"Chạy" bệnh án tâm thần: Lỗ hổng ở đâu?

19:00 | 21/08/2018

446 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vụ làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I đang thu hút sự quan tâm của xã hội. Bởi trong số hồ sơ bệnh án tâm thần giả đó có cả hồ sơ của những tội phạm hình sự muốn “giả điên thoát tội” và có dấu hiệu của một đường dây “chạy bệnh án”. Ai làm giả được hồ sơ bệnh án? Sự giả mạo ấy nếu trót lọt, điều gì sẽ xảy ra?... Phóng viên Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với những người có thể trả lời câu hỏi ấy.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến: Phải xử nghiêm, đúng người, đúng tội

lo hong o dau

PV: Ông có thể cho biết cụ thể vụ việc làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I?

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến: Đại diện Bộ Y tế đã trao đổi với Công an TP Hà Nội. Sự thể theo tôi được biết là bắt đầu từ manh mối Lê Thanh Tùng, 32 tuổi, ở Cầu Dền, Hà Nội, một đối tượng cầm đầu nhóm người gây ra cuộc ẩu đả có tính chất băng nhóm thanh toán lẫn nhau bị Công an Hà Nội điều tra, xét hỏi. Tuy nhiên, Tùng đã trình ra một bệnh án tâm thần do Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cấp. Nghi vấn, Công an đã điều tra, xác định đó là bệnh án tâm thần giả. Tùng khai đã chi 85 triệu đồng để có bệnh án tâm thần giả với kết luận “tâm thần phân liệt thể hoang tưởng”. Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án và bắt tạm giam 2 cán bộ Bệnh viện Tâm thần Trung ương I là Bác sĩ chuyên khoa II Thân Thái Phong, Phó trưởng khoa Tâm thần người cao tuổi và ông Nguyễn Tuấn Sơn, kỹ thuật viên trưởng, khoa Dinh dưỡng.

Đặc biệt, Cơ quan Điều tra còn điều tra, xác định nghi ngờ và yêu cầu rà soát 94 hồ sơ bệnh án, trong đó có tới 41 hồ sơ là của các đối tượng giang hồ. Bước đầu cho thấy có đường dây “chạy bệnh án” cho các đối tượng phạm pháp hình sự nhằm trốn tránh việc xử lý của cơ quan pháp luật.

PV: Quan điểm của Bộ Y tế như thế nào về xử lý vụ việc này?

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến: Quan điểm của Bộ Y tế là phải xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm pháp luật, đồng thời đề nghị các cơ quan tư pháp xử lý đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, tránh oan sai. Kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần được pháp luật quy định là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình tố tụng. Kết luận giám định đúng sẽ giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được chính xác, khách quan, đúng pháp luật.

PV: Thưa ông, dường như đây không phải là lần đầu tiên những đối tượng phạm pháp hình sự “chạy bệnh án” để… giả điên thoát tội?

Thứ Trưởng Nguyễn Viết Tiến: Chuyện này đã từng xảy ra và dư luận xã hội bất bình bởi không phải chỉ có một, hai vụ duy nhất. Thế nên, lãnh đạo Bộ Y tế đã yêu cầu các bác sĩ giám định viên pháp y, pháp y tâm thần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh vững vàng trước mỗi ca giám định, không để vật chất hoặc các mối quan hệ cá nhân làm ảnh hưởng đến kết luận giám định. Những trường hợp khó kết luận, phải tổ chức hội chẩn để đưa ra kết luận đúng đắn, chính xác.

PV: Nhưng có ý kiến cho rằng, có những “lỗ hổng” để cán bộ y tế lợi dụng làm hồ sơ bệnh án tâm thần giả. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến: Theo tôi, quy trình để xác định một người có mắc bệnh tâm thần hay không hiện nay rất chặt chẽ. Bởi không chỉ có người “giả điên” mà còn có người tâm thần nhưng khẳng định không tâm thần. Cho nên, để xác định người có bệnh tâm thần hay không phải qua hội đồng giám định chứ không chỉ riêng một cá nhân. Trường hợp làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương I chính vì vậy cho đến nay vẫn chưa biết “lỗ hổng” ở đâu, hiện đang tiếp tục rà soát, điều tra.

Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I: Chưa biết “lỗ hổng” ở đâu?

lo hong o dau

PV: Thưa ông, đến thời điểm này, vụ làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần được Bệnh viện Tâm thần Trung ương I xử lý ra sao?

Ông Nguyễn Hữu Chiến: Sau khi 2 cán bộ bệnh viện bị bắt tạm giam, Công an Hà Nội có yêu cầu rà soát 94 hồ sơ bệnh án tâm thần nghi ngờ giả mạo, sau đó khi có kết quả, bệnh viện phải cung cấp các bản bệnh án photocopy để Cơ quan Điều tra nghiên cứu. Đến thời điểm này, chúng tôi đã rà soát, hồi cứu được 66 hồ sơ bệnh án, hầu hết là của các bệnh nhân điều trị từ năm 2016 đến nay. Họ đã nằm viện và đang nằm viện. Có nhiều trường hợp là bệnh nhân cai nghiện ma túy, ngáo đá, có chỉ định điều trị sức khỏe tâm thần. Có trường hợp từng xuất viện, nhập viện nhiều lần và đều có bệnh án lưu.

PV: Như vậy bệnh viện chưa phát hiện thêm hồ sơ bệnh án giả nào?

Ông Nguyễn Hữu Chiến: Đúng vậy, trừ 1 bệnh án mà công an nêu là giả và vì bệnh án này, 2 cán bộ của bệnh viện đã bị bắt tạm giam. Ngay cả bản thân tôi cũng chưa được tiếp cận với bệnh án đó, vì khi công an có lệnh bắt đã niêm phong, giữ bệnh án nghi là giả đó.

PV: Nói vậy nghĩa là hồ sơ bệnh án tâm thần làm giả, lãnh đạo bệnh viện chưa biết “lỗ hổng” ở đâu?

Ông Nguyễn Hữu Chiến: Quy trình khám chữa bệnh đối với một bệnh nhân tâm thần rất chặt chẽ. Người bệnh đến khám phải có giấy giới thiệu của địa phương. Trường hợp phải vào điều trị nội trú, người bệnh sẽ phải làm cam kết không có vi phạm pháp luật. Còn nếu vi phạm pháp luật, người bệnh lập tức sẽ phải ra viện. Đối với những trường hợp vào điều trị lần đầu thì bệnh viện sẽ phải tổ chức hội chẩn khoa. Khi ra viện, bác sĩ điều trị tổng kết hồ sơ bệnh án, trưởng khoa ký vào giấy ra viện, hồ sơ bệnh án sau đó đưa lên lãnh đạo bệnh viện ký xác nhận, đóng dấu bệnh viện. Khi người bệnh ra viện chỉ được cấp đơn thuốc hoặc giấy ra viện. Như vậy, hồ sơ bệnh án tâm thần giả có thể phải có nhiều chữ kỹ vì có hội chẩn thì phải có nhiều bác sĩ tham gia. Bao nhiêu bác sĩ tham gia phải có bấy nhiêu chữ ký. Bây giờ chúng tôi chưa xác định được “lỗ hổng” ở đâu.

lo hong o dau
Đối tượng Mai Đức Vượng (tức Tộ “Tích”) ở Hải Phòng phạm các tội cố ý gây thương tích và giết người từng giả điên để thoát tội nhưng không thành
Quy trình khám chữa bệnh đối với một bệnh nhân tâm thần rất chặt chẽ. Hồ sơ bệnh án tâm thần giả có thể phải có nhiều chữ kỹ vì có hội chẩn thì phải có nhiều bác sĩ tham gia. Bao nhiêu bác sĩ tham gia phải có bấy nhiêu chữ ký.

PV: Có trường hợp nào giả điên giỏi đến mức qua mặt được bác sĩ không, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Chiến: Thực tế cũng có những trường hợp như vậy, giả bệnh, tự bịa triệu chứng, phối hợp với người thân để khai báo triệu chứng này, triệu chứng nọ. Nếu trình độ bác sĩ non kém, chưa có kinh nghiệm, có thể chẩn đoán sai. Vì thế chúng tôi hết sức thận trọng trong hội chẩn, nếu có dấu hiệu nghi ngờ, phải hội chẩn kỹ.

Sau vụ việc của 2 cán bộ Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, không ít người ở bệnh viện lo lắng, có thể chẳng may bác sĩ cũng là nạn nhân của những chiêu trò giả bệnh để bị qua mặt, trong khi đó, những thăm dò cận lâm sàng như chụp chiếu, điện não đồ không có ý nghĩa gì trong việc phát hiện bệnh tâm thần, nhất là khi đối tượng và gia đình cố tình cung cấp thông tin giả mạo.

Sau khi có kết luận của Cơ quan Điều tra thì mọi việc mới sáng tỏ và giúp chúng tôi nhận ra quy trình khám chữa bệnh của mình như thế nào. Nhưng theo tôi, có thể quy trình khám chữa bệnh rất chặt chẽ, song với những cá nhân có ý đồ xấu, vẫn có thể có những lỗ hổng mà bệnh viện không lường được.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn luật sư Hà Nội: Trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật

lo hong o dau

PV: Với vai trò là luật sư, ông có thể giải thích rõ cơ sở pháp luật nào để những đối tượng phạm pháp hình sự phải “chạy” bằng được bệnh án tâm thần giả?

Luật sư Nguyễn Anh Thơm: Những năm gần đây, trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, tội phạm có xu hướng gia tăng, nghiêm trọng hơn cả về quy mô và tính chất. Trong khi pháp luật về hình sự của nước ta đã có nhiều thay đổi theo xu hướng nhân đạo, vô hình trung có lợi cho người phạm tội, hay nói cách khác là dễ bị tội phạm lợi dụng. Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Tuy nhiên, trong BLHS mới sửa đổi bổ sung lại có những điều có lợi cho người phạm tội nên không ít tội phạm đã cấu kết với một số cán bộ y tế lập các hồ sơ bệnh án tâm thần giả nhằm trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Điều này gây khó khăn trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử đối với các bị can, bị cáo phạm tội, trong đó có nhiều đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như: Giết người; mua bán, vận chuyển ma túy số lượng lớn...

PV: Hồ sơ bệnh án tâm thần giả sẽ giúp tội phạm trốn tránh sự xử lý của pháp luật như thế nào?

Luật sư Nguyễn Anh Thơm: Thứ nhất, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện. Nếu người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Khi đó, vụ án sẽ được đình chỉ và đối tượng sẽ bị áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc.

Thứ hai, đối tượng phạm tội sẽ thoát án tử hình. Khi xác định đối tượng phạm tội bị bệnh tâm thần, hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì đây là tình tiết giảm nhẹ hình phạt khi đưa ra xét xử được quy định tại điểm q, Khoản 1, Điều 51 BLHS: “Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”. Đối với các đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có khung hình phạt cao nhất đến tử hình như tội giết người, nếu có căn cứ xác định người phạm tội mắc bệnh tâm thần làm hạn chế khả năng nhận thức, điều khiển hành vi, thì thường được tòa án không áp dụng hình phạt tử hình.

Thứ ba, đối tượng phạm tội sẽ không phải chấp hành hình phạt tù. Khi đối tượng phạm tội bị bệnh tâm thần, vụ án có thể được tạm đình chỉ để bị can áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Điều 49 BLHS 2015 quy định: “Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù”. Nếu bệnh tâm thần ổn định, đối tượng tiếp tục được Cơ quan Điều tra phục hồi điều tra xử lý theo thủ tục tố tụng chung. Khi đó, thời gian chữa bệnh sẽ được trừ vào thời gian chấp hành án phạt tù sau này khi Tòa tuyên án.

PV: Những nhân viên y tế liên quan đến việc làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông?

Luật sư Nguyễn Anh Thơm: Hành vi của các cán bộ y tế lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào Nhà nước.

Trường hợp nếu có căn cứ xác định vì động cơ tư lợi mà các cán bộ y tế nhận tiền của đối tượng để làm hồ sơ bệnh án giả theo yêu cầu thì sẽ có dấu hiệu phạm tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354 BLHS. Người nào đưa lợi ích vật chất cho các cán bộ y tế làm hồ sơ bệnh án giả sẽ phạm tội “Đưa hối lộ” theo quy định tại Điều 364 BLHS.

Điều 356 BLHS về “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định rất rõ: Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Nếu người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Khi đó, vụ án sẽ được đình chỉ và đối tượng sẽ bị áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc

Trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 2 lần trở lên; c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

lo hong o dau Cho người tâm thần phá thai trên 12 tuần tuổi?
lo hong o dau Giết người vì nghĩ sẽ khỏi bệnh tâm thần
lo hong o dau Hiểm họa từ người tâm thần

Tú Anh

Hầm chôn chất thải hạt nhân đầu tiên trên thế giới

Hầm chôn chất thải hạt nhân đầu tiên trên thế giới

(PetroTimes) - Nằm sâu 450m dưới lòng đất đảo Olkiluoto (Phần Lan), Onkalo - hệ thống lưu trữ và xử lý chất thải hạt nhân đầu tiên trên thế giới sắp hoàn thành...