'Chiêu độc' trị Thổ Nhĩ Kỳ

09:38 | 03/12/2015

14,232 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sự trừng phạt sâu cay và hiệu quả nhất mà Nga có thể dành cho Thổ Nhĩ Kỳ sau sự cố Su-24 chính là ủng hộ người Kurd ở Syria - những người chia sẻ một nhà nước tự xưng riêng của họ với người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ - “nỗi ngứa ngáy khó chịu nhất” của Ankara từ trước đến nay.
chieu doc tri tho nhi ky
Nga không tha thứ tội ác bắn rơi Su-24 của Thổ Nhĩ Kỳ 

Có thể liệt kê ở đây rất nhiều biện pháp trừng phạt và động thái mang tính trả đũa của Moskva đối với Ankara sau vụ cường kích Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi ngày 24 - 11 ở gần biên giới Syria.

Theo sắc lệnh trừng phạt kinh tế mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ngày 28 - 11, Nga sẽ cấm cửa các chuyến bay đến Thổ Nhĩ Kỳ và hạn chế nhập khẩu một số mặt hàng từ nước này, chủ yếu vào nông phẩm, bao gồm rau và hoa quả, theo danh sách do Chính phủ Liên bang Nga quy định.

Sắc lệnh trên cũng quy định chấm dứt chế độ miễn thị thực với Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 1-1-2016, yêu cầu các công ty lữ hành và đại lý du lịch ngừng thực hiện các sản phẩm du lịch đưa công dân Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ Liên bang Nga cũng được lệnh thông qua các biện pháp để cấm các chuyến bay thuê giữa Liên bang Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, Nga đã đình chỉ các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” và công trình kiến thiết nhà máy điện hạt nhân Akkuyu. Hơn 40 trường đại học của Nga cũng đơn phương đình chỉ, hoặc chấm dứt hợp tác với với các tổ chức giáo dục của Thổ Nhĩ Kỳ. Các câu lạc bộ bóng đá Nga cũng được lệnh cấm mua cầu thủ Thổ Nhĩ Kỳ…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thuộc tổ chức nghiên cứu Capital Economics (Anh), mức thiệt hại tối đa của Thổ Nhĩ Kỳ vì lệnh trừng phạt của Nga trong năm 2016 cũng chỉ khoảng 4 - 4,5 tỉ USD, không quá 0,5% GDP của nước này. Nhưng Ankara có thể được bù đắp cho khoản thiếu hụt này bằng khoản hỗ trợ tài chính theo như cam kết gần đây của Liên minh châu Âu (EU) là 3 tỉ Euro, để đổi lấy việc tham gia giải quyết khủng hoảng di cư.

Các mặt hàng nông sản Thổ Nhĩ Kỳ xuất khẩu sang Nga năm 2014 trị giá 1,2 tỉ USD, chỉ chiếm 0,15% GDP của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi 1/4 tổng lượng thực phẩm nhập khẩu của Nga có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ. Việc cấm nhập khẩu thực phẩm Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tạo ra những khó khăn nhất định với Nga vì tìm nguồn cung ứng từ các nơi khác sẽ đắt hơn, đặc biệt trong bối cảnh lệnh cấm nhập nông sản từ EU, Mỹ, Canada, Australia… vẫn có hiệu lực.

Các biện pháp hạn chế công dân Thổ Nhĩ Kỳ đến Nga làm việc cũng không có tác dụng. Theo Ngân hàng Trung ương Nga, số tiền gần 90.000 người Thổ Nhĩ Kỳ làm việc ở Nga chuyển về nước chỉ là 167 triệu USD, chiếm 0,1% GDP nước này.

Mặc dù nguồn khách Nga là rất quan trọng với ngành công nghiệp du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng các dữ liệu chính thức cho thấy người Nga chỉ chiếm 12% lượng du khách đến Thổ Nhĩ Kỳ. Theo tính toán của nhà kinh tế William Jackson, thuộc Capital Economics, giả sử không có du khách Nga nào đến Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2016 thì kinh tế của Ankara cũng sẽ chỉ thiệt hại 3 tỉ USD, chiếm gần 0,4% GDP.

Mặt khác, nếu biện pháp tẩy chay du lịch này kéo dài thì không chỉ ngành du lịch Thổ Nhĩ Kỳ thiệt hại mà cả các công ty du lịch Nga cũng tổn thất đáng kể. Bởi các công ty du lịch Nga luôn nhận được tiền phí béo bở từ chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho mỗi chuyến bay chở đầy du khách Nga đến nước này.

Như vậy, có thể thấy, những biện pháp trừng phạt kinh tế của Nga đối với Thổ Nhĩ Kỳ để trả đũa sự cố Su-24 dù rất mạnh mẽ, nhưng lại khó lòng đạt được mục đích làm cho kinh tế Ankara cảm nhận tối đa tác động của lệnh trừng phạt, còn Moskva thì chỉ chịu thiệt hại ở mức tối thiểu.

chieu doc tri tho nhi ky
Lực lượng dân quân người Kurd ở Syria trên đường đi tiếp quản thị trấn Tel Abyad, Raqqa Syria

Trong khi đó, sự trừng phạt sâu cay và hiệu quả nhất mà Nga có thể dành cho Thổ Nhĩ Kỳ sau sự cố Su-24 chính là ủng hộ người Kurd ở Syria - những người chia sẻ một nhà nước tự xưng riêng của họ với người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ - “nỗi ngứa ngáy khó chịu nhất” của Ankara và là “cơn ác mộng”, điểm yếu nhất của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.

Dân quân người Kurd (YPG) đang là một trong những lực lượng quân sự cơ bản đang chiến đấu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria. Những lực lượng này là một phần của cánh quân sự trong Đảng Liên minh Dân chủ - rất gần gũi với Đảng Công nhân người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ (PKK) - lực lượng đã xung đột với chính quyền Ankara hàng chục năm qua.

Thậm chí lực lượng người Kurd ở Syria còn nhiều lần tố cáo Ankara đang lợi dụng cuộc chiến chống IS để nã pháo các vị trí do lực lượng này kiểm soát. Những rạn nứt trong thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên từ năm 2013 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu tạm dừng và ngày càng có nguy cơ xung đột cao hơn.

Cần phải nói thêm rằng, cả Mỹ và Nga đang khai thác “tử huyệt” này của Thổ Nhĩ Kỳ.

Hồi tháng 10 vừa qua, Mỹ đã hỗ trợ người Kurd tấn công IS ở Raqqa, Syria. Sau khi chiếm được thị trấn Tel Abyad, Washington lại ủng hộ sáp nhập thị trấn này vào khu vực tự trị người Kurd. Quyết định của Mỹ đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ rất tức giận. Ankara thậm chí còn gọi việc Mỹ hỗ trợ cho dân quân người Kurd chẳng khác gì tiếp tay cho khủng bố và việc sáp nhập Tel Abyad vào khu tự trị người Kurd là một “mối đe dọa cho an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ”.

Mâu thuẫn giữa “tam giác” Thổ Nhĩ Kỳ - người Kurd - Mỹ hiện tại nằm ở chỗ: Thổ Nhĩ Kỳ dội bom người Kurd - một thành viên của liên minh chống IS, trong khi người Kurd được Mỹ hỗ trợ.

Còn Nga từ lâu đã có mối quan hệ lịch sử ấm áp với người Kurd. Moskva cũng luôn coi YPG là lực lượng chiến binh ôn hòa và ủng hộ các chiến dịch đánh IScủa tổ chức bán quân sự này. Đảng Liên minh Dân chủ của người Kurd cũng lên tiếng ủng hộ chiến dịch quân sự của Nga tại Syria.

Trong bối cảnh những căng thẳng giữa Moskva và Ankara đang ngày càng gia tăng thì việc chính quyền Tổng thống Putin hỗ trợ người Kurd theo cách cung cấp vũ khí cho lực lượng YPG, công nhận Nhà nước của họ, có thể là một phản ứng phù hợp của Nga để trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ sau sự cố Su-24. Việc này cũng sẽ làm suy yếu vị thế, lập trường của ông Erdogan ở cả Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

chieu doc tri tho nhi ky

Vì sao Tổng thống Thổ không nên “mạnh mồm” nói từ chức?

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan dường như đã quá “mạnh mồm” khi tuyên bố sẵn sàng từ chức nếu có ai đó chứng minh được rằng Ankara mua dầu từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

chieu doc tri tho nhi ky

Vì sao Thổ bị quy kết “đồng lõa với khủng bố”?

Vì sao Tổng thống Nga Putin lại mạnh mẽ quy kết vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 hôm 24/11 ở gần biên giới Syria là một “cú đâm sau lưng” và Ankara đã “đồng lõa với những khủng bố”?

Linh Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc