"Chính sách gì hỗ trợ để người lao động gặp khó khăn không phải rút BHXH?"

21:25 | 04/07/2023

108 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, duy trì chính sách cho rút BHXH một lần sẽ chỉ giúp người lao động giải quyết khó khăn trước mắt nhưng lâu dài sẽ gây hậu quả rất lớn về an sinh xã hội.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 4/7, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã đề cập đến nhiều nội dung "nóng" từng được đưa ra tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội liên quan đến tình hình lao động việc làm, rút bảo hiểm xã hội một lần.

Tán thành báo cáo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, các nội dung về tình hình tăng trưởng kinh tế và nhiều lĩnh vực khác đã tạo điều kiện tốt cho công tác an sinh xã hội, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Chính sách gì hỗ trợ để người lao động gặp khó khăn không phải rút BHXH? - 1
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 4/7.

Về tình hình thị trường lao động - việc làm, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH khái quát, quy mô lao động của Việt Nam vẫn duy trì ở mức 52,2 triệu người. Các chỉ số về lực lượng lao động, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động có việc làm, thu nhập của người lao động cơ bản ổn định.

Các chính sách an sinh xã hội và bảo trợ xã hội thời gian qua đã được triển khai tương đối kịp thời. Đặc biệt là trong thiên tai, lũ bão, sạt lở, các chính sách hỗ trợ kịp thời giúp người dân khắc phục hậu quả.

Tỷ lệ thất nghiệp hiện nay là 2,27%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (2,39%). Bình quân 6 tháng đầu năm, Việt Nam duy trì tỷ lệ thất nghiệp vượt ngưỡng mong đợi.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ ra rằng, tỷ lệ lao động và việc làm trong quý vừa qua vẫn tồn tại trình trạng thiếu việc làm (2,06%). So với quý I, tình trạng cắt giảm đơn hàng dẫn đến thiếu việc làm diễn ra trong quý II cao hơn.

"Có trên 500.000 người thiếu việc làm, bị cắt giảm giờ làm. Trong đó, số bị cắt giảm việc làm dẫn đến thất nghiệp là 172.000 người, chủ yếu rơi vào khu vực FDI và khu vực Đông Nam Bộ", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Trong bối cảnh đó, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đưa ra 4 vấn đề các bộ, ngành và địa phương cần quan tâm.

Thứ nhất, tập trung triển khai tốt các chính sách ổn định thị trường lao động, tạo công ăn việc làm, đảm bảo an ninh trật tự, an ninh con người, an sinh và an dân.

"Trong tháng 7, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tập trung triển khai các chính sách liên quan đến tiền lương, doanh nghiệp, bảo trợ người nghỉ hưu, người có công… rất mong các địa phương quan tâm thực hiện các chính sách trên theo những tiêu chí chung", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Tập trung sửa đổi Nghị định số 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam là vấn đề thứ 2 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề cập.

Đối với vấn đề này, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cho biết, Bộ đang lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương. Sau khi Bộ Tư pháp thẩm định sẽ trình trong tháng 7 theo kế hoạch đã báo cáo Thủ tướng và lời hứa với các nhà đầu tư.

Chính sách gì hỗ trợ để người lao động gặp khó khăn không phải rút BHXH? - 2
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nếu tiếp tục duy trì chính sách cho rút BHXH một lần, chỉ mới giải quyết được vấn đề trước mắt, lâu dài sẽ gây hậu quả rất lớn về vấn đề an sinh xã hội.

Liên quan đến việc sửa Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, BHXH một lần chính là vấn đề phức tạp và khó khăn nhất bởi liên quan đến hàng chục triệu lao động.

Nếu tiếp tục duy trì Nghị quyết 93 cho rút BHXH một lần có thể giải quyết được vấn đề khó khăn trước mắt cho người lao động nhưng lâu dài để lại hậu quả rất lớn về an sinh xã hội.

"Không nên chỉ tập trung vận động, kêu gọi người lao động đừng rút bảo hiểm xã hội một lần mà cần cung cấp thông tin đa chiều để mỗi người hiểu rút bảo hiểm lợi trước mắt nhưng hại về lâu dài.

Và điểm quan trọng nữa, cần có chính sách kịp thời, thông thoáng hơn trong việc hỗ trợ người lao động gặp khó khăn, giúp họ tháo gỡ được, vượt qua được thời điểm khó khăn trước mắt đó, để không phải nghĩ đến việc rút bảo hiểm. Bộ LĐ-TB&XH đang thảo luận với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan để đưa ra những chính sách với mục tiêu như vậy", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu.

Trước khi kết thúc phần phát biểu, tư lệnh ngành LĐ-TB&XH đề nghị các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị và tổ chức kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ ấn tượng, hiệu quả và đảm bảo chất lượng.

Hiện, Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra 2 phương án và đang trình Chính phủ, Quốc hội về rút BHXH 1 lần. Phương án một là giữ nguyên quy định hiện hành, tức lao động tham gia dưới 20 năm BHXH và sau một năm nghỉ việc không tiếp tục đóng BHXH tự nguyện thì được rút một lần. Lao động được rút toàn bộ quá trình đóng nếu có nhu cầu, song về lâu dài sẽ chịu thiệt khi không được hưởng lương hưu.

Phương án hai là cho lao động rút một lần song tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để sau này lao động đủ tuổi nghỉ hưu được hưởng chế độ BHXH.

Theo Dân trí

Trốn đóng BHXH: Trăm dâu đổ đầu… công nhânTrốn đóng BHXH: Trăm dâu đổ đầu… công nhân
Chưa đóng đủ BHXH, người lao động hưởng chế độ thế nào?Chưa đóng đủ BHXH, người lao động hưởng chế độ thế nào?