Chiến sĩ công an và những câu chuyện nghĩa tình trong thời dịch

18:06 | 19/08/2021

1,004 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dịch Covid-19 bùng phát, công an là lực lượng tuyến đầu chống dịch, bảo vệ bình yên cho nhân dân và trong dịch, nhiều cán bộ chiến sĩ công an Cần Thơ đã có những việc làm ý nghĩa, thiết thực giúp dân.

Những chiến sĩ công an trắng đêm canh Covid-19.

Hơn một tháng nay, Cần Thơ thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên Đại úy Thạch Bình, Đội trưởng Đội phong trào Công an huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ đến từng nhà trong khu phong tỏa hớt tóc miễn phí cho người dân.

"Mình biết nghề hớt tóc nên sau ca trực thì tranh thủ đi giúp mọi người. Dù có tiếp xúc nhưng mình đảm bảo quá trình hớt tóc luôn tuân thủ việc phòng chống dịch bệnh, khử khuẩn đầy đủ. Mình cũng luôn nhắc bà con chú ý phòng chống dịch", Đại úy Thạch Bình cười nói.

Chiến sĩ công an và những câu chuyện nghĩa tình trong thời dịch - 1
Đại úy Thạch Bình vào khu phong tỏa cắt tóc cho dân.

Còn Thiếu tá Nguyễn Việt Khởi, Phó Đội trưởng Đội đăng ký, Phòng CSGT đường bộ đường sắt Công an TP Cần Thơ nổi tiếng với hơn 20 lần hiến máu tình nguyện. Anh cũng là thành viên tích cực của ngân hàng máu sống - Câu lạc bộ Máu hiếm khu vực Tây Nam Bộ.

Mới đây, trong lúc cùng đồng đội làm nhiệm vụ phòng chống Covid-19, nhận cuộc gọi khẩn cấp của Bệnh viện huyết học và truyền máu có ca cấp cứu của bệnh nhân thuộc nhóm máu hiếm, cần truyền máu gấp. Thiếu tá Khởi đã có mặt để hiến máu cứu người.

Chiến sĩ công an và những câu chuyện nghĩa tình trong thời dịch - 2
Thiếu tá Nguyễn Việt Khởi, Phó Đội trưởng Đội đăng ký, Phòng CSGT đường bộ đường sắt Công an TP Cần Thơ hiến máu cứu người.

"Từ khi biết mình mang nhóm máu hiếm (Rh-) có khả năng tiếp máu cứu những người có máu hiếm giống mình, tôi luôn coi việc hiến máu như là thiên chức mà cuộc sống trao cho. Với tỷ lệ chỉ chưa đến 0,5% người Việt mang nhóm máu này, lại càng ít người đã được các cơ sở y tế biết đến nên tôi luôn được gọi đi tiếp máu mỗi khi bệnh viện nào đó có sản phụ hay người tai nạn cần đến.

Những lúc như vậy, dù đang có chuyện gì, đang công tác ở đâu thì tôi đều báo cáo lãnh đạo và xin được đi hiến máu ngay. Lãnh đạo cũng luôn tạo điều kiện vì biết việc tiếp máu là cấp bách không khác nào chữa cháy", Thiếu tá Khởi chia sẻ.

Không chỉ riêng Thiếu tá Khởi, nhiều cán bộ chiến sĩ Công an TP Cần Thơ cũng luôn được các bệnh viện trên địa bàn "ưu tiên nhờ cậy" khi có những ca bệnh cần tiếp máu. Lý do có lẽ chẳng khác gì ngoài việc các bác sĩ cũng thấu hiểu tinh thần hy sinh, luôn sẵn sàng hy sinh giúp người dân của các cán bộ chiến sĩ.

Chiến sĩ công an và những câu chuyện nghĩa tình trong thời dịch - 3
Công an trao trả 2 đứa bé bị lạc khi đi bộ từ Hậu Giang lên Cần Thơ tìm cha trong đêm khuya.

Từ khi dịch bùng phát đợt 4, Thiếu tá Nguyễn Trung Nguyên (Cảnh sát đường thủy, TP Cần Thơ) luôn sát cánh cùng đồng đội mình tham gia chống dịch. Bất kể ngày hay đêm, nếu không ở chốt kiểm dịch thì anh đi tuần, những lần về thăm vợ con đều chỉ dừng lại gọi từ ngoài cổng rồi lại đi vội.

2h khuya ngày 28/7, khi đang làm nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch, Thiếu tá Nguyên cùng các đồng đội nhận được tin báo từ người dân về việc có 2 trẻ nhỏ đi lang thang. Lập tức một nhóm chiến sĩ tổ trực chốt được cử đến hiện trường.

"Hai đứa trẻ được đưa về chốt, anh em chiến sĩ thì không quen lời lẽ mềm mại nhưng lúc đó bỗng nhiên ai cũng biết dỗ dành. Hai đứa trẻ được cho ăn uống xong, dỗ một lúc thì cũng bình tĩnh lại.

Chiến sĩ công an và những câu chuyện nghĩa tình trong thời dịch - 4
Trong đêm mưa gió, một CSGT Cần Thơ đang hướng dẫn tài xế xe đường dài cách thức vào nội ô TP khi dịch đang phức tạp.

Anh em đều bất ngờ khi đứa lớn nói rằng mới chỉ 8 tuổi, đứa nhỏ đi cùng là em ruột mới 6 tuổi. Vậy mà cả 2 vì nhớ cha, đi tìm cha nên trốn nhà đi bộ từ Hậu Giang lên đến tận đây, nên anh em lập tức tìm cha cho 2 đứa nhỏ. Giữa đêm thấy cảnh cha con người ta đoàn tụ, anh em ai cũng mừng mặc dù bản thân mình thì cả tháng chưa được ôm con", Thiếu tá Nguyên kể.

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, phường Hưng Phú (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) là "điểm nóng" có những khi ghi nhận mấy trăm ca mắc, nhiều khu bị phong tỏa. Các giao lộ đi vào địa bàn phường đều có chốt kiểm soát người ra vào.

Có mặt cùng các cán bộ chiến sĩ trong đêm, khu phong tỏa tĩnh mịch, nhà nhà im lìm, mọi nơi vắng lặng. Trên đường, chỉ còn những tốp nhỏ chiến sĩ công an vẫn lặng lẽ đi qua những dãy phố "căng dây", họ đi vào những nơi nguy hiểm để giữ an toàn cho tất cả mọi người.

Thượng úy Nguyễn Phước Quy, chiến sĩ Công an phường Hưng Phú cho biết: "Mỗi khi ghi nhận ca mắc mới thì Công an phải lập tức có mặt trước tiên. Chúng tôi phải gặp ca bệnh, trấn an tinh thần cho họ, phổ biến thông tin ca mắc cho mọi người, điều tra dịch tễ, lập hàng rào phong tỏa và thậm chí là phải khống chế đưa đi chữa trị khi người bệnh không hợp tác.

Mọi người nghe F1, F2 là đã không dám lại gần, nhưng chúng tôi nghe ở đâu ghi nhận F0 là phải lập tức lao tới. Dù có bảo hộ nhưng tiếp xúc gần, đôi khi khống chế mặt đối mặt thì nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng anh em vẫn làm hết trách nhiệm, về cơ quan khử khuẩn sau".

"Anh em trực chiến 100% quân số. Không ai về nhà, không được về và không nên về vì nguy cơ lây nhiễm cho người thân. Đi tuần tra, có khi gặp người dân ra đường không lý do, chúng tôi nào đâu muốn phạt, nhưng không phạt là pháp luật không nghiêm, rất dễ vỡ trận. Vẫn phải phạt để bà con biết mà nhắc nhau nghiêm túc thực hiện", Trung tá Nguyễn Minh Hoàng - Trưởng Công an phường Hưng Phú chia sẻ.

Theo Dân trí

Những đêm trắng của cán bộ, chiến sĩ ở Những đêm trắng của cán bộ, chiến sĩ ở "khu F0"
Phát động cuộc thi video clip với chủ đề “Thời khắc khó quên”Phát động cuộc thi video clip với chủ đề “Thời khắc khó quên”
Bà Rịa – Vũng Tàu: Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình - cơ quan - đơn vị - địa phương là một pháo đài chống dịchBà Rịa – Vũng Tàu: Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình - cơ quan - đơn vị - địa phương là một pháo đài chống dịch