ mua, người bán tràn xuống lòng đường chiếm dụng lối đi để mua bán.

Vào giờ cao điểm ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra.

Đến buôn bán ngay cả trên cầu vượt.

Chiếm giữ giải phân cách, một phần lòng đường chân cầu vượt để làm bãi giữ xe.

Lấn chiếm cả làn đường dành riêng cho xe buýt.

Người dân, học sinh – sinh viên phải xuống đường đứng đợi xe.

 

Nguyễn Hoan

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc