Chiến dịch tàu ngầm Anh săn đuổi tàu sân bay Argentina năm 1982

06:24 | 27/07/2019

3,315 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chiến thuật hợp lý giúp tàu sân bay Veinticinco de Mayo suýt hủy diệt những tàu ngầm Anh đang săn đuổi mình vào đầu tháng 5/1982.
Chiến dịch tàu ngầm Anh săn đuổi tàu sân bay Argentina năm 1982
Tàu sân bay ARA Veinticinco de Mayo hồi năm 1978. Ảnh: Wikipedia.

Chiều 30/4/1982, một thông điệp được phát đi từ văn phòng Thủ tướng Anh Margaret Thatcher đến ba tàu ngầm đang hoạt động trên Đại Tây Dương, yêu cầu họ ưu tiên truy tìm và tiêu diệt tàu sân bay ARA Veinticinco de Mayo của hải quân Argentina. Anh và Argentina lúc này đang đối đầu trong cuộc chiến kéo dài 10 tuần nhằm giành quyền kiểm soát quần đảo Falkland trên Đại Tây Dương.

ARA Veinticinco de Mayo vốn là tàu sân bay do Anh chế tạo vào cuối Thế chiến II, trước khi bán lại cho Hà Lan. Hà Lan sau đó bán tàu chiến này cho hải quân Argentina vào năm 1969. Khi chiến tranh Falkland nổ ra, ARA Veinticinco de Mayo được coi là mối đe dọa nghiêm trọng với hạm đội Anh trong chiến dịch chiếm lại quần đảo. Mệnh lệnh từ London đã khởi đầu 9 ngày đấu trí căng thẳng giữa tàu sân bay Argentina và nhóm tàu ngầm Anh.

Tháng 5/1982, ba tàu ngầm thuộc Lực lượng đặc nhiệm số 324 của hải quân Anh bắt đầu tuần tra khu vực quanh quần đảo Falkland. Tàu ngầm HMS Conqueror thuộc lớp Churchill lạc hậu làm nhiệm vụ ở phía nam, trong khi hai chiếc HMS Splendid và HMS Spartan thuộc lớp Swiftsure hiện đại hơn xuất hiện ở phía tây bắc và đông bắc quần đảo.

Cả ba tàu ngầm hạt nhân có lượng giãn nước 5.400 tấn có thể duy trì tốc độ 48-55 km/h mà không cần nổi lên lấy không khí. Chúng được trang bị ngư lôi Mark 24 Tigerfish mang đầu dò thủy âm có tầm bắn 20 km và ngư lôi Mark 8 từ thời Thế chiến II. Tuy nhiên, dòng Tigerfish hiện đại lại tỏ ra kém tin cậy với mục tiêu nổi nên những quả ngư lôi Mark 8 được ưu tiên khi đánh tàu chiến, dù chúng chỉ di chuyển theo đường thẳng.

Khi chiến tranh Falkland nổ ra, tình báo Anh đã giải mã thành công tín hiệu liên lạc của hải quân Argentina, phát hiện họ đang chuẩn bị cuộc tấn công bằng tàu chiến với sự yểm trợ từ các phi cơ trên tàu sân bay Veinticinco de Mayo. Với sự hỗ trợ của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), hải quân Anh khoanh vùng được nơi tác chiến của nhóm tàu sân bay Argentina, nhưng chưa thể định vị chính xác mục tiêu.

Ngày 1/5, một trong các trinh sát cơ S-2E Tracker của tàu Veinticinco de Mayo phát hiện vị trí hạm đội Anh. Hải quân Argentina dựa trên thông tin này để chuẩn bị đòn tấn công bằng cường kích A-4Q Skyhawk. Tuy nhiên, nhiệm vụ này bị hủy do thời tiết xấu kéo dài.

Tới đêm đó, tiêm kích Anh phát hiện nhóm tàu sân bay Argentina. Chỉ vài giờ sau, tàu ngầm HMS Conqueror đánh chìm tuần dương hạm ARA General Belgrano, khiến 323 thủy thủ Argentina thiệt mạng.

Đại tá hải quân José Julio Sarcona, chỉ huy tàu sân bay Veinticinco de Mayo, nhận ra hạm đội của ông đang đối mặt nguy cơ bị xóa sổ bởi lực lượng Anh chiếm ưu thế cả về số lượng và chất lượng. Ông quyết định đưa hàng không mẫu hạm trở về bờ biển Argentina để bảo toàn lực lượng.

Dù đã tăng hết công suất, những lò hơi hay gặp trục trặc của Veinticinco de Mayo chỉ cho phép con tàu chạy với tốc độ tối đa 37 km/h, không đủ để cắt đuôi tàu ngầm Anh. Nhiệm vụ truy đuổi tàu sân bay được giao cho tàu ngầm HMS Splendid, trong khi HMS Spartan không được tham gia để tránh bắn nhầm đồng đội.

Chiến dịch tàu ngầm Anh săn đuổi tàu sân bay Argentina năm 1982
Vị trí quần đảo Falkland. Đồ họa: BBC.

Veinticinco de Mayo di chuyển lắt léo ở vùng biển nông, buộc tàu ngầm Anh phải giảm tốc độ để tránh mắc cạn. Hộ tống tàu sân bay là hai khu trục hạm ARA Hercules và ARA Santisima thuộc lớp Type 42 do Anh chế tạo, cùng khu trục hạm ARA Py trang bị hệ thống định vị thủy âm (sonar) tầm xa. Những tàu này duy trì khoảng cách 8 km với Veinticinco, tạo đội hình bảo vệ từ phía trước và hai bên sườn.

Tàu sân bay Argentina cũng được trang bị 4 trinh sát cơ săn ngầm S-2E Tracker từng phục vụ trong hải quân Mỹ. Mỗi chiếc có thể tuần tra liên tục trong 6 giờ trong nhiều điều kiện thời tiết, kể cả ban đêm. Trong nhiệm vụ săn ngầm, S-2E có thể thả phao thủy âm Jezebel và nhận tín hiệu sonar đa hướng qua hệ thống AQA-4A để phát hiện tàu ngầm.

Dù không cần nổi lên để lấy không khí, tàu ngầm Anh vẫn cần di chuyển gần mặt nước để truyền tin và nhận chỉ thị, cũng như dùng kính tiềm vọng để quan sát. Đây là thời điểm nó dễ bị phát hiện bởi radar APS-88 và cảm biến điện từ trên máy bay S-2E.

Khi phao thủy âm phát hiện có dấu hiệu nghi là tàu ngầm, những chiếc S-2E sẽ tiếp cận để tổ lái nhận diện bằng mắt thường và cảm biến dị thường từ trường (MAD). Sau khi xác nhận tàu ngầm đối phương đang hoạt động, nó sẽ thả ngư lôi hạng nhẹ Mark 44 trang bị đầu dò sonar tự dẫn tới mục tiêu hoặc bom chìm Mark 54.

Ngoài S-2E, tàu sân bay Argentina cũng có thể triển khai hai trực thăng săn ngầm Sea King trang bị sonar AQS-13A, thủy lôi và bom chìm. Tuy nhiên, tầm bay hạn chế khiến phi đội Sea King chỉ tuần tra quanh đội hình tác chiến, trong khi những chiếc S-2E săn tàu ngầm Anh từ khoảng cách 160 km.

Chiến hạm Argentina cũng có thể sử dụng sonar chủ động để phát các chùm tín hiệu định vị mục tiêu với độ chính xác cao, nhưng biện pháp này bị bác bỏ vì tàu ngầm Anh có thể lợi dụng nó để truy ngược lại vị trí tàu sân bay Veinticinco de Mayo.

Ngày 3/5, HMS Splendid tiếp cận đội hình tàu Argentina và có thể quan sát các tàu hộ tống, nhưng chưa nhìn thấy tàu sân bay Veinticinco de Mayo. Tàu ngầm Anh cũng nhận thấy mình đang bị máy bay S-2E săn tìm quyết liệt.

Sáng sớm 4/5, tàu ngầm Splendid phát hiện tín hiệu radar từ máy bay S-2E và phải lặn sâu để lẩn trốn. Một giờ sau, sonar trên tàu Anh thu được hàng loạt tín hiệu cho thấy chiếc Veinticinco và nhóm tàu hộ tống đang ở rất gần.

HMS Splendid quyết định tấn công, nhưng khi nó đến tầm phóng ngư lôi Mark 8 thì các chiến hạm đối phương đã đi vào lãnh hải Argentina, nằm ngoài khu vực tàu ngầm Anh được phép tấn công. Thủy thủ Anh quyết định tập kích một mục tiêu lớn và chậm chạp chưa kịp vào lãnh hải Argetina, nhưng sớm nhận ra đó là một tàu vận tải dân sự.

Tàu sân bay Veinticinco de Mayo di chuyển lên phía bắc dọc bờ biển Argentina, trong khi các máy bay S-2E vẫn tiếp tục săn tàu ngầm Anh. 7h43 ngày 5/5, tổ lái S-2E phát hiện một vật nghi là ống thở tàu ngầm Anh và thả ngư lôi. Quả ngư lôi lao xuống biển rồi biến mất.

Chiến dịch tàu ngầm Anh săn đuổi tàu sân bay Argentina năm 1982
Máy bay săn ngầm S-2E Tracker của hải quân Argentina.

Hai trực thăng Sea King nhanh chóng được triển khai, một trong số đó bắt được tín hiệu yếu bằng sonar. Máy bay S-2E thứ hai thả thêm ba phao thủy âm và bay sát mặt biển để càn quét bằng cảm biến MAD. Nó thu được nhiều dấu hiệu nghi là tàu ngầm Anh và thả thêm một ngư lôi Mark 44. Dù bắt được tín hiệu thủy âm, quả ngư lôi cũng biến mất vào lòng biển.

Vào thời điểm đó, HMS Splendid đang hoạt động cách khu vực quần thảo của máy bay Argentina khoảng 209 km về phía nam. Tàu ngầm Anh cũng phát hiện nhiều tín hiệu của một tàu ngầm diesel-điện nghi là chiếc ARA Salta của Argentina. Vì không có ngư lôi chống ngầm, HMS Splendid chủ động rút lui.

Nhiều chuyên gia cho rằng tàu ngầm Anh và máy bay Argentina có thể đã gặp tàu ngầm Chile, Mỹ hoặc Liên Xô tình cờ đi ngang qua khu vực này. Không quốc gia nào thông báo về việc chạm trán với ngư lôi từ máy bay Argentina.

Ngày 7/5, động cơ của HMS Splendid bị hư hỏng khiến tàu ngầm Anh phải chấm dứt nhiệm vụ. Tàu ngầm HMS Sparta tiến về phía bắc để thế chỗ Splendid và tìm cách đánh chìm tàu sân bay Veinticinco de Mayo.

Giống như đồng đội, HMS Spartan cũng gặp khó khăn khi di chuyển trong vùng biển nông và không thể tiếp cận đối phương vào ban ngày. Đến ngày 9/5, tàu Veinticinco de Mayo cập cảng Viedma, chấm dứt cuộc truy đuổi quyết liệt tại phía nam Đại Tây Dương.

"Phi đội máy bay S-2E và trực thăng Sea Kings đã cứu tàu sân bay Veinticinco bằng cách hạn chế khả năng hoạt động tự do của tàu ngầm Anh, buộc nó di chuyển chậm và cẩn trọng hơn, dẫn tới việc bỏ lỡ con mồi ngay trước mắt", nhà phân tích Mariano Sciaroni nhận xét.

Theo VNE

Chuyên gia Biển Đông: Trung Quốc chép lỗi sai của bản đồ Anh để tạo "đường 9 đoạn"
Luật pháp quốc tế và chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông
Học giả quốc tế khẳng định Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông
Cách Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough trên Biển Đông
Philippines giải thích phát ngôn của Duterte về "chủ quyền của Trung Quốc" ở Biển Đông
Ba hệ quả khi Trung Quốc điều tàu đến vùng Nam Biển Đông của Việt Nam