Ngày Môi trường thế giới 2022:

“Chỉ một Trái đất" là mệnh lệnh khẩn cấp

18:44 | 28/05/2022

149 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 28/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với các đơn vị tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5) và Ngày Môi trường thế giới (5/6), Tháng hành động vì môi trường năm 2022 với chủ đề “Chỉ một Trái đất”.
“Chỉ một Trái đất
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: Việt Nam là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học; top 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất trên toàn cầu. Tuy nhiên, “ngôi nhà tự nhiên” của Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái nghiêm trọng, cùng với thách thức lớn về ô nhiễm môi trường, nguồn nước, suy thoái đất, rác thải nhựa đại dương và tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu…

“Thực tế trên đòi hỏi chúng ta cần có những nỗ lực phối hợp để chuyển đổi nền kinh tế và xã hội theo hướng xanh và bao trùm hơn, kết nối nhiều hơn với thiên nhiên. Chúng ta phải ngừng các hành động gây hại và thực hiện nhiều hơn nữa các hành động để chữa lành cho Trái đất”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Đề cập tới thông điệp “Chỉ một Trái đất” cùng với chủ đề “xây dựng một tương lai chung cho mọi sự sống” của Ngày Quốc tế đa dạng sinh học, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đây là mệnh lệnh khẩn cấp để toàn thể xã hội cũng như mỗi người dân không được quên rằng chỉ có duy nhất một “ngôi nhà tự nhiên” chung cho muôn loài trong cả vũ trụ với hàng tỷ ngân hà và hàng tỷ hành tinh. Do vậy, mỗi người dân cần thay đổi ngay thái độ và hành vi ứng xử với thiên nhiên, điều chỉnh cách thức khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng bền vững, chú trọng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực, sinh kế cho người dân; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Chỉ một Trái đất
Các đại biểu trồng cây tại rừng ngập mặn Đồng Rui (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh)

Tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 thể hiện quyết tâm và cam kết của Chính phủ Việt Nam đã khẳng định vị thế, trách nhiệm trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về khí hậu, môi trường, suy giảm của các hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu một hành tinh khỏe mạnh. Đồng thời, tận dụng các cơ hội của xu thế thời đại trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo con đường “xanh”, hiện thực hoá mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Để chuyển hóa được những thách thức và nội dung thông điệp trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và tập trung chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch; giảm phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, khuyến khích phương tiện giao thông sử dụng điện; sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển đô thị xanh.

Cần tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh” từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp; đầu tư cho vốn tự nhiên; xây dựng bộ tiêu chí văn hóa, lối sống xanh trong toàn xã hội. Thúc đẩy mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia thực hiện có kết quả Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh; bảo vệ rừng, phục hồi, trồng mới rừng ngập mặn; nâng cao tỷ lệ bảo tồn gắn với phát triển kinh tế sinh thái, sinh kế bền vững của người dân.

“Chỉ một Trái đất
Các đại biểu thả cá giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản tại Rừng ngập mặn Đồng Rui (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh)

Đặc biệt, các địa phương cần tập trung giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông chính, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề; thúc đẩy phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tái chế, xử lý chất thải rắn, giảm dần việc chôn lấp chất thải; tăng cường các hoạt động phòng, chống các loại tội phạm về môi trường, săn bắn và buôn bán động vật hoang dã; tăng cường sự hợp tác, đoàn kết toàn dân, phát huy vai trò hợp tác quốc tế trong giải quyết những vấn đề môi trường, khí hậu toàn cầu.

Tại lễ phát động, bà Caitlin Wiesen - Trưởng Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết: Trái đất đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp với ba vấn đề lớn là khí hậu nóng lên nhanh hơn dự đoán; nhiều loài hoang dã đang bị đe dọa tuyệt chủng; và tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, đất và nước. Trong thời gian tới, Việt Nam cần một “công cuộc đổi mới” về môi trường và khí hậu, để có được sự phục hồi kinh tế xanh và bao trùm sau đại dịch Covid-19 trong tiến trình nỗ lực để đạt mức thu nhập cao vào năm 2045 đồng thời vẫn bảo vệ được các nguồn tài nguyên và môi trường cho thế hệ tương lai.

Phú Văn

Bộ Tài nguyên & Môi trường và BIDV ký kết MOU thúc đẩy phát triển tài chính xanh bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậuBộ Tài nguyên & Môi trường và BIDV ký kết MOU thúc đẩy phát triển tài chính xanh bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu
Phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050Phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Tin tức kinh tế ngày 10/3: Thu ngân sách từ dầu thô tăng mạnhTin tức kinh tế ngày 10/3: Thu ngân sách từ dầu thô tăng mạnh