Châu Phi đã “nhanh tay” giành thị trường khí đốt châu Âu như thế nào?

10:08 | 23/10/2023

234 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo Reuters, giới phân tích và nhiều doanh nghiệp năng lượng, châu Phi đang dẫn đầu toàn cầu trong việc mở ra những cơ sở khí đốt mới. Thật vậy, lục địa đen này đang tìm cách đáp ứng lượng nhu cầu ồ ạt của châu Âu một cách nhanh chóng và rẻ nhất có thể.
Châu Phi đã “nhanh tay” giành thị trường khí đốt châu Âu như thế nào?
Một cảng xuất khẩu LNG của châu Phi

Eni, BP và những công ty độc lập nhỏ hơn như UTM Offshore của Nigeria đang thúc đẩy gia tăng số lượng dự án ở bờ biển phía đông và phía tây của châu Phi.

Vào tháng 11/2022, nhiều kho nổi khí đốt tự nhiên hóa lỏng (FLNG) đã vận chuyển lô hàng khí đốt xuất khẩu đầu tiên của Mozambique. Sắp tới trong tháng 12 này, Cộng hòa Congo sẽ cho xuất khẩu những lô hàng LNG đầu tiên của họ.

Hiện nay, châu Phi xuất khẩu 40 triệu tấn khí đốt/năm. Tập đoàn Năng lượng Toàn cầu Westwood kỳ vọng rằng lục địa này sẽ bổ sung thêm 10,2 triệu tấn công suất mới (thông qua FLNG) vào năm 2027, với nhiều dự án ở Mozambique, Nigeria, Senegal, Mauritania và Cộng hòa Congo.

Ông Luca Vignati - Giám đốc thượng nguồn của Eni, cho Reuters biết: “Chúng tôi tin rằng FLNG sẽ là một công cụ tốt giúp phát triển ngành khí đốt theo cách nhanh hơn và hiệu quả hơn”.

Westwood dự báo, trong 5 năm tới, toàn cầu sẽ đầu tư 13 tỷ USD vào FLNG. Trong đó, châu Phi sẽ chiếm gần 60% tổng công suất FLNG bổ sung, tức 18,3 triệu tấn. Dự kiến sau năm 2027, tổng công suất bổ sung sẽ tăng lên đến 36,5 triệu tấn, còn mức đầu tư sẽ đạt 22 tỷ USD.

Cơ sở FLNG là những tàu có khả năng bơm, hóa lỏng, lưu trữ và xuất khí trực tiếp từ những mỏ khí đốt ngoài khơi. Chúng thay thế những cơ sở hạ tầng rộng lớn và tốn kém mà ngành công nghiệp cần có nhằm xử lý khí đốt trên bờ. Thêm nữa, chúng nằm xa nơi ở của cộng đồng địa phương, của những người bất mãn với việc xây dựng và lắp đặt dự án khí đốt gần nơi sinh sống.

Các nhà khai thác, công ty năng lượng và chủ ngân hàng cho biết: Kể từ khi Shell khánh thành FLNG Prelude, công nghệ FLNG và thời gian thực hiện các công đoạn đã được cải thiện. Điều này đã làm gia tăng số lượng nhu cầu lắp đặt FLNG.

FLNG Prelude là cơ sở khí đốt nổi tiên phong của Shell. Sau một thời gian bị trì hoãn tiến độ, tàu đã chính thức đi vào hoạt động từ năm 2018. Hiện nay, Prelude đang nằm ngoài khơi nước Úc.

Ông Fola Fagbule - Phó chủ tịch cấp cao của Tập đoàn Tài chính châu Phi, nhà tài trợ của nhiều dự án FLNG tại châu Phi, cho biết: “Chi phí xây dựng một FLNG điển hình chỉ bằng một phần chi phí của một chuỗi (sản xuất LNG) truyền thống”.

Thật vậy, theo một nhà phân tích, trong quá trình thực hiện dự án tái sử dụng tàu và lắp ráp thành kho nổi Golar FLNG của Cameroon, nhà thầu dự án tiết kiệm được đến 550 USD/tấn, so với 900 - 1100 USD cho một kho cảng đất liền mới bên bờ Vịnh Mexico.

Khi Nga mở chiến sự đặc biệt tại Ukraine, giá khí đốt đã chạm mức kỷ lục. Dù vậy, xu hướng chuyển dịch năng lượng đã gây ảnh hưởng đến việc đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch. Do đó, châu Phi gặp khó khăn trong việc xuất khẩu khí đốt.

Quá trình chuyển dịch năng lượng cũng làm nhiều nhà đầu tư trở nên thận trọng với những dự án trị giá hàng tỷ USD và chu kỳ đầu tư 20-30 năm. Trong khi đó, dự án FLNG có tiến độ ngắn hơn. Ví dụ, Eni dự định bắt tay vào lắp ráp các FLNG chỉ 4 năm sau khi đầu tư.

Ông Vignati nói với Reuters: “Ta không cần một thời kỳ ổn định kéo dài đến 25 năm để thu về trữ lượng khổng lồ. Ta có thể làm được điều đó chỉ trong 5 hoặc 10 năm, sau đó chuyển sang mỏ tiếp theo. Đây là sự linh hoạt mà chúng tôi mong muốn”.

Châu Phi hiện sở hữu hơn 50% công suất FLNG của thế giới. FLNG cũng không gặp những rào cản về vấn đề an ninh, làm tăng thêm sức hấp dẫn của chúng. Trên thực tế, có nhiều vấn đề an ninh đã làm trì hoãn dự án Total Mozambique LNG trị giá 20 tỷ USD của TotalEnergies, được đặt tại bán đảo Afungi, tỉnh Cabo Delgado, miền bắc Mozambique.

Tại hội nghị năng lượng châu Phi ở Cape Town, ông Gavin Thompson - Phó chủ tịch nghiên cứu tại Wood Mackenzie, nói với Reuters: “Bây giờ châu Phi là tâm điểm… và khu vực này sẽ tiếp tục phát triển. Điều thú vị ở đây, là đó không phải là một quốc gia hay một khu vực duy nhất, mà chúng ta đang nhìn thấy ở cả Đông và Tây Phi. Họ đang cạnh tranh với nhau”.

Chi phí thấp cũng là một điều rất quan trọng. Dữ liệu của Wood Mackenzie cho thấy, tổng chi tiêu vốn đầu nguồn trên khắp châu Phi đang giảm.

Eni đang triển khai hai FLNG (một tàu tái sử dụng và một tàu mới với kích cỡ lớn hơn) đến Cộng hòa Congo. Dự kiến vào năm 2025, tổng công suất khai thác sẽ đạt 3 triệu tấn/năm.

Eni và các đối tác liên doanh của họ sẽ đưa quyết định đầu tư cuối cùng cho dự án FLNG có công suất 3,4 triệu tấn/năm vào tháng 6/2024. Dự án sẽ được đặt lưu vực Rovuma của Mozambique. Đây là dự án thứ hai trong cùng loại.

Cũng tại hội nghị năng lượng châu Phi ở Cape Town, ông Bruno Itoua - Bộ trưởng Bộ Hydrocarbon của Cộng hòa Congo, cho biết nước này sẽ bắt đầu xuất khẩu khí đốt vào tháng 12/2023.

Ông nói: “Đây không chỉ là cơ hội đầu tư mà còn là cơ hội đặc biệt để xây dựng di sản”.

Quyết định xuất khẩu khí đốt của châu Phi mang tính gây tranh cãi cao, vì có khoảng 600 triệu người - một nửa trong số đó là người dân tại lục địa, không được tiếp cận với điện.

Dù vậy, các chính phủ châu Phi (một số đang gặp khủng hoảng nợ) vẫn muốn thu về tiền thuê mỏ và tiền thuế trong lúc giá khí đốt vẫn đang “bốc nhiệt”.

Theo ông Fagbule của AFC, không có gì lạ nếu các chính phủ trích một phần khí đốt từ các cơ sở FLNG nhằm đưa vào tiêu thụ trong nước, nhưng những dự án quy mô lớn nhắm vào thị trường nội địa là những dự án khó tài trợ, do châu Phi có rất ít số lượng khách hàng có khả năng thanh toán.

Ông nói: “Họ nhận thấy nhu cầu về khí đốt tự nhiên trên toàn cầu và họ có thể đáp ứng bằng đường biển. Họ đang cố gắng đạt được điều đó càng sớm càng tốt”.

Ông chủ Gazprom đề cao tầm quan trọng của thị trường khí đốt Trung QuốcÔng chủ Gazprom đề cao tầm quan trọng của thị trường khí đốt Trung Quốc
Qatar cạnh tranh ác liệt với Mỹ để thay thế nguồn cung khí đốt của Nga đến châu ÂuQatar cạnh tranh ác liệt với Mỹ để thay thế nguồn cung khí đốt của Nga đến châu Âu
Dự án xuất khẩu LNG đầu tiên của Canada có thể tái định hình thị trường khí đốt toàn cầuDự án xuất khẩu LNG đầu tiên của Canada có thể tái định hình thị trường khí đốt toàn cầu

Ngọc Duyên

AFP