Chi tiền quảng cáo online “khủng”, nhưng nhiều doanh nghiệp không biết xây dựng thương hiệu để làm gì
![]() |
![]() |
![]() |
Tại Tọa đàm Kết nối thương hiệu Việt, do Tạp chí Nhà đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 29/11 tại Hà Nội, bà Đặng Thanh Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương hiệu và Quản trị Thanhs, cho biết, thực trạng hiện nay là các doanh nghiệp lớn hiểu biết rất sâu về vấn đề xây dựng thương hiệu và dành một lượng đáng kể ngân sách cho hoạt động này. Nhưng trớ trêu ở chỗ các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ gần như lại không chú trọng cho vấn đề này, dù có thể chi một khoản tiền rất lớn cho quảng cáo online.
"Có doanh nghiệp chỉ với 5-10 nhân lực nhưng doanh thu tới 1.000 tỷ đồng, có thể chi tới 300 tỷ đồng quảng cáo online mà chủ yếu là trên Google và Facebook mỗi năm nhưng không quan tâm tới thương hiệu, thậm chí không biết xây dựng thương hiệu để làm gì. Theo kết quả khảo sát từ 350 doanh nghiệp tham gia về vấn đề thương hiệu cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không chú trọng đến thương hiệu, không có kiến thức về sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp… chỉ quan tâm đến làm thế nào để kiếm nhiều tiền, bất chấp đạo đức doanh nghiệp”, bà Vân cho biết.
![]() |
Chi tiền quảng cáo online “khủng”, nhưng nhiều doanh nghiệp không biết xây dựng thương hiệu để làm gì |
Tuy nhiên, trước việc xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp lớn, mặc dù hiểu rất rõ và sẵn sàng chi ngân sách cho vấn đề này nhưng bà Vân cũng cho rằng họ đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại bởi chính lãnh đạo và văn hóa của doanh nghiệp. “Nhiều doanh nghiệp lớn kém linh hoạt để thấu hiểu tâm lý người tiêu dùng trong thời đại VUCA (nhiều biến động, khó đoán định). Họ không tập trung vào năng lực cốt lõi làm lợi thế cạnh tranh bền vững, tạo sức bật cho nền kinh tế, nên việc phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp lớn chưa hiệu quả”, bà Vân cho hay.
Đối với doanh nghiệp vừa, bà Vân lại đánh giá rất cao khi khối doanh nghiệp này chi khoảng 30% doanh thu để quảng cáo, truyền thông. Theo bà Vân, các doanh nghiệp vừa khá uyển chuyển, linh hoạt trong việc phát triển thương hiệu. Họ sẵn sàng chi tiền để được tư vấn, quảng cáo thương hiệu một cách tốt nhất.
Đặt vấn đề về thương hiệu, ông Vũ Xuân Trường, Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cũng cho rằng , hiện chúng ta phải đối mặt với quá nhiều thách thức trong vấn đề thương hiệu Việt. Đó là quy mô nhỏ, lẻ; vấn đề chất lượng; nguồn gốc xuất xứ; năng lực chế biến; khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp Việt. Cùng với đó, kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất và thương mại hiện còn rất hạn chế, còn yếu và thiếu năng lực phát triển thương hiệu.
Ông Trường đề xuất: “Chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp cho câu chuyện kết nối thương hiệu Việt như sau: Đầu tiên là ứng dụng công nghệ thương hiệu Việt như phát triển doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp; gia tăng tốc độ chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh doanh ngành hàng. Nên tạo đột phá từ lĩnh vực nông nghiệp. Tiếp theo là kết nối tam giác Nhà nước - doanh nghiệp - người dân. Tiếp cận với khái niệm thương hiệu chủ lực, từ ngành hàng chủ lực đến sản phẩm chủ lực đến thương hiệu chủ lực. Bên cạnh đó, Nhà nước cần chủ động định hướng và hỗ trợ xây dựng những thương hiệu chủ lực, làm đầu tầu phát triển. Các doanh nghiệp nhỏ có thể thực hiện chiến lược núp bóng ông lớn, đứng dưới bóng người khổng lồ”.
Nêu giải pháp xây dựng và phát triển thương hiệu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, TS Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank cho rằng, thương hiệu không chỉ là một cái tên, một slogan, một hình ảnh, nhận diện… mà là tổng hòa của tất cả các yếu tố gắn kết thương hiệu với uy tín, niềm tin.
Chia sẻ việc xây dựng thương hiệu trong hàng chục năm qua, ông Trung cho biết, bên cạnh những thành tựu đột phá về tăng trưởng kinh doanh, HDBank cũng phát triển thương hiệu qua các hoạt động tài trợ cộng đồng sôi nổi như Giải cờ vua quốc tế HDBank, Giải bóng đá Futsal…
“HDBank luôn ý thức mình là một doanh nghiệp thương hiệu Việt. Đã là một thương hiệu Việt, thương hiệu ngân hàng lớn, HDBank luôn ý thức cùng cộng đồng doanh nghiệp xây dựng hệ sinh thái kinh doanh rộng mở, lành mạnh, góp phần xây dựng nhiều hơn các thương hiệu giá trị, uy tín, có tầm ảnh hưởng lớn”, ông Trung nói.
Là một doanh nghiệp thành công trong việc xây dựng thương hiệu, bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết, là một đơn vị sản xuất ngành hàng tiêu dùng, Tân Hiệp Phát luôn coi người tiêu dùng là trung tâm.
Khác với doanh nghiệp khác, Tân Hiệp Phát đã có sự phát triển trong tư duy, như trước đây theo quan niệm của doanh nghiệp, nhà cung cấp chỉ là mua đứt bán đoạn, nhưng hiện nay nhà cung cấp là đối tác, là kết hợp cùng phát triển. Bà Phương nói: “Điều này thể hiện rất rõ ở cái tên “Tân Hiệp Phát” (trong đó, “Hiệp Phát” là mong muốn hợp tác, phát triển).
Theo bà Phương, xây dựng thương hiệu là cả một quá trình, là đầu tư dài hạn chứ không phải ngắn hạn. “Với chúng tôi thương hiệu là đầu tư, vì nó phải mang lại lợi ích. Nếu không định hình được giá trị cuối cùng của thương hiệu thì chỉ là nhận biết thương hiệu, chứ không phải là giá trị thương hiệu”, bà Uyên Phương đúc kết.
Tú Anh
-
[E-Magazine] Giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong các quý tiếp theo?
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng